Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Trẻ 1 tuổi bị táo bón, lên thực đơn thế nào cho “chuẩn”?

bé 1 tuổi bị táo bón

Trẻ 1 tuổi bị táo bón là vấn đề thường gặp nhưng khiến không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng. Tình trạng này làm cho trẻ khó chịu, mệt mỏi, thậm chí táo bón còn có thể khiến biếng ăn gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Làm cha mẹ, bạn có thể làm gì để giúp con đây? Lời giải nằm trong bài viết dưới đây, đừng bỏ lỡ nhé!

Lười uống nước, mẹ cho bé ăn dặm không đúng phương pháp, dùng loại sữa có thành phần giàu đạm… đều là những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị táo bón.

Tình trạng táo bón kéo dài không chỉ khiến bé gặp khó khăn hơn khi đại tiện mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển dẫn đến suy dinh dưỡng, thấp còi là điều mà chẳng ai mong muốn.

Chính vì vậy, điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần tìm ra những biện pháp hữu hiệu để giúp trẻ thoát khỏi chứng táo bón. Marry Baby đã tổng hợp và chia sẻ với bạn những giải pháp, cũng như lời khuyên về chế độ ăn uống cho trẻ 1 tuổi bị táo bón ngay dưới đây.

Dấu hiệu cho thấy trẻ một tuổi bị táo bón

biểu hiện của trẻ 1 tuổi bị táo bón

Táo bón là vấn đề có thể gặp ở cả người lớn không riêng gì trẻ 1 tuổi. Nó gây ra sự thay đổi trong nhu động ruột, cũng như thói quen đi tiêu của người mắc phải.

Ở trẻ 1 tuổi bị táo bón, người ta thường bắt gặp hiện tượng phân khô, cứng, tròn, có hình dạng phân dê. Hơn nữa, tần suất đi đại tiện theo đó cũng suy giảm (dưới 3 lần/tuần) do phải rặn nhiều có thể gây đau rát hậu môn nên trẻ thường có tâm lý lo sợ và quấy khóc nhiều khi đi đại tiện.

Bên cạnh đó, còn có những dấu hiệu khác mà bạn có thể dễ bắt gặp chẳng hạn như:

  • Có biểu hiện đau hoặc chuột rút ở bụng
  • Đôi khi bé bị són phân trong quần mà không hay biết
  • Sờ vào bụng thấy luôn trong tình trạng đầy trướng
  • Bé lười vận động, mệt mỏi
  • Biếng ăn
  • Đột nhiên trở nên im lặng khi đang vui đùa

Đâu là những nguyên nhân khiến trẻ 1 tuổi bị táo bón?

Có thể liệt kê một vài lý do phổ biến sau đây:

1. Mẹ cho trẻ uống quá ít nước

Thông thường thì bé dưới 6 tháng tuổi thì không phải uống nước. Tuy nhiên, khi bé đã bước vào giai đoạn ăn dặm rồi thì nhu cầu về nước sẽ phụ thuộc vào cân nặng hiện tại của trẻ.

Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, phân sẽ có xu hướng bị khô, cứng do vậy mà trẻ uống ít nước thường sẽ bị táo bón.

2. Trẻ dùng sữa công thức không phù hợp

sữa công thức

Một số trẻ trên 6 tháng tuổi đã được mẹ cho uống bổ sung thêm sữa bột. Thực tế việc lựa chọn sữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chứng táo bón nhé! Nếu mẹ dùng loại sữa công thức giàu đạm và chất dinh dưỡng, thì hệ tiêu hóa của trẻ có thể không chuyển hóa được hoàn toàn gây đầy bụng và táo bón.

3. Mẹ cho bé ăn dặm không đúng cách

Khi bé được 6 tháng tuổi, mẹ đã có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm. Một chế độ ăn uống không đúng cách bao gồm: ăn quá ít chất xơ, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu đạm hay kết cấu thức ăn quá đặc… có nguy cơ làm cho trẻ bị táo bón rất cao.

Hơn nữa, chế độ dinh dưỡng không phù hợp còn gây áp lực lên dạ dày, đường ruột của bé và gây ra chứng kém hấp thu.

Lưu ý rằng, khi con mới tập ăn dặm, mẹ nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bởi lẽ lúc này hệ tiêu hóa của bé chưa kịp thích nghi nếu phải chứa một lượng thức ăn nhiều, dễ khiến trẻ mắc táo bón.

4. Do vấn đề bệnh lý

Một số bệnh lý như phình đại tràng, bất thường về thần kinh, tuyến giáp… cũng là nguyên nhân làm cho trẻ 1 tuổi bị táo bón.

Ngoài ra, trường hợp trẻ sinh thiếu tháng thì các cơ quan chưa được phát triển hoàn chỉnh, vì vậy mà hệ tiêu hóa hoạt động kém và trẻ có thể dễ mắc chứng táo bón.

Mách mẹ cách lên thực đơn cho trẻ 1 tuổi bị táo bón

Có thể nói chế độ dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiêu hóa của con. Thế nên để cải thiện tình trạng trẻ 1 tuổi bị táo bón, mẹ có thể điều chỉnh bằng cách thêm những loại thực phẩm sau vào thực đơn của con:

1. Trái cây

Trái cây là nhóm thực phẩm thường được nghĩ đến đầu tiên khi đề cập đến chuyện ăn gì để khỏi táo bón. Bởi lẽ, trái cây là nguồn cung dồi dào chất xơ và đường, cả hai đều rất cần thiết giúp ngăn ngừa táo bón hữu hiệu.

Một số loại trái cây được các chuyên gia khuyên dùng như lê, mận, đào, đu đủ, đặc biệt quả mận khô được xem là giải pháp điều trị táo bón lâu đời cho mọi lứa tuổi. Bạn có thể xay nhuyễn và trộn các loại trái cây khác nhau với nhau.

2. Rau củ

trẻ 1 tuổi bị táo bón nên ăn rau củ

Cũng giống như trái cây, rau củ cũng là một “kho” chất xơ đem lại tác dụng nhuận tràng giúp phân di chuyển nhanh hơn qua đường ruột.

Tuy nhiên thật không may rằng rau củ lại nằm trong danh mục các loại thực phẩm trẻ ghét cay ghét đắng. Vì vậy, mẹ có thể “lén” thêm rau củ vào bữa ăn bằng cách xay nhuyễn với các loại thức ăn khác hoặc đơn giản là làm món sinh tố rau củ. Một điều mẹ cần nhớ là cần tránh sử dụng cà rốt vì đây là thực phẩm không tốt cho chứng táo bón.

3. Các loại ngũ cốc

Ngũ cốc cũng là lựa chọn tuyệt vời cho trẻ 1 tuổi bị táo bón. Các loại ngũ cốc nguyên hạt có thể được sử dụng như món ăn khởi đầu cho bữa sáng. Bạn có thể thêm hạt lanh vào ngũ cốc hoặc sử dụng dầu hạt lanh để trộn vào các món sinh tố trái cây và rau củ.

Các loại ngũ cốc tinh chế hiện nay không có chứa nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt. Do đó, bạn nên lựa chọn ngũ cốc phù hợp với con mình.

4. Cho trẻ uống nhiều nước hơn

nước trái cây cho trẻ 1 tuổi bị táo bón

Như đã biết việc thiếu nước là một trong những nguyên nhân khiến trẻ 1 tuổi bị táo bón. Hơn nữa, bổ sung nước không đủ cũng làm cho hệ tiêu hóa hoạt động kém.

Vì thế, đừng đợi đến khi khát mới cho con uống nước vì lúc ấy trẻ đã bị thiếu nước rồi. Thay vào đó, hãy rèn cho con thói quen uống nước thường xuyên hơn. Bạn có thể thay nước lọc bằng nước ép hoa quả để đổi khẩu vị cho bé.

Mẹo nhỏ để biết con có được cung cấp đủ nước hay không là quan sát màu sắc nước tiểu của bé. Nước tiểu có màu vàng cam sậm chứng tỏ bé đang bị thiếu nước đấy!

5. Cho bé dùng thêm sữa chua

Ngoài những thực phẩm trên, bạn có thể thêm sữa chua vào thực đơn hàng ngày của con. Sữa chua rất có lợi cho trẻ bị táo bón vì có tác dụng kích thích tiêu hóa và nhuận tràng tốt.

Trẻ từ 1 – 2 tuổi thì lượng sữa chua nên dùng là 80g/ngày và ăn sau bữa chính khoảng 1 giờ. Lưu ý không nên để trẻ ăn lúc đói vì khi đó hệ lợi khuẩn hoạt động không tốt.

Một số mẹo hữu hiệu để “đối phó” chứng táo bón tại nhà

massage bụng cho trẻ 1 tuổi bị táo bón

Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống của con, mẹ cần rèn cho trẻ thói quen đại tiện vào một khung giờ cố định. Bởi lẽ điều này sẽ giúp cơ thể bé chủ động hơn trong việc đào thải phân và hạn chế nguy cơ táo bón.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo đơn giản khác như:

  • Để trẻ tắm với nước ấm vì việc ngâm mình trong nước ấm sẽ giúp trẻ thư giãn và thúc đẩy nhu động ruột để hỗ trợ quá trình đào thải phân.
  • Massage bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ trong khoảng từ 5 – 10 phút để thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường nhu động ruột và khả năng tiêu hóa của dạ dày.
  • Cho trẻ ngồi ngâm mình trong nước ấm (ngâm hậu môn) trước giờ đi đại tiện của trẻ có thể giúp làm mềm niêm mạc hậu môn và thư giãn cơ vòng hậu môn, nhờ vậy mà trẻ có thể dễ đi tiêu và tránh hiện tượng đau rát.

Tình trạng táo bón của trẻ 1 tuổi có thể được cải thiện bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và một vài mẹo đơn giản. Thế nhưng nếu việc áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có sự chẩn đoán và điều trị thích hợp hơn nhé!

Marry Baby

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Vấn đề về tiêu hóa

10 loại thực phẩm là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ mẹ cần biết

Bé ăn rau xanh giúp giảm táo bón

Táo bón là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều bậc cha mẹ lại cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ địa của bé hoặc do con lười uống nước. Thế nhưng, chúng ta lại không hề biết rằng một trong những lý do quan trọng dẫn đến tình trạng táo bón xảy ra ở trẻ chính là từ chế độ ăn uống, dinh dưỡng hằng ngày của con. Có những loại thực phẩm mà con tiêu thụ thường xuyên chính là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ.

Táo bón ở trẻ được cho là phổ biến và không mấy nghiêm trọng. Thế nhưng nếu không được quan tâm và chăm sóc đúng mức thì tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sức khỏe của các bé.

Bài viết này, Marry Baby muốn chia sẻ cùng bạn những loại thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra chứng táo bón ở trẻ, cũng như làm thế nào để phòng ngừa một cách hiệu quả nhất. Đừng bỏ qua nhé!

Chọn món ăn không hợp lý cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ

Với những trẻ đã bắt đầu ăn thức ăn đặc rồi thì những dấu hiệu như: khó đại tiện, giảm số lần đi tiêu (dưới 3 lần một tuần), phân khô cứng, đôi khi có lẫn máu, hậu môn của trẻ bị sưng đỏ sau khi đi vệ sinh… là những dấu hiệu cảnh báo chứng táo bón ở các bé.

Một trong số những nguyên nhân chính là việc bố mẹ cho trẻ tiêu thụ quá nhiều một vài loại thực phẩm sau đây:

1. Protein có trong sữa công thức và sữa mẹ

Một số loại protein trong sữa (đặc biệt là sữa bò) không được cơ thể trẻ dung nạp tốt cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng táo bón. Bên cạnh đó, nó cũng có thể gây ra các triệu chứng khác kèm theo như buồn nôn, chán ăn, khó chịu…

Chính vì vậy, nếu mẹ cho bé dùng sữa công thức thì phải thật thận trọng với vấn đề này. Không chỉ vậy, trẻ cũng có thể bị dị ứng với vài loại protein hiện diện trong sữa mẹ, lúc này bạn cần phải xem xét lại chế độ ăn uống của mình.

2. Thức ăn công thức

sữa công thức là nguyên nhân gây táo bón

Những năm đầu đời, đôi khi mẹ cũng sẽ bắt đầu cho trẻ sử dụng các loại thức ăn công thức như bột ăn dặm hoặc sữa. Tuy vậy, những loại sản phẩm này thường chứa những thành phần khiến trẻ bị khó tiêu hoặc thậm chí dẫn đến táo bón. Riêng với loại sữa công thức, ngoài chứa những thành phần protein phức tạp như đã đề cập ở trên, vài loại trong số đó còn có lactose, một loại đường có thể làm tăng khí và gây hiện tượng đầy hơi.

3. Gạo

Cơm và cháo là hai loại thực phẩm rắn mà hầu hết các bà mẹ thường sử dụng như là những món ăn đầu tiên cho con. Lưu ý rằng một số bé có thể sẽ thấy khó tiêu hóa các thực phẩm được nấu từ gạo và có thể bị táo bón.

4. Cà rốt

ăn cà rốt cũng có thể gây táo bón 676575697

Thoạt nghe có vẻ lạ, bởi lẽ cà rốt khi được dùng sống hoặc ở dạng nước ép thường tốt cho trẻ. Trái lại, nếu bạn cho trẻ sử dụng cà rốt hấp, đây có thể là  nguyên nhân gây táo bón cho bé. Lý do có thể giải thích là việc tiêu thụ cà rốt hấp khiến cho phân cứng rắn, từ đó trẻ khó đi tiêu hơn.

5. Chuối xanh (chuối sống)

Chuối chín được cho là rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ thì ngược lại chuối xanh lại là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ. Hơn nữa, chuối sống còn gây ra một số vấn đề về dạ dày ở trẻ. Chuối sống và kể cả loại chưa chín kỹ đều có chứa tinh bột khiến trẻ khó tiêu hóa. Vì vậy, mẹ cần lưu ý tránh dùng loại thực phẩm này trong bất kỳ món ăn nào của bé nhé!

6. Táo

ăn nhiều táo dễ gây táo bón

Thật bất ngờ, vì từ lâu táo được biết với công dụng làm đặc phân và thường được dùng trong các trường hợp như tiêu chảy. Thế nhưng món táo hấp lại có thể gây táo bón cho bé. Vì vậy, mẹ không nên cho bé ăn món táo hấp. Ngoài ra, một lý do vì sao không nên cho trẻ ăn táo là vì bản thân loại trái cây này có chứa protein pectin có tác dụng làm cứng phân.

7. Phô mai

Một trong những loại thực phẩm có thể trở thành nguyên nhân gây táo bón cho trẻ nên được kể đến là phô mai. Mặc dù vô cùng giàu vitamin cùng các khoáng chất thiết yếu và cũng được xem là một loại siêu thực phẩm cho trẻ, thế nhưng do có rất ít chất xơ mà việc tiêu thụ phô mai có thể khiến trẻ mắc chứng táo bón.

8. Bánh mì và sản phẩm từ bột mì

Bột mì là lúa mì đã loại bỏ đi phần lớn thành phần chất xơ có lợi cho đường ruột. Trong khi đó, việc bổ sung chất xơ chính là chìa khóa cho vấn đề táo bón.

9. Khoai tây

Nếu bạn cho trẻ ăn khoai tây kèm với các loại rau xanh khác thì đây là một điều rất tốt cho sức khỏe. Trái lại, nếu bạn để trẻ tiêu thụ khoai tây chiên hoặc dùng khoai tây với bơ hoặc sốt kem thì chúng có thể lại là nguyên nhân gây táo bón cho bé.

10. Sữa chua

ăn sữa chua là nguyên nhân gây táo bón 1067005868

Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Thế nhưng, nó cũng có tác dụng liên kết với các chất trong thực phẩm và đôi khi có thể gây táo bón ở trẻ em.

Mẹ có thể làm gì để ngăn chứng táo bón tìm đến con yêu đây?

tạo thói quen đi vệ sinh cho trẻ 1018192189

Để phòng ngừa táo bón cho trẻ, các mẹ nên thực hiện một số biện pháp sau đây:

  • Trường hợp nếu con bạn đã qua ngưỡng 6 tháng tuổi, bạn có thể cho bé uống nước bằng muỗng với từng ngụm vừa phải. Còn với những trẻ dưới 6 tháng, các bé nên được bổ sung nước thông qua nguồn sữa mẹ bằng việc tăng cữ bú và thời gian bú. Khi trẻ lớn dần, bạn có thể bắt đầu với những thực phẩm có nhiều nước và giàu chất xơ. Việc tiêu thụ đủ nước và chất xơ sẽ cải thiện nhu động ruột của bé.
  • Với trẻ lớn, hãy đảm bảo có chất xơ trong chế độ ăn uống hằng ngày của con. Một số loại thực phẩm gợi ý vừa thơm ngon, lại tốt cho trẻ và kích thích tiêu hóa như mận, quả mọng, ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, mẹ nên tập cho trẻ ăn các loại rau xanh để phòng ngừa các nguyên nhân gây táo bón.
  • Rèn luyện thói quen đi vệ sinh cho bé. Nếu trẻ đã ngồi bô được, bố mẹ nên khuyến khích con tập đi vệ sinh khoảng 5 – 10 phút vào cùng một thời điểm hằng ngày. Điều này sẽ giúp lấy lại phản xạ đi tiêu cho trẻ, rất cho lợi cho hệ tiêu hóa của bé.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng táo bón khó chịu cho bé yêu, một trong số đó lại đến từ những việc ăn uống và những loại thực phẩm mà chúng ta cho là tốt. Việc thay đổi chế độ ăn uống của bé và khuyến khích con vận động thường xuyên là biện pháp tốt để chữa táo bón và các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa nữa. Tuy nhiên, nếu tình trạng không thuyên giảm mà có xu hướng tồi tệ hơn, bạn nên đưa con đi khám sớm để được can thiệp y tế kịp thời!

MarryBaby