Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Dấu hiệu dọa sinh non: Mẹ bầu cần cẩn trọng nếu không muốn nguy hiểm cho con!

Nếu đang muốn biết dấu hiệu dọa sinh non là thế nào, bạn hãy cùng MarryBaby tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.

Dấu hiệu dọa sinh non hiểu sao cho đúng?

dấu hiệu dọa sinh non là một khái niệm mơ hồ
Dấu hiệu dọa sinh non là một khái niệm mơ hồ

Khái niệm dọa sinh non là một khái niệm mơ hồ, gây sai lệch trong quyết định quản lý (theo thông tin tham khảo từ tài liệu Nhận biết, phòng tránh và quản lý chuyển dạ sanh non từ Giảng viên bộ môn Phụ Sản, khoa Y, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.)

Bởi vì, không phải thai phụ nào có cơn co tử cung đều là sự chuyển dạ. Có một phần lớn thai phụ đến bệnh viện vì có những dấu hiệu “giống như chuyển dạ sinh non” nhưng thực sự không phải là chuyển dạ sinh non. Và thuật ngữ “dọa sinh non” thường được dùng trong những tình huống này.

Tuy nhiên, khi dùng thuật ngữ dấu hiệu dọa sinh non sẽ khiến người ta đánh đồng chuyển dạ sinh non và không có chuyển dạ sinh non. Điều này dẫn đến hai kiểu hệ quả quan trọng.

  • Thứ nhất, là sự lạm dụng các can thiệp không cần thiết; thậm chí là nguy hiểm cho những trường hợp không cần can thiệp.
  • Ở thái cực ngược lại, là can thiệp không đúng mức cho một trường hợp phải can thiệp hiệu quả.

Vì thế, cần phải có các công cụ giúp lượng giá nguy cơ sẽ sinh non để có một thái độ quản lý thích hợp. Với những bất thường trên lâm sàng, bác sĩ có thể phải thăm khám, làm thêm siêu âm, xét nghiệm để tiên đoán nguy cơ sinh non và có cách quản lí thích hợp.

>> Bạn có thể xem thêm: Sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn cho em bé? Mẹ bầu cần phải biết!

Sinh non ảnh hưởng xấu như thế nào đến em bé?

Em bé sinh ra càng sớm thì nguy cơ biến chứng càng cao. Bên cạnh dấu hiệu dọa sinh non, bạn cũng nên tìm hiểu thêm các biến chứng sinh non dưới đây.

1. Biến chứng ngắn hạn

  • Vấn đề tim mạch: Các vấn đề về tim phổ biến nhất mà trẻ sinh non gặp phải là còn ống động mạch (PDA). Trẻ cũng có thể bị huyết áp thấp (hạ huyết áp).
  • Các vấn đề về hô hấp: Trẻ sinh non có thể khó thở do hệ hô hấp chưa trưởng thành. Trẻ cũng có thể mắc chứng rối loạn phổi (chứng loạn sản phế quản phổi). Ngoài ra, một số trẻ sinh non có thể bị ngừng thở kéo dài, cơn thở nhanh thoáng qua, suy hô hấp….
  • Các vấn đề về não: Em bé được sinh ra càng sớm thì nguy cơ xuất huyết não càng cao, phần vì chưa trưởng thành, phần vì dễ chịu thêm các ảnh hưởng xấu như vàng da sơ sinh, nhiễm trùng sơ sinh sớm, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt…
  • Vấn đề kiểm soát nhiệt độ: Trẻ sinh non có thể mất nhiệt cơ thể nhanh chóng do không có lượng mỡ dự trữ trong cơ thể nên không thể tạo ra đủ nhiệt để chống lại những gì đã mất đi qua bề mặt cơ thể. Nếu nhiệt độ cơ thể xuống quá thấp có thể dẫn đến nhiệt độ trung tâm cơ thể thấp bất thường (hạ thân nhiệt).
Ngoài dấu hiệu dọa sinh non, em bé sinh non có thể gặp nhiều biến chứng
Ngoài dấu hiệu dọa sinh non, em bé sinh non có thể gặp nhiều biến chứng

2. Biến chứng dài hạn

  • Các vấn đề về hành vi và tâm lý: Trẻ sinh non có thể mắc một số vấn đề về hành vi hoặc tâm lý, chậm phát triển hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
  • Các vấn đề về thính giác: Trẻ sinh non có nguy cơ bị mất thính lực ở một mức độ nào đó. Tất cả các bé sẽ được kiểm tra thính giác trước khi về nhà.
  • Vấn đề nha khoa: Trẻ sinh non bị bệnh nặng có nguy cơ cao mắc các vấn đề về răng miệng như mọc răng chậm, đổi màu răng và răng mọc không đúng cách.
  • Suy giảm khả năng học tập: Trẻ sinh non có nhiều khả năng bị tụt lại phía sau so với các trẻ sinh đủ tháng ở các mốc phát triển khác nhau. Khi đến tuổi đi học, trẻ sinh non có nhiều khả năng bị khuyết tật học tập hơn.
  • Bại não: Là hội chứng một rối loạn vận động, trương lực cơ, tư thế, hành vi, tinh thần, giác quan…có thể do nhiễm trùng, lưu lượng máu không đủ hoặc tổn thương não đang phát triển của trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu của thai kỳ hoặc khi trẻ còn nhỏ và chưa trưởng thành.
  • Các vấn đề về tầm nhìn: Trẻ sinh non có thể mắc bệnh võng mạc do sinh non. Đôi khi các mạch võng mạc bất thường dần dần làm sẹo võng mạc, kéo nó ra khỏi vị trí được gọi là bong võng mạc có thể làm suy giảm thị lực và gây mù lòa.
  • Các vấn đề sức khỏe mãn tính: Trẻ sinh non có nhiều khả năng mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính như nhiễm trùng, hen suyễn và các vấn đề về ăn uống có nhiều khả năng phát triển hoặc kéo dài. Trẻ sinh non cũng có nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) cao hơn.

Biện pháp ngăn ngừa sinh non

1. Theo chỉ định từ bác sĩ

Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp điều trị dự phòng khi có nguy cơ cao sinh non gồm:

  • Progesterone: Hormone này có thể được tiêm hoặc đặt vào âm đạo.
  • Khâu vòng cổ tử cung: Bác sĩ sẽ dùng 1 loại chỉ lớn bản rộng để khâu vòng quanh cổ tử cung giống như cột miệng của một chiếc túi lại, thủ thuật này có thể thực hiện từ rất sớm khoảng đầu quý 2 thai kỳ.
  • Đặt vòng Pessary

Từng phương pháp sẽ được áp dụng cho từng tình huống cụ thể, theo đánh giá của bác sĩ lâm sàng và khuyến cáo y khoa.

Trong trường hợp bạn được chẩn đoán sinh non, sẽ tuỳ vào tuổi thai, nguy cơ sinh non trong vòng 1 tuần tới…hay bạn đang được chẩn đoán chuyển dạ sinh non mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.

2. Ngăn ngừa sinh non qua lối sống

Dù chưa đủ bằng chứng y khoa để nói rằng các lời khuyên dưới đây sẽ dự phòng sanh non cho bạn, nhưng về phương diện naò đó, nó sẽ giúp bảo vệ thai kỳ của mình. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ  xuất hiện các dấu hiệu dọa sinh non với các lời khuyên:

  • Tránh căng thẳng khi mang thai
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
  • Không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng ma túy.
  • Tăng cân ở mức hợp lý (không quá nhiều hoặc quá ít).
  • Chăm sóc sức khỏe tốt hơn khi bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc trầm cảm.
  • Hãy đi khám bác sĩ sớm và thường xuyên trong thai kỳ để được chăm sóc trước khi sinh.
  • Bảo vệ bản thân khỏi bị nhiễm trùng như rửa tay kỹ và thường xuyên; không ăn thịt sống, cá hoặc phô mai chưa tiệt trùng; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục; tránh tiếp xúc phân chó mèo vì có thể nhiễm kí sinh trùng…
  • Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai, hãy gặp bác sĩ của bạn. Phụ nữ được chăm sóc trước khi sinh thường xuyên có nhiều khả năng có một thai kỳ và em bé khỏe mạnh hơn.

[inline_article id= 303277]

Như vậy bạn đã biết dấu hiệu dọa sinh non là một khái niệm mơ hồ, dễ hiểu lầm. Tốt nhất, khi thấy các dấu hiệu sinh non cụ thể bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện ngay nhé.