Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

6 cách dưỡng ẩm cho da khô tại nhà hiệu quả

Vậy da bị khô nên làm gì? Làm thế nào để dưỡng ẩm cho da khô hiệu quả? Trong bài viết này, Marry Baby sẽ mách bạn 6 cách dưỡng ẩm cho da khô tại nhà đơn giản với các nguyên liệu sẵn có, dễ tìm.

“Thủ phạm ẩn danh” khiến da ngày càng khô ráp

Nhiều nguyên nhân khác nhau có khả năng dẫn đến tình trạng khô da. Da khô có thể do bẩm sinh hoặc do các “thủ phạm ẩn danh” dưới đây gây ra:

  • Thời tiết: Da có xu hướng bị khô vào những ngày mùa đông, thời tiết lạnh, khi nhiệt độ và độ ẩm giảm mạnh.
  • Môi trường: Việc thường xuyên phải ngồi điều hòa hoặc dùng lò sưởi có thể khiến da bị khô.
  • Thói quen sinh hoạt: Thói quen tắm nước nóng, tắm quá lâu hoặc hay đi bơi là những nguyên nhân gây khô da thường gặp.
  • Xà phòng và chất tẩy rửa: Sử dụng các sản phẩm dưỡng da và vệ sinh cá nhân chứa nhiều hóa chất, chất tẩy rửa mạnh có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da, từ đó khiến da dễ bị khô
  • Tuổi tác: Khi càng lớn tuổi, tuyến dầu và tuyến mồ hôi của bạn bắt đầu khô lại, đồng thời da mất dần lượng chất béo và độ đàn hồi vốn có, khiến chúng trở nên mỏng manh và dễ bị khô.
  • Bệnh lý: Các bệnh về da như viêm da cơ địa, bệnh vẩy nến… hoặc các bệnh toàn thân như đái tháo đường, bệnh thận, suy giáp… có thể khiến da bị khô và ngứa.

Da khô khiến bạn đối mặt với những vấn đề gì?

Da khô có thể mang đến nhiều “phiền toái”, không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn làm cản trở các sinh hoạt hàng ngày và dẫn đến nhiều bệnh lý về da. Nếu không có cách dưỡng ẩm và chăm sóc phù hợp, da khô sẽ:

  • Dễ nứt nẻ, bong tróc, nhất là da ở tay, chân, đầu gối và khuỷu tay
  • Dễ bị viêm, kích ứng do các yếu tố dị ứng và chất độc hại từ môi trường, tạo cảm giác đau rát, ngứa ngáy dữ dội và dễ dẫn đến các bệnh về da như viêm da cơ địa.
  • Xuất hiện vết nứt sâu, gây chảy máu. Nếu vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết nứt này thì rất dễ dẫn đến nhiễm trùng.
  • Rất nhanh lão hóa và xuất hiện nếp nhăn. Khi da thiếu độ ẩm, các gốc tự do hoạt động mạnh làm cản trở quá trình sản sinh collagen và elastin.

6 cách dưỡng ẩm cho da khô tại nhà

Dưới đây là 6 cách dưỡng ẩm cho da khô tại nhà đơn giản, hiệu quả mà bạn có thể áp dụng:

Dưỡng ẩm cho da bằng mật ong

Mật ong có khả năng kháng khuẩn tự nhiên, giúp cân bằng hệ vi khuẩn trên da, thúc đẩy làm lành vết thương, giảm mụn và hỗ trợ điều trị một số bệnh về da như viêm da cơ địa, vảy nến. Không những vậy, mật ong còn có khả năng làm mềm và giữ ẩm, giúp da ít bị khô ráp, bong tróc và nứt nẻ. Mật ong cũng giúp làm chậm quá trình hình thành nếp nhăn, điều chỉnh độ pH và ngăn ngừa nhiễm trùng da.

Để dưỡng ẩm cho da khô bằng mật ong, bạn có thể dùng mật ong nguyên chất thoa trực tiếp lên da hoặc tự làm mặt nạ dưỡng da tại nhà bằng cách kết hợp mật ong với các loại dầu tự nhiên khác.

Dưỡng ẩm bằng nha đam

Cách dưỡng ẩm cho da khô tại nhà bằng nha đam

Nha đam được xem là “vị cứu tinh” cho làn da khô sần, kém mịn màng bởi loại thực vật này sở hữu vô vàn khả năng chăm sóc da tuyệt vời.

Công dụng nổi bật nhất của nha đam là khả năng làm dịu, giữ ẩm và làm mát cho làn da khô ráp. Khi được thoa lên da, nha đam có thể làm tăng lượng nước ở lớp biểu bì hay lớp ngoài cùng của da. Từ đó, giúp cung cấp lượng nước cần thiết để da luôn mềm mại, mịn màng. Ngoài ra, nha đam còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, enzym, vitamin A, C, có khả năng chống viêm, giảm nếp nhăn, giúp da săn chắc và rạng rỡ.

Cách dưỡng ẩm cho da khô tại nhà bằng nha đam vô cùng đơn giản. Bạn có thể dùng gel nha đam bôi trực tiếp lên da hoặc nếu muốn tăng hiệu quả dưỡng ẩm, bạn có thể kết hợp nha đam với mật ong.

Cách dưỡng ẩm cho da khô tại nhà bằng dầu ô-liu

Dầu ô-liu hoạt động như một chất dưỡng ẩm và làm sạch tự nhiên có khả năng làm dịu lớp biểu bì khô ráp, hỗ trợ làm lành các thương tổn và tăng độ đàn hồi cho da. Ngoài ra, dầu ô-liu còn chứa nhiều vitamin E, chất chống oxy và các hợp chất như squalene và oleocanthal giúp loại bỏ các gốc tự do trên da và ngăn ngừa lão hóa da hiệu quả.

Dầu ô-liu rất dễ sử dụng, bạn chỉ cần bôi trực tiếp lên da hoặc kết hợp với các nguyên liệu có tác dụng dưỡng ẩm khác như mật ong, yến mạch để tăng hiệu quả.

Dưỡng ẩm cho da bằng dầu dừa

Ngoài mật ong, nha đam và dầu ô-liu, dầu dừa cũng có tác dụng dưỡng ẩm rất hiệu quả. Dầu dừa chứa nhiều triglyceride chuỗi trung bình có khả năng giữ nước trên da, giúp ngăn ngừa mất nước, giảm ngứa cho da.

Ngoài ra, axit lauric trong dầu dừa có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn và kháng nấm, từ đó giúp ngăn ngừa nhiễm trùng cũng như mang lại nhiều lợi ích cho người bị khô da do viêm da cơ địa.

Bạn có thể dùng dầu dừa thoa trực tiếp lên bàn tay, bàn chân, khuỷu tay hay bất kỳ vùng da nào bị khô. Tuy nhiên, bạn nên tránh thoa dầu dừa ở những vùng da dễ nổi mụn như mặt, ngực, lưng…. Nguyên nhân là do dầu dừa có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, làm bít các nang lông và gây mụn.

Cách dưỡng ẩm toàn thân cho da khô tại nhà bằng yến mạch

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thành phần trong bột yến mạch có thể tạo ra một hàng rào bảo vệ giúp da chống lại các chất gây kích ứng từ môi trường. Cụ thể, trong bột yến mạch có chứa polysaccharides và hydrocolloid có khả năng giữ lại độ ẩm và làm mềm da.

Ngoài ra, yến mạch còn chứa nhiều chất béo giúp tăng cường tác dụng làm mềm và dưỡng ẩm cho da, từ đó góp phần cải thiện tình trạng ngứa và khó chịu do da khô gây ra. Không những vậy, bột yến mạch còn hoạt động như một chất đệm giúp duy trì độ pH bình thường của da.

Thông thường, bạn có thể tắm bột yến mạch để dưỡng ẩm toàn thân cho da khô. Theo đó, nếu tắm bồn, bạn hãy cho bột yến mạch trực tiếp vào nước tắm. Hoặc không, bạn có thể cho bột yến mạch vào một chiếc vớ tất và thắt một đầu vớ lại. Sau đó, bạn hãy thấm ướt và áp vớ lên các vùng da bị khô để dưỡng ẩm cho da.

Dùng các loại gel dưỡng ẩm

Cách dưỡng ẩm cho da khô tại nhà bằng gel dưỡng ẩm

Ngoài dưỡng ẩm cho da khô bằng những phương pháp tự nhiên kể trên, bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng da chuyên biệt để giúp dưỡng ẩm và chăm sóc cho làn da khô ráp, nhạy cảm của mình.

Để giữ được nước và dưỡng chất cần thiết cho da, bạn nên ưu tiên chọn các sản phẩm gốc dầu thay vì các sản phẩm gốc nước. Bởi dù có tác dụng cấp nước, hạ nhiệt và thấm nhanh nhưng do đặc tính dễ bay hơi nên sản phẩm gốc nước chỉ giữ ẩm tức thời. Trong khi đó, các sản phẩm gốc dầu lại mang đến hiệu quả giữ ẩm kéo dài nhờ vào khả năng giữ lại dưỡng chất lâu hơn bên dưới lớp biểu bì, giúp da duy trì được độ ẩm, giảm cảm giác khô căng và tăng độ đàn hồi.

Ngày nay, các sản phẩm chuyên biệt dành cho da khô trên thị trường được sản xuất với nhiều dạng khác nhau như kem, sữa, lotion hay gel. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn các sản phẩm dạng gel được áp dụng công nghệ thay thế lượng nước không hoạt tính trong kem và sữa dưỡng thể để mang lại hiệu quả dưỡng ẩm kéo dài hơn, đồng thời tránh cảm giác nhờn rít khi dùng trên da. Ngoài ra, để giữ ẩm tốt nhất thì sản phẩm gel dưỡng ẩm cần chứa 3 nhóm thành phần sau:

  • Nhóm khóa ẩm: Tạo lớp màng mỏng giúp khóa ẩm hiệu quả, ngăn cản việc thoát hơi nước ra bên ngoài gây khô da.
  • Nhóm cấp ẩm: Cung cấp và giữ ẩm cho da, ngăn ngừa tình trạng hút ẩm ngược từ dưới da ra bên ngoài.
  • Nhóm bảo vệ: Bảo vệ cấu trúc bền vững của làn da, duy trì làn da khỏe mạnh, đồng thời cải thiện các vấn đề về da.

Trên đây là 6 cách dưỡng ẩm cho da khô tại nhà hiệu quả, đơn giản mà bạn có thể áp dụng. Marry Baby hi vọng rằng với những bí quyết này, bạn sẽ có thể sở hữu được một làn da mềm mại và mịn màng như mơ ước.