Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ & tầm soát các bệnh mạn tính – “Chìa khóa” sống vui khỏe cho mẹ

Bài viết đặc biệt của Hello Bacsi được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ sản phụ khoa, ung bướu, cơ xương khớp, nội khoa dưới đây nhằm nêu rõ lý do và tầm quan trọng của việc khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ nhằm đem đến một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh, an vui cho phụ nữ. 

Thực trạng sức khỏe của phụ nữ hiện nay

1. Thông tin chung

Nam giới và nữ giới đều có những vấn đề sức khỏe mà cả 2 giới đều cần nâng cao nhận thức, sớm có những biện pháp thăm khám định kỳ nhằm duy trì và bảo vệ sức khỏe của bản thân. 

Tuy nhiên, vốn được xem là giới tính yếu hơn, lại có những “thiên chức” quan trọng như sinh con và chăm sóc, nuôi dạy con cái, có thể nói, phụ nữ là đối tượng có nhiều nguy cơ suy giảm sức khỏe. Theo NCSL (National Conference of State Legislatures – tạm dịch: Hội nghị Toàn quốc của các Viện Lập pháp Tiểu bang Hoa Kỳ), thống kê cho thấy 38% phụ nữ mắc 1 hoặc nhiều bệnh mạn tính, cao hơn tỷ lệ 30% ở nam giới

Tại Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung – chuyên khoa sản phụ khoa cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15% đến 27%. 

Bên cạnh đó, các bệnh mạn tính khác như ung thư thường gặp và tập trung ở phụ nữ có thể kể đến như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư đại-trực tràng, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư tuyến giáp, theo Bác sĩ nội trú Trần Kiến Bình – Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ.

Trong số đó, ung thư vú, theo BS Bình, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Mỗi năm, nước ta có khoảng hơn 15.230 phụ nữ mới mắc và hơn 6.100 người tử vong do ung thư vú.

Riêng với cơ xương khớp, qua độ tuổi 40, phụ nữ sẽ ngày càng có nhiều vấn đề phát sinh. Thạc sĩ – Bác sĩ – Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh – chuyên khoa cơ xương khớp chia sẻ, phụ nữ có tuổi khởi phát đau xương khớp trễ hơn đàn ông, nhưng một khi đã mắc, cơn đau sẽ được ghi nhận cường độ và điểm cao hơn, tỷ lệ mắc và cảm nhận cơn đau cũng nhiều hơn. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ loãng xương gấp đôi nam giới, 20% phụ nữ trên 60 tuổi bị loãng xương, trong khi nam giới là 10%.

Là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Ở Việt Nam, có khoảng 20% dân số mắc bệnh tim mạch, tỉ lệ tử vong 33%. Nhìn chung, nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, bệnh lý tim mạch ở nữ giới thường nặng hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn, nhưng lại thường bị bỏ sót, theo Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền – chuyên khoa nội tổng quát, hiện công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết.

bệnh mạn tính

2. Vì sao thăm khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ hàng năm là một điều cần thiết?

Các bác sĩ đồng quan điểm cho rằng, việc thăm khám sức khỏe cho phụ nữ cần được ưu tiên như là “chìa khóa” sống vui khỏe cho phụ nữ.

BS Tuyền nhấn mạnh, đối với các bệnh lý mạn tính không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, cơ xương khớp, thường có xu hướng tăng do tuổi thọ trung bình ở nữ giới cao, bùng nổ dân số, chế độ ăn uống sinh hoạt không lành mạnh. Đặc biệt, tình trạng xem nhẹ sức khỏe, không thăm khám thường xuyên là một yếu tố lớn khiến các loại bệnh này phát triển nhanh và nghiêm trọng hơn.

Dù nguy hiểm, điểm chung của các bệnh lý này là có thể kiểm soát được tốt, giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật cao nếu được phát hiện sớm và kịp thời. Điều này cho thấy rõ, tầm quan trọng của việc khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ và việc tầm soát các bệnh mạn tính mỗi năm.

>>> Xem thêm: Tăng cường sức khỏe cho phụ nữ, đừng bỏ qua 7 loại thực phẩm sau

Khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ tổng quát

1. Lợi ích của việc khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ

Khám sức khỏe cho phụ nữ

Bác sĩ nội khoa Trần Thị Thanh Tuyền, hiện đang công tác tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định TP. HCM cho biết, để giúp phụ nữ ở mọi độ tuổi đều có thể duy trì được sức khỏe lành mạnh, việc thăm khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ là một điều quan trọng.

Các kết quả sức khỏe được xem là sự phản ánh đúng nhất về thói quen sống, điều kiện của môi trường sống giúp mẹ có thể điều chỉnh không chỉ để bảo vệ cho chính bản thân mà còn là cho các thành viên khác trong gia đình.

Một số lợi ích của việc khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ có thể kể đến gồm:

  • Tầm soát và dự đoán nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm, mạn tính để kiểm soát và điều trị bệnh kịp thời
  • Kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của bản thân
  • Nhận được những lời khuyên đúng đắn và hữu ích từ bác sĩ đối với sức khỏe và cách chăm sóc sức khỏe

2. Các hạng mục khám sức khỏe dành cho phụ nữ định kỳ

Phụ nữ được khuyến cáo thực hiện khám sức khỏe định kỳ & tầm soát các bệnh lý mạn tính 2 lần/năm. Quá trình khám sức khỏe cho phụ nữ cần có những hạng mục như sau:

  • Tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung
  • Khám phụ khoa, thực hiện PAP’s
  • Chụp nhũ ảnh
  • Thực hiện các xét nghiệm tổng quát, kiểm tra tình trạng lipid máu, đái tháo đường
  • Phụ nữ trên 50 hoặc mãn kinh cần thực hiện đo loãng xương
  • Ngoài ra, phụ nữ ở độ tuổi 9 – 26 cần tiêm vaccine HPV, ngăn ngừa ung thư cổ tử cung từ sớm để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh

3. Khuyến cáo từ chuyên gia trong việc khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ

Bác sĩ Tuyền nhấn mạnh rằng: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nhận thức về bệnh của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng hiện đã được nâng cao. Tuy nhiên, tâm lý chỉ khi có bệnh mới đi khám vẫn còn là một lối suy nghĩ chung của đa số mọi người. Việc khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ cần được đặt ở vị trí quan trọng hơn, không nên vì những lý do khách quan mà bỏ qua sức khỏe của chính mình.

Tầm soát sức khỏe sinh sản & phụ khoa

Khám sức khỏe cho phụ nữ

Các vấn đề sức khỏe liên quan đến các bệnh lý sản phụ khoa tuy không phải là nguyên nhân tử vong hàng đầu, nhưng lại là những vấn đề chị em phụ nữ hay gặp phải nhất. Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung – chuyên khoa sản phụ khoa, một số bệnh lý phụ khoa mà phụ nữ có thể mắc phải bao gồm:

  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư vú
  • U nang buồng trứng
  • U xơ tử cung
  • Rối loạn kinh nguyệt (Rong kinh, vô kinh, rong huyết)
  • Viêm nhiễm phụ khoa
  • Các bệnh lây qua đường tình dục khác

Thực hiện tầm soát các bệnh phụ khoa và kiểm tra sức khỏe sinh sản là một trong những phần quan trọng trong các hạng mục khám sức khỏe cho phụ nữ. Đồng thời, việc tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung hàng năm là rất cần thiết khi khám sức khỏe cho phụ nữ. Phụ nữ được khuyến cáo tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung hàng năm 6 tháng 1 lần, bắt đầu từ độ tuổi 21.

1. Tầm soát ung thư vú

Theo bác sĩ Nhung, mục đích của tầm soát ung thư vú giúp phát hiện sớm các bất thường tại tuyến vú khi chưa có triệu chứng lâm sàng. Việc này giúp phát hiện ung thư vú từ giai đoạn sớm, làm tăng tỉ lệ điều trị khỏi, giảm tỉ lệ tử vong, giảm chi phí và thời gian điều trị. Tỉ lệ sống trên 5 năm nếu phát hiện sớm từ giai đoạn I lên đến trên 90%.

Các hạng mục mẹ sẽ thực hiện khi tầm soát ung thư vú gồm:

  • Hỏi bệnh thăm khám cùng bác sĩ để sàng lọc về các dấu hiệu, triệu chứng bất thường
  • Siêu âm vú, chụp x-quang tuyến vú (mammography) phát hiện bất thường trong nhu mô tuyến vú. Đồng thời, giúp phát hiện những trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm.
  • Cộng hưởng từ
  • Sinh thiết nếu phát hiện khối u ở tuyến vú

2. Tầm soát ung thư cổ tử cung

Việc tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện sớm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung trước khi chúng tiến triển thành ung thư.

Các hạng mục mẹ sẽ thực hiện khi tầm soát ung thư cổ tử cung gồm:

  • Khám và quan sát cổ tử cung
  • Xét nghiệm tế bào cổ tử cung (PAP Smear, Thinprep)
  • Xét nghiệm tế bào HPV bằng cách tìm kiếm sự hiện diện của 14 type HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung

Một số lưu ý cần biết khi thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung:

  • Đối tượng từ 21 -29 tuổi, nên tầm soát mỗi 3 năm/lần với xét nghiệm tế bào cổ tử cung
  • Đối tượng từ 30 – 65 tuổi, tốt nhất là làm cả xét nghiệm HPV và tế bào cổ tử cung mỗi 5 năm 1 lần. Trường hợp chỉ làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung thì nên thực hiện 3 năm/lần khi khám sức khỏe cho phụ nữ

Lời khuyên cho mẹ để có sức khỏe sản phụ khoa tốt

  • Ăn uống: Giàu dinh dưỡng, đa dạng, đủ chất , tăng cường rau xanh và hoa quả. Không hút thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích. Không nên ăn quá nhiều đồ dầu mỡ, quá nhiều đồ ngọt. Uống đủ nước hằng ngày.
  • Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.
  • Tránh lo âu, căng thẳng kéo dài.
  • Vận động, tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.
  • Giữ vệ sinh cá nhân, vùng kín. Không dùng chung chậu rửa, đồ lót với người khác.
  • Quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ nhiều bạn tình

Tầm soát ung thư

Khám sức khỏe cho phụ nữ

Tham khảo ý kiến từ Bác sĩ Trần Kiến Bình – chuyên khoa ung bướu, hiện công tác tại bệnh viện Ung Bướu, TP. Cần Thơ, bác sĩ cho biết phụ nữ đối diện với hơn 8 loại bệnh ung thư, gồm:

  • Ung thư vú
  • Ung thư buồng trứng
  • Ung thư nội mạc tử cung
  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư đại – trực tràng
  • Ung thư phổi
  • Ung thư dạ dày
  • Ung thư tuyến giáp

Theo bác sĩ Bình, ung thư có một số yếu tố không thể thay đổi được như tuổi, giới, đột biến gen, chủng tộc,… Để ngăn ngừa bệnh ung thư hiệu quả, nên tập trung vào những yếu tố có thể thay đổi được như lối sống, hành vi ăn uống, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống.

Đặc biệt, việc khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ & tầm soát bệnh ung thư mỗi 6 tháng có ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc sức khỏe. Việc này giúp phát hiện được những dấu hiệu bất thường của cơ thể sớm và kịp thời ngăn chặn nhân tố gây ung thư.

Một lưu ý nhỏ về bệnh ung thư, bất cứ hạch nào cũng có thể có liên quan đến ung thư. Khi bạn phát hiện bất cứ một hạch bất thường nào trên cơ thể thì tốt nhất là nên đi đến bệnh viện khám kịp thời để bác sĩ có thể nhận định và tiến hành các xét nghiệm hoặc sinh thiết cần thiết nhằm chẩn đoán xác định bản chất của hạch là gì.

Các xét nghiệm tầm soát ung thư trong quy trình khám sức khỏe cho phụ nữ

  • Khám bởi bác sĩ chuyên khoa ung thư (khám vú, khám phụ khoa, thăm trực tràng,…)
  • Xét nghiệm máu định lượng các chỉ dấu sinh học u.
  • Chụp X – quang ngực.
  • Chụp X – quang tuyến vú (Nhũ ảnh).
  • Siêu âm cổ.
  • Siêu âm tuyến vú.
  • Siêu âm ổ bụng.
  • Siêu âm đầu dò âm đạo.
  • Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng.
  • Nội soi đại – trực tràng.
  • Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung – âm đạo.
  • Nghiệm pháp axít acetic hoặc nghiệm pháp Lugol.
  • Chụp cắt lớp điện toán xoắn ốc năng lượng thấp.

Khám sức khỏe cho phụ nữ về cơ xương khớp

Thạc sĩ, bác sĩ, giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh – chuyên khoa cơ xương khớp cho biết, tình trạng loãng xương và đau nhức trong xương ở phụ nữ được phát hiện qua các nghiên cứu phần lớn là do nội tiết, cấu trúc dây chằng và hiện tượng hormone suy giảm ở tuổi mãn kinh. Vì thế, cơ xương khớp cũng là một trong những hạng mục mẹ cần lưu tâm trong quá trình tự chăm sóc sức khỏe bản thân và đi khám sức khỏe cho phụ nữ định kỳ.

Đồng thời, đây là loại bệnh gây tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe của các mẹ nhiều nhất, do ngoài biểu hiện ở cơ xương khớp, bệnh còn ảnh hưởng lên toàn thân, các tạng như gan, thận, tim,.. Trong đó, viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn hệ thống mạn tính, biểu hiện đa số và phần lớn ở cơ xương khớp, và tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao gấp 2 lần nam giới.

Việc thăm khám định kỳ giúp mẹ có thể tầm soát và giải quyết được các vấn đề về xương khớp sớm, tránh trường hợp bị ảnh hưởng đến chất lượng sống. Điều quan trọng, khám sức khỏe cho phụ nữ có thể giảm thiểu được tối đa tình trạng mắc các bệnh mạn tính về cơ xương khớp, hạn chế được việc dùng thuốc điều trị bệnh lâu dài sẽ gây một số tác dụng phụ lên gan và thận.

Quy trình thăm khám sức khỏe cho phụ nữ & tầm soát bệnh cơ xương khớp gồm

  • Bác sĩ dựa vào triệu chứng mắc phải (đau, sưng nóng, nhức trong xương, tiếng bất thường ở các khớp,…) để làm chẩn đoán, cận lâm sàng
  • Khám tại vị trí có triệu chứng, làm các nghiệm pháp để chẩn đoán bệnh
  • Thực hiện khám cận lâm sàng như: Chụp X-quang, siêu âm cơ dây chằng, chụp MRI, đo mật độ xương… tùy vào bệnh lý mà bác sĩ nghĩ đến

Lời khuyên để có một hệ thống cơ xương khớp khỏe mạnh

  • Đảm bảo đúng tư thế, tránh những hoạt động, công việc gây áp lực, tổn thương cho cơ, dây chằng. 
  • Ăn uống điều độ, đúng giờ, bổ sung đủ các chất, khoáng chất có lợi như canxi, vitamin D3,… và nhớ là hãy uống vào buổi sáng với nhiều nước để tránh tình trạng sạn, sỏi thận. Nếu hạn chế về thời gian và khả năng thì có thể xem xét dùng thực phẩm chức năng thay thế.
  • Dành thời gian ra để rèn luyện hệ cơ xương khớp khỏe mạnh. Các bài tập đi bộ, thể thao, yoga sẽ làm cho cơ gân, dây chằng chắc khỏe hơn, và giúp cho ta có hệ thống mạch khỏe mạnh hơn.

Kết luận

Khám sức khỏe cho phụ nữ là một điều cần thiết nhằm duy trì sức khỏe ở mức ổn định, bảo vệ bản thân khỏi những loại bệnh mạn tính và nguy hiểm. Với tần suất thăm khám & tầm soát các bệnh mạn tính định kỳ mỗi 6 tháng một lần sẽ giúp chị em phụ nữ có thể quản lý được tình trạng sức khỏe của mình tốt hơn.

Hơn nữa, hoạt động khám sức khỏe cho phụ nữ là cơ hội cho mẹ được tham vấn trực tiếp với bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp mẹ nhìn ra những điểm hợp lý và chưa hợp trong lối sống, thói quen sinh hoạt để điều chỉnh, từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe bản thân và gia đình.