Làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt? Chắc hẳn lần đầu làm mẹ, chị em nào cũng từng trải qua những lúc bối rối như thế đúng không nào? Kinh nghiệm chăm con bị sốt của mẹ Tít trong bài viết này hy vọng có thể mang đến những điều hữu ích cho chị em.
Vẫn biết rằng trẻ con ho hắng, ốm, sốt là chuyện bình thường, nhưng là mẹ thì ai mà không lo lắng cho được. Mình cũng vậy, những ngày đầu làm mẹ có bao nhiêu điều bỡ ngỡ.
Mình sinh con vào cuối tháng 11 Dương lịch, tức là khoảng giữa tháng 10 Âm lịch. Lúc này, thời tiết Hà Nội đang lúc giao mùa nên trời nóng lạnh thất thường lắm. Hôm từ bệnh viện về nhà, sáng còn nắng ấm, mình mặc đồ mùa thu. Thế mà đến đêm, đùng một cái trời trở lạnh tê tái. Có lẽ cũng vì thế mà con mình bị ốm và 7 ngày sau mẹ con mình lại phải khăn gói quay lại bệnh viện.
Sau 2 tuần điều trị thì Tít khỏi bệnh, về nhà. Nhưng cũng từ đó, sức đề kháng của con có vẻ yếu đi. Bé rất hay bị ốm, sốt, có đợt một tháng con sốt đến vài lần. Chăm con lúc khỏe mạnh, mình đã lúng túng, chăm con lúc ốm còn khó hơn rất nhiều. Nhưng việc gì làm mãi cũng thành quen.
Sau này khi con ốm, mình không còn lẩm bẩm với câu hỏi là: “Làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt?” nữa. Hoặc mình không nghĩ ngay đến việc ôm con tới bệnh viện nữa mà tự tin lên một danh sách các việc chăm sóc bé tại nhà.
1. Kẹp nhiệt độ
Trong nhà mình lúc nào cũng thủ sẵn vài cây kẹp nhiệt độ. Nhiều mẹ thích dùng cây kẹp nhiệt kế điện tử, nhưng mình thì hay dùng loại kẹp nhiệt kế thủy ngân.
Kẹp nhiệt độ điện tử tuy tiện thật đấy nhưng dễ bị hỏng. Trẻ con mà vớ được, bấm nghịch tý toáy thì dễ làm số bị nhảy loạn xạ lên.
Nếu nhiệt độ của con dưới 38ºC thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu trên 38ºC thì mẹ phải cho uống hạ sốt. Còn khi 39ºC, mình phải tức tốc đưa con tới bệnh viện ngay.
Mình thường kẹp nhiệt độ khoảng 30 phút/lần những ngày con sốt nhiều. Khi con đã giảm bệnh thì mình kẹp 4 lần/ngày (sáng, trưa, chiều, tối). Đêm, mình dậy đo nhiệt độ cho con thêm một lần nữa mới yên tâm ngủ tiếp.
2. Hạ sốt
Mình rất hạn chế cho con uống thuốc hạ sốt. Khi nào con sốt cao và sốt liên tục không giảm mình mới buộc phải dùng đến. Vì thế, mình chỉ dùng các cách hạ sốt dân gian là chủ yếu.
a. Hạ sốt bằng nước ấm
Đây là cách mà bà ngoại Tít thường dùng để hạ sốt khi mình còn nhỏ. Mình cũng áp dụng hạ sốt cho con và thấy hiệu quả.
- Đầu tiên mình đun một ấm nước sôi, sau đó rót vào phích một nửa để dùng dần. Nửa còn lại mình đổ ra thau rồi chờ nước còn âm ấm.
- Mình dùng khăn sữa (người Bắc hay gọi là khăn vải màn) nhúng vào nước vò mềm, sau đó vắt khô rồi lau trán, mặt, gáy, cổ, nách, bẹn, hai bàn tay và chân cho bé mấy lần.
b. Hạ sốt bằng chanh
√ Làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt? Đầu tiên mình cho quả chanh tươi vào ngăn mát tủ lạnh để một lúc. Sau đó, mình đem ra cắt thành từng lát mỏng.
√ Mình đặt các lát chanh vào hai bên bẹn của bé. Ở bàn tay, bàn chân thì mình phải dùng gạc cuốn chanh lại cho khỏi bị rơi.
√ Nhiều người dùng lát chanh chà lên trán của bé nhưng mình không làm như vậy vì sợ bé bị xót da. Mình chỉ đặt chanh lên trán của bé thôi. Khi nào kẹp nhiệt độ thấy bé hạ sốt thì mình gỡ chanh ra.
c. Hạ sốt bằng miếng dán hạ sốt
Mình cũng hay trữ miếng dán hạ sốt trong nhà, nên nhiều lúc mình kết hợp hạ sốt cả bằng nước ấm lẫn dùng miếng dán hạ sốt.
3. Cho bé mặc đồ thoáng mát
Lúc con lên cơn sốt, mình cởi bớt quần áo cho bé để cơ thể được tản nhiệt. Từ lúc bé 5 tháng tuổi trở đi, mình thường mặc cho con một bộ đồ cotton mỏng. Còn lúc nhỏ hơn thì cho con mặc áo cotton mỏng nhưng không quấn tã hay mặc quần mà cởi truồng luôn.
Đặc biệt, mình không bao giờ cho con đóng bỉm lúc bé bị ốm. Vì mặc bỉm bí bách, nóng bức khiến con khó chịu, ngủ không ngon. Thay vào đó, mình rất chịu khó xi con đái, ị, kể cả ban đêm.
Tuy nhiên, dù có chăm cỡ nào thì cũng không tránh được việc bé tè dầm ra đệm. Nhưng mình nghĩ thà dùng miếng chống thấm đệm rồi giặt ga giường thường xuyên còn hơn là để con phải đóng bỉm.
4. Cho con bú nhiều giấc
Trẻ con khi sốt, mệt mỏi rất lười bú. Vì thế, thay vì giữ các cữ ăn của con như ngày thường thì mình sẽ cho con bú nhiều lần hơn. Mình nghĩ rằng dù không bú được nhiều thì việc ngậm ti mẹ cũng khiến con cảm thấy dễ chịu. Vì thế, cứ lúc nào con tỉnh giấc là mình lại cho bú.
5. Mẹ ăn nhiều rau xanh, trái cây
Ngày thường mình đã ăn nhiều rau xanh rồi, nhưng khi con ốm mình còn ăn nhiều hơn. Mình nghĩ lúc này cần phải ăn nhiều rau, quả để con hấp thụ được nhiều vitamin cho mát và tăng sức đề kháng.
Lúc bé dưới ba tháng tuổi, vì sợ ăn chua thì con sẽ bị đi tiêu chảy nên mình không uống cam sành. Mình thường mua cam Canh hoặc bưởi Diễn để ăn. Vì hai loại này ngọt dịu lại không có vị chua như cam và bưởi bình thường.
6. Vệ sinh phòng ngủ
Khi bé bị ốm, mình thường dẹp bớt đồ đạc để không gian được thông thoáng. Đồng thời, thay vì giặt chăn, màn một lần/tuần thì mình sẽ giặt 2-3 lần.
7. Bật nhạc nhẹ
Lúc ốm sốt, trong người bé bứt rứt khó chịu nên mình hay hát ru hoặc bật nhạc thiền, nhạc du dương hoặc hát ru để giúp bé an thần.
8. Hạn chế tắm
Làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt? Kinh nghiệm của mình là cứ lúc nào thấy con có vẻ không khỏe, mình sẽ cho bé ngừng tắm. Thay vào đó, mình chỉ dùng nước ấm, pha với nhúm muối hạt để lau người cho con. Muối giữ ấm lỗ chân lông, giúp con tránh bị nhiễm lạnh sau khi tắm hoặc lau người rất tốt đấy các mẹ ạ.
[inline_article id=173833]
Ngoài ra, lúc con bị sốt thì hay đổ nhiều mồ hôi nên mình thường thay quần áo cho bé nhiều lần trong ngày.
Ngày xưa mình cũng không biết làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt đâu, nhưng rồi từ khi làm mẹ, chăm con ốm nhiều thì rút ra được chút kinh nghiệm. Mình hy vọng bài chia sẻ này sẽ có ích cho các mẹ có con nhỏ.
Hanako