Bệnh vẩy nến da đầu là gì?
Bệnh vẩy nến da đầu là một rối loạn da thường gặp khiến da đầu hình thành các mảng đỏ, đóng vảy. Tình trạng này có thể xuất hiện trên toàn bộ da đầu, kéo dài xuống trán và ra sau cổ, phía sau tai và trong lỗ tai.
Bệnh vảy nến da đầu có lây không?
Bạn không thể bị lây vảy nến qua tiếp xúc da với người khác, nhưng bệnh vảy nến có tính di truyền và nhiều người trong một nhà có thể cùng bị bệnh.
Ngoài ra, những người bị béo phì, nhạy cảm với gluten cũng dễ bị vảy nến.
Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến da đầu
Vảy nến là một rối loạn tự miễn dịch khiến cho tế bào da sinh trưởng nhanh gấp 10 lần bình thường.
Thông thường, tế bào mới trên da đầu phải mất vài tuần mới hình thành. Nhưng với vảy nến, tế bào chỉ vài ngày là hình thành rồi lại chết đi khiến cho cơ thể không thể loại bỏ hết tế bào dư thừa. Tế bào da tích tụ trên bề mặt da đầu, hình thành mảng vảy sần sùi.
Vảy nến da đầu thường xuất hiện ở độ tuổi 20. Một số người chỉ bị nhẹ và thậm chí nhìn qua có thể không phát hiện ra.
Ngược lại, một số khác bị từng mảng dày, các vết loét đóng vảy cứng đầu không lặn.
Hiếm có ai chỉ bị ở da đầu mà lại không xuất hiện vảy nến ở những chỗ da khác. Những mảng này có thể hết nhưng lại tái xuất hiện suốt cuộc đời, khiến bạn ngứa ngáy khó ngủ và bất tiện trong sinh hoạt, làm việc. Gãi ngứa nhiều còn dẫn đến nhiễm trùng da và rụng tóc.
Tình trạng bệnh có thể nặng hơn ở những người:
- Bị thương ở da như bỏng, bầm, cắt
- Bị viêm họng hạt
- Bị căng thẳng do bệnh tật
- Người đang dùng các loại thuốc như Indomethacin trị viêm khớp, Quinidine trị bệnh tim.
Cơ địa dị ứng và thời tiết cũng có thể khiến bệnh nặng hơn, nhưng chưa có nhiều bằng chứng về việc này.
Dấu hiệu bệnh vảy nến da đầu
Trường hợp bệnh nhẹ thì da đầu chỉ đóng vảy mỏng, ít. Trường hợp bệnh nặng bao gồm:
- Các mảng đỏ sần sùi, đóng vảy màu trắng bạc dày
- Da đầu tróc nhìn như gàu
- Da đầu khô, ngứa ngáy
- Cảm giác đau, bỏng rát
- Rụng tóc
Tự vảy nến không gây rụng tóc nhưng gãi quá nhiều, cào vảy, thuốc điều trị quá mạnh và sự căng thẳng do bệnh tình có thể dẫn tới rụng tóc tạm thời. Khi da đầu sạch rồi thì tóc sẽ mọc trở lại.
Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng trên thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu. Thông qua kiểm tra sinh thiết da, bác sĩ có thể loại bỏ các căn bệnh tương tự như viêm da tiết bã, và xác nhận đây có phải vảy nến hay không.
Cách chữa bệnh vẩy nến da đầu tại nhà
Phương án điều trị đầu tiên là các loại dầu gội trị vảy nến, kem hoặc gel bôi da, xà bông tắm đặc trị, dầu dưỡng, kem dưỡng thể, thuốc mỡ theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu mua thuốc hay dầu gội ngoài tiệm thuốc thì có 2 loại trị vảy nến được FDA chứng nhận là:
- Axit salicylic
- Coal tar (nhựa than đá, một thành phần dược liệu trị khô da, giảm ngứa, kích ứng do bệnh vảy nến gây ra)
Thuốc kê toa trị vảy nến cũng có thể chứa 2 thành phần này nhưng liều cao hơn. Ngoài ra còn có:
- Anthralin: một loại thuốc thường dùng trị vảy nến
- Thuốc kháng khuẩn: dùng điều trị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm xuất hiện kèm với vảy nến da đầu (bội nhiễm)
- Calcipotriene: một nhánh mạnh hơn của vitamin D
- Calcipotriene kết hợp với betamethasone (một loại steroid mạnh)
- Các loại steroid khác
- Tazarotene, một nhánh của vitamin A
Những loại thuốc này phải được thoa trực tiếp lên da đầu, không phải lên tóc. Việc điều trị có thể kéo dài 8 tuần hoặc hơn. Sau khi da đầu đã sạch sẽ, bạn hãy tiếp tục dùng dầu gội thuốc thường xuyên hoặc 2 lần/tuần để ngăn vảy nến quay trở lại.
Cách trị bệnh vẩy nến da đầu tại cơ sở y tế
Nếu bạn bị vảy nến thể nhẹ hoặc xuất hiện rải rác nhiều nơi trên cơ thể, bác sĩ có thể tiêm steroid trực tiếp vào các vùng này.
Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau khi dùng dầu gội và kem bôi, bác sĩ có thể chiếu tia laser hoặc ánh sáng non-laser cường độ cao lên vùng da bị bệnh.
Một chiếc lược chiếu tia cực tím cũng có thể dùng để trị toàn bộ da đầu. Nếu tóc bạn rất mỏng hoặc không có tóc, bác sĩ có thể khuyến khích bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong một khoảng thời gian ngắn để trị bệnh.
Điều trị vảy nến da đầu thể nặng
Nếu bị bệnh từ trung bình dến nặng, bác sĩ có thể kê thuốc đường uống hoặc tiêm thuốc vào tĩnh mạch. Các thuốc đường uống bao gồm:
- Corticosteroids
- Cyclosporine (Sandimmune)
- Methotrexate (Rheumatrex)
- Soriatane (vitamin A dạng mạnh)
- Apremilast (Otezla): một chất ức chế phân tử uống 2 lần/ngày
Vì các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm hại gan, nên cần phải được bác sĩ theo dõi và chỉ định. Các loại vitamin kê toa cũng có tác dụng mạnh hơn loại thông thường.
[inline_article id=248980]
Các loại thuốc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch sẽ ngăn ngừa da sản xuất quá nhiều tế bào. Có 11 loại được FDA chứng nhận bao gồm:
- Adalimumab (Humira)
- Brodalumab (Siliq)
- Certolizumab peg (Cimzia)
- Etanercept (Enbrel)
- Guselkumab (Tremfya)
- Infliximab (Remicade)
- Ixekizumab (Talz)
- Risankizumab-rzaa (Skyrizi)
- Secukinumab (Cosentyx)
- Tildrakizumab-asmn (Ilumya)
- Ustekinumab (Stelara)
Một số giải pháp thiên nhiên giúp giảm nhẹ triệu chứng của vảy nến da đầu
Những giải pháp này đã được Hiệp hội Vảy nến Quốc gia Hoa Kỳ chấp thuận, tuy nhiên bạn vẫn cần tham khảo với bác sĩ điều trị trực tiếp. Việc áp dụng các giải pháp này không nên chồng chéo với thuốc do bác sĩ kê toa.
- Giấm táo: Bạn thoa giấm táo hữu cơ lên da đầu để giảm ngứa. Nhớ pha loãng trước khi dùng, hoặc gội đầu sau khi giấm táo đã khô. Không dùng trên vết thương hở.
- Lô hội: Thoa gel hoặc kem chứa 0,5% lô hội có thể giúp da giảm tấy đỏ và bong tróc.
- Nghệ: Hãy cho nghệ vào thực phẩm chế biến, uống dạng viên nén hoặc thoa kem nghệ có thể giảm triệu chứng của vảy nến.
- Muối Biển Chết: Thêm muối này vào nước ấm để tắm có thể giúp giảm ngứa ngáy và bong tróc, nhưng sau đó bạn phải thoa chất dưỡng ẩm.
Bệnh vảy nến da đầu có chữa khỏi được không?
Bệnh vảy nến da đầu không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp giảm triệu chứng và ngăn bệnh trở lại. Bệnh nhân tuân theo gợi ý điều trị của bác sĩ hiếm khi nào bị vảy nến da đầu kéo dài. Vì thế, bạn hãy lạc quan và đừng quá căng thẳng nhé.
Xuân Thảo