Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX, khi nào thì không cần phẫu thuật?

Vậy trường hợp nào chị em có thể điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX? Hãy cùng MarryBaby tìm hiểu các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung nói chung và phương pháp điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX nói riêng để có cái nhìn toàn diện hơn về cách chữa thai ngoài tử cung từ bác sĩ.

Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung (ectopic pregnancy) là tình trạng thai làm tổ ở vị trí bên ngoài buồng tử cung. Các vị trí này có thể là: đoạn bóng, đoạn eo, đoạn loa, đoạn kẽ của vòi trứng, ít gặp hơn như buồng trứng, cổ tử cung, dây chằng rộng hay thậm chí là ổ bụng.

Vì sự làm tổ bất thường, thai ngoài tử cung thường có nguy cơ vỡ và chảy máu bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm tới tính mạng của mẹ. Vì vậy, thai ngoài tử cung hoàn toàn không thể giữ được, mà cần phải điều trị để tránh nguy hiểm. Hiện nay có các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung mà các chuyên gia có thể áp dụng, việc lựa chọn sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

1. Theo dõi sự thoái triển tự nhiên

Khoảng 80% các thai ngoài tử cung nhỏ < 2cm, có chỉ số beta HCG ≤ 1000 mUI/mL sẽ tự thoái triển mà không vỡ vào ổ bụng gây chảy máu. Tuy nhiên việc lựa chọn phương pháp điều trị này sẽ cần thõa mãn nhiều điều kiện đồng thời nữa. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ theo dõi sát tình trạng của các mẹ mà chưa cần can thiệp sâu hơn. Nếu có những chuyển biến không thuận lợi, bác sĩ sẽ can thiệp ngay bằng các phương pháp khác.

2. Điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc MTX

Thuốc được sử dụng trong điều trị thai ngoài tử cung bằng phương pháp nội khoa không cần phẫu thuật là Methotrexate (MTX). Thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển của khối thai ngoài tử cung, khiến khối thai thoái triển và cuối cùng là bị đào thải ra ngoài. So với các loại phẫu thuật ngoại khoa thì điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX nhẹ nhàng hơn cho các mẹ, tuy nhiên chỉ thực hiện trong một số trường hợp thỏa điều kiện.

3. Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật nội soi hiện nay đang được áp dụng rộng rãi trong việc xử trí ngoại khoa thai ngoài tử cung. Phương pháp này vừa có thể giúp chẩn đoán thai ngoài tử cung vừa giúp can thiệp điều trị. Bác sĩ sẽ nội soi phẫu thuật bảo tồn vòi trứng trong những trường hợp mẹ vẫn mong con, có nhu cầu sinh con. Trong những trường hợp không còn nhu cầu sinh hoặc không thể bảo tồn, bác sĩ sẽ nội soi cắt vòi trứng.

các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung - điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX

4. Phẫu thuật mổ mở

Mổ mở thường áp dụng cho trường hợp thai ngoài tử cung vỡ, chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, cần giải quyết nhanh khối thai để cầm máu tức thời. Mổ mở cũng là phương pháp hữu hiệu trong trường hợp có chống chỉ định phẫu thuật nội soi hoặc nội soi thất bại như bệnh nhân có dính trong ổ bụng nhiều do tiền sử mổ trước đó hay nhiễm trùng hoặc lạc nội mạc tử cung dính.

>>> Bạn có thể quan tâm: 10 dấu hiệu mang thai ngoài tử cung sớm nhất

Điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX

Không phải trường hợp nào cũng có thể điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX. Hãy cùng tìm hiểu khi nào thì có thể dùng MTX cùng những những ưu và nhược điểm của phương pháp điều trị này.

1. Trường hợp nào có thể điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX mà không cần phẫu thuật?

Phương pháp này sử dụng khi thỏa đồng thời tất cả các điều kiện sau:

  • Huyết động học ổn định, tức đang không có tình trạng chảy máu
  • Thai ngoài tử cung chưa vỡ
  • Kích thước khối thai < 3.5 cm và không có tim thai
  • Xét nghiệm beta HCG huyết thanh < 5000 mUI/mL
  • Bệnh nhân mong muốn điều trị nội khoa

Trước khi bắt đầu tiêm Methothrexate, mẹ sẽ được làm xét nghiệm beta HCG huyết thanh, công thức máu, chức năng gan, thận để theo dõi diễn biến điều trị, cũng như để xem mẹ có các chống chỉ định dùng thuốc không.

[inline_article id=274759]

2. Ưu điểm của phương pháp điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX

  • Tỉ lệ thành công cao
  • Tránh được phẫu thuật cũng như các tai biến của thuốc mê
  • Bảo tồn được vòi trứng
  • Có thể theo dõi điều trị ngoại trú

3. Nhược điểm của phương pháp điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX 

  • Thời gian theo dõi dài (2-6 tuần), một số trường hợp thất bại điều trị (chiếm tỉ lệ 15%), bệnh nhân cần sử dụng thêm một liều khác (tối đa 3 liều) đối với phác đồ liều đơn. Ngoài ra bệnh nhân có thể được sử dụng phác đồ liều đôi hoặc đa liều.
  • Một số tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, nôn, chóng mặt, loét miệng, viêm dạ dày, tăng men gan, viêm phổi….
  • Cần ngừa thai sau điều trị, tối thiểu 3 tháng
  • Bệnh nhân cần tái khám theo dõi nồng độ beta HCG cho đến khi âm tính

4. Tác dụng phụ của khi điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX

tác dụng phụ của điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX
Một trong những tác dụng phụ của điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX là mệt mỏi

Khi điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX, mẹ có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Mệt mỏi, ăn không ngon miệng
  • Tiêu chảy
  • Loét miệng
  • Nôn, buồn nôn
  • Rụng tóc
  • Thay đổi thị lực
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng
  • Hiếm gặp: Suy gan, suy thận, suy tủy, viêm phổi

5. Cần kiêng những gì trong quá trình điều trị?

Trong quá trình điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX, mẹ cần lưu ý:

  • Kiêng quan hệ vợ chồng và các hoạt động mạnh cho tới khi điều trị xong vì nguy cơ vỡ khối thai.
  • Sử dụng biện pháp tránh thai trong ít nhất 3 tháng, trao đổi với bác sĩ khi đang có kế hoạch mang thai.
  • Không sử dụng các loại viên uống vitamin hay các thực phẩm giàu axit folic, do làm giảm hiệu quả của thuốc trừ khi được bác sĩ chỉ định.
  • Không dùng thuốc kháng viêm như aspirin hoặc nhóm kháng viêm NSAIDS (ibuprofen) do tương tác thuốc với MTX.
  • Không uống rượu do rượu làm tăng tác dụng không mong muốn của MTX.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong vòng 2-3 ngày đầu điều trị do thuốc khiến mẹ tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời làm da bạn sạm đi.

[inline_article id= 279308]

Hi vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các mẹ. Hãy tiếp tục đồng hành, theo dõi các bài viết mới trên MarryBaby các mẹ nhé!

Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Tái khám sau mổ thai ngoài tử cung, cần thiết lắm không được bỏ qua

Vậy cụ thể tái khám sau mổ thai ngoài tử cung như thế nào và việc này cần thiết như thế nào? Trước hết mẹ cần tìm hiểu các phương pháp phẫu thuật thai ngoài tủ cung vì mỗi phương pháp sẽ có cách tái khám trong khoảng thời gian khác nhau.

Các phương pháp phẫu thuật thai ngoài tử cung

Cùng với các phương pháp theo dõi sự thoái triển tự nhiên của khối thai ngoài tử cung và điều bằng trị thuốc Methotrexate (MTX) thì phẫu thuật là phương pháp hiệu quả để điều trị thai ngoài tử cung. Khi phẫu thuật, tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ quyết định cắt vòi trứng toàn phần hay xẻ vòi trứng bảo tồn.

1. Cắt vòi trứng toàn phần

Cắt vòi trứng toàn phần là can thiệp triệt để. Phẫu thuật này được thực hiện cho các trường hợp sau:

  • Tổn thương nặng vòi trứng
  • Thai ngoài tử cung vỡ
  • Thai ngoài tử cung tái phát ở vòi trứng cùng bên
  • Khối thai ngoài tử cung to > 5 cm
  • Mẹ không còn có dự định có thai trong tương lai

2. Xẻ vòi trứng bảo tồn

Xẻ vòi trứng bảo tồn được lựa chọn hay được nghĩ đến trong trường hợp mẹ còn mong con trong tương lai. Tuy nhiên, việc thực hiện phẫu thuật bảo tồn ống dẫn trứng không đảm bảo 100% chức năng vòi trứng còn bình thường để có thai trong tương lai. Khả năng này còn lệ thuộc vào mức độ tổn thương của ống dẫn trứng, về cơ bản là chức năng vòi trứng đó đã giảm ít nhiều.

>>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thai ngoài tử cung có giữ được không? Đây là những thông tin các chị em nên nắm rõ

Tái khám sau mổ thai ngoài tử cung như thế nào?

1. Tại sao cần tái khám sau mổ thai ngoài tử cung

Không phải cứ phẫu thuật thai ngoài tử cung xong là đã hoàn tất điều trị. Quá trình điều trị còn là sự theo dõi sau đó. Bởi các biến chứng do thai ngoài tử cung gây ra có thể vẫn còn đeo đuổi mẹ. Vì vậy tái khám sau mổ thai ngoài tử cung là thực sự cần thiết.

2. Thời gian tái khám

thời gian tái khám sau mổ thai ngoài tử cung
Thời gian tái khám sau mổ thai ngoài tử cung

Thời gian hẹn tái khám sau mổ thai ngoài tử cung là một lần hay nhiều lần, tần suất dày hay thưa còn tùy thuộc vào địa điểm mà mẹ lựa chọn tái khám và tùy từng trường hợp cụ thể. Nhưng thông thường, lịch hẹn tái khám mổ thai ngoài tử cung dao động 1-2 tuần đến 1 tháng tuỳ đánh giá của bác sĩ phẫu thuật viên và theo dõi hậu phẫu.

3. Tái khám sau mổ thai ngoài tử cung ở đâu?

Tốt nhất mẹ nên tái khám ở địa điểm đã thực hiện phẫu thuật mổ thai ngoài tử cung cho mình. Bởi vì bác sĩ nơi đây sẽ lưu giữ hồ sơ, tình hình sức khỏe của mẹ ở đợt trước, trong và sau khi mổ, từ đó có thể theo dõi sát sao, kĩ lưỡng hơn. Trong những trường hợp không thuận tiện phải tái khám bệnh viện khác, mẹ cần mang theo đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ phẫu thuật để bệnh viện có thể nắm tình hình của mẹ và có hướng xử trí phù hợp.

>>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Chi phí điều trị thai ngoài tử cung có đắt không?

4. Tái khám làm những gì?

Khi tái khám sau mổ thai ngoài tử cung, mẹ sẽ được theo dõi:

  • Khám đánh giá tổng trạng của mẹ, xem xét các biến chứng thiếu máu, nhiễm trùng sau phẫu thuật…
  • Kiểm tra sự lành của vết mổ
  • Định lượng và theo dõi nồng độ beta HCG (nếu cần thiết)
  • Siêu âm đánh giá ổ bụng sau phẫu thuật
  • Tư vấn kế hoạch hóa gia đình, tránh thai hiệu quả theo nguyện vọng
  • Tư vấn về sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng

Từ sau mổ thai ngoài tử cung cho tới lúc tái khám, mẹ cần lưu ý những gì?

trước tái khám sau mổ lấy thai ngoài tử cung, cần có chế độ ăn lành mạnh
Trước tái khám sau mổ thai ngoài tử cung, cần có chế độ ăn lành mạnh

Ngoài việc quan tâm tới tái khám sau mổ thai ngoài tử cung, mẹ cũng cần lưu ý sau mổ cần nên:

  • Không lao động quá sức hoặc tham gia các hoạt động thể lực trong vòng 6 đến 8 tuần.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc, tránh suy nghĩ quá nhiều về việc mổ lấy thai ngoài tử cung.
  • Bên cạnh các nguồn thực phẩm chính như thịt, cá, trứng, mẹ nên bổ sung hoa quả và rau xanh vào thực đơn hàng ngày.
  • Uống thêm viên sắt phòng ngừa và điều trị thiếu máu.
  • Tuyệt đối không uống rượu, bia và không sử dụng chất kích thích.
  • Xin nhắc lại, không quan hệ vợ chồng khi vết thương chưa hồi phục hoàn toàn.
  • Tuân thủ chỉ định dùng thuốc điều trị của bác sĩ, không tự ý mua thuốc và sử dụng.
  • Nếu xảy ra biến chứng như nhiễm trùng vết mổ cần đến bệnh viện ngay lập tức.

[inline_article id= 300537]

Hi vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về việc tái khám sau mổ thai ngoài tử cung cho các mẹ. Hãy tiếp tục đồng hành, theo dõi các bài viết mới trên MarryBaby các mẹ nhé!