Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

Cách làm sữa chua từ sữa mẹ cho bé lười ăn, hay ốm vặt

Sữa mẹ chắc chắn là thức ăn tốt nhất và không thể thay thế đối với trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ. Đó là lý do mẹ không nên phí phạm nguồn dinh dưỡng quý giá này. Hãy học cách làm sữa chua từ sữa mẹ để tận dụng sữa dư bé bú không hết mẹ nhé.

Tại sao mẹ phải học cách làm sữa chua từ sữa mẹ?

Mẹ nên học cách làm sữa chua từ sữa mẹ vì đây là loại sữa chua giàu dinh dưỡng nhất dành cho trẻ . Về bản chất, sữa mẹ chứa nhiều kháng thể cùng những thành phần dinh dưỡng tối ưu mà không loại sữa nào sánh kịp. Đó là protein, sắt, canxi, các vitamin và khoáng chất. Đặc biệt sữa mẹ chứa chất béo DHA, cần thiết cho sự phát triển não bộ, thị giác và tăng cường sức đề kháng ở trẻ.

Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh được bú mẹ thường có chỉ số thông minh cao hơn nhóm trẻ còn lại. Thêm nữa, các nhà khoa học cũng phát hiện não của trẻ bú sữa mẹ có nồng độ DHA cao hơn não của trẻ dùng sữa công thức. 

Ngoài ra, cũng như các loại sữa chua khác, sữa chua làm từ sữa mẹ chứa các lợi khuẩn, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, kích thích bé ăn ngon miệng. Bên cạnh đó, món phụ này còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng, thích hợp cho trẻ lười ăn, hay ốm vặt.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Những sự thật mẹ cần biết khi trẻ biếng ăn

Trẻ mấy tháng ăn được sữa chua làm từ sữa mẹ?

Trước khi học cách làm sữa chua từ sữa mẹ, mẹ cần biết trẻ mấy tháng ăn được sữa chua.

Dưới 6 tháng, hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt nên sữa chua không phải là món ăn dành cho bé. Thời điểm tốt nhất con có thể ăn được sữa chua là từ 7 tháng trở lên. Đồng thời, mẹ nên cho con ăn sữa chua sau bữa ăn chính 20-30 phút để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Liều lượng sữa chua cho trẻ ăn tùy theo độ tuổi:

– Bé dưới 1 tuổi: khoảng 50g/ngày.

– Bé từ 1-2 tuổi: khoảng 80g/ngày. 

>>> Mẹ có thể xem thêm: Cho trẻ ăn sữa chua đúng cách

Trẻ mấy tháng ăn được sữa chua làm từ sữa mẹ? 

Cách làm sữa chua cho bé bằng sữa mẹ

Mẹ có thể làm sữa chua từ sữa mẹ mới vắt hoặc sữa trữ đông. Nếu là sữa mẹ trữ đông, mẹ cần rã đông trước khi làm. Cách rã đông đơn giản nhất là nếu ngày mai làm sữa chua thì hôm nay mẹ để túi sữa đông đá ở ngăn mát tủ lạnh. Hôm sau sữa đã rã đông tự nhiên một cách an toàn.

– Nguyên liệu

  • 600ml sữa mẹ 
  • 1/2 hộp sữa chua không đường (để ở nhiệt độ phòng) để làm sữa chua cái
  • Hũ thủy tinh đã tiệt trùng bằng nước sôi
  • Nồi cơm điện (hoặc thùng xốp)

– Các bước thực hiện cách làm sữa chua bằng sữa mẹ

  • Cho sữa mẹ vào nồi hâm với lửa vừa, khi thấy sủi tăm là được. Không đun sôi bùng vì sẽ làm mất hết chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Dùng nhiệt kế để canh nhiệt độ sữa là tiện nhất. Nhiệt độ đạt là khoảng 70 độ C.
  • Sau đó tắt bếp, cho sữa vào chậu nước lạnh làm nguội đến 45 độ C thì cho nửa hũ sữa chua cái vào khuấy nhẹ nhàng.
  • Cho sữa chua vào hũ, đậy kín nắp. 
  • Tiếp theo là bước ủ sữa chua. Xếp các hũ sữa chua vào nồi cơm điện, đổ nước ngập 1/2 hũ. Nhiệt độ nước khoảng 40 – 45 độ C. Sau đó để nồi ở chế độ “warm”. Thời gian ủ khoảng 6-8 giờ. Thời gian ủ càng lâu thì sữa chua càng sánh đặc. 
  • Sau bước ủ sữa là mẹ đã có thành phẩm. Mẹ cho sữa chua vào tủ lạnh để bảo quản. Trước khi cho trẻ ăn, mẹ nên ngâm sữa chua vào nước ấm để bớt lạnh.

Nếu không có nồi cơm điện, mẹ có thể dùng thùng xốp nhỏ để ủ sữa chua.  Tương tự, mẹ xếp các hũ sữa chua vào thùng xốp, đổ nước ấm (40-45 độ C) ngập ½ hũ. Đậy kín nắp thùng xốp. Việc đậy nắp chặt sẽ giúp giữ nhiệt bên trong thùng, đảm bảo quá trình lên men sữa chua. Thời gian ủ như trên, khoảng 6-8 tiếng.

Những lưu ý khi chế biến sữa chua từ sữa mẹ

Khi học cách làm sữa chua từ sữa mẹ, để có mẻ sữa chua thành công, giàu dinh dưỡng, không tách nước, mẹ lưu ý một số điều sau:

– Không thêm đường vào sữa chua vì đường không tốt cho sức khỏe và răng lợi của bé.

– Không dùng sữa đã vắt để bên ngoài hơn 4 giờ vì sữa để quá lâu ở môi trường bên ngoài dễ bị nhiễm khuẩn và gây tiêu chảy cho bé.

– Không nên xin sữa mẹ về làm vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của trẻ.

– Dụng cụ làm sữa chua nên tiệt trùng kỹ để an toàn cho con.

– Để sữa chua không tách nước, nên để sữa chua cái ở nhiệt độ phòng. Nếu sữa chua cái lạnh, khi gặp sữa nóng sẽ làm hư lợi khuẩn, thành phẩm sẽ không mịn đặc. Ngoài ra, thời gian ủ không đủ cũng làm sữa chua bị loãng.

– Mẹ có thể xay thêm trái cây trộn vào thành phẩm để bé ăn ngon miệng mà món sữa chua cũng thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Cho bé ăn trái cây thế nào mới đúng?

Những cách chế biến khác từ sữa mẹ

Bên cạnh tham khảo cách làm sữa chua từ sữa mẹ, mẹ có thể làm kem trái cây từ sữa mẹ hay cho sữa mẹ vào món ăn dặm của bé.

– Làm kem từ sữa mẹ

Cách làm đơn giản vô cùng. Mẹ chỉ cần cho sữa mẹ vào khuôn làm kem que, có thể thêm trái cây xay nhuyễn để món kem thêm hấp dẫn. Tùy theo độ tuổi của trẻ mà mẹ chọn loại trái cây thích hợp với con. 

Đặc biệt, món kem này có thể làm dịu cảm giác khó chịu cho bé ở giai đoạn mọc răng. Với trẻ lớn hơn, đó là món ăn giải khát bổ dưỡng cho ngày hè nóng nực. Nhưng mẹ chỉ nên thỉnh thoảng cho trẻ ăn kem để thay đổi khẩu vị vì ăn nhiều dễ làm trẻ viêm họng.

Làm kem từ sữa mẹ

– Cho sữa mẹ vào món ăn dặm của trẻ

Khi tập cho bé ăn dặm bột ngọt, mẹ có thể thêm một ít sữa mẹ vào để món ăn có hương vị quen thuộc, kích thích vị giác của bé. Chẳng hạn khi làm bột ăn dặm trái bơ cho bé, mẹ có thể xay chung sữa mẹ với thịt quả bơ.

Hy vọng với cách làm sữa chua từ sữa mẹ, mẹ có thể chế biến thêm nhiều món ăn giàu dinh dưỡng khác từ sữa mẹ cho bé yêu của mình.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Sự phát triển của bé sẽ đánh giá sữa mẹ như thế nào là tốt

Sữa mẹ thế nào là tốt? Sữa mẹ tốt là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh, với độ an toàn cao và cung cấp hàm lượng dưỡng chất tốt cho hệ miễn dịch của trẻ. Vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định rằng sữa mẹ là một trong những cách bảo đảm sức khỏe và khả năng phát triển của trẻ sơ sinh hiệu quả nhất.

3 lợi ích khi nuôi con bằng sữa mẹ

Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng, thời gian trẻ được cho bú sữa mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tối đa của trẻ về nhận thức nói chung và ngôn ngữ nói riêng. Không những vậy, sữa mẹ còn giúp mang đến 3 tiêu chuẩn vàng:

  • Hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh: Sữa mẹ cung cấp các kháng thể tự nhiên như Alpha-lactalbumin, HMO, cùng các axit béo giúp bé xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bệnh tật. Không những vậy, sữa mẹ còn giúp trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, béo phì, đái tháo đường típ 1, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, viêm tai giữa.
  • Hỗ trợ tiêu hóa dễ dàng: Với các chất béo tự nhiên có cấu trúcđặc biệt, sữa mẹ rất dễ tiêu và dễ hấp thu, nhờ đó hạn chế tình trạng nôn trớ và ngăn ngừa táo bón ở trẻ.
  • Hỗ trợ phát triển trí não: Sữa mẹ có chứa các dưỡng chất cần thiết nhất cho sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ bú mẹ sẽ thông minh hơn khi lớn lên.

Sự phát triển của trẻ là thước đo chất lượng sữa mẹ 

Nhìn vào sự phát triển của trẻ, ta có thể đánh giá được sữa mẹ có tốt hay không. Bởi sữa mẹ không chỉ là nguồn cung cấp dưỡng chất mà còn giúp trẻ xây dựng hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật và tạo nền tảng cho sự phát triển não bộ. 

6 tuần đầu tiên

3 – 4 ngày sau sinh là giai đoạn sữa non phát huy tác dụng, giúp ổn định lượng đường trong máu, khởi động hệ tiêu hóa và “đặt nền móng” cho phát triển não bộ cho trẻ. Trong 6 tuần tiếp theo, hệ miễn dịch của trẻ sẽ được củng cố bởi các dưỡng chất từ sữa mẹ, ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa… Do đó, nếu trẻ phát triển bình thường và không bị bệnh chứng tỏ sữa mẹ cung cấp đầy đủ các chất kháng thể cho trẻ.

Từ 6 tuần – 4 tháng

Dù giai đoạn sữa non đã qua, nhưng trong giai đoạn này, một nguồn sữa mẹ tốt vẫn sẽ giúp trẻ hạn chế nguy cơ dị ứng thức ăn. Không chỉ vậy, duy trì việc cho con bú sữa mẹ 3 – 4 tháng còn giúp trẻ giảm nguy cơ hen suyễn, nhiễm trùng và vấn đề về tiêu hóa.

Sự phát triển của trẻ là thước đo hoàn hảo cho chất lượng sữa mẹ

Từ 4 – 9 tháng

Nuôi con bằng sữa mẹ liên tiếp trong 6 tháng sau sinh:

  • Giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm trùng tai – mũi – họng.
  • Giúp trẻ có khả năng chống lại các bệnh tự miễn và dị ứng hô hấp. Giảm nguy cơ mắc bệnh bạch cầu đến 19%.
  • Phát triển khả năng nhận thức, vận động, cảm xúc và hành vi.

Khi cho trẻ bú sữa mẹ đến 9 tháng, trẻ sẽ được phát triển thể chất để trở nên năng động và độc lập hơn.

Giai đoạn 9 – 12 tháng

Nuôi con bằng sữa mẹ từ 9 – 12 tháng còn mang lại cho trẻ những lợi ích lâu dài về sức khỏe như:

  • Giảm nguy cơ thừa cân
  • Hạn chế rủi ro mắc các bệnh tim mạch khi trưởng thành
  • Tăng cường sức khỏe răng miệng
  • Phát triển ngôn ngữ
  • Hỗ trợ định hình vòm miệng và đường hô hấp.

Từ 12 tháng trở đi

Sữa mẹ có khả năng tự điều chỉnh để phù hợp với quá trình phát triển của trẻ. Do đó, các chuyên gia khuyên bạn không nên vội cai sữa khi con mới một tuổi.

Qua những chia sẻ trên, hi vọng bạn đã hiểu hơn về lợi ích của sữa mẹ cũng như tầm quan trọng của việc cho bé bú mẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể cho bé bú vì một lý do nào đó, bạn cũng đừng quá lo lắng. Hãy cân nhắc nhờ đến sự hỗ trợ từ các giải pháp dinh dưỡng thay thế phù hợp để giúp bé nhận được nguồn dinh dưỡng tốt nhất.