Kỹ năng sống là gì phụ huynh nào cũng biết nhưng không phải ai cũng đã biết cách trau dồi cho con hoặc giúp con học được nhiều kỹ năng sống. Hãy cùng Marry Baby tìm hiểu về kỹ năng sống để giúp bé yêu trưởng thành mỗi ngày nhé.
Kỹ năng sống an toàn cho trẻ
1. Dạy trẻ ghi nhớ những thông tin cần thiết
Cha mẹ nên dạy con ghi nhớ họ tên của bé và bố mẹ, số điện thoại liên lạc, địa chỉ nhà. Tốt nhất, bạn nên viết những thông tin đó vào một tờ giấy và bỏ vào balo, túi áo hoặc túi quần của bé mỗi khi ra ngoài và dặn trẻ giữ mảnh giấy này cẩn thận. Khi cần giúp đỡ, con hãy đưa tờ giấy này cho một người lớn mà con cảm thấy tin tưởng.
2. Dạy trẻ biết nhờ sự giúp đỡ từ người lớn
Để bé không bị mâu thuẫn với việc tránh xa người lạ, bạn hãy cho con chỉ dẫn cụ thể. Ví dụ: Bạn nói với trẻ nên tìm đến các cô chú công an, bảo vệ là những người mặc đồng phục, đeo bảng tên ở công viên, trung tâm mua sắm. Bạn hãy dặn bé, đọc những thông tin cá nhân cần thiết về bản thân, bố mẹ để được giúp đỡ.
3. Công cụ hỗ trợ đặc biệt
Bạn nên chuẩn bị sẵn cho trẻ một chiếc còi hoặc công cụ tạo tiếng ồn để khi bị lạc. Nếu trẻ đã lớn một chút, bạn có thể đưa cho con một chiếc điện thoại phòng khi bị lạc thì có thể gọi cho bạn hay người thân trong gia đình. Hướng dẫn con cách gọi đến những số điện thoại khẩn cấp (cảnh sát, cứu thương) nếu cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm.
4. Dạy trẻ kỹ năng sống bảo vệ bản thân bằng cách cảnh giác với người lạ
Để giữ an toàn cho bé, cha mẹ nên dặn con không đi theo và nghe lời của người lạ nếu chưa được sự đồng ý của bố mẹ. Con nên giữ khoảng cách với những người lạ cho con đồ chơi, thức ăn. Bạn nên chỉ cho trẻ cách thu hút sự chú ý của những người lớn xung quanh, khi nào thì cần chạy về ngay chỗ của cha mẹ, hoặc tới chỗ thật đông người.
Kỹ năng sống cho trẻ mầm non
1. Khuyến khích trẻ thể hiện bản thân
Ba mẹ nên dạy con luôn tự tin và tin tưởng vào bản thân, mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình để bảo vệ quan điểm mà con cho là đúng.
2. Giúp trẻ biết nhận lỗi sai và tha thứ
Bất kì ai cũng có thể phạm lỗi lầm và cần sự tha thứ, tha thứ sẽ làm cho tâm hồn con được thanh thản và yêu đời hơn. Lòng vị tha có thể chữa lành những hậu quả tồi tệ nhất. Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ đã nên chỉ cho con điều này, đồng thời khuyến khích bé thể hiện lòng tốt bằng cách giúp đỡ và tha thứ cho người khác.
3. Dạy trẻ kỹ năng sống đánh răng
Sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp là một trong những kỹ năng sống cơ bản cần dạy cho trẻ nhỏ. Trẻ em cần phải tìm hiểu làm thế nào để đánh răng và súc miệng từ rất sớm. Khuyến khích, thậm chí khen thưởng khi bé biết cách giữ vệ sinh tốt và có lối sống lành mạnh như ăn ngủ đúng giờ, tập thể dục thường xuyên.
4. Dạy trẻ biết thể hiện lòng tốt và yêu thương vô điều kiện
Khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác bất cứ khi nào có thể. Điều này sẽ giúp bé có được lòng từ bi, đồng thời hiểu được sự khác biệt giữa cái bé muốn và nhu cầu trong cuộc sống. Việc trẻ thể hiện lòng tốt, yêu thương vô điều kiện không chỉ là một điều ngọt ngào nên làm mà còn là cách dễ nhất để trẻ có thể “chạm” vào cuộc sống.
5. Dạy trẻ biết chia sẻ
Ba mẹ nên khuyên bé chia sẻ đồ chơi với bạn bè, không nên chỉ giữ khư khư cho riêng mình. Bên cạnh đó, bạn cũng phải dạy con biết cách cảm thông cho những cảm xúc, tâm trạng của những người xung quanh.
6. Dạy trẻ cách giải quyết vấn đề
Nếu bé ôm chặt chiếc xe tải đồ chơi, không muốn đưa các bạn khác chơi cùng, có thể vì bé nghĩ: “Lỡ bạn ấy lấy luôn thì sao?”. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy khuyến khích các con thay phiên nhau chơi đồ chơi đó (bạn có thể chỉ lên đồng hồ, bảo con: “Kim chạy tới chỗ này thì thay phiên”), đồng thời bảo đảm với bé rằng, cho bạn chơi chung không có nghĩa là mình không được chơi đồ chơi đó. Nếu bé cho các bạn chơi chung đồ chơi, thì các bạn cũng chia sẻ lại như thế.
7. Giúp trẻ bày tỏ thái độ
Nếu một đứa trẻ đang giữ riêng một thứ đồ chơi nào đó, bạn hãy giải thích cho con biết, bạn của bé đang cảm thấy thế nào. Ví dụ, bé rất thích cái giỏ nhựa và không muốn ai đụng tay vào. Đừng vội la mắng bé, cha mẹ hãy đặt mình vào tình huống đó để hiểu tâm lý của bé. Biết đâu bạn khám phá ra rằng, bé không cho bạn mình chơi chung cái giỏ chỉ vì đã đựng đầy đồ bên trong hoặc vì bé đặc biệt quý cái giỏ đó do ông nội tặng cháu nhân ngày sinh nhật.
8. Dạy trẻ kỹ năng sống bảo vệ môi trường
Trẻ em sẽ làm tốt việc giữ gìn và bảo vệ môi sinh nếu có tình yêu sâu sắc với thiên nhiên. Tình yêu này cần phải được hình thành từ từ qua các việc làm, trò chơi cụ thể, dưới sự dẫn dắt đúng đắn của người lớn. Hướng dẫn con trẻ từ những việc nhỏ như chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tự giác nhặt những đồ vật có nguy cơ làm vấy bẩn môi trường, phân loại những sản phẩm mình thu thập được, khuyến khích việc tái chế.
Kỹ năng sống cho trẻ tiểu học
1. Dạy trẻ cách làm việc nhóm hiệu quả
Làm việc nhóm ngay từ khi trẻ còn nhỏ không chỉ giúp cho bé hòa đồng hơn mà còn giúp bản thân có được kết quả tốt nhất trong học tập và lao động tốt. Ngoài ra, làm việc nhóm còn khiến bé tự tin hơn trong giao tiếp, biết cách tự khẳng định bản thân với tập thể, phát huy cá tính, sự sáng tạo, biết hợp tác với người khác để hoàn thành việc chung.
2. Dạy trẻ suy nghĩ lạc quan và nhìn cuộc sống một cách tích cực
Bạn nên dạy con rằng, cuộc sống rất muôn màu, lúc này thành công nhưng lúc khác có thể thất bại. Quan trọng là sau những thất bại đó, con phải biết đứng lên và làm lại từ đầu. Khuyến khích con nhìn vào mặt tích cực của cuộc sống bằng cách chỉ cho bé thấy những điều tốt đẹp đang hiện hữu xung quanh.
3. Dạy trẻ không bao giờ ngừng đọc và học hỏi
Ngay từ bé, bố mẹ nên dạy cho trẻ cách đọc sách bởi thói quen này không chỉ giúp cho trẻ có thể tự khám phá, mày mò những điều hay mà còn giúp cho con rèn luyện tính cách chăm chỉ, cần mẫn. Ngoài kiến thức học từ sách giáo khoa, mẹ cũng nên khuyến khích bé cởi mở, tiếp thu, học hỏi, rút kinh nghiệm từ những bài học tình huống có thật trong cuộc sống, cả tích cực lẫn tiêu cực.
4. Dạy con ngoan biết cách chọn bạn
Hãy giúp bé cách để phân biệt thế nào là người bạn tốt, người bạn xấu qua lời nói và hành vi trực quan trong cuộc sống, từ bạn bè xung quanh. Ví dụ như một đứa trẻ đang bắt nạt một đứa trẻ khác trong hàng xóm hay một đứa bé đang nói bậy, bạn hãy chỉ cho bé thấy đó là điều không đúng hoặc không nên, từ đó bé sẽ bắt đầu có kiến thức về cách chọn bạn và phân biệt bạn xấu, tốt.
5. Dạy con cách tôn trọng và giữ gìn tình bạn
Khuyến khích con cái phải thật thà và hết lòng với bạn. Đôi khi quan điểm của trẻ và bạn bè có thể khác biệt, nên mẹ hãy nói với trẻ: “Đây là việc bình thường, con có thái độ tôn trọng ý kiến của bạn. Con không nên tranh luận gay gắt dẫn đến giận dỗi, sứt mẻ tình bạn”.
Kỹ năng sống ăn uống ở ngoài
1. Chọn nhà hàng phù hợp
- Nhà hàng có thực đơn cho trẻ em
- Không phải chờ đợi lâu để có bàn
- Có ghế đa năng dành cho trẻ em
- Có không gian riêng tư
- Có khu vực vui chơi dành cho trẻ
2. Dạy cho con cách cư xử khi đi ăn ngoài
Bạn có thể chọn một góc riêng trong nhà, bày trí bàn ghế và cho trẻ thực hành các tình huống như ở nhà hàng như gọi món, thay đổi thức ăn để trẻ cảm nhận được sự khác biệt giữa ăn ở nhà và ở ngoài là như thế nào. Bạn hãy để trẻ học theo cách trực quan càng nhiều càng tốt, trong mỗi bài học luôn có sự mới lạ và không khí vui vẻ. Trẻ sẽ thích thú và học nhanh hơn.
3. Để con ngồi lại lâu hơn trong mỗi bữa ăn
Bạn nên gọi trẻ ngồi vào bàn ăn sớm hơn vài phút để chờ đợi các món ăn lần lượt được dọn ra. Sau khi cả nhà ăn xong, bạn hãy giữ trẻ ngồi tại chỗ của mình bằng cách cả nhà cùng trò chuyện, kể cho trẻ nghe những câu chuyện hài hước hoặc nói về những kế hoạch dành cho cả nhà sắp tới.
4. Chọn thời gian đi ăn bên ngoài gần với thời gian dùng bữa của gia đình
Bạn nên chọn thời gian đi ăn bên ngoài hợp lý, trước khi trẻ trở nên quá đói và mệt mỏi và càng gần với thời gian ăn tại nhà của cả gia đình càng tốt. Nếu phải đi ăn trễ hơn nhiều so với khi dùng tại nhà, bạn hãy chuẩn bị một vài thức ăn lót dạ nhẹ cho trẻ và cho phép trẻ ăn ít hơn thường ngày.
5. Thống nhất với con những điều cần tuân thủ khi đến đi ăn ở nhà hàng
Bạn nên thỏa thuận trước với trẻ một số quy định như: Luôn ngồi đúng ghế của mình và chỉ rời chỗ ngồi sau khi được bố mẹ đồng ý, không nói chuyện quá to gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, luôn sử dụng muỗng, đũa khi ăn và tuyệt đối không dùng tay bốc thức ăn, không làm nũng hay cáu kỉnh trong suốt buổi ăn.
Kỹ năng sống độc lập cho bé
1. Nấu nướng
Bé không cần phải biết nấu cả một bàn tiệc sang trọng, nhưng tự thực hiện được một bữa cơm gia đình đơn giản với 1 món mặn và 1 món canh sẽ là điều rất cần thiết cho bé khi phải sống xa bố mẹ trong tương lai.
2. Kỹ năng sống sót trong tự nhiên
Để bé được an toàn trong những chuyến hành trình của mình, cha mẹ đã cần trang bị cho con các kỹ năng cần thiết để tồn tại trong môi trường tự nhiên bằng các chương trình hướng đạo sinh, các trại hè dành cho bé.
3. Bơi lội
Theo thống kê của WHO, mỗi năm Việt Nam có đến 11.500 trẻ em chết đuối. Điều này sẽ không xảy ra nếu các bé biết kỹ năng bơi lội từ khi còn nhỏ. Hiện nay, ở các thành phố lớn có rất nhiều lớp học chống đuối nước cho các bé nhỏ, thậm chí các bé có thể bắt đầu khi chỉ mới 2-3 tuổi. Nếu bé đã lớn hơn, từ 5 tuổi trở lên thì bố mẹ có thể dễ dàng đăng ký các buổi học bơi cho con ở bất kỳ hồ bơi nào.
4. Làm vườn
Bố mẹ có thể cho bé về quê hoặc đi tham quan các khu vườn sinh thái để biết cách trồng một cái cây, chăm sóc một con vật là như thế nào. Việc tiếp xúc với các loại rau củ còn giúp bé có hứng thú với đồ ăn, làm giảm tâm lý biếng ăn. Một việc làm, nhiều lợi ích, sao mẹ không làm ngay nhỉ?
5. Sửa chữa đồ dùng
Bé có thể được học cách chữa những món đồ chơi bằng cách vá, dán keo hay cách sửa chiếc xe đạp của mình. Đó là những bài học sinh động và thú vị giúp bé hiểu cách một đồ vật vận hành. Đồng thời, thông qua việc này, mẹ cũng có thể dạy bé cách tiết kiệm và trân trọng những đồ vật mình có.
6. Sử dụng tiền
Mẹ có thể dạy con những hiểu biết cơ bản như: Chúng ta phải mua mọi thứ bằng tiền, đồng tiền mỗi tháng bố mẹ có được sẽ có giới hạn và với số tiền đó chúng ta sẽ phải chia ra cho những thứ khác nhau. Cho bé cùng đi mua sắm là một bài học trực quan và sinh động nhất về cách sử dụng tiền. Ngoài ra, bạn có thể dạy con tiết kiệm bằng cách mua cho bé ống heo hoặc tạo một tài khoản tiết kiệm riêng cho bé.
7. Giặt giũ
Bạn đừng quên chỉ cho bé cách phân loại quần áo, cách giặt các loại quần áo khác nhau để luôn có được trang phục thật đẹp dù ở nhà hay khi đi học, đi chơi.
8. Quản lý thời gian
Hầu hết các bà mẹ đều phải trải qua cảnh vật lộn hàng giờ mới bước ra khỏi nhà vào buổi sáng, vì bé cưng không hề có khái niệm thời gian. Ngay khi bé có thể nhận biết buổi sáng, buổi tối, thế nào là đợi lâu, thế nào là nhanh chóng, mẹ hãy bắt đầu dạy bé cách ước lượng thời gian.
Những điều cha mẹ cần làm khi dạy kỹ năng sống cho bé
1. Hạn chế la mắng trẻ
Nếu cha mẹ mắng con là “đồ ích kỷ”, rồi trừng phạt khi bé chưa biết chia sẻ hoặc buộc bé phải chia một vật nào đó rất yêu thích thì bạn vô tình gieo rắc nơi trẻ sự oán hận, chứ không phải lòng quảng đại. Để khuyến khích con biết chia sẻ thì sự khích lệ sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn lời quở trách.
Phụ huynh cũng không nên quá lo lắng khi thấy bé giữ riêng cho mình một số đồ chơi cụ thể nào đó. Có thể sau này khi trưởng thành, chúng sẽ hiểu được chia sẻ với các bạn khác thì vui hơn là giữ riêng một mình.
2. Làm gương tốt cho con
Để con cái không có tính ích kỉ thì đầu tiên bố mẹ phải luôn là những tấm cho con cái, mở lòng mình, sẵn sàng giúp đỡ mọi người để con cái có thể thấy được và noi theo những hành động của bố mẹ.
3. Không áp đặt con
Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam hiện nay vẫn mắc sai lầm trong việc dạy dỗ con. Họ vẫn còn thói quen áp đặt suy nghĩ, kỳ vọng của mình lên con, thay vì thấu hiểu và tôn trọng con. Dạy con cách này, cha mẹ đang vô tình hủy hoại đi sự tự tin và tự chủ chớm hình thành trong con, triệt tiêu đi tư duy sáng tạo của trẻ.
4. Không ngại giải thích cho con vì sao cần làm hoặc không nên làm
Giải thích cho con vì sao mẹ nghĩ việc này nên làm, việc kia không nên làm. Nếu con phản bác lại theo suy nghĩ của trẻ, bạn cũng đừng lấy đó làm phiền lòng, mà chấp nhận tranh biện để con hiểu rằng làm theo lời cha mẹ là tốt. Khi đã hiểu, trẻ sẽ tự ra quyết định, tự viết nội quy, tự giác làm và tự giám sát. Trẻ làm không phải vì sợ mà vì đó là điều đúng, cần thiết. Kết quả đạt được là tập cho trẻ kỹ năng tự đưa ra quyết định, kỹ năng tự nguyện, tự giác.
5. Không nôn nóng khi dạy kỹ năng sống cho con
Việc rèn kỹ năng, thói quen tốt cho con nên làm có kế hoạch, đi từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Ngay từ ban đầu, nên chọn cho con điều nào dễ làm nhất để tạp dần thói quen tốt cho trẻ. Ví dụ, thức dậy phải xếp mền gối, ăn cơm xong phải cho bát vào bồn rửa.
6. Tôn trọng con
Nguyên tắc quan trọng cha mẹ cần nhớ là luôn tôn trọng và khuyến khích con, thay vì chê bai khi con làm chưa tốt. Đặc biệt không đổ lỗi tất cả cho trẻ.
[inline_article id=226691]
Kỹ năng sống cho trẻ vô cùng quan trọng để giúp con trưởng thành và thành công hơn trong tương lai. Vì vậy, ba mẹ nên kiên trì dạy những kỹ năng sống cho con mỗi ngày nhé.
Marry Baby