Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

3 điều mẹ cần tránh khi ở nhà chăm con

Ở nhà chăm con tưởng là nhàn hạ, nhưng chỉ phụ nữ mới biết là cực tới cỡ nào. Khi đi làm công sở chị em còn được diện đồ, makeup, giao tiếp với mọi người còn khi ở nhà chăm con thì bạn chỉ quanh đi quẩn lại từ nhà xuống bếp, từ bếp lên nhà, đầu bù tóc rối với việc bỉm, sữa, cơm, cháo, tắm gội cho bé. Vì vậy bạn rất dễ bỏ bê bản thân, dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, stress. Hãy cùng Marry Baby đi tìm bí quyết ở nhà chăm con sao cho con vẫn lớn khỏe mà mẹ vẫn vui và xinh đẹp mỗi ngày nhé.Ở nhà chăm con

Những khó khăn và thuận lợi khi bạn ở nhà chăm con

1. Những khó khăn

Với một số người, điều trở ngại nhất chính là sự cô đơn. Nếu bạn đã quen với những buổi cà phê tán gẫu, hẹn hò ăn uống với bạn bè, cuộc sống của bạn trước đây đang đầy sự hứng thú cùng mối quan hệ với nhiều đồng nghiệp trong công việc, thì thay đổi nhịp độ này sẽ dẫn đến buồn bực, chán nản.

Những người cha đồng ý ở nhà chăm sóc con lại càng cảm thấy như bị cách ly khi bạn thuộc vào số hiếm. Những bậc cha mẹ vốn không hài lòng khi bỏ lại công việc phía sau sẽ càng thấy đơn độc thêm.

Nếu như công việc từng là một phần quan trọng trong việc khẳng định bản thân thì bạn sẽ cảm thấy như mất đi chính mình. Lòng tự trọng của bạn sẽ bị ảnh hưởng khi không còn sự trân trọng của sếp và đồng nghiệp.

Không phải lúc nào ở nhà với trẻ cũng chỉ toàn niềm vui, thay tã và giải quyết một đống quần áo giặt ủi có thể sẽ chán và làm nản lòng bạn. Bạn sẽ cảm thấy khó tìm được cảm giác hoàn thành một nhiệm vụ hay sự thỏa mãn như khi đi làm. Ngoài ra, bạn có thể còn cảm thấy lo lắng rằng làm thế nào để lấy lại phong độ sự nghiệp sau khi nghỉ một thời gian.

Nếu bạn không phải chi khoảng vài chục triệu đồng hàng năm cho chi phí trông trẻ thì lựa chọn ở nhà lại lấy đi nguồn thu nhập hàng tháng của bạn. Nhiều gia đình có ba hoặc mẹ ở nhà nhận ra rằng họ cần chi tiêu cẩn trọng hơn và dành nhiều thời gian để săn hàng giảm giá hơn nữa. Bạn sẽ phải thay thế chuyến đi nghỉ mát ở khách sạn bằng một chuyến cắm trại đơn giản hay nấu ăn ở nhà thay vì thường xuyên ăn ở ngoài và lựa chọn phong cách sống đơn giản, bình thường hơn.

Bên cạnh đó, khi con đến tuổi tập đi, bé trở nên hiếu động và hướng ngoại hơn nữa, bé sẽ mất đi sự hòa nhập xã hội tự nhiên mà lẽ ra con sẽ có khi ở nơi trông trẻ hay các trung tâm chăm sóc khác. Một vài bậc cha mẹ chăm con ở nhà nhận ra rằng việc đem đến đủ sự khuyến khích, động viên để con lớn lên với các kỹ năng xã hội phát triển không bị thiệt thòi so với chúng bạn là cả một thử thách.

Cuối cùng, quyết định ở nhà chăm con hay không có thể sẽ tạo ra mối căng thẳng mới giữa hai vợ chồng nếu như người kia không ủng hộ suy nghĩ của bạn. Vì vậy, nên chắc chắn rằng bạn đã bàn bạc kỹ về những khó khăn với đối phương trước khi đưa ra quyết định quan trọng này.hormone thai kỳ

2. Thuận lợi

Khi quyết định ở nhà chăm con, bạn sẽ chắc chắn rằng con mình được chăm sóc lâu dài chứ không cần lo sợ người trông trẻ có thể sẽ nghỉ việc vào tháng tới. Bạn cũng trực tiếp giám sát việc chăm sóc con để đảm bảo môi trường nuôi dưỡng tốt và thoải mái nhất. Quan trọng nhất là bạn được chứng kiến mọi thứ “đầu tiên” của bé yêu, một điều vô cùng hãnh diện.

Đối với một vài gia đình, đôi khi sẽ tiết kiệm hơn khi ba hoặc mẹ ở nhà nuôi nấng con thay vì trả tiền chăm sóc cho các trung tâm bên ngoài. Nếu có thể ở nhà cùng con, bạn sẽ thấy việc này giúp giảm mức độ stress của bản thân. Ở nhà sẽ giúp bạn có thêm thời gian cùng con cái, chăm sóc nhà cửa và duy trì hạnh phúc gia đình.

Có nên nghỉ việc ở nhà chăm con?

Con là chung nhưng mang nặng đẻ đau là vợ. Vợ cũng phải là người ở nhà chăm con để chồng vẫn sống cuộc sống sáng đi làm với quần là áo lượt, vui những cuộc vui cùng bạn bè và về nhà đã có sẵn cơm ngon canh ngọt. Vậy mà nhiều ông chồng vẫn vô tư trả lời: Vợ chẳng làm gì cả, chỉ ở nhà chăm con thôi!

1. Vợ chẳng làm gì, chỉ ở nhà chăm con!

Có những đức lang quân trả lời câu hỏi của người khác mà vô tình làm tổn thương vợ. Ví dụ như: “Bà xã của anh giờ làm gì?” và người chồng trả lời: “Vợ anh chả đi làm ở đâu , suốt ngày chỉ ở nhà ôm con”.

Tuy nhiên người chồng không biết rằng, câu trả lời này đã vô tình khiến người vợ cảm thấy mình ít giá trị trong mắt chồng. Đâu phải đứa trẻ nào cũng lớn nhanh như thổi, không ốm, không bệnh và đâu phải bà mẹ nào cũng đủ mạnh mẽ để bỏ con cho người giúp việc và đi làm. Ở nhà chăm con cũng cả núi việc.

Ở nhà chăm con có đúng là chỉ đúng mỗi việc như cái cụm từ mọi người thường dùng để diễn giải? Đâu chỉ là chuyện con đói, con khóc, con ốm mà còn là hàng chục công việc không tên như đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, lo cơm tối chồng ăn gì. Không phải là 8 tiếng làm việc như trên công sở mà là 12 -16 tiếng, cho tới khi con ngủ mới được nghỉ ngơi. Nếu chỉ chăm con thôi tại sao lúc nào cũng đầu bù tóc rối, quần áo xộc xệch, mắt hốc hác vì thiếu ngủ?

Sau khi sinh, có lẽ điều ám ảnh nhất của phụ nữ ở nhà chăm con là phải trả lời những câu hỏi vô tình của mọi người: “Tại sao không đi làm?”, “Khi nào đi làm lại”. Trong suy nghĩ của nhiều người, việc người vợ ở nhà chăm con, không phải đi làm là sướng, vì đã không phải làm việc mà còn được chồng mang tiền về cho để quản lý.Học đàn Piano2

2. Nhất định phải đi làm để không mang tiếng ăn bám

“Chỉ ở nhà ăn với trông con mà sao để con ốm”. Đó là nhiều câu nói mà nhiều ông chồng/ mẹ chồng nói với vợ/ con dâu. Có ai lại muốn con ốm đâu. Vốn dĩ mọi người đã mặc định cái suy nghĩ đi làm kiếm tiền là vất vả, là có quyền được chỉ trích, lên án mà không đặt mình vào vị trí của người còn lại và không biết rằng trước khi có con, vợ mình cũng từng làm công việc kiếm ra tiền, đóng góp vào sinh hoạt chung gia đình.

Cái ý nghĩ ở nhà là ăn bám đã ăn sau vào tư tưởng. Chị em những lúc này càng cảm thấy tức và tủi nhục, đã khổ, hy sinh rồi mà còn mang tiếng ngửa tay xin tiền chồng.

Nếu vậy thì nhất định phải đi làm? Đi làm để tự chủ tài chính cũng là cách để chăm con hiệu quả hơn. Đi làm để tự tin đứng trước họ hàng hai bên tuyên bố “Tôi đi làm và tôi có thể kiếm tiền nuôi con”. Đi làm để từ bỏ ám ảnh muốn chồng đưa tiền phải xin xỏ, năm nỉ.

Đi làm sau sinh cũng là cách để giải tỏa những căng thẳng sau một thời gian dài chăm con, đi làm để thấy mình không thụt lùi so với xã hội và để được là chính mình.

3. Chăm con là công việc cao quý

Đi làm không phải để chứng tỏ điều gì, ở nhà chăm con cũng là một công việc đáng được trân trọng. Quan điểm chăm con là ăn bám hoàn toàn không nên. Với trẻ, 3 năm đầu đời là giai đoạn vàng để phát triển nền tảng tính cách và trí tuệ. Có bố mẹ ở bên là cần thiết.

Rất nhiều mẹ dù đi làm nhưng trong lòng vẫn luôn ngưỡng mộ chị em được ở nhà chăm con và bên con vì họ cũng khao khát được gần con, được tự tay chăm lo cho con nhưng điều kiện kinh tế không cho phép.

Có muôn vàn lý do để khuyến khích mẹ đi làm trở lại sau sinh nhưng không phải ai cũng đồng quan điểm đó. Cố mẹ muốn ở nhà chăm con vì với mẹ đó mới là điều quan trọng nhất. Dù là lựa chọn thế nào cũng vì con.Làm việc nhà

Bí quyết ở nhà chăm con vui khỏe

1. Tránh để con trở nên lười biếng và lệ thuộc

Mối quan hệ giữa mẹ và bé hoàn toàn không phải mối quan hệ giữa mặt trời và các hành tinh xung quanh. Trong khi các hành tinh không thể có sự sống nếu không có mặt trời, bé con cần được nuôi dưỡng khả năng tiếp nhận và xử lý vấn đề một cách độc lập. Tuy rằng người mẹ nào cũng muốn con cần mình song việc quá bảo bọc, chăm chút, dành toàn thời gian ở nhà của mẹ có thể dẫn tới việc các con không chịu “tự thân vận động” mà chỉ ỉ vào mẹ.

Nếu mẹ thấy nhóc tì không chịu tự xúc cơm, không tự mang dép thì đó cũng chính là lúc mẹ nên nhìn lại liệu cách mình chăm sóc con đã thích hợp chưa?

Thực tế, không bao giờ là quá sớm để dạy con những bài học về tính độc lập. Luôn có những việc nhà phù hợp với độ tuổi của các bé như tự cất đồ chơi, tự sắp xếp truyện tranh lên kệ. Và một khi đã giao việc cho con, mẹ nên tin tưởng vào bé và để con tự hoàn thành công việc. Mẹ không nên “cướp” đi quyền được phạm sai lầm và tự sửa chữa của con. Tự làm việc giúp cho bé cảm thấy mình có ích, có giá trị và là một phần của gia đình.

2. Tránh dùng quá nhiều thời gian chỉ để đáp ứng các nhu cầu của trẻ

Một đứa trẻ có hàng chục nhu cầu khác nhau và tất cả đều được người mẹ nhanh chóng phát hiện như bé đói, bé cần thay tã, bé cần ăn, bé cần uống nước, bé muốn thay áo sạch, bé cần được cắt móng tay. Chỉ chừng ấy thôi là đủ để người mẹ tiêu tốn hết quỹ thời gian của mình.

Nhưng điều đó không nói lên được sự kết nối cần thiết giữa hai mẹ con. Mẹ thử kiểm lại xem mỗi ngày mẹ có bao nhiêu phút để chơi đùa cùng bé, để cùng nhau cười thả ga với những trò nghịch ngợm hay cùng bị “hút” vào một câu chuyện kỳ thú trong một cuốn sách đầy những hình vẽ thú vị?

Chính chất lượng chứ không phải số lượng là điều mà mẹ cần đặc biệt quan tâm khi sử dụng thời gian bên cạnh con yêu của mình.Ở nhà chăm con

3. Tránh biến mình thành một bà mẹ “sư tử Hà Đông”

Để cho tất cả thời gian của mình bị tiêu tốn vào việc chăm con, các mẹ không còn cơ hội để chăm sóc kỹ cho bản thân mình. Không phụ nữ nào thích mình xấu xí, tuềnh toàng và mệt mỏi, kiệt sức nhưng thực tế là những vấn đề này luôn xảy ra với hội những bà mẹ ở nhà chăm con.

Tại sao lúc nào cũng có quá nhiều việc để làm như thế? Tại sao những thứ này lại bừa bộn như thế? Tại sao không ai chịu quan tâm và giúp tôi? Chỉ vì quên chăm sóc bản thân mình và cố gắng đi tìm sự hoàn hảo mà thôi, mẹ ạ. Cuối cùng, mẹ sẽ luôn kết thúc mọi việc bằng cách quát tháo ầm ĩ và càu nhàu suốt cả ngày.

Muốn thoát khỏi hình tượng này, mẹ nhớ chăm sóc bản thân thật kỹ càng bên cạnh việc dành tình yêu thương cho con và gia đình của mình nhé. Đừng bỏ qua những buổi gặp bạn bè, cà phê, mua sắm, làm đẹp vì chúng giúp mẹ giải tỏa tinh thần, nạp lại nguồn năng lượng để tiếp tục chăm sóc những người thân yêu nhất của mình đấy. Như vậy thì việc ở nhà chăm con mới là một hành trình ý nghĩa, hạnh phúc của mẹ và bé.

Marry Baby