Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Tiêm trưởng thành phổi ở trẻ có nguy cơ sinh non: Lợi và hại

Tiêm trưởng thành phổi là một phương pháp quan trọng giúp trẻ gia tăng khả năng sống sót; và giảm sự ảnh hưởng của các biến chứng do sinh non gây ra. Các mẹ cùng MarryBaby tìm hiểu về lợi ích, bất cập và những biến chứng khi tiêm trưởng thành phổi để chuẩn bị tốt hơn cho việc đón con chào đời nhé!

Tiêm trưởng thành phổi là gì?

Tiêm trưởng thành phổi là phương pháp giúp phổi thai nhi phát triển nhanh chóng hơn; giúp giảm nguy cơ trẻ sinh non bị suy hô hấp do phổi chưa phát triển chức năng đầy đủ. Phương pháp này cũng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng hệ thống, xuất huyết não, chậm phát triển, tử vong ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng.

Thuốc tiêm trợ phổi hiện nay là các thuốc thuộc nhóm corticosteroid. Có hai loại thuốc trợ phổi thường dùng là betamethatsone (2 liều 12mg tiêm bắp, mỗi liều cách 24 giờ); hoặc dexamethasone (4 liều 6mg tiêm bắp, mỗi liều cách 12 giờ). Ưu điểm của hai loại thuốc này là:

  • Khả năng ức chế miễn dịch yếu.
  • Tác dụng kéo dài hơn hydrocortison.
  • Thuốc qua nhau thai tốt.
  • Thuốc không tồn tại lâu trong hệ tuần hoàn của trẻ (40 giờ).
tiêm trưởng thành phổi là gì
Tiêm trưởng thành phổi giúp giảm nguy cơ trẻ sinh non bị suy hô hấp do phổi chưa phát triển chức năng đầy đủ

Cơ chế hoạt động của thuốc trưởng thành phổi

Khi mẹ bầu được tiêm thuốc trợ phổi; thuốc sẽ theo các mạch máu chuyển đến cơ thể thai nhi và tác động theo nhiều cách:

  • Tăng khả năng sản xuất surfactant, chất chỉ có đủ sau tuần thai 32. Surfactant có vai trò làm giảm sức căng bề mặt của lớp dịch phế nang, chống lại lực đàn hồi của phổi. Nếu không sản xuất đủ surfactant, phổi có nguy cơ bị xẹp, dẫn đến suy hô hấp.
  • Tăng thể tích phổi.
  • Giảm lượng chất lỏng trong phổi.
thuốc trợ phổi hoạt động như thế nào
Thuốc tiêm trợ phổi sẽ theo các mạch máu chuyển đến cơ thể thai nhi và tác động theo nhiều cách khác nhau.

Tác dụng của tiêm trưởng thành phổi?

Tiêm trưởng thành phổi trong giai đoạn từ tuần 25 đến 33 của thai kỳ có thể tăng tốc độ phát triển phổi của em bé rất nhiều. Điều này gia tăng cơ hội sống sót của trẻ sinh non. Ngoài ra, một số lợi ích khác khi tiêm trưởng thành phổi bao gồm:

  • Giảm nguy cơ trẻ sinh non gặp phải những vấn đề về phổi như suy hô hấp, đặc biệt là những bé chào đời sớm.
  • Nguy cơ chảy máu trong não thấp hơn nhiều.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh đường ruột nghiêm trọng được gọi là viêm ruột hoại tử.
  • Giúp phổi của trẻ hoạt động tốt hơn sau chào đời.
  • Giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ gặp phải các vấn đề về ruột hoặc chảy máu não.

Liệu trình tiêm trưởng thành phổi thứ hai có thể được xem xét nếu liều đầu tiên cách hơn 2 tuần, trẻ vẫn non tháng và có nguy cơ sinh non. Những nghiên cứu cho thấy tiêm thuốc trợ phổi lần thứ hai cũng có thể có những lợi ích: làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp và các hậu quả nghiêm trọng khác.

>> Bạn có thể xem thêm: Cách điều trị dây rốn quấn cổ 2 vòng chưa? Tìm hiểu ngay!

Khi nào nên tiêm trưởng thành phổi?

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, những trường hợp được bác sĩ chỉ định tiêm trưởng thành phổi bao gồm:

  • Một đợt corticosteroid duy nhất được khuyến cáo cho thai phụ từ 24 đến 33 tuần 6 ngày có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày, bao gồm cả vỡ ối và đa thai. Có thể xem xét với trường hợp thai tuần 23 tuỳ vào nguyện vọng gia đình, tình trạng vỡ ối, số lượng thai. Nghiên cứu mới gần đây cho biết thậm chí có thể sử dụng cho tuần thai 22
  • Một đợt betamethasone duy nhất được khuyến cáo cho thai phụ giữa tuần 34 và 37 có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày, và chưa từng điều trị đợt corticosteroid nào trước đó. 
  • Không khuyến cáo việc điều trị lặp lại định kỳ hay đa liều (nhiều hơn 2 đợt)
  • Nên cân nhắc việc lặp lại điều trị corticosteroid đợt 2 với thai phụ dưới 34 tuần có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày, với điều kiện cách đợt điều trị trước trên 14 ngày. Một đợt điều trị corticosteroid khẩn cấp có thể được cân nhắc (cách liều trước 7 ngày) nếu có chỉ định lâm sàng. 
  • Lợi ích của việc tiêm nhắc lại hay tiêm khẩn cấp corticosteroid cho thai non tháng vỡ ối vẫn còn đang bàn cãi

Trong các trường hợp nêu trên, mẹ bầu cần nhập viện để bác sĩ theo dõi. Để mang lại hiệu quả tốt nhất, thuốc trợ phổi nên được tiêm ít nhất 24 giờ trước khi sinh và không quá 1 tuần trước ngày em bé chào đời. Thời điểm tiêm corticosteroid cho trẻ sinh non là yếu tố quyết định sự thành công của phương pháp này. Nếu các mũi tiêm được tiêm hơn 1 tuần trước khi sinh; tác dụng sẽ bị giảm thiểu.

>> Bạn có thể xem thêm: Nhau thai bám mặt sau có tốt không và những điều mẹ cần biết

Biến chứng khi tiêm trưởng thành phổi

1. Biến chứng khi tiêm trưởng thành phổi đối với trẻ

Hiện chưa có bằng chứng cụ thể về những tác dụng tiêu cực trẻ có thể gặp phải nếu mẹ tiêm trưởng thành phổi trong thai kỳ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũ hơn chỉ ra rằng thai nhi tiếp xúc với các đợt tiêm thuốc trợ phổi lặp đi lặp lại trong tử cung có nhiều khả năng bị giảm cân nặng, chiều dài và chu vi vòng đầu khi sinh.

Mặc dù trẻ sơ sinh được điều trị có nhiều khả năng có kích thước nhỏ hơn khi sinh ra, nhưng không có tác hại lâu dài nào được tìm thấy.

Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi các chuyên gia trường Đại học Oulu, Phần Lan cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêm trưởng thành phổi và chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em. Một vài chuyên gia cũng lo ngại việc sử dụng thuốc trợ phổi liều cao trong một thời gian dài có thể gây hại cho sự phát triển não bộ của trẻ.

>> Bạn có thể xem thêm: Đau bụng dưới bên trái khi mang thai: Coi chừng bị biến chứng thai kỳ

biến chứng khi tiêm trưởng thành phổi
Chưa có nhiều nghiên cứu chỉ ra những biến chứng nghiêm trọng của tiêm thuốc trợ phổi đối với sức khỏe của mẹ và bé.

2. Biến chứng khi tiêm trưởng thành phổi đối với mẹ

Nghiên cứu đã không chứng minh được tiêm thuốc trợ phổi trước sinh gây hại cho người mẹ; ngoài việc gây đau hoặc sưng cục bộ tại chỗ tiêm. Ngoại lệ là ở những bà mẹ đã trải qua nhiều đợt điều trị bằng tiêm thuốc trợ phổi, một số mẹ chia sẻ rằng họ gặp vấn đề về giấc ngủ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều bà mẹ có con sinh non cũng gặp vấn đề với giấc ngủ.

Một số biến chứng khác có thể gặp ở thai phụ sinh con non:

  • Tăng đường huyết nhẹ sau mũi tiêm đầu tiên 12 giờ và kéo dài trong khoảng 5 ngày. Vì vậy, tầm soát tiểu đường thai kỳ nên thực hiện trước khi tiêm thuốc; hoặc sau đó 5 ngày để có kết quả chính xác. Với những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nặng cần ở lại để theo dõi.
  • Bạch cầu tăng 30% sau 24 giờ và trở lại bình thường sau 3 ngày.

Ngay khi có dấu hiệu dọa sinh non, mẹ nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc giảm cơn gò tử cung hoặc tiêm trưởng thành phổi.

Ngoài những trường hợp dọa sinh non, tiêm trưởng thành phổi cũng được chỉ định trong những trường hợp suy dinh dưỡng bào thai, mẹ bầu lớn tuổi, trường hợp đa thai. Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tìm hiểu những ưu, khuyết điểm và biến chứng khi tiêm trưởng thành phổi trước khi quyết định tiêm.

Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Các mốc phát triển của trẻ sinh non trong 18 tháng đầu tiên

Rất may là hầu hết trẻ sinh non ở độ tuổi chập chững biết đi đều bắt kịp đà tăng trưởng. Đặc biệt, nắm được các mốc phát triển của trẻ sinh non về khả năng vận động, ngôn ngữ, cảm xúc, sự hiểu biết… trong 18 tháng đầu đời sẽ giúp mẹ an tâm hơn trong quá trình chăm sóc con.

Thế nào là sinh non?

Thai hơn 38 tuần tuổi đã phát triển đầy đủ và có thể sống bên ngoài môi trường tử cung của mẹ. Do đó, trẻ sinh ra ở tuần 39-41 sẽ khỏe mạnh và ít gặp biến chứng sau sinh.

Trẻ sinh trước 37 tuần được gọi là sinh non. Trẻ sinh non càng sớm thì càng có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần. Do đó sự phát triển của con thường tụt lại phía sau so với trẻ đủ tháng. Song điều đó không có nghĩa là bé sinh non không thể phát triển bình thường và khỏe mạnh. Nhưng chắc chắn trẻ chào đời sớm sẽ cần nhiều thời gian hơn để bắt kịp sự phát triển so với những trẻ khác.

Khi nói đến các mốc phát triển của trẻ sinh non, mẹ không thể so sánh với trẻ sinh đủ tháng. Chẳng hạn một bé 6 tháng tuổi nhưng sinh ra sớm 2 tháng (so với ngày dự sinh), mẹ nên so sánh với trẻ 4 tháng mà thôi. “Tuổi hiệu chỉnh” này thường chỉ áp dụng trong hai năm đầu đời. Vào thời điểm trẻ sinh non được 2 tuổi, hầu hết các con đã bắt kịp các cột mốc quan trọng.

Do vậy, khi đối chiếu các mốc phát triển của trẻ sinh non dưới đây, mẹ cần xem xét ở độ tuổi đã điều chỉnh của bé. 

Các mốc phát triển của trẻ sinh non trong 18 tháng đầu tiên

Trẻ sinh non phát triển như thế nào là một trong những mối bận tâm hàng đầu của mẹ có nguy cơ sinh non hoặc có con sinh non. Theo dõi các mốc phát triển sẽ giúp mẹ hiểu hơn về sự phát triển của trẻ sinh non. 

  • 2 tháng tuổi

– Phát triển về nhận thức và vận động

Bé 1,5-2 tháng tuổi có thể quay đầu về phía phát ra âm thành. Bé cử động tay, chân liên tục và cố gắng nâng đầu khi được đặt nằm sấp. 

>>> Mẹ có thể xem thêm: Trẻ sơ sinh nằm sấp và những lợi ích mẹ chưa biết

– Khả năng ngôn ngữ, giao tiếp

Em bé sinh non có thể nhận ra giọng nói của mẹ và mỉm cười. Bé sẽ nhìn theo hướng phát ra âm thanh. Đặc biệt, nếu để ý, mẹ sẽ thấy bé có nhiều kiểu khóc khác nhau thùy theo mong muốn, nhu cầu. 

– Sự phát triển về mặt cảm xúc

Bé con sẽ nhận ra mẹ và thích ở bên mẹ. Nhiều mẹ thắc mắc trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện. Ở tháng tuổi này, nhiều bé đã biết tương tác với mẹ bằng cách nhìn mẹ chăm chú và mỉm cười. 

Bé 1,5-2 tháng tuổi có thể quay đầu về phía phát ra âm thành.

– Các hoạt động khác

Bé có thể cầm, nắm và chăm chú quan sát đồ chơi.

  • 4 tháng tuổi

– Phát triển về nhận thức và vận động

Bé có thể đưa hai tay lại gần nhau, nâng đầu và đẩy người lên bằng cách dùng lực cánh tay trong khi nằm sấp. 

– Khả năng ngôn ngữ và giao tiếp

Em bé có thể cười thành tiếng, quay đầu về phía phát ra giọng nói của mẹ.

– Sự phát triển về mặt cảm xúc

Đây là một trong những cột mốc phát triển của trẻ sinh non khiến mẹ vô cùng hạnh phúc. Con thường cười thật tươi mỗi khi vui vẻ và tương tác với mẹ nhiều hơn.  

– Các hoạt động

Bé biết với lấy đồ chơi, đưa đồ chơi lên miệng. Mỗi khi phấn khích, bé thường khua khoắng tay chân liên tục.

  • 6 tháng tuổi

– Phát triển về nhận thức và vận động

Bé nhận biết khuôn mặt của bố mẹ hoặc người chăm sóc. Có thể ngồi hoặc cố gắng tập ngồi là cột mốc phát triển quan trọng của trẻ sinh non tháng tuổi này. Bé còn biết quăng, ném hoặc chuyền đồ chơi từ tay này sang tay kia. 

– Khả năng ngôn ngữ, giao tiếp

Bé biết quay lại khi nghe gọi tên. Một số bé có thể bập bẹ những âm thanh nghe tương tự “ba ba” hoặc “ma ma”.

– Sự phát triển về mặt cảm xúc

Bé đã biết thể hiện niềm vui hoặc nỗi buồn. Khả năng quan sát của con đã tốt hơn, con sẽ dáo dác tìm kiếm khi mẹ rời khỏi phòng. 

– Các hoạt động khác

Bé có thể tập trung quan sát những đồ vật ở xa tầm mắt hoặc đặc biệt thích thú với các món đồ chơi phát ra âm thanh, ánh sáng. 

  • 9 tháng tuổi

– Phát triển về nhận thức và vận động

Các mốc phát triển của trẻ sinh non 9 tháng tuổi như thế nào? Ở tuổi này, bé có thể biết bò, tự đứng dậy và nhặt đồ vật bằng ngón tay. 

– Khả năng về ngôn ngữ, giao tiếp

Bé hiểu những cụm từ đơn giản, thường lặp lại như “xin chào”, “tạm biệt”, “đi ngủ”, “đến giờ tắm”, “há miệng ra”… Nhiều bé có thể nói “mama” hoặc “baba”.

– Sự phát triển về mặt cảm xúc

Bé tỏ ra khó chịu với người lạ và thích chơi với mẹ hơn. Bé biết vỗ tay để thể hiện sự phấn khích.

Cột mốc phát triển của trẻ sinh non khi 9 tháng tuổi như thế nào?

– Các hoạt động

Bé sẽ phản ứng lại nếu ai đó cố lấy đồ chơi của bé. Con biết cầm bình sữa bú và đưa thức ăn đưa vào miệng.

>>> Mẹ có thể xem thêm:

Các phương pháp ăn dặm cho bé: Cách nào là hoàn hảo?

Cách nấu cháo cho bé ăn dặm theo từng độ tuổi

Những nguyên tắc giúp mẹ cho bé ăn dặm BLW “trăm trận trăm thắng”

  • 12 tháng tuổi

– Phát triển về nhận thức và vận động

Biết đi là cột mốc phát triển của trẻ sinh non mà mẹ háo hức chờ đợi. Khi được 1 tuổi, trẻ có thể tự đứng và chập chững bước đầu tiên mà không cần hỗ trợ. Bé cũng biết dừng lại nếu mẹ, người thân yêu cầu không làm điều gì đó. 

– Khả năng về ngôn ngữ, giao tiếp

Bé biết phối hợp một số hoạt động. Chẳng hạn, bé có thể một tay cầm bình sữa, tay kia cầm đồ chơi.

– Sự phát triển về mặt cảm xúc

Bé đã biết chơi, tương tác với những trẻ khác. 

– Các hoạt động khác

Bé có thể tự mình cầm cốc uống nước, biết phối hợp cùng mẹ khi mặc quần áo.

>>> Mẹ có thể xem thêm một số chủ đề cần thiết để chăm sóc bé tốt hơn giai đoạn này:

Trẻ mấy tháng biết đi và dấu hiệu con chậm phát triển

Bí quyết tập cho bé tự ăn

Trẻ suy dinh dưỡng đôi khi không phải do thiếu ăn các mẹ ơi!

  • 15 tháng tuổi

– Phát triển về nhận thức và vận động

Trẻ sinh non phát triển như thế nào khi được 15 tháng tuổi? Bé đã có thể tự đi và biết leo trèo. Bé bám mẹ hơn và sẽ “kè kè” theo mẹ khắp nhà. Đặc biệt, bé đã biết tên nhiều món đồ thân quen.

– Khả năng về ngôn ngữ, giao tiếp

Bé đã biết dùng ngôn ngữ, hành động (chỉ tay) để yêu cầu thứ mình muốn.

– Sự phát triển về mặt cảm xúc

Em bé sinh non của mẹ đã biết chủ động hôn mẹ, nói lời “xin chào” và chăm chú nghe kể chuyện.

– Các hoạt động khác

Bé có thể tự xúc ăn bằng thìa.

Trẻ sinh non phát triển như thế nào khi được 15 tháng tuổi?

  • 18 tháng tuổi

– Phát triển về nhận thức và vận động

Bé biết vẽ nguệch ngoạc trên giấy, biết đi sõi và thậm chí đã có thể chạy. 

– Khả năng về ngôn ngữ, giao tiếp

Trẻ 18 tháng tuổi có thể nói ít nhất 5 đến 10 từ và biết chỉ vào các bộ phận trên cơ thể như tay, chân, mắt, tai, mũi, miệng… nếu được hỏi.

– Sự phát triển về cảm xúc

Bé sẽ nói “không” nếu không muốn làm điều gì đó.

– Các hoạt động khác

Trẻ 18 tháng tuổi thích tự xúc ăn, tham gia vào trò chơi giả vờ như giả vờ cho em bé (búp bê) ăn.

Trẻ sinh non có thông minh không?

Bên cạnh thắc mắc các mốc phát triển của trẻ sinh non, chắc hẳn mẹ rất muốn biết liệu sự phát triển trí não của trẻ sinh non có chậm hơn so với các bé đủ tháng. Hay nói cách khác, trẻ sinh non có thông minh hay không. 

Theo một số nghiên cứu, trẻ sinh non bị giảm thể tích não khi trẻ từ 7 đến 15 tuổi. Hơn nữa, các phần não khác của trẻ sinh non cũng có khối lượng nhỏ hơn so với trẻ đủ tháng cùng tuổi.

Tuy nhiên, tác động của việc sinh non đến sự phát triển của não bộ vẫn chưa được làm rõ. Nhiều người tin rằng trẻ sinh non thường gặp khó khăn trong học tập. Nhưng một số nghiên cứu khác lại cho thấy trẻ sinh non có thể thông minh hơn. Do đó, mẹ đừng quá băn khoăn trẻ sinh non có thông minh không.

Các mốc phát triển của trẻ sinh non trên đây chỉ mang tính tham khảo. Nhìn chung, sự phát triển của bé yêu còn phụ thuộc rất lớn vào cách chăm sóc và nuôi dưỡng. Vì vậy, mẹ hãy tìm hiểu cách chăm sóc trẻ sinh non khoa học để đảm bảo con phát triển khỏe mạnh.