Hệ tiêu hóa và não bộ có mối quan hệ mật thiết, qua lại với nhau và được gọi là trục não-ruột. Hệ tiêu hóa giúp não bộ phát triển cũng như hoạt động đúng cách. Ngược lại, não bộ lại giúp bảo vệ hệ thống tiêu hóa và điều khiển cơ quan này hoạt động hiệu quả.
Giữa phát triển trí não và hệ tiêu hóa tốt, nhiều bố mẹ thường phải “thỏa hiệp” chọn một trong hai vì không tìm được giải pháp nào để cân bằng cả hai lợi ích này. Nhưng như vậy là không nên bởi vì hệ tiêu hóa và não bộ của trẻ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vậy làm sao để đảm bảo được cả hai yếu tố này trong những năm đầu đời của bé? Marry Baby sẽ cùng mẹ khám phá mối quan hệ giữa hệ tiêu hóa – sự phát triển trí não của bé, đồng thời đi tìm giải pháp cho vấn đề này nhé.
Hệ tiêu hóa và não bộ có liên quan với nhau như thế nào?
Mẹ biết không, hệ tiêu hóa và não bộ có mối quan hệ mật thiết, qua lại với nhau và được gọi là trục não-ruột. Hệ tiêu hóa giúp não bộ phát triển cũng như hoạt động đúng cách. Ngược lại, não bộ lại giúp bảo vệ hệ thống tiêu hóa và điều khiển cơ quan này hoạt động hiệu quả. Mẹ có thể tìm hiểu kỹ hơn ngay sau đây nhé.
1. Tác động của hệ tiêu hóa tới não bộ của trẻ
Hệ tiêu hóa không chỉ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch mà còn có tác động lớn tới sự phát triển trí não ở trẻ trong những năm đầu đời vì lý do sau đây mẹ ạ.
a. Hệ tiêu hóa sản xuất serotonin để giúp trẻ phát triển trí não
Theo nghiên cứu, chất dẫn truyền thần kinh serotonin ở não bộ có tác dụng giúp điều hòa giấc ngủ, mang đến cảm giác ăn ngon miệng và đẩy nhanh tốc độ kết nối của các xinap (liên hiệp) thần kinh. Sự kết nối này giúp tăng cường khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin của não bộ. Đây chính là cơ sở để giúp bé phát triển trí não đấy mẹ ạ.
Trong khi đó, ruột lại là nơi sản xuất serotonin nhiều nhất. Khi khỏe mạnh, hệ tiêu hóa có thể sản xuất ra 95% serotonin cho cơ thể. Điều này có nghĩa là muốn có nhiều chất dẫn truyền thần kinh serotonin để phát triển trí não thì bé cần có một hệ tiêu hóa tốt.
b. Hệ tiêu hóa giúp hoàn thiện hệ miễn dịch để bảo vệ não bộ của trẻ
Ngoài sản xuất serotonin thì hệ thống tiêu hóa còn giúp hoàn thiện hệ miễn dịch để bảo vệ não bộ của bé. Điều này là do các mảng payer hay còn gọi là hạch bạch huyết có trên thành ruột đóng vai trò “huấn luyện” tế bào miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Hệ miễn dịch giống như một lá chắn giúp đẩy lùi vi khuẩn, virus để bảo vệ bé khỏi bệnh tật. Trong khi đó, hệ tiêu hóa lại là cơ quan tham gia nhiều nhất vào việc hoàn thiện hệ miễn dịch của bé.
- Giai đoạn 12 tháng đầu đời, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên cơ thể bé, trong số đó có não bộ, rất dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây hại từ môi trường như thời tiết, khói bụi hoặc yếu tố bệnh tật. Vì thế, việc xây dựng hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh chính là nền tảng đầu tiên để củng cố hệ miễn dịch, từ đó giúp bảo vệ não bộ của bé.
2. Tác động của não bộ tới hệ tiêu hóa của trẻ
Não điều khiển toàn bộ hoạt động của mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa thông qua hệ thống thần kinh. Vì vậy, khi não bộ suy yếu thì hệ thống thần kinh tiếp nhận sai thông tin, từ đó khiến hệ tiêu hóa của bé hoạt động sai cách.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng trẻ hấp thu dinh dưỡng kém, dễ mắc phải các bệnh đường ruột hoặc tiêu chảy, đầy hơi, táo bón.
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi căng thẳng, trẻ cũng có thể bị táo bón, rối loạn tiêu hóa và đau dạ dày. Căng thẳng ở trẻ em có thể đến từ những tác động của môi trường sống như tiếng ồn, thời tiết khắc nghiệt hoặc cơ thể bé bị đau, bệnh.
Từ các phân tích này, mẹ có thể hiểu rằng, để bảo vệ não bộ khỏe mạnh và giúp trẻ phát triển trí não tốt nhất thì việc cần làm trước tiên là xây dựng cho bé một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Làm thế nào để bé có hệ tiêu hóa khỏe mạnh?
Trong 12 tháng đầu đời, bé sẽ trải qua hai giai đoạn thích nghi dinh dưỡng cơ bản, đó là giai đoạn bú sữa và giai đoạn ăn dặm. Vì vậy, mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để hệ tiêu hóa của con phát triển khỏe mạnh bao gồm:
1. Giai đoạn trẻ từ 0-6 tháng tuổi
Dinh dưỡng của bé giai đoạn này hoàn toàn bằng sữa mẹ. Cho nên, mẹ cần chú trọng vào việc ăn uống của bản thân hoặc bổ sung sữa công thức cho bé để hỗ trợ dinh dưỡng khi mẹ không có sữa, ít sữa hoặc sữa mẹ không đủ chất, cụ thể:
a. Mẹ ăn uống khoa học để có nguồn sữa chất lượng
- Mẹ cần ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất để có chất lượng sữa tốt nhất cho bé. Sữa mẹ có chất đề kháng tự nhiên, vì vậy sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch để bảo vệ hệ tiêu hóa của bé hoạt động khỏe mạnh.
- Mẹ cần tránh xa các thực phẩm không lành mạnh và chất kích thích như bia, rượu, cà phê, đồ ăn sống, trái cây xanh, chát để không làm bé bị táo bón, tiêu chảy hoặc tổn thương dạ dày.
b. Lựa chọn sữa tốt cho hệ tiêu hóa và trí não của trẻ
- Khi chọn sữa công thức, mẹ cần xem kỹ thành phần, nên ưu tiên lựa chọn những loại sữa không chứa dầu cọ, Lý do là vì dầu cọ – một thành phần phổ biến trong sữa công thức – chứa axit palmitic có thể gây táo bón ở trẻ nhỏ. Thay vào đó, bạn nên chọn sữa có các loại dầu thực vật khác như dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu dừa để tốt hơn cho hệ tiêu hóa của bé.
- Chọn sữa có chứa HMO là sữa tốt cho hệ tiêu hóa trẻ sơ sinh. HMO giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột, từ đó giúp cho hệ thống tiêu hóa của bé phát triển khỏe mạnh.
- DHA có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ phát triển não bộ. Nhưng một mình DHA là chưa đủ vì DHA rất dễ bị oxy hóa. Sữa công thức có chứa DHA đi kèm với bộ đôi vitamin E tự nhiên và lutein giúp bảo vệ DHA tốt hơn, từ đó giúp phát triển não bộ tối ưu hơn để có thể “chỉ đạo” hệ tiêu hóa của con hoạt động hiệu quả hơn.
2. Giai đoạn từ 6-12 tháng tuổi
Từ 6 tháng tuổi, con bắt đầu chuyển qua chế độ ăn dặm, lúc này, mẹ cần chú ý tới những điều sau để giúp con phát triển hệ tiêu hóa khỏe mạnh nhé.
a. Cho bé ăn dặm đúng cách
- 6 tháng tuổi mẹ mới nên cho con ăn dặm
- Tuân thủ nguyên tắc cho bé ăn thức ăn từ loãng tới đặc theo từng độ tuổi của con
- Không cho bé ăn/uống nước trái cây khi con chưa đủ 1 tuổi
- Không ép bé ăn khi con không muốn
- Cho con ăn đúng giờ, mỗi bữa ăn chỉ kéo dài không quá 30 phút
- Không cho bé nằm ngay sau khi vừa ăn no xong
- Không cho bé vừa ăn vừa chạy nhảy, xem tivi, điện thoại
- Không đánh thức bé dậy ăn khi con đang ngủ ngon giấc
- Tuyệt đối không mớm đồ ăn cho con
- Không cho bé dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác
- Luôn thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi
b. Bổ sung men tiêu hóa
Ngoài ra, để hỗ trợ bảo vệ đường ruột của bé hoạt động khỏe mạnh, mẹ có thể bổ sung men tiêu hóa theo chỉ định của bác sĩ nhi khoa nhé.
[inline_article id=256110]
Hệ tiêu hóa là gì mà có thể tác động mạnh mẽ đến sự phát triển trí não của trẻ trong những năm đầu đời như vậy? Câu hỏi này thật sự đặc biệt quan trọng cho việc định hướng nuôi con theo phương pháp khoa học mà các mẹ hiện đại nên biết. Nếu mẹ đang loay hoay trong việc đi tìm cánh cửa bí mật để mở ra trí thông minh của trẻ thì việc chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh chính là chìa khóa vàng cho vấn đề này mẹ nhé.
Quỳnh Phương Phạm