Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy? Mẹ cần biết để chuẩn bị tốt nhất

Nghén được mệnh danh là một “đặc sản” của những mẹ bầu. Theo thống kê, có khoảng 70% mẹ bầu bị ốm nghén, trong đó ốm nghén nặng chiếm 1,5%. Thông thường, mẹ bầu sẽ bắt đầu nghén từ khi nào? Nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy?

Mẹ sẽ ốm nghén trong bao lâu? MarryBaby sẽ giải đáp các thắc mắc này trong bài viết bên dưới.

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ốm nghén

Tình trạng ốm nghén ở mẹ bầu có khả năng liên quan đến một số yếu tố sau:

  • Do sự thay đổi nội tiết tố ở tuyến sinh dục khi mang thai, cụ thể là Progesteron và HCG. Cơ thể phụ nữ khi mang thai usẽ sản sinh ra một lượng lớn hormone Progesterone. Hormone này có thể gây các cân cơ ở hệ tiêu hóa, khiến lượng thức ăn bên trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, gây cảm giác buồn nôn. Bên cạnh đó, hormone này còn làm chậm khả năng tiêu hóa dẫn đến chứng khó tiêu.
  • Mẹ bầu có thói quen ăn uống thất thường khiến cơ thể dễ thiếu chất, gây mệt mỏi.
  • Một vài mẹ bầu có hệ thần kinh nhạy cảm với các mùi vị gây cảm giác khó chịu, buồn nôn.
  • Theo một số nghiên cứu, ốm nghén cũng có khả năng di truyền.

Không phải tất cả phụ nữ khi mang thai sẽ gặp tình trạng ốm nghén. Tùy vào cơ địa cũng như tình hình sức khỏe của mẹ bầu, có người không bị nghén nhưng cũng có người nghén rất nặng. Một số mẹ bầu có khả năng cao bị ốm nghén như:

  • Mẹ mang thai lần đầu.
  • Mẹ mang song thai hoặc đa thai
  • Sức khỏe mẹ yếu ớt, quá gầy hoặc béo phì.
  • Mẹ có tính cách quá nhạy cảm, dễ căng thẳng, dễ bị xúc động.
  • Mẹ có tiền sử bị say tàu xe, dị ứng với mùi vị hoặc dạ dày nhạy cảm hơn người bình thường.

Mẹ bắt đầu nghén từ khi nào?

Mẹ thắc mắc khi nào sẽ bắt đầu nghén và nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy?

Đa phần, mẹ bầu sẽ bị nghén ở khoảng tuần thứ 5 đến tuần thứ 6 của thai kỳ. Đến tháng thứ 4 thai kỳ, thai nhi đã ổn định hơn nên các triệu chứng ốm nghén cũng giảm dần.

Cũng có nhiều trường hợp, mẹ bầu xuất hiện ốm nghén muộn vào khoảng tuần thứ 8 – 12 của thai kỳ. Đặc biệt, có mẹ bầu không hề bị ốm nghén trong suốt thời gian mang thai.

Theo chia sẻ của nhiều bà bầu, khi bị ốm nghén, mẹ sẽ nhạy cảm về mùi vị của các loại thức ăn và dễ thấy buồn nôn hoặc nôn.

Điều này khiến mẹ ăn không ngon miệng, dẫn đến chán ăn, bỏ bữa. Mẹ có thể không ăn được món mà trước đây mình rất thích, hoặc có thể muốn ăn món mà mẹ vốn rất ghét.

Các triệu chứng nghén có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong ngày. Một số mẹ sẽ nghén vào buổi sáng và giảm dần các cơn nghén trong ngày, trong khi một số khác lại bị ốm nghén nhiều vào chiều tối.

Nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy
Thông thường, mẹ sẽ nghén nặng nhất vào khoảng tuần thứ 9 và tuần thứ 10

Nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy?

Thời gian xuất hiện triệu chứng nghén cũng như mức độ các cơn ốm nghén ở mỗi mẹ bầu là không giống nhau. Thậm chí một mẹ bầu nhưng vào các lần mang thai khác nhau cũng sẽ có cách nghén khác nhau.

Mẹ bầu sẽ nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy? Thông thường, mẹ sẽ nghén nặng nhất vào khoảng tuần thứ 9 và tuần thứ 10 của thai kỳ.

Đây là thời điểm mà nồng độ hormone hCG tăng cao nhất. Lượng hormone này sẽ giảm dần vào tuần thứ 11 và đến tuần thứ 15, nồng độ hormone hCG có thể giảm khoảng 50% so với thời điểm cao nhất.

Nhìn chung, ốm nghén không gây nguy hiểm đến sức khỏe thai nhi. Hiện tượng này chỉ ảnh hưởng nhiều nhất đến mẹ bầu, khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ốm nghén có thể là cách để bảo vệ thai nhi khỏi các hóa chất độc hại có trong thực phẩm.

Ốm nghén làm mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu

Theo thống kê, có 2% mẹ bầu gặp phải tình trạng ốm nghén nặng với các biểu hiện như:

  • Buồn nôn và nôn liên tục.
  • Mẹ không muốn ăn món gì, hoặc nếu có ăn được thì đều bị nôn ra hết.
  • Cơ thể mất nước, mệt mỏi, không có năng lượng làm bất cứ việc gì.
  • Mẹ sụt cân nhanh chóng, có thể giảm 4 – 5 kí trong 3 tháng đầu mang thai.

Ốm nghén bao lâu thì hết?

Nhìn chung, sau khi qua 3 tháng đầu, bà bầu sẽ ít bị nghén hơn. Đến khoảng tuần thứ 14, tình trạng nghén có thể biến mất. Cũng có trường hợp mẹ bầu hết nghén sớm hoặc muộn hơn.

Có khoảng 10 – 15% trường hợp mẹ bầu nghén kéo dài nhiều tháng sau kỳ tam cá nguyệt đầu tiên. Thậm chí có tới 5% trường hợp mẹ nghén suốt cả 9 tháng thai kỳ.

Mách mẹ cách giảm ốm nghén khi mang thai

Không có phương pháp hay loại thuốc điều trị nào có thể chữa dứt điểm triệu chứng ốm nghén. Mẹ có thể tham khảo một số cách sau để giảm sự khó chịu khi bị nghén.

  • Uống đủ nước. Đối với những trường hợp thiếu nước nặng, mẹ bầu có thể sẽ nhập việc để bù nước bằng cách truyền dịch vào tĩnh mạch.
  • Mẹ chia nhỏ bữa ăn, khoảng 5 – 6 bữa mỗi ngày thay vì 3 bữa lớn.
  • Sau khi thức dậy cần nằm trên giường khoảng vài phút rồi mới ngồi dậy từ từ
  • Dùng một tách trà gừng
  • Không uống nhiều nước hay ăn nhiều canh trong bữa ăn
  • Mẹ nên ăn các món giàu dinh dưỡng, mềm, dễ nuốt, nhất là rau xanh, các thực phẩm giàu protein cho bà bầu, thực phẩm giàu chất béo tốt như quả bơ, trứng.
  • Mẹ chú ý chăm sóc răng miệng vì nôn mửa có thể gây ảnh hưởng đến răng.
  • Tránh các loại thực phẩm có mùi vị mạnh, dễ gây ói mửa. Không ăn món quá cay, món ăn nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ hoặc thức ăn nhanh.
  • Hạn chế nằm ngay sau khi ăn xong.
  • Mẹ có thể nhâm nhi các món ăn vặt như bánh quy, bánh mì giòn, ngũ cốc, các loại hạt trong bữa phụ, vừa dễ ăn lại vừa tốt cho sức khỏe.
  • Tăng cường nghỉ ngơi, hạn chế làm việc quá sức hay căng thẳng, lo lắng quá mức.
  • Tinh thần là một trong những yếu tố quan trọng giúp mẹ vượt qua những cơn ốm nghén. Mẹ nên tránh nghĩ đến những việc tiêu cực, luôn giữ cho mình trạng thái lạc quan, vui vẻ trong suốt thai kỳ.
  • Trong trường hợp các triệu chứng ốm nghén trở nên nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, mẹ nên tìm đến sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ nhé.
Nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy
Tinh thần là  yếu tố quan trọng giúp mẹ vượt qua những cơn ốm nghén

Mẹ bầu nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy? Tuần thứ 9 và thứ 10 của thai kỳ có thể là giai đoạn mẹ có triệu chứng nghén nặng nhất.

Tuy nhiên, thời điểm này cũng có sự dao động, tùy vào cơ địa và sức khỏe của mỗi mẹ bầu. Mẹ hãy luôn giữ tinh thần lạc quan, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lối sống lành mạnh để có thai kỳ khỏe mạnh và nhẹ nhàng nhé.

Xem thêm: