Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Lưỡi nổi hột trắng và nhiều biểu hiện khác nữa, mẹ đã biết “bắt bệnh” chưa?

Lưỡi nổi hột trắng hoặc lưỡi của bé phát đỏ, thảm lông trở nên ít đi khác thường hay nhiều triệu chứng khác nữa… Mỗi biểu hiện đều là cơ sở để mẹ “bắt bệnh” cho bé.

Lưỡi là bộ phận nằm ẩn bên trong nên dễ khiến người lớn chủ quan, khó phát hiện vấn đề bệnh tật ở trẻ. Trẻ có lưỡi nổi hột trắng hoặc lưỡi có màu trắng chuyển sang vàng… Dù là biểu hiện nào thì cũng cần bạn hiểu biết đúng và đủ về cách nhìn lưỡi. Từ đó, bạn sẽ chủ động hơn trong quá trình chăm sóc và nuôi con.

Lưỡi nổi hột trắng

Thế nào là nhìn lưỡi bắt bệnh cho bé?

Thông thường, bác sĩ Tây y cũng có thao tác quan sát biểu hiện bên ngoài cơ thể như lưỡi nổi hột trắng hay da bị phát ban… khi chẩn đoán bệnh. Tuy vậy, cách nhìn lưỡi bắt bệnh thường phổ biến hơn ở Đông y. Da của trẻ nhỏ còn non nớt, phản ứng nhạy cảm nên một khi bị bệnh thì các chuyển biến bệnh lý bên trong cũng sẽ biểu hiện ở biểu bì (da) rõ rệt hơn so với người lớn.

Các thay đổi khác thường ở thần, sắc, hình dạng, trạng thái… đều là những chi tiết được kết hợp lại để phán đoán bệnh trạng chuẩn xác hơn. Màu lưỡi tiết lộ nhiều điều khi quan sát tình trạng lưỡi của trẻ. Lúc này, bạn cần tiến hành theo tuần tự nhất định, từ đầu chóp lưỡi, thân lưỡi, gốc lưỡi, hai bên lưỡi đều phải tỉ mỉ xem xét.

Điển hình như bệnh lý về gan thường phản ánh ở hai bên lưỡi. Bệnh về tỳ vị biểu hiện ở thân lưỡi (phần trung tâm của lưỡi). Nếu thận và bàng quang có vấn đề thì biểu hiện ở gốc lưỡi. trong khi đó bệnh lý tim, phổi sẽ có những khác thường ở chóp lưỡi. Hoặc tình trạng lưỡi nổi hột trắng thì cơ thể có khả năng thiếu vitamin.

Lưỡi nổi nhiều hột trắng

Vậy lưỡi của bé khỏe mạnh sẽ gồm những điều kiện nào? Thảm lông trên bề mặt lưỡi do nhiều thành phần hợp lại, bao gồm lớp thượng bì sừng hóa, nước bọt, vi khuẩn, tàn dư thức ăn và cả tế bào bạch cầu bị “rò rỉ”. Những vật chất này cộng lại hình thành nên một lớp lông mỏng màu trắng như một tấm màng bảo vệ lưỡi.

Trong tình huống bình thường thì lưỡi của bé phải đảm bảo độ mềm mại tự nhiên, màu hồng nhạt và có độ nhẵn nhất định, động tác co hay thè lưỡi dễ dàng thoải mái, “thảm lông” trên bề mặt lưỡi có độ ẩm tương đối và không có tình trạng hơi thở của trẻ có mùi hôi khó chịu.

Nhìn lưỡi bắt bệnh cho bé theo từng biểu hiện cụ thể

Lưỡi nổi hột trắng hoặc lưỡi phát đỏ, thảm lông trở nên ít đi khác thường… Mỗi một biểu hiện đều cho thấy cơ thể trẻ đang gặp vấn đề.

1. Lưỡi của bé có một lớp bẩn dày màu trắng

Khi nhìn lưỡi bắt bệnh, phần khác thường dễ phát hiện chính là một lớp bẩn màu trắng trên bề mặt lưỡi của bé và đây có thể là triệu chứng trẻ bị “tích thực”. Khi thảm lông trên lưỡi thay đổi trở nên nhiều và dày hơn bình thường sẽ tạo thành lớp bẩn này.

Ngoài ra, bạn còn có thể thấy hai bên lưỡi và đầu lưỡi của trẻ sẽ ửng đỏ hơn, đường viền ven lưỡi còn có in nhiều dấu cấn của răng. Nếu quan sát thấy những biểu hiện này, hãy cân nhắc đến vấn đề tiêu hóa ở trẻ, dạ dày và đường ruột không thể hoạt động tốt nên lượng thức ăn thừa tồn đọng càng nhiều.

Lời khuyên cho mẹ: Điều chỉnh chế độ ăn uống của trẻ, tăng cường các món thanh đạm với nhiều rau xanh, củ quả để bổ sung chất xơ cũng như giúp hệ tiêu hóa, hấp thu và bài tiết thuận lợi hơn.

Lưỡi nổi hột trắng

Bạn cũng nên kiểm soát lượng thức ăn hằng ngày sao cho khoa học, không phải cứ ăn càng nhiều thì càng tốt cho bé, ngược lại còn gây gánh nặng cho dạ dày, đường ruột mà dẫn đến tình trạng tích thực. Ngoài ra, bạn cố gắng tập cho bé thói quen đại tiện có quy luật.

2. Lưỡi của bé phát đỏ, thảm lông trở nên ít đi khác thường

Khi thân nhiệt của trẻ tăng cao, lưỡi sẽ có hiện tượng đỏ sậm hơn lúc khỏe mạnh. Đồng thời lớp thảm lông trên bề mặt lưỡi bỗng nhiên giảm hẳn. Ngoài ra, khi trẻ bị sốt thì thảm lông này cũng khô hơn, trẻ hay có động tác thè lưỡi ra ngoài do cơ thể đang bị mất nước.

Lời khuyên cho mẹ: Tốt nhất là bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán tìm nguyên nhân gốc của bệnh và hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Cần tránh để gió lạnh thổi trực tiếp vào bé, quần áo nên thông thoáng để tản nhiệt tốt. Đặc biệt, mẹ chú ý bổ sung nước cho trẻ, vừa ngăn ngừa nguy cơ thoát nước vừa kích thích trẻ đi tiểu hỗ trợ cho quá trình điều trị sốt cao.

3. Lưỡi của bé trơn láng và đỏ

Trẻ có biểu hiện cảm mạo lặp đi lặp lại, thường xuyên phát sốt, ăn uống kém hoặc tiêu chảy mãn tính, kèm theo lưỡi bị đỏ đậm. Đồng thời, thảm lông gần như rụng hết khiến bề mặt lưỡi hoàn toàn trơn nhẵn. Lúc này, có thể thấy đây là những triệu chứng cho thấy sức đề kháng của trẻ suy yếu.

Lời khuyên cho mẹ: Nếu không có gì trở ngại, hãy cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ chứa một lượng lớn các chất miễn dịch lý tưởng, có thể tăng khả năng đề kháng cho cơ thể bé, hạn chế bệnh tật.

Lưỡi nổi hột trắng

Bên cạnh đó, mẹ không nên bồi bổ quá mức cho trẻ mà khiến cho lợi bất cập hại. Đặc biệt khi cho trẻ ăn dặm với thịt, bạn nhớ chú ý loại bỏ mỡ động vật. Điều quan trọng vẫn là giúp trẻ hấp thu dinh dưỡng đa dạng và cân bằng.

4. Lưỡi của bé từ trắng chuyển sang vàng bất thường

Theo Đông y, lưỡi bị vàng chủ yếu là do nóng trong. Khi nhìn lưỡi bắt bệnh, nếu quan sát thấy thảm lông trên bề mặt lưỡi của trẻ bị khô và có màu vàng thì bạn nên nghĩ đến vấn đề trẻ bị nội nhiệt nhưng chưa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nếu xuất hiện thêm các vết nứt ở lưỡi, đồng thời miệng nặng mùi và đại tiện ra phân khô cứng thì tình trạng đã nặng hơn.

Lời khuyên cho mẹ: Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng an toàn nhất cho trẻ, vừa giàu dinh dưỡng vừa hạn chế nguy cơ làm trẻ bị nội nhiệt. Mẹ có thể kết hợp với nhiều rau củ quả khi cho bé ăn dặm như lê, củ cải trắng, cải bó xôi, ngó sen… Ngoài ra, bạn cũng có thể cho trẻ ăn một số thực vật khác giúp thông đại tiện như táo, rau cần, dưa hấu, chuối, khoai lang, ngô.

5. Lưỡi nổi hột trắng

Lưỡi nổi hột trắng lớn nhỏ khác nhau, có hình tròn hoặc hình bầu dục, bề mặt vết loét hơi lõm và xung quanh có hiện tượng ửng đỏ bị sung huyết, có thể đau mang tính tự phát hoặc bị thức ăn kích thích gây đau. Đây là biểu hiện của bệnh viêm loét lưỡi ở trẻ em.

Lời khuyên cho mẹ: Lưỡi nổi hột trắng là biểu hiện của trẻ có thể bị viêm loét lưỡi. Tình trạng viê loét lưỡi đa số là do thiếu hụt vitamin B gây ra. Mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được xác định chính xác và bổ sung vitamin theo chỉ định của bác sĩ.

[inline_article id=3550]

Đồng thời, bạn nên kết hợp cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B như gan heo, gan gà, nấm, lòng đỏ trứng, rau lá xanh, gạo lứt… Ngoài ra, trẻ cần được uống nhiều nước và chú ý vệ sinh khoang miệng đúng cách.

Người lớn cần chú ý gì khi nhìn lưỡi bắt bệnh cho bé?

Nếu bé còn quá nhỏ không thể tự thè lưỡi thì bố mẹ cần hỗ trợ nhưng động tác khi “kéo” lưỡi của bé ra ngoài cần chậm rãi nhẹ nhàng và giữ cho lưỡi đặt tự nhiên phía trên môi dưới của trẻ, đầu chóp lưỡi hơi hướng xuống và khích lệ trẻ mở rộng miệng càng tốt.

Ngoài ra, tuyệt đối không tùy tiện cạo thảm lông lưỡi của bé. Khi quan sát, bố mẹ nên bình tĩnh và tạo không khí thoải mái để không làm trẻ sợ hãi, bất an, khó hợp tác, có thể tăng cường ánh sáng để nhìn rõ hơn các triệu chứng bên trong lưỡi.

Lê Phương