Sảy thai sinh hóa hay thai sinh hóa là một tình trạng mang thai và mất thai từ rất sớm thường gặp ở phụ nữ, do nhiều nguyên nhân khác nhau và xảy ra ở nhiều giai đoạn khác nhau. Vậy mẹ đã biết gì về hiện tượng sảy thai sinh hóa này chưa?
Thai sinh hóa là hiện tượng gì? Bệnh có nguy hiểm cho mẹ hay không?
Sảy thai sinh hóa hay còn được gọi là thai sinh hóa, là tình trạng mang thai và mất thai từ rất sớm, thường xảy ra ngay sau khi phôi làm tổ (trước khi phôi thai được 5 tuần tuổi) hoặc trước khi phôi thai được nhìn thấy thông qua siêu âm. Đây là một tình trạng phổ biến và chiếm phần lớn (50%-60%) các trường hợp sảy thai hiện nay.
Hầu hết phụ nữ sảy thai sinh hóa không nhận thấy các dấu hiệu mang thai và sảy thai ngoài trừ kết quả thử thai dương tính (nếu mẹ thực hiện các xét nghiệm thử thai). Một số phụ nữ thậm chí không biết bản thân đã mang thai và trải qua tình trạng sảy thai sinh hóa. Tình trạng này tương đối giống như một chu kỳ kinh nguyệt bị trễ nếu không thực hiện thử thai.
Trong hầu hết các trường hợp, sảy thai sinh hóa không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người mẹ. Tuy nhiên, các trải nghiệm sảy thai có thể gây ra cảm giác đau buồn sâu sắc và ảnh hưởng đến tâm lý của thai phụ. Nhất là với các mẹ chưa trải nghiệm cảm giác làm mẹ trước đó.
Thai sinh hóa là hiện tượng gì, biểu hiện của sảy thai sinh hóa?
Vì sảy thai sinh hóa thường diễn ra rất sớm ở giai đoạn đầu của thai kỳ nên nhiều người thường không phát hiện. Một số chị em có thể lầm tưởng hiện tượng thai sinh hóa là kỳ kinh nguyệt bất thường bởi dấu hiệu có thể là co thắt dạ dày và chảy máu âm đạo.
Biểu hiện của sảy thai sinh hóa: Các triệu chứng của thai sinh hóa có thể khác nhau giữa các phụ nữ. Một số sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một số phụ nữ nhận thấy những biểu hiện triệu chứng như sau:
- Kết quả thử thai dương tính có thể nhanh chóng chuyển sang âm tính
- Ra máu nhẹ một tuần trước khi đến kỳ kinh nguyệt
- Đau quặn bụng nhẹ và đau nhiều lần có thể là biểu hiện gây ra hiện tượng sảy thai sinh hóa
- Nếu mẹ thử thai, kết quả dù dương tính nhưng sau vài ngày lại có kinh nguyệt hoặc mẹ sẽ bị chảy máu từ âm đạo.
- Sảy thai sinh hóa khi mức xét nghiệm máu của mẹ có mức HCG thấp thông qua xét nghiệm công thức máu tại bệnh viện.
>>> Bạn có thể tham khảo: Các loại rau thơm bà bầu không nên ăn vì dễ gây sảy thai, sinh non
Nguyên nhân và cách điều trị hiện tượng thai sinh hóa sớm ở mẹ bầu là gì?
a. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng?
Nói chung đến thời điểm này chưa có cách để truy tìm “thủ phạm” gây sảy thai sinh hóa một các chính xác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết cho rằng những bất thường ở thai nhi và tử cung người mẹ đều có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này, cụ thể:
- Phôi thai cấu tạo không hoàn hảo, do sự phối hợp giữa các gen không được tốt hoặc thiếu một số gen, dẫn tới việc phôi thai không phát triển được, bị thoái hóa và tự hủy. Trường hợp này, nếu chị em vẫn có thể sinh được con ra đời thì đứa bé cũng dễ bị dị tật.
- Sảy thai do tử cung không bình thường, có thể là niêm mạc tử cung quá mỏng nên thai không bám được vào nên tự tuột ra, hoặc là bám vào nhân xơ,sẹo mổ cũ nên bị sảy ngay ra ngoài.
- Sảy thai do nhiễm một số bệnh có thể lây truyền từ cơ thể mẹ sang thai nhi, dẫn đến sảy thai như bệnh HIV, viêm gan B, C, giang mai, chlamydia, Rubella, Toxoplasma, CMV…
- Nếu mẹ bầu bị hội chứng antiphospholipid dẫn đến tình trạng rối loạn đông máu cũng có thể gây ra thai sinh hóa.
- Phụ nữ mang thai khi lớn tuổi sẽ làm tăng nguy cơ bị thai sinh hóa.
- Ngoài ra, một nghiên cứu lâm sàng của Fachchinetti và cộng sự ở Ý rằng căng thẳng là một nguyên nhân liên quan đến vấn đề thai sinh hóa.
b. Cách điều trị tình trạng sảy thai sinh hóa như thế nào?
Trong hầu hết các trường hợp, sảy thai sinh hóa không nghiêm trọng và mẹ có thể không cần điều trị. Việc sảy thai nhiều lần không có nghĩa là mẹ không thể mang thai và sinh con khỏe mạnh trong tương lai. Vì thế thay vì lo lắng mất ăn mất ngủ, mẹ có thể đến thăm khám bác sĩ nếu cơn đau kéo dài.
Một số gợi ý từ bác sĩ mà mẹ có thể tham khảo như sau:
- Bổ sung progesterone và estrogen: Nồng độ progesterone và estrogen rất quan trọng cho sự phát triển của bào thai bên trong tử cung. Bác sĩ có thể đề nghị bổ sung progesterone và estrogen để chuẩn bị cho quá trình mang thai.
- Phẫu thuật điều chỉnh các bất thường ở tử cung: Nếu mẹ bị lạc nội mạc tử cung hoặc polyp tử cung, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để để cải thiện các vấn đề ở tử cung.
- Thuốc kháng sinh cho trường hợp nhiễm trùng: Các bệnh lý nhiễm trùng thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh để giảm các rủi ro sảy thai liên tiếp.
>>> Bạn có thể tham khảo: Sau sảy thai bao lâu thì đi làm được? Thời điểm vàng mang thai trở lại
Sảy thai sinh hóa bao lâu thì có thai lại? Thời điểm tốt nhất để mẹ mang thai?
- Sảy thai sẽ đem đến cảm giác mất mát, khiến cả hai vợ chồng đều phải trải qua thời gian buồn bã, lo lắng hay thậm chí là cảm giác tội lỗi. Do đó các chuyên gia thường khuyên những cặp đôi không nên vội vã và cố gắng thụ thai ngay sau đó.
- Nữ giới cần tránh quan hệ tình dục trong hai tuần kể từ sau khi sảy thai, hoặc cho đến khi tất cả các triệu chứng sảy thai đã biến mất, để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Chu kỳ kinh nguyệt sẽ dần ổn định sau khoảng từ 2 tuần cho đến vài tháng, khi quá trình rụng trứng trở lại bình thường cũng là lúc chị em có khả năng thụ thai nếu không áp dụng các biện pháp tránh thai.
- Khi đã cảm thấy sẵn sàng về mặt cảm xúc lẫn thể chất, phụ nữ nên nhờ bác sĩ tư vấn để tiếp tục mang thai sau sảy thai sinh hóa một cách an toàn. Bác sĩ có thể đề nghị mẹ làm một số xét nghiệm và thăm khám để tìm ra bất thường.
Chế độ ăn sau sảy thai giúp mẹ mau chóng hồi phục sức khỏe
Sảy thai có thể gây ra tình trạng ra máu, chóng mặt, cơ thể suy nhược. Vì vậy, những thực phẩm mẹ ăn thời gian này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ. Dưới đây là một số thực phẩm mẹ nên ăn sau khi bị sảy thai:
Thực phẩm giàu chất sắt giúp mẹ bồi bổ sau khi sảy thai sinh hóa
Khi cơ thể mất máu, việc bổ sung sắt là điều vô cùng cần thiết. Theo nghiên cứu, có hai loại chất sắt ẩn chứa trong thực phẩm là heme iron (tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật) và non heme (tìm thấy trong thực vật).
Chất sắt từ thịt động vật: Thông thường cơ thể sẽ dễ dàng hấp thu sắt từ thịt động vật. Do đó mẹ nên bổ sung các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu,… vào trong thực đơn hàng ngày của mình. Nhưng hạn chế dùng chất béo trong quá trình chế biến món ăn
Các nguồn sắt heme khác bao gồm: đậu, rau lá xanh, bắp cải Brussel, nho khô, đậu lăng, đào khô, hạt bí ngô, hạt đậu tương, bơ mè, gạo lứt, socola đen, nước rỉ đường.
Lưu ý: Vitamin C có trong trái cây (đu đủ, bưởi, dâu tây,…) cũng giúp cơ thể mẹ dễ hấp thụ chất sắt non heme trong thực vật. Do đó nên ăn cùng lúc với các thực phẩm chứa sắt nhé.
Sảy thai sinh hóa: Mẹ nên bổ sung chất Axit folic
Các sản phụ thường được khuyến cáo bổ sung đầy đủ axit folic trước và sau thai kỳ. Nguyên do là bởi thiếu loại dưỡng chất này sẽ dẫn tới nguy cơ sảy thai, dị tật ở thai nhi… Với những phụ nữ vừa lâm vào tình trạng sảy thai sinh hóa, việc bổ sung đầy đủ axit folic sẽ tránh những tổn hại do sảy thai để lại và chuẩn bị tốt hơn cho lần mang thai sắp tới.
Axit folic có nhiều trong đậu lăng, trứng, bông cải xanh, bơ, măng tây, các loại quả thuộc giống cam quýt, rau bina, cà rốt, bánh mì, thịt bò, hướng dương, chuối, dưa hấu, chanh….
>>> Bạn có thể tham khảo: Mới sảy thai có được gội đầu không? Nên làm gì để sớm hồi phục sức khỏe
Thực phẩm giàu magie
Magie là một vi chất giúp mẹ thoải mái và đối phó với trầm cảm sau khi bị sảy thai sinh hóa. Mẹ có thể ăn các loại thực phẩm giàu magie như: các loại đậu, các loại quả hạch, socola.
Magie không chỉ giúp mẹ đối phó với trầm cảm mà còn tạo ra năng lượng cho cơ thể, hồi phục các tế bào cũng như chức năng thần kinh, cơ bắp.
[inline_article id=298478]
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân, cách điều trị và chế độ ăn lành mạnh cho mẹ khi trải qua quá trình sảy thai sinh hóa. Nắm chắc những điều này sẽ giúp mẹ có thêm kinh nghiệm để chuẩn bị thật tốt cho lần mang thai kế tiếp. Chúc mẹ thành công!