Tai trẻ sơ sinh có mùi hôi thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng phổ biến nhất vẫn là do viêm tai hoặc tai bị nhiễm trùng. Trong một số trường hợp trẻ bị cảm cúm; viêm họng; viêm mũi… không được điều trị đúng cách và kịp thời cũng có thể là nguyên nhân làm tai bé có mùi hôi. Để ngăn ngừa tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi, mẹ đừng bỏ lỡ 6 cách sau đây nhé!
Nguyên nhân khiến tai trẻ sơ sinh có mùi hôi
Khi cha mẹ nhận thấy lỗ tai, vành tai, ráy tai trẻ sơ sinh có mùi hôi thì có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân dưới đây:
- Vệ sinh tai sai cách: Khi ba mẹ vệ sinh tai cho trẻ nếu làm sai cách sẽ khiến tai có mùi hôi.
- Ráy tai tích tụ nhiều: Khi tai bị tắc nghẽn ráy tai trong ống tai sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển gây ra mùi hôi.
- Nhiễm trùng tai giữa ở trẻ sơ sinh: Nhiễm trùng tai giữa, tai trẻ có mùi hôi thường xảy ra sau khi bị cảm lạnh, cúm hoặc nhiễm trùng xoang, dị ứng. Trong loại nhiễm trùng tai này, chất dịch lỏng bị giữ phía sau màng nhĩ, các bộ phận của tai giữa sưng lên và nhiễm trùng dẫn đến tình trạng tai có mùi hôi ở trẻ sơ sinh.
- Có dị vật trong tai: Những mẩu giấy; đồ ăn; xà phòng… bị sót lại trong tai cũng là nguyên nhân làm tai trẻ sơ sinh cho mùi hôi.
- Tình trạng cholesteatoma: Cholesteatoma là một tập hợp bất thường của các tế bào da ở sâu bên trong tai. Nó thường xảy ra sau viêm tai giữa hoặc do một dị tật bẩm sinh.
>> Mẹ có thể xem thêm: Chọn ngày cắt tóc cho bé mang lại sức khỏe may mắn!
Cách điều trị triệu chứng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi
Nếu cha mẹ đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc tai trẻ có mùi hôi thì sẽ tìm được giải pháp để khắc phục. Nhưng nếu, ba mẹ không thể tìm được nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên thì hãy cho con đi khám tại bệnh viện. Các bác sĩ khoa nhi sẽ tư vấn và tìm ra cách điều trị kịp thời cho trẻ sơ sinh.
Thông thường, khi đến khám bệnh tại các bệnh viện, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nội soi tai. Phương pháp này được các bác sĩ sử dụng ống nội soi chuyên dụng để đưa ánh sáng vào mọi ngóc ngách của vùng tai. Từ đó, bác sĩ sẽ chuẩn đoán tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị thích hợp.
Cách phòng tránh tai trẻ sơ sinh có mùi hôi
1. Giữ ấm để ngăn ngừa
Trẻ sơ sinh còn chưa hoàn toàn thích nghi được với mọi điều kiện bên ngoài nên việc giữ ấm rất cần thiết. Nhiều bác sĩ đã đưa ra các lời khuyên, ba mẹ nên giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc quần áo theo cách tương tự với người lớn.
Chẳng hạn, khi cha mẹ đang mặc một áo phông dài tay và quần jeans trong ngày nắng ấm thì bé cũng sẽ thoải mái hơn với trang phục tương tự. Nhưng ba mẹ cần thêm một áo lót bên trong. Nếu trường hợp cha mẹ cần khoác thêm áo len thì bé cũng vậy.
Việc giữ ấm cho bé mới sinh sẽ giúp hạn chế các bệnh nhiễm như cảm cúm, ho sốt, quai bị,… Vì tai trẻ sơ sinh có thể có mùi hôi sau khi trẻ bị nhiễm các căn bệnh này.
2. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc môi trường ô nhiễm
Rất nhiều phụ huynh, đặc biệt là các ông bố thường có thói quen hút thuốc. Tuy nhiên thói quen này sẽ gây ảnh hưởng cực kì xấu đến sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Nếu trẻ sống trong môi trường đầy khói thuốc hoặc bị ô nhiễm nghiêm trọng sẽ có nguy cơ mắc phải các hội chứng đột tử (SIDS); bệnh hô hấp (cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản, hen). Bên cạnh đó, trẻ còn có thể bị nhiễm trùng tai trong những năm đầu đời. Hơn nữa các chức năng của phổi và dung tích phổi bị giảm đi và tăng nguy cơ sâu răng của trẻ.
3. Không nên cho trẻ cai sữa sớm
Một nghiên cứu của Đại học Texas Medical Branch (UTMB) tại Galveston, Mỹ cho thấy trẻ được bú sữa mẹ sẽ tránh được nguy cơ nhiễm trùng ở tai; ngăn ngừa tình trạng tai bé có mùi hôi. Vì trong sữa mẹ có kháng thể Immunoglobulin (IgA) giúp bảo vệ các màng nhầy trong tai không bị nhiễm trùng; tránh bị hôi.
4. Cho trẻ bú sữa đúng cách
Không những hạn chế việc cho trẻ cai sữa sớm, các mẹ hãy chú ý cho con bú sữa đúng cách. Điều này để tránh tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi.
Chẳng hạn như đặt trẻ ngồi cao khi bú bình; không cho ngậm bình sữa khi ngủ để tránh việc sữa chảy vào tai. Khi trẻ bú xong không nên cho trẻ nằm liền vì có thể gây nôn ói và trào ngược. Vì thế, sữa sẽ chảy vào tai khiến dịch dạ dày lên vùng mũi họng, tai gây viêm tai giữa và viêm mũi.
5. Giữ vệ sinh cho trẻ
Các mẹ nên chú ý giữ cho đôi bàn tay của trẻ thật sạch sẽ; không cho trẻ ngậm đồ chơi bẩn; bú tay bẩn; nghịch đồ chơi dưới đất để tránh tình trạng bị nhiễm bệnh khiến tai trẻ sơ sinh có mùi hôi.
Nếu tai bé có mùi hôi nhưng vẫn khô ráo; không ra dịch vàng; không ra nước và trẻ không sốt; không quấy khóc; mẹ không cần quá lo lắng nhé. Chỉ cần vệ sinh tai nhẹ nhàng cho trẻ ở khu vực lỗ ngoài ống tai bằng nước muối sinh lý 2-3 ngày sẽ hết mùi ngay.
Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý không để nước vào tai bé khi tắm. Nếu nước rơi vào tai bé, hãy bình tĩnh dùng tăm bông tiệt trùng thấm thật nhẹ nhàng. Và mẹ cũng đừng nên lấy ráy tai cho trẻ bằng tăm bông hay dùng thuốc nhỏ; thuốc uống để hạn chế nhiễm trùng tai. Bởi vì cấu trúc của tai trẻ sơ sinh cực kì phức tạp.
[inline_article id=269858]
6. Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ
Đây là cách an toàn giúp trẻ chống chọi được với các mầm bệnh. Bởi với các bé sơ sinh thì sức đề kháng kém rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay đã có đầy đủ các loại vắc-xin phòng ngừa 12 căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh. Mẹ đừng nên bỏ qua bất kì đợt tiêm phòng nào nhé.
Tai trẻ sơ sinh có mùi hôi sẽ không gây nguy hiểm nếu mẹ hiểu và biết cách phòng ngừa hiệu quả. Tuy nhiên nếu tình trạng tai trẻ không tốt, mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện uy tín để khám và điều trị. Hy vọng bài viết này của MarryBaby sẽ giúp ích cho các mẹ trong việc tìm ra nguyên nhân khiến tai trẻ có mùi hôi. Nếu các mẹ còn thắc mắc gì trong quá trình nuôi dạy con cái thì hãy truy cập vào trang MarryBaby nhé.