Để hiểu rõ hơn về tình trạng nhiễm trùng vết mổ sau sinh; trước tiên MarryBaby sẽ cùng bạn tìm hiểu vết mổ đẻ bị nhiễm trùng là gì trong bài dưới đây nhé.
Nhiễm trùng vết mổ là gì?
Vết thương bị nhiễm trùng là tình trạng vết thương bị nhiễm vi khuẩn hoặc có các vi sinh vật khác cư trú. Tình trạng này gây ra sự chậm lành vết thương hoặc làm vết thương xấu đi. Hầu hết các vết thương bị nhễm trùng thường bị nhiễm khuẩn.
Tình trạng vết thương bị nhiễm trùng xảy ra khi khả năng phòng vệ miễn dịch của cơ thể bị quá tải hoặc không thể đối phó với sự phát triển bình thường của vi khuẩn. Nhiễm trùng vết thương do phẫu thuật có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Nguyên nhân nhiễm trùng vết mổ sau sinh
Có nhiều yếu tố rủi ro gây nhiễm trùng vết mổ sau sinh như:
- Béo phì
- Sinh mổ trước đó
- Chuyển dạ hoặc phẫu thuật kéo dài
- Chăm sóc trước khi sinh kém (ít đến bác sĩ)
- Dùng steroid lâu dài (bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch)
- Bệnh tiểu đường hoặc rối loạn ức chế miễn dịch (như HIV)
- Viêm màng ối (nhiễm trùng nước ối và màng bào thai) khi chuyển dạ
- Mất máu quá nhiều trong quá trình chuyển dạ, sinh nở hoặc phẫu thuật
- Thiếu kháng sinh dự phòng hoặc mổ cấp cứu
>> Bạn có thể xem thêm: Vết mổ sau sinh bị đau nhói – Giải mã lí do bất thường của cơn đau nhói!
Dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ
Sau khi sinh mổ, bạn cần theo dõi tình trạng của vết mổ sau sinh và làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Khi thấy các dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ sau sinh dưới đây cần phải sắp xếp thời gian đến bệnh viện sớm nhé.
- Đi tiểu đau
- Đau bụng nặng
- Sốt cao hơn 38ºC
- Chảy mủ từ vết mổ
- Sưng, nóng, đỏ, đau chỗ vết thương
- Tiết dịch âm đạo có mùi hôi
- Chảy máu có cục máu đông lớn
- Chảy máu làm ướt một miếng băng trong vòng một giờ
- Đau ở chỗ rạch không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn
>> Bạn có thể xem thêm: Tụ dịch sẹo vết mổ tử cung sau sinh: Mẹ sinh mổ cần cẩn trọng điều này!
Phân loại nhiễm trùng vết mổ sau sinh
Nhiễm trùng sau sinh xảy ra sau 30 ngày sinh mổ và được phân thành 3 loại sau:
Nhiễm trùng bề mặt: Liên quan đến phần nông gồm da và mô dưới da của vết mổ. Bạn có thể có các triệu chứng từ vết mổ như chảy mủ, sưng, đau, đỏ, …
Nhiễm trùng vết mổ sâu: Liên quan đến các mô mềm sâu hơn như cân, cơ. Các triệu chứng như sưng, nóng đỏ, đau vùng vết mổ, chảy mủ, nứt vết mổ tự phát, siêu âm hay thăm khám phát hiện nhiễm trùng lan đến các lớp sâu. Triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, các xét nghiệm cận lâm sàng bất thường.
Nhiễm trùng cơ quan hoặc các khoang: Nhiễm trùng sâu ảnh hưởng đến cơ quan xung quanh vết mổ như viêm hay áp xe khoang phúc mạc, nhiễm trùng quanh tử cung. Triệu chứng toàn thân thường rầm rộ, sốt cao, mệt mỏi, đau bụng, đau vùng vết mổ, tử cung ấn đau… Các xét nghiệm cận lâm sàng và hình ảnh bất thường giúp hổ trợ chẩn đoán.
>> Bạn có thể xem thêm: Mẹ lưu lại ngay 7 dấu hiệu bục vết mổ đẻ, cần nhập viện gấp nhé!
Điều trị nhiễm trùng vết mổ
Sau khi bạn đã hiểu rõ hơn tình trạng vết mổ sau sinh nhiễm trùng; chúng ta cần tìm hiểu thêm về cách điều trị nhiễm trùng vết mổ sau sinh. Điều trị nhiễm trùng vết mổ sẽ phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng: nhiễm trùng bề mặt, nhiễm trùng sâu hay nhiễm trùng nội tạng hoặc các khoang cơ thể (khoang phúc mạc).
– Liệu pháp kháng sinh: Thường là đường tĩnh mạch, tốt nhất là nuôi cấy định danh vi khuẩn làm kháng sinh đồ trước khi điều trị, sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm và điều chỉnh theo lâm sàng + kháng sinh đồ.
– Làm sạch vết thương đúng cách: Làm sạch vết thương định kì, loại bỏ mô chết, mủ, máu; có thể cần dẫn lưu vết thương, tháo bỏ chỉ khâu, để hở, may lại thì hai.
– Mổ lại để giải quyết ổ nhiễm trùng: Trong trường hợp nhiễm trùng cơ quan hay khoang cơ thể, có thể cần mổ lại để giải quyết ổ nhiễm trùng.
Thời gian điều trị dài ngắn, ngoại trú hay nội trú, các xét nghiệm cần làm,… tuỳ mức độ và đáp ứng của bệnh nhân.
Ngăn ngừa vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng
Nhiễm trùng vết mổ sau sinh có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì thế, bạn cần nắm rõ các biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng sau đây:
1. Sau khi từ bệnh viện về nhà
- Thư giãn và nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi, tránh gắng sức, tránh nâng bất cứ thứ gì nặng hơn em bé của bạn, tuy nhiên không phải nằm trên giường bất động. Khi còn đau, cần tập vận động tại chỗ, đi lại nhẹ nhàng. Khi hết đau nên sinh hoạt, nghỉ ngơi tương đối.. Vận động là yếu tố rất quan trọng cho việc phục hồi vết thương, tránh nhiễm trùng vết mổ cũng như nhiễm trùng hậu sản khác.
- Thử nghiệm với các tư thế cho con bú: Bạn có thể bắt đầu cho con bú sau khi sinh mổ. Bạn nên áp dụng các tư thế cho con bú trong giai đoạn hồi phục vết mổ như tư thế bế cặp chặt, tư thế nằm cho bú… để vết mổ không bị đau.
- Tìm cách giảm đau: Để làm dịu vết mổ, bác sĩ có thể khuyên dùng ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác), acetaminophen (Tylenol, những loại khác) hoặc các loại thuốc khác để giảm đau. Hầu hết các loại thuốc giảm đau đều an toàn cho phụ nữ đang cho con bú.
>> Xem thêm: Để dùng thuốc giảm đau sau sinh mổ hiệu quả, mẹ phải lưu tâm điều này!
2. Cách làm sạch vết mổ
- Bạn nên thay băng 1 ngày/lần hoặc khi miếng băng bị dơ hoặc ướt. Sau vài ngày khi vết thương khép miệng và khô, có thể để hở và vệ sinh mỗi ngày 1 lần.
- Đừng cố rửa sạch vùng da quanh vết thương bị dính keo của miếng băng. Bạn có thể tắm và lau khô vết mổ bằng khăn sạch.
- Giữ vùng vết thương sạch sẽ bằng cách rửa bằng xà phòng nhẹ và nước. Tuy nhiên, bạn không nên chà vào vết thương, chỉ cần để nước chảy qua vết thương khi tắm là đủ.
- Đừng ngâm mình trong bồn tắm hoặc đi bơi, cho đến khi bác sĩ cho phép. Trong hầu hết các trường hợp, bạn cần kiêng để vết thương ngâm nước cho đến 3 tuần sau khi phẫu thuật.
3. Khi sinh hoạt
- Nghỉ ngơi tương đối
- Tránh làm việc nặng, môi trường nóng nực
- Tắm rửa, giữ vệ sinh thân thể mỗi ngày, không nằm phòng tối, ẩm, nóng
- Ăn uống đủ chất, uống nhiều nước, cho con bú mẹ
[inline_article id= 301787]
Như vậy bạn đã hiểu hơn về tình trạng nhiễm trùng vết mổ sau sinh rồi. Hãy luôn đảm bảo thực hiện đúng các cách ngăn ngừa nhiễm trùng để vết mổ được hồi phục nhanh chóng nhé.