Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

8 món ăn nhẹ mà các bà mẹ cho con bú nhất định nên dùng

Món ăn nhẹ dành cho bà mẹ cho con bú

Dinh dưỡng cho mẹ sau khi sinh là chủ đề rất được quan tâm. Bởi lẽ, đây là lúc mà cơ thể mẹ cần được bổ sung thật nhiều dinh dưỡng để mau chóng phục hồi. Bên cạnh những bữa chính, bạn cũng không nên bỏ qua các bữa ăn phụ với các món ăn nhẹ phù hợp.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ không những mang lại nhiều lợi ích cho trẻ mà còn giúp thắt chặt sợi dây tình cảm giữa bạn và bé yêu. Trong guồng quay bận rộn của một bà mẹ mới sinh, đôi khi bạn lại bỏ quên mất việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bản thân làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.

Hiểu được điều đó, Marry Baby gợi ý cho bạn một số món ăn nhẹ vừa đảm bảo dinh dưỡng, lại vô cùng dễ thực hiện trong bài viết dưới đây.

Những tiêu chí nên có trong món ăn nhẹ dành cho các mẹ sau sinh

Có 3 yêu cầu cơ bản cần đảm bảo của một bữa ăn nhẹ cho các mẹ nuôi con bằng sữa, bao gồm:

1. Giàu dinh dưỡng

Bất kỳ món ăn nhẹ nào dù đơn giản đến mấy cũng cần đảm bảo yếu tố dinh dưỡng. Sinh con xong bạn vẫn chưa hết “trách nhiệm” mà thực tế còn tăng thêm rất nhiều. Điều này đòi hỏi bạn không thể ăn uống vô tội vạ những thực phẩm mà mình thích hoặc kiêng khem quá mức để nhanh chóng lấy lại vóc dáng. Chí ít bạn vẫn sẽ phải tuân thủ một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt trong nhiều tháng, bởi lẽ những gì bạn tiêu thụ đều ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ.

Vì thế, khi cho con bú, bạn nên sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo, đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt, rau quả và trái cây hữu cơ để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết.

2. Dễ dàng chuẩn bị

Làm mẹ bỉm sữa là một công việc toàn thời gian. Theo đó, bạn không thể có thì giờ để thảnh thơi chuẩn bị những bữa ăn cầu kỳ. Chính vì vậy, điều quan trọng là bạn cần lựa chọn các món ăn dễ làm và cung cấp năng lượng tức thì. Một bữa ăn nhẹ lý tưởng đối với các bà mẹ cho con bú nên đơn giản và ít tốn thời gian chuẩn bị.

3. Hỗ trợ việc cho con bú

Theo các chuyên gia, một số thực phẩm như bột yến mạch được cho là có khả năng cải thiện vấn đề tiết sữa. Do vậy mà các thực phẩm này trở thành loại thức ăn được nhiều bà mẹ săn đón. Trường hợp nếu bạn gặp khó khăn trong việc “sản xuất” sữa, đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ về những thực phẩm giúp tăng tiết sữa bạn nhé!

Gợi ý 8 món ăn nhẹ dành riêng với các bà mẹ cho con bú

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ sau sinh nên chia ra ăn nhiều bữa trong ngày, trong số đó có những bữa ăn nhẹ cách nhau 2 – 3 giờ/lần. Làm như vậy sẽ giúp tối đa hóa năng lượng nạp vào cơ thể. Dưới đây là danh sách 8 món ăn nhẹ mà các bà mẹ cho con bú không nên bỏ qua:

1. Hạt và trái cây khô hỗn hợp

 

hạt và trái cây khô là món ăn nhẹ tốt

Các loại hạt và trái cây khô là nguồn cung cấp năng lượng tức thời, cũng như bổ sung các dưỡng chất thiết yếu như chất xơ và kali.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Các loại hạt như: hạt điều, hạnh nhân, hạt quả óc chó… hoặc bất kỳ loại nào bạn thích
  • Hoa quả sấy khô

Cách thực hiện

Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần trộn các thành phần đã chuẩn bị ở trên với nhau. Ngoài ra, bạn có thể tăng độ giòn cho món ăn bằng cách thêm vào một vài mẩu bánh quy nhỏ, bỏng ngô hay hạt hướng dương. Nếu là người yêu thích gia vị, đừng ngần ngại thêm vào đó một chút bột ớt. Lời khuyên là bạn nên ăn khoảng hai nắm hỗn hợp này mỗi ngày theo khuyến nghị bác sĩ.

2. Trứng luộc và sô cô la sữa

trứng luộc là món ăn nhẹ cho mẹ sau sinh

Sự kết hợp giữa trứng và sữa nghe có vẻ lạ. Tuy nhiên, món ăn này đã được các chuyên gia khuyên dùng để bổ sung protein, thúc đẩy việc sản xuất sữa.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Trứng gà
  • Nước sốt sô cô la
  • Một cốc sữa tươi

Cách thực hiện

Đầu tiên, bạn luộc trứng trong khoảng 10 phút, sau đó bổ đôi trứng và rắc thêm một ít muối cùng hạt tiêu đen lên trên. Thêm sốt sô cô la vào trong sữa tươi, khuấy đều và bạn đã có ngay bộ đôi lợi sữa hoàn hảo.

3. Bánh chuối gạo

bánh chuối gạo

Chuối là loại trái cây vô cùng bổ dưỡng nhờ hàm lượng cao các vitamin và khoáng chất cùng lượng chất xơ dồi dào. Nếu bạn có thói quen ăn cơm cùng trái cây thì món bánh chuối gạo sẽ là món ăn nhẹ tuyệt vời mỗi khi bạn có thời gian rỗi.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Chuối cắt lát sẵn
  • Gạo

Cách thực hiện

Nấu chín cơm hoặc có thể tận dụng phần cơm nguội. Nắm cơm lại và ép thành hình dạng mà bạn muốn. Công đoạn cuối để hoàn thiện món ăn là trang trí bề mặt cơm bằng những lát chuối cắt sẵn.

4. Sô cô la đen và quả mâm xôi

món ăn nhẹ sô cô la đen và mâm xôi

Với những bà mẹ sau sinh thèm sô cô la thì món ăn nhẹ này sẽ rất phù hợp. Sô cô la đen mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe so với sô cô la sữa. Mặt khác, bản thân loại sô cô la này giàu chất chống oxy hóa là nhân tố cần thiết để loại bỏ gốc tự do gây hại cho cơ thể.

Bạn có thể dùng sô cô la đen với hầu hết các loại trái cây. Theo Marry Baby, sự kết hợp tốt nhất sẽ là với quả mâm xôi. Loại quả mọng này nổi tiếng với đặc tính chống viêm hiệu quả. Nhờ đó mà các tình trạng đau sau khi sinh của bạn sẽ được giảm nhẹ phần nào.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Sô cô la đen
  • Quả mâm xôi

Cách thực hiện

Có hai cách dùng cho bạn: ăn trực tiếp sô cô la chung với quả mâm xôi hoặc đun chảy sô cô la sau đó dùng làm sốt ăn kèm với mâm xôi.

5. Quả chà là nhồi nhân bơ đậu phộng và quả óc chó

món ăn nhẹ chà là nhân bơ đậu phộng

Chà là được nhiều bà mẹ tin dùng vì rất dễ chế biến và vô cùng giàu dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ. Đây sẽ là món ăn nhẹ lý tưởng dành cho các bà mẹ hảo ngọt. Bạn cũng có thể làm và dùng ngay trong những lúc đói bụng.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Cách thực hiện

Cắt chà là theo chiều dọc, loại bỏ hạt. Ở mỗi phần chà là đã được cắt đôi, bạn cho vào một ít bơ đậu phộng. Sau khi phết bơ, bạn kẹp hai nửa chà là lại với nhau, đặt trên đĩa, kế đến rắc lên bề mặt một ít quả óc chó rồi thưởng thức ngay.

6. Bánh quế yến mạch và các loại hạt

bánh quế yến mạch và hạt

Yến mạch và các loại hạt là nguồn chất xơ lý tưởng dành cho bạn. Điều thú vị là các loại thực phẩm này đều có ít chất béo rất có lợi cho việc kiểm soát cân nặng của bạn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Bột mì
  • Bột nở
  • Muối
  • Trứng
  • Mật ong
  • Yến mạch
  • Các loại hạt được thái hoặc đập sơ cho nhỏ

Cách thực hiện

Bột mì, bột nở và muối đem trộn đều trong một chiếc bát lớn. Kế đến cho trứng, mật ong, bơ, sữa vào một chiếc bát khác và đánh đều. Trộn cả hai hỗn hợp vừa xong chung trong một bát lớn. Cho phần yến mạch cùng hạt vào bột và nhào trộn đều.

Phần bột sau khi chuẩn bị xong đem múc vào khay bánh rồi cho vào lò nướng. Chú ý nướng đến khi bánh có màu nâu vàng là được. Lấy bánh ra ngoài, có thể rải lên trên một vài loại trái cây tươi nếu thích.

Với các bà mẹ đang cho con bú, bạn có thể thay mật ong bằng đường. Bởi lẽ, mật ong không tốt cho sức khỏe trẻ dưới 1 tuổi.

7. Trái cây tươi ăn kèm sữa chua Hy Lạp

món ăn nhẹ sữa chua Hy Lạp và trái cây

Ưu điểm của sữa chua Hy Lạp là hàm lượng protein gấp đôi so với loại thông thường nên rất được nhiều người ưa chuộng. Chính vì vậy, đây là một trong những món ăn nhẹ hoàn hảo mà mẹ sau sinh không nên bỏ qua. Để bữa ăn không đơn điệu, hãy kết hợp dùng thêm một số loại hạt và trái cây tươi. Điều này không những giúp bạn cảm thấy ngon miệng hơn mà còn bổ sung thêm nhiều dưỡng chất khác.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Các loại hạt (hạnh nhân, hồ đào, hạt quả óc chó…) hoặc ngũ cốc nguyên hạt
  • Sữa chua Hy Lạp

Cách thực hiện

Đập nhỏ hạt, thái trái cây rồi cho tất cả vào máy xay sinh tố cùng với sữa chua rồi trộn đều. Món ăn này sẽ ngon hơn khi dùng lạnh.

8. Táo và cá ngừ

salad cá ngừ và táo

Bản thân cá ngừ đóng hộp đã là món ăn kèm tuyệt vời khi dùng cùng bánh quy hoặc bánh mì hay rau mầm. Nếu không muốn mất nhiều thì giờ nấu nướng và chuẩn bị thì đây là lựa chọn dành cho bạn: sự kết hợp của táo và cá ngừ. Đây là một món ăn nhẹ thơm ngon, lạ miệng. Thông tin thêm cho bạn là cá ngừ rất giàu đạm, nhưng lại được dùng để giảm cân và kích thích sản xuất melatonin tự nhiên (giúp bạn dễ ngủ hơn).

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Táo
  • Cá ngừ ít béo đóng hộp

Cách thực hiện

Cho cá ngừ, táo đã gọt và cắt sẵn vào dĩa rồi dùng ngay. Bạn cũng có thể chuyển sang làm món salad bằng cách dùng thêm một vài loại rau mình thích. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tiêu thụ cá ngừ một cách hạn chế để tránh trẻ bú mẹ bị ngộ độc thủy ngân.

Trên đây là những gợi ý về các món ăn nhẹ dành riêng cho các mẹ bỉm sữa. Đừng quên rằng, tất cả những gì bạn tiêu thụ cũng góp phần quyết định chất lượng sữa mẹ. Vì thế, bạn cần phải lên cho mình một thực đơn ăn uống lành mạnh ngay hôm nay.

Marry Baby

 

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Vì sao quả chà là tươi nên nằm trong sổ tay dinh dưỡng của mẹ?

quả chà là tươi

Bạn đang đắn đo không biết liệu nên cho con dùng gì khi bé bắt đầu biết ăn các loại thực phẩm rắn? Quả chà là tươi là sự lựa chọn tốt mà bạn nên cân nhắc để đưa vào chế độ ăn của trẻ.

Đôi chút về những lợi ích từ quả chà là, có thể nói loại quả này là nguồn dồi dào những khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như sắt, canxi, phốt pho, magiê… Bên cạnh đó, cũng không thiếu những dưỡng chất khác quan trọng như thiamin, riboflavin, niacin, folate, cùng các loại vitamin tan trong dầu.

Những chất dinh dưỡng trên chính là điều kiện cần để đảm bảo con trẻ được phát triển toàn diện, đồng thời giúp cân bằng nhu cầu dinh dưỡng của bé nữa. Bài viết dưới đây sẽ là cẩm nang để các bà mẹ tìm hiểu tất tần tật mọi thứ về việc dùng quả chà là tươi cho con mình. Hãy cùng Marry Baby tham khảo ngay nhé!

Mách nhỏ cho mẹ những thành phần dinh dưỡng có trong quả chà là tươi

Ngoài việc giàu những dưỡng chất thiết yếu như trên, quả chà là tươi còn biết đến là có đặc tính trị liệu tốt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có ít nhất 15 loại khoáng chất trong chà là bao gồm cả những chất giúp ngăn ngừa ung thư như selen (chất này cũng có vai trò tăng cường hệ miễn dịch).

Hơn thế nữa, chà là còn có 23 loại axit amin và axit béo không bão hòa, một số thành phần chống viêm cùng các chất chống oxy hóa hữu dụng khác. Một tin vui nữa chính là trong loại quả này, hàm lượng các thành phần gây hại cho sức khỏe như cholesterol và các chất béo bão hòa rất ít.

Một điều bạn cần biết rằng, để tăng thời hạn sử dụng cho chà là và các loại trái cây khô khác, thì một lượng nhỏ sunfat được thêm vào giúp ngăn ngừa sự hình thành nấm mốc. Do đó, với những trẻ bị dị ứng, hen suyễn với thành phần này nên tránh sử dụng.

Câu hỏi đặt ra là khi nào mới là lúc thích hợp để cho bé ăn chà là?

quả chà là tươi xay nhuyễn

Hẳn đây cũng là câu hỏi được rất nhiều mẹ quan tâm. Trước hết, cần khẳng định một điều rằng, chà là rất tốt để có một trái tim khỏe mạnh và khá bổ dưỡng. Vì vậy, trẻ hoàn toàn có thể dùng được trong chế độ ăn uống thường ngày. Bên trong loại quả này có một số chất dinh dưỡng mà bản thân việc cho con dùng sữa không thôi thì chưa chắc đã được cung cấp đầy đủ.

Trẻ có thể dùng được quả chà là tươi khi đã bắt đầu có khả năng dùng các loại thực phẩm rắn hoặc bán rắn. Thậm chí có bé dùng được khi ở thời điểm 6 tháng tuổi, tuy nhiên điều này không thực sự được khuyến cáo.

Hãy chắc chắn rằng, bạn không cho bé ăn ngay loại thực phẩm này khi con chỉ mới vừa biết ăn thức ăn đặc. Thay vào đó, bạn nên cho trẻ thử từng chút một để kiểm tra phản ứng của bé với loại đồ ăn mới này. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể giới thiệu với trẻ những loại trái cây khác nhau xen kẽ từng chút một.

Marry Baby gợi ý mẹ có thể hấp quả chà là tươi để bé nhai dễ dàng hoặc thậm chí xay hoặc nghiền để con dễ hấp thu hơn.

11 lợi ích không tưởng khi cho bé sử dụng quả chà là tươi

Quả chà là tươi vô cùng giàu dinh dưỡng và chứa đựng nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Dùng chà là đúng cách sẽ mang lại cho con bạn những lợi ích sau đây:

1. Củng cố hệ xương khớp

Canxi và magiê trong chà là rất có lợi cho sự phát triển của xương. Hai khoáng chất này bổ trợ cho nhau giúp thúc đẩy sự phát triển xương ở trẻ sơ sinh.

2. Hỗ trợ phát triển trí não

Kali là dưỡng chất giúp tăng trưởng và phát triển trí não. Quả chà là tươi chính là nguồn cung dồi dào kali cho phép trẻ phát triển nhận thức tổng thể.

3. Ngăn ngừa chứng khó tiêu

Chà là giúp loại bỏ các vật ký sinh và giúp nuôi dưỡng hệ vi khuẩn thân thiện với đường ruột. Điều này giúp ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa, đây cũng là một trong những mối lo chung của các bà mẹ khi chăm con.

4. Bảo vệ sức khỏe của gan

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị nhiễm virus và vi khuẩn. Điều này có ảnh hưởng xấu đến gan góp phần gây ra các vấn đề ở gan như vàng da, thương hàn và viêm gan.

Những vấn đề này sẽ không còn là nỗi lo bởi chà là có đặc tính bảo vệ gan tốt, vì vậy mẹ nên thêm ngay loại thực phẩm này vào trong chế độ ăn của con nhé!

5. Chữa loét dạ dày hiệu quả

Một số trẻ ngay từ khi còn bé cũng có trường hợp gặp vấn đề về dạ dày như thừa axit hoặc thậm chí là loét dạ dày tá tràng. Quả chà là tươi đã được chứng minh là có đặc tính giúp giảm bớt một số triệu chứng của vấn đề trên. Tuy vậy, bạn cần tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ nhi khoa trước khi sử dụng chà là như một biện pháp tại nhà để điều trị loét dạ dày cho con mình nhé!

6. Dùng chà là giúp răng chắc khỏe hơn

chà là tốt cho răng

Chà là chín thường được sử dụng nhằm mục đích giúp trẻ mọc răng tốt hơn. Bên cạnh đó, nó còn hỗ trợ củng cố nướu và bảo vệ sức khỏe răng miệng. Nhiều bậc cha mẹ cũng cho con nhai quả chà là chín như một dạng bài tập nha khoa tốt với những bé mới mọc răng.

7. Giúp trẻ phục hồi khi bị sốt và bệnh đậu mùa

Với những bé đang bị sốt hoặc mắc bệnh đậu mùa, việc dùng chà là được xem là biện pháp tốt để giúp trẻ phục hồi nhanh chóng. Điều này nhờ vào sự hiện diện của các chất dinh dưỡng dồi dào mà loại thực phẩm này cung cấp. Mách nhỏ là bạn có thể kết hợp cho bé dùng chung với sữa để tăng hiệu quả.

8. Giải pháp cho bệnh kiết lỵ

Trẻ nhỏ có thể mắc bệnh kiết lỵ do nhiễm vi khuẩn ở ruột già. Vấn đề này có thể được kiểm soát bằng cách cho bé dùng bột quả chà là ngọt.

9. Giảm táo bón

Với hàm lượng chất xơ cao có trong quả chà tươi sẽ tạo điều kiện để tăng khối lượng phân, đồng thời phòng ngừa cho bé khỏi chứng táo bón khó chịu.

10. Làm dịu cơn sốt

Sốt là một trong những triệu chứng phổ biến ở trẻ em và chà là chính là “vị cứu tinh” tuyệt vời khi tình huống này xảy ra. Điều đơn giản là mẹ chỉ cần pha bột chà là vào trong sữa và cho bé uống sẽ giúp hạ nhiệt cho bé nhanh chóng.

11. Cải thiện nồng độ hemoglobin trong máu

Một điều thú vị nữa bạn cần biết rằng chà là cũng là một trong số những thực phẩm giàu chất sắt. Do vậy, nó giúp tăng số lượng huyết sắc tố để hình thành nên các tế bào hồng cầu ở trẻ. Thêm nữa, chà là còn thúc đẩy việc mọc tóc và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh.

Mẹ cần chú ý điều gì khi cho trẻ dùng chà là?

trẻ ăn quả chà là tươi

Hệ thống tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn rất non yếu và mỏng manh, vì thế nên tránh việc ép uổng con trẻ ăn thứ gì đó một cách đột ngột. Để an toàn, mẹ nên chú ý một số điều sau đây khi cho con ăn quả chà là tươi:

  • Nên cho bé ăn từng miếng nhỏ để tránh nguy cơ bị nghẹn.
  • Chỉ cho ăn loại quả chín, ngọt, tránh dùng loại chưa chín vì nó có chứa tannin gây khó chịu cho dạ dày.
  • Không cho con dùng chà là ngay khi bé vừa bắt đầu ăn dặm. Nên cho bé ăn thử từng chút một để dò xét xem liệu con có thích món ăn này hay không trước khi để bé ăn với một số lượng lớn hơn.
  • Nên loại bỏ hạt, lớp vỏ cứng hoặc bất kỳ thành phần nào khác trong quả có thể gây nghẹn.
  • Cảnh giác với bất kỳ phản ứng dị ứng nào xảy ra trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi cho trẻ ăn chà là.
  • Nhất thiết nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa trước khi dùng.
  • Rửa kỹ và loại bỏ vỏ trước khi cho bé ăn để tránh việc đưa bụi bẩn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chống nấm mốc hay các mầm bệnh tiềm ẩn vào cơ thể.
  • Quả chà là khô chỉ có thể dùng khi bé đã nhai tốt.
  • Chà là có xu hướng gây dính răng khi ăn, do vậy nó có thể dẫn đến việc hình thành vi khuẩn gây sâu răng. Điều tốt nhất là mẹ nên cho bé súc miệng ngay sau khi dùng để loại bỏ các mảng bám có hại.

Cách để cho trẻ ăn chà là mẹ nên biết

cách chế biến quả chà là tươi

Lượng dùng khuyến cáo ban đầu là chỉ nên dùng một quả chà là tươi mỗi ngày, sau đó mới tăng dần dần từ 2 đến 3 quả mỗi ngày. Phương pháp chế biến tốt nhất là nên hấp hoặc nghiền, tránh việc nấu sôi quá mức sẽ mất đi các chất dinh dưỡng cần thiết.

Bạn cũng có thể cho bé ăn ở dạng nhuyễn. Dưới đây là công thức để làm món chà là nhuyễn mẹ có thể tham khảo:

  • Đầu tiên nên ngâm quả chà là tươi qua đêm với nước lọc trong bình kín để phòng bụi bẩn hoặc côn trùng xâm nhập
  • Sau đó chắt nước và để quả sang một bên cho ráo
  • Tách bỏ hạt, bỏ phần thịt quả vào máy say sinh tố xay nhuyễn hoặc nghiền nhuyễn rồi rây mịn với nước ngâm quả để tạo thành hỗn hợp sệt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm quả vào trong sữa, sữa chua hoặc làm nhân bánh xốp nướng.

Quả chà là tươi với lượng dồi dào các vitamin và dưỡng chất thiết yếu chính là lựa chọn thích hợp cho bữa ăn hằng ngày của trẻ. Hơn nữa, bạn có thể dùng loại quả này để chế biến thành nhiều món khác nhau cho bé. Tuy vậy, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia trước khi cho con dùng bất cứ thứ gì nhé!

MarryBaby