Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Triệu chứng và bệnh phổ biến

Tại sao trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm ban đêm và mẹ phải làm gì? Cập nhật ngay!

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đêm ngủ ra nhiều mồ hôi. Ngoài ra mồ hôi trộm có thể gây ảnh hưởng đến con trẻ. Nếu mẹ đang tìm cách giải quyết triệt để đổ mồ hôi trộm ban đêm, mẹ cùng MarryBaby tìm hiểu ngay đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh để có cách giải quyết tốt nhất cho con yêu nhé!

Hiểu về tình trạng đổ mồ hôi trộm ban đêm ở trẻ em

1. Đổ mồ hôi trộm ban đêm ở trẻ sơ sinh là gì?

Nhiều trẻ sơ sinh có cơ thể bình thường, khô ráo vào ban ngày nhưng lại ướt đẫm mồ hôi vào ban đêm. Đặc biệt là khi bé yêu đã chìm vào giấc ngủ thật say. Đây chính là tình trạng đổ mồ hôi trộm; và diễn ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ; đặc biệt là các bé sơ sinh.

Tình trạng đổ mồ hôi trộm vào ban đêm có thể được phân thành hai loại:

  • Đổ mồ hôi trộm cục bộ: Trẻ đổ mồ hôi trộm rất nhiều nhưng chỉ tập trung ở một số khu vực, cụ thể như toàn bộ đầu, mặt và cổ hoặc lưng, háng, mông… Bạn có thể thấy mồ hôi làm ướt đẫm gối hoặc vùng nệm tiếp xúc với lưng của bé trong khi các vị trí khác đều khô ráo.
  • Đổ mồ hôi trộm toàn diện: Đây là hiện tượng con đổ nhiều mồ hôi trên toàn bộ cơ thể. Quần áo bé đang mặc, khăn trải giường và gối mà bé yêu đang nằm đều ướt đẫm mồ hôi.

>> Nhiều mẹ cũng lăn tăn Trẻ ra nhiều mồ hôi sau sốt có đáng lo không? Tìm hiểu ngay mẹ nhé!

2. Các triệu chứng đổ mồ hôi trộm ban đêm ở trẻ em

Cùng với việc đổ mồ hôi trộm, bé yêu còn có một trong số các triệu chứng sau:

  • Đỏ bừng mặt hoặc toàn thân
  • Bàn tay hoặc cơ thể có nhiệt độ cao trên 38 độ C
  • Rùng mình
  • Da sần sùi (do ướt đẫm mồ hôi)
  • Gắt gỏng
  • Khóc nửa đêm kèm mồ hôi nhễ nhại
  • Buồn ngủ vào ban ngày vì giấc ngủ ban đêm bị xáo trộn do đổ mồ hôi trộm quá nhiều

Nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm ban đêm ở trẻ em

Nguyên nhân khiến trẻ đêm ngủ ra nhiều mồ hôi có thể được chia thành các loại sau đây:

1. Đổ mồ hôi trộm sinh lý (không có lý do) hoặc do môi trường

Do mồ hôi trộm sinh lý (không có lý do)

Có thể mẹ sẽ thắc mắc mồ hôi trộm sinh lý là gì? Đó chỉ đơn giản là tình trạng cơ thể tự đổ mồ hôi khi nóng bức. Trẻ sơ sinh tiết nhiều mồ hôi trộm sinh lý vì cơ thể vẫn chưa học được cách cân bằng nhiệt độ thành thạo như ở người lớn. Điều này có thể dẫn đến đổ mồ hôi trộm vào ban đêm mà không có nguyên nhân nào.

Đây chỉ là phản ứng của cơ thể để bé thích nghi dần với môi trường mà thôi, mẹ đừng lo lắng quái. Tuy vậy, tình trạng này khiến mẹ xót con vì bé sẽ quấy khóc, khó chịu khi ngủ do vùng lưng, bụng háng ẩm ướt.

Do môi trường

Quấn chăn hay ủ ấm bé quá kỹ trong khi ngủ hoặc trong phòng quá ấm có thể khiến trẻ đổ mồ hôi trộm vào ban đêm trầm trọng hơn tùy vào cơ địa của từng bé. Có bé đổ mồ hôi trộm ở nhiệt độ 27 độ C nhưng cũng có bé đổ mồ hôi ở mức cao hoặc thấp hơn con số nhiệt độ này.

Do vậy, khi mức chịu đựng vượt quá ngưỡng, bé đều có thể đổ mồ hôi trộm. Ngoài ra, việc mẹ ủ ấm bé quá mức cũng có thể khiến bé lâm vào tình trạng này.

đổ mồ hôi trộm ban đêm

Di truyền

Đôi khi trẻ bị đổ mồ hôi trộm do di truyền. Nếu cha, mẹ bị đổ mồ hôi trộm, yếu tố di truyền này cũng có thể được truyền sang cho con.

2. Đổ mồ hôi trộm thứ phát vì lý do sức khỏe

Thiếu vitamin D: Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi xương của trẻ đang được phát triển mạnh, nếu bị thiếu vitamin D cũng sẽ dẫn tới trẻ đổ mồ hôi trộm nhiều.

Chứng tăng tiết mồ hôi: hội chứng này thường hay gặp ở người lớn với biểu hiện đổ mồ hôi nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em

Bệnh tim bẩm sinh, bệnh thiếu máu: là những bệnh lý làm tăng hoạt động của hệ hô hấp tuần hoàn để máu cung cấp đủ Oxy và chất dinh dưỡng cho mô và cơ quan, vì vậy làm tăng sinh nhiệt ở trẻ dẫn tới hiện tượng đổ mồ hôi trộm.

Chứng ngưng thở khi ngủ: Những trẻ sinh non có thể gặp phải chứng ngưng thở khi ngủ. Hiện tượng này có thể kéo dài trong khoảng 20 giây, khi đó da bé tái nhợt kèm theo tiếng thở khò khè và cơ thể bé tiết ra nhiều mồ hôi.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh SIDS: Phòng ngủ quá bí, không khí ngột ngạt khiến bé ngủ li bì, ra mồ hôi trộm nhiều và sẽ có thể dẫn tới hội chứng đột tử SIDS.

Mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus: sau sốt nhiễm khuẩn hoặc sốt virus trẻ thường vã mồ hôi để điều hòa lại thân nhiệt của mình. Các bệnh lý nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus đều làm tăng chuyển hóa cơ bản của trẻ vì vậy trẻ thường hay bị đổ mồ hôi trộm trong những trường hợp này.

>> Mẹ có thể muốn xem thêm Trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng, ít nguy hiểm nhưng mẹ cần đề phòng

Cách khắc phục trẻ đổ mồ hôi trộm vào ban đêm cực dễ

Đêm ngủ ra nhiều mồ hôi là bình thường đối với nhiều trẻ em, đặc biệt là các bé trai nên bé yêu của bạn rất có thể không cần điều trị gì cả đối với tình trạng trẻ đổ mồ hôi trộm nhiều vào ban đêm do sinh lý. Tuy nhiên, để bé dễ chịu hơn khi đêm ngủ ra nhiều mồ hôi; mẹ có thể áp dụng các cách khắc phục sau.

1. Lưu tâm về môi trường ngủ của bé

Điều chỉnh nhiệt độ phòng cho con ở mức 26-27 độ C. Đây là nhiệt độ được cho là thích hợp để giúp bé yêu không phải khó chịu vì tình trạng người ướt rít, gắt gỏng vì đổ nhiều mồ hôi.

2. Lựa chọn quần áo thoáng, có vải mềm mại

Thêm vào đó, mẹ hãy cho bé yêu mặc đồ ngủ thoáng khí, nhẹ; đặc biệt là thấm hút mồ hôi tốt. Drap giường cũng nên là loại làm từ chất liệu cotton dễ thấm hút và thoát hơi.

>> Mẹ xem thêm Đồ dùng cho trẻ bị đổ mồ hôi trộm và cách chăm sóc thường ngày

3. Sử dụng loại tã phù hợp với trẻ

Mẹ chọn cho con quần áo, đồ dùng mềm mại như thế nào thì đối với tã; độ mềm mại còn phải được chú trọng hơn nữa. Lý do là vì tã tiếp xúc trực tiếp với da bé yêu cả ngày và cần có tính năng thấm mồ hôi hiệu quả ở lưng, bụng và phải luôn khô thoáng. Từ đó, bé sẽ có cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều.

Ngoài ra, đối với tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh do cảm lạnh thì có thể sẽ biến mất sau khi con hết cảm. Việc điều trị các tình trạng sức khỏe khác như hen suyễn và dị ứng… cũng có thể giúp kiểm soát chứng đêm ngủ ra nhiều mồ hôi ở một số trẻ.

>> Mẹ tham khảo thêm Trẻ ra mồ hôi trộm: 5 mẹo đơn giản mẹ nên biết

Với bài viết này, chắc hẳn mẹ đã rõ hơn về tình trạng đổ mồ hôi trộm vào ban đêm của trẻ; từ nguyên nhân cho tới cách khắc phục rồi phải không nào! Hãy áp dụng ngay để con có giấc ngủ ngon lành bảo đảm cho quá trình phát triển thuận lợi; mẹ nhé!