Thời tiết thay đổi chính là lúc mà trẻ dễ bị mắc các bệnh thông thường như cảm, ho hay viêm họng. Khổ nỗi, những lúc ốm, các bé lại lười ăn uống hơn cả. Nếu không được chú trọng bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, trẻ sẽ lâu phục hồi hơn. Lúc này, các bà mẹ cần hỗ trợ con bằng cách lên ngay một thực đơn phù hợp cho trẻ bị cảm, ho.
Các chuyên gia về nhi khoa đã khuyến cáo rằng, khi trẻ bị cảm, ho thì ngoài việc đưa bé đi khám, cho trẻ dùng thuốc và chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ, các bậc phụ huynh cũng cần phải chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng của con.
Bởi lẽ, khi mắc bệnh, các bé có thể sẽ không có cảm giác ngon miệng, thậm chí là không muốn ăn. Tuy nhiên, việc không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể trẻ chậm phản ứng lại với các tác nhân gây bệnh. Đó cũng là lý do vì sao bạn cần biết đâu là những loại thực phẩm tốt cho con lúc này.
Danh mục những thực phẩm khuyên dùng cho trẻ bị cảm, ho mẹ cần biết
Những loại thức ăn giàu dinh dưỡng, cũng như dễ dàng tiêu hóa là sự lựa chọn tối ưu nhất cho trẻ khi con bị ốm. Dưới đây là một số loại thực phẩm đã được Marry Baby chắt lọc và chia sẻ để bạn thêm vào chế độ ăn của con mình:
1. Sữa mẹ
Với những bé mới sinh hoặc dưới 6 tháng tuổi, nguồn thức ăn chính yếu của con vẫn là sữa mẹ. Khi trẻ bị cảm thì lời khuyên là mẹ nên cho con bú thường xuyên. Bởi lẽ, sữa mẹ là nguồn giàu kháng thể tự nhiên giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ hiệu quả.
Một lưu ý nhỏ là bạn nên kiểm tra xem con mình có đang bị nghẹt mũi hoặc tức ngực hay không? Vì những lý do trên có thể ngăn các bé không thể bú mẹ được hoặc lười bú.
2. Nước lúa mạch
Nước lúa mạch không chỉ được mệnh danh là “thần dược” cho làn da, mà nó còn là phương thuốc tuyệt vời để hạ sốt và giảm ho, là các vấn đề thường gặp khi trẻ bị cảm.
Tuy nhiên, bạn nên biết rằng loại thực phẩm này lại không phù hợp với trẻ dị ứng hoặc không dung nạp gluten. Do đó, bạn cần cẩn trọng hơn nếu trong gia đình có người cũng bị dị ứng loại chất này. Các chuyên gia giải thích rằng, tình trạng dị ứng có thể được di truyền và gây nguy hiểm cho trẻ.
3. Nước cơm hoặc cháo
Những món ăn này được khuyên dùng cho trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên. Trong dân gian, người ta đã xem cháo nóng như là phương thuốc dùng để trị cảm lạnh. Bên cạnh cháo, nước cơm cũng mang lại lợi ích giúp củng cố sức đề kháng cho cơ thể, nhờ vậy mà giúp chống lại bất kỳ loại bệnh nhiễm trùng nào.
4. Món sốt táo
Món sốt táo hay còn được gọi là táo hầm, là một trong những món dễ tiêu hóa và giúp cơ thể bé được bổ sung nước đầy đủ. Chính vì lý do trên mà loại thực phẩm này cực kỳ hữu ích trong trường hợp bé cưng bị ho và cảm lạnh.
5. Khoai lang
Khoai lang vô cùng giàu dinh dưỡng và cũng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Điều này là nhờ vào khả năng kích thích cơ thể sản xuất ra các tế bào bạch cầu. Mách nhỏ là bạn có thể dùng khoai để chế biến thành món cháo hoặc đơn giản chỉ là hấp chín, xay nhuyễn trộn cùng với sữa mẹ và cho trẻ dùng. Lưu ý là món này cũng chỉ nên áp dụng cho trẻ từ 6 tháng mẹ nhé!
6. Cà rốt
Với trẻ bị cảm, ho thì cà rốt tỏ ra rất hữu ích bởi công dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn và virus gây hại. Bạn có thể hấp và nghiền cà rốt để cho bé dùng. Đôi khi có thể đổi món bằng cách xay nhuyễn hoặc làm món súp cà rốt. Để an toàn, tốt nhất các mẹ chỉ nên cho con ăn cà rốt khi được 6 tháng tuổi trở lên.
7. Nước ép lựu
Các chất chống oxy hóa trong nước ép lựu có thể giúp “đẩy lùi” chứng cảm lạnh của con bạn. Hãy đảm bảo rằng trẻ không bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào bạn cho vào hỗn hợp nước ép.
Nếu bé đã lớn và có thể uống được thức uống có vị cay, bạn có thể thêm một chút bột tiêu, bột gừng khô vào nước ép lựu để tăng hiệu quả.
8. Bông cải xanh
Giàu chất chống oxy hóa, bông cải xanh là một lựa chọn tốt để chống nhiễm trùng. Nó cung cấp năng lượng cho hệ thống miễn dịch và phù hợp với trẻ trên tám tháng tuổi. Bạn có thể làm súp bông cải xanh hoặc xay nhuyễn cho bé dùng để mau chóng phục hồi nhanh hơn.
9. Súp cà chua
Có thể nói đây là món ăn chiếm được tình cảm của khá nhiều đối tượng bởi hương vị thơm ngon và tốt cho sức khỏe. Bởi lẽ cà chua rất giàu vitamin C cần thiết để khắc phục chứng cảm, ho ở trẻ. Bạn có thể cho bé dùng khi trẻ được hơn 8 tháng tuổi.
10. Sữa gạo đông hay sữa gạo chua
Gạo sữa đông hay còn gọi là sữa gạo chua là một món ăn bắt nguồn từ Ấn Độ. Món này được khuyên dùng khi trẻ đã được hơn tám tháng tuổi. Bạn có thể cho trẻ ăn loại sữa gạo này bất cứ khi nào con bị ốm và nếu có thể, hãy thêm một chút gia vị như gừng vào.
Trường hợp nếu trẻ bị cảm hoặc ho, bạn hãy đảm bảo phục vụ món ăn này ở nhiệt độ phòng với điều kiện là không được quá lạnh hoặc chua.
11. Sữa nghệ
Công thức làm sữa nghệ rất đơn giản, bạn chỉ cần cho một chút bột nghệ trộn lẫn trong sữa ấm. Loại thức uống này đóng vai trò như một kháng sinh tự nhiên và có thể chữa cảm lạnh cũng như viêm họng cho trẻ từ một tuổi trở lên.
12. Trái cây và rau quả có nhiều vitamin C
Nếu trẻ đang bị cảm lạnh, bạn hãy thử thêm các loại trái cây và rau quả có hàm lượng vitamin C cao trong thực đơn của bé. Điều này sẽ kích thích cơ thể trẻ tăng sản xuất kháng thể và tế bào bạch cầu để chống lại bệnh tật.
13. Súp đậu lăng và tỏi
Cũng giống như nước gạo, món súp đậu lăng và tỏi cũng rất tốt cho sức khỏe của bé, nhất là khi trẻ đang phải vật lộn với cơn ho kéo dài hay những triệu chứng khó chịu của cảm lạnh.
Có thể giải thích rằng, tỏi có đặc tính chống virus đồng thời giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Nhờ vào khả năng này mà tỏi có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng cũng như giúp bé mau chóng khỏe lại hơn.
14. Súp nấm
Nấm là loại thực phẩm có rất nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó nổi tiếng nhất là khả năng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Bạn có thể nấu một bát súp nấm nóng hổi cho con vào những ngày trời trở lạnh. Món ăn này rất phù hợp để giải cảm và giảm ho cho bé, nhất là với những trẻ từ một tuổi trở lên.
Để con mau khỏi bệnh, mẹ cần bỏ túi ngay những loại thực phẩm cần tránh sau
Dù rằng chứng cảm, ho không phải là những tình trạng nghiêm trọng nhưng chúng lại gây phiền phức khá nhiều cho cả bé lẫn bố mẹ, nhất là khi tình trạng này kéo dài và trở nặng hơn. Chính vì thế, để con nhanh khỏi bệnh hơn, các bậc phụ huynh cần nằm lòng những loại thực phẩm cấm kỵ sau đây:
1. Sữa bò
Việc tiêu thụ sữa bò trong khi cảm, ho được cho là làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn. Sữa bò là loại thực phẩm có thể dùng cho trẻ trên một tuổi. Lời khuyên là bạn có thể giảm lượng sữa mà trẻ tiêu thụ hoặc ngừng hẳn nếu bé bị tắc nghẽn trầm trọng. Ngoài ra, bố mẹ có thể cho con dùng các loại sản phẩm từ sữa khác thay thế như phô mai hoặc sử dụng các loại sữa hạt, sữa gạo trong giai đoạn này.
2. Một số loại trái cây và rau quả
Khi con bạn bị nhiễm khuẩn đường hô hấp hay viêm họng, hãy tránh một số loại trái cây như nho, chuối, vải thiều, dưa hấu, cam… để tăng tốc quá trình phục hồi. Điều này được áp dụng cho trẻ em trên sáu tháng tuổi và đã ăn dặm.
Thêm vào đó, dưa chuột, mướp đắng và bí ngô cũng không được khuyến khích cho trẻ em dưới một tuổi, chủ yếu là do tác dụng làm mát của chúng đối với cơ thể. Vì vậy, tránh các loại trái cây và rau củ quả này trong chế độ ăn uống của con bạn nếu trẻ bị cảm lạnh hoặc ho.
3. Đường và kẹo tinh chế
Chế độ ăn quá nhiều đường không thực sự tốt cho bất cứ ai, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, các loại bánh kẹo nhiều đường nên nằm trong danh mục đen khi bé đang bị cảm lạnh hoặc ho.
4. Trái cây và các loại hạt khô
Con bạn có thể gặp phải tình trạng khó nhai hoặc khó nuốt trái cây khô và các loại hạt nếu bé bị cảm hoặc ho. Ngoài ra còn có một nguy cơ khác là những loại đồ ăn này sẽ bị mắc kẹt trong cổ họng của bé nếu trẻ ho khi đang ăn. Vì vậy, tốt nhất là bạn không nên cho trái cây khô và các loại hạt vào thực đơn nếu con đang ốm.
5. Thực phẩm cay và nhiều dầu
Thức ăn cay hoặc quá nhiều dầu mỡ có thể gây kích ứng cổ họng, làm trầm trọng thêm tình trạng ho và cảm ở trẻ. Do đó, mẹ cũng lưu ý phải giữ bé tránh xa những loại thực phẩm này.
Trên đây chỉ là một số gợi ý chung mà bạn có thể tham khảo trong trường hợp trẻ bị cảm hoặc ho. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ biểu hiện khác thường nào như khò khè hoặc đau tai ở trẻ, bạn nên lập tức đưa con đến bệnh viện để kiểm tra ngay. Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý không nên giới thiệu bất kỳ loại thức ăn mới nào khi con đang ốm. Nếu có bất cứ điều gì chưa chắc chắn, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nhé!
MarryBaby