Són tiểu khi mang thai thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ và kéo dài đến cả sau khi mẹ vượt cạn thành công. Việc này tuy không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sinh hoạt của mẹ bầu. Cùng MarryBaby bỏ túi một vài bí quyết để khắc phục tình trạng này nhé!
Són tiểu khi mang thai và sau sinh là như thế nào?
Són tiểu là tình trạng tiểu không kiểm soát khiến mẹ bầu lúc nào cũng ở trong trạng thái muốn đi tiểu hoặc bị rò rỉ nước tiểu giữa các lần đi vệ sinh. Đặc biệt, mẹ sẽ thường bị rò rỉ nước tiểu sau khi ho, hắt hơi, cười một cách không tự chủ hoặc khi vận động mạnh,… Việc này khiến mẹ bầu phải đi tiểu thường xuyên và vô cùng mệt mỏi, tự ti.
Một thống kê năm 2014 cho thấy, cứ 3 mẹ bầu thì có 1 mẹ sẽ gặp tình trạng són tiểu khi mang thai. Dù rằng phần lớn xảy ra ở 3 tháng cuối, một số mẹ cũng bị són tiểu sớm ở 3 tháng đầu. Các nhà khoa học công bố, dạng són tiểu không tự chủ do căng thẳng chiếm đa số với 48,3% mẹ bầu rơi vào tình trạng này.
Són tiểu thường xuyên khiến âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt có thể gây viêm nhiễm phụ khoa, hệ quả dẫn tới là nguy cơ sinh non sớm và nhiễm khuẩn sơ sinh. Do đó, tình trạng này cần được khắc phục càng sớm càng tốt cho cả mẹ và bé.
Vì sao mẹ bầu thường bị són tiểu khi mang thai và sau khi sinh?
1. Nguyên nhân són tiểu khi mang thai
Ở những tháng đầu của thai kỳ, khi thai nhi còn rất nhỏ, mẹ sẽ ít gặp tình trạng són tiểu này. Tuy nhiên, càng về tam cá nguyệt cuối cùng thì tình trạng són tiểu sẽ càng nhiều hơn.
Nguyên nhân do bàng quang nằm ở phía dưới tử cung, khi thai nhi phát triển và ngày một lớn hơn, tử cung sẽ bắt đầu giãn nở và gây áp lực lên bàng quang. Điều này khiến cơ vòng bàng quang (một van cơ nằm ở đáy bàng quang có tác dụng kiểm soát dòng tiểu) và cơ đáy chậu phải chịu áp lực lớn và “quá tải”, dẫn đến tình trạng són tiểu ở mẹ bầu.
Ngoài ra, việc són tiểu do thay đổi nồng độ hormone dẫn đến căng thẳng, áp lực trong thai kỳ cũng là một vấn đề vô cùng phổ biến. Thông thường, tình trạng són tiểu khi mang thai chỉ là tạm thời và sẽ biến mất trong vài tuần sau khi sinh em bé.
>>> Mẹ có thể xem thêm: Bị són tiểu khi mang thai tháng cuối: Nguyên nhân, chẩn đoán, cách khắc phục hiệu quả cho mẹ bầu
2. Nguyên nhân són tiểu sau khi sinh
Rò rỉ nước tiểu có thể kéo dài ở phụ nữ sau khi sinh do một số nguyên nhân khác như:
- Sa tạng vùng chậu: Đây là tình trạng một hay nhiều cơ quan vùng chậu không còn ở đúng vị trí giải phẫu bình thường mà sa xuống âm đạo hoặc hậu môn và dẫn đến són tiểu.
- Tổn thương dây thần kinh vùng chậu: Các dây thần kinh vùng chậu kiểm soát chức năng bàng quang của mẹ có thể bị thương trong quá trình sinh nở và gây nên són tiểu sau khi sinh.
- Sang chấn khi sinh: Đôi khi, són tiểu sau khi sinh là do mẹ bầu từng phải sử dụng các dụng cụ hỗ trợ sinh sản và bị chấn thương cơ sàn chậu và cơ vòng hậu môn. Ví dụ như cắt tầng sinh môn giúp em bé được sinh ra dễ dàng hơn.
- Tổn thương vì rặn lâu: Rặn quá lâu trong khi sinh thường cũng có thể làm tăng khả năng tổn thương các dây thần kinh vùng chậu.
- Viêm nhiễm phụ khoa: Nếu sau sinh, tình trạng són tiểu vẫn kéo dài hoặc tăng nặng thêm, thì có thể do viêm nhiễm phụ khoa. Khi đó mẹ bé cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị.
Có phải tất cả phụ nữ đều có cảm giác bị són tiểu khi mang thai?
Tuy són tiểu khi mang thai là một tình trạng phổ biến nhưng điều này không có nghĩa là tất cả mẹ bầu đều gặp phải tình trạng này. Nguy cơ bị són tiểu trong thai kỳ còn phụ thuộc vào hình thức sinh con, đây có phải là lần đầu bạn sinh hay không và một số yếu tố khác.
Cụ thể, phụ nữ từng sinh con (dù cho bằng phương pháp sinh ngả âm đạo hay sinh mổ) sẽ có nguy cơ bị căng thẳng, mất kiểm soát bàng quang dẫn đến són tiểu cao hơn so với phụ nữ lần đầu mang thai. Hơn nữa, sau khi sinh, mẹ bầu cũng có thể bị sa tạng vùng chậu dẫn đến són tiểu khi mang thai lần tiếp theo.
>>> Mẹ có thể quan tâm: Rỉ ối hay bị són tiểu, bầu cần phải rõ ràng
Cách điều trị tình trạng són tiểu cho mẹ bầu và mẹ sau sinh
Việc tìm cách điều trị và ngăn ngừa là điều vô cùng cần thiết để mẹ có thai kỳ nhẹ nhàng và thoải mái nhất.
Mẹ có thể duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe của bàng quang và ruột, từ đó khắc phục tình trạng bị són tiểu khi mang thai.
Các bài tập kegel dành cho vùng chậu mẹ có thể lựa chọn nhằm tăng cường sức mạnh của các cơ vùng xương chậu. Ngoài ra, tập kegel còn giúp việc sinh nở được thuận lợi hơn, thời gian chuyển dạ ngắn hơn, tăng tốc độ hồi phục của vết khâu tầng sinh môn sau khi sinh. Hầu hết các trường hợp đều có sự cải thiện sau 4-8 tuần nếu mẹ bầu kiên trì luyện tập từ 3 đến 6 buổi mỗi ngày.
Bên cạnh tập kegel, có thể áp dụng các phương pháp trị són tiểu khi mang thai khác như: Duy trì một thói quen sống lành mạnh bằng chế độ ăn uống, kiểm soát cân nặng trước và sau khi sinh; sắp xếp thời gian đi vệ sinh. Cụ thể:
- Sử dụng thực phẩm lành mạnh, hạn chế sử dụng thức uống chứa caffeine vì các loại đồ uống có ga, trà, cà phê,… có chứa caffeine sẽ khiến mẹ cảm thấy mắc tiểu thường xuyên hơn.
- Hạn chế uống nước và các thực phẩm dạng lỏng sau bữa tối để giảm số lần đi vệ sinh vào ban đêm.
- Ăn thức ăn có nhiều chất xơ để tránh bị táo bón, vì táo bón cũng có thể gây són tiểu khi mẹ mang thai 3 tháng cuối.
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức ổn định và khỏe mạnh bởi trọng lượng cơ thể tăng có thể gây thêm áp lực lên bàng quang và đáy chậu. Sau khi sinh và cơ thể đã hồi phục, mẹ có thể thực hiện các phương pháp giảm cân sau sinh.
- Ghi lại thời điểm bị són tiểu. Mẹ bầu có thể theo dõi thời gian trong ngày bị rò rỉ nước tiểu. Nếu thường xuyên gặp tình trạng này trong cùng một thời điểm, hãy cố gắng để đi vệ sinh trước thời gian này.
- Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể luyện tập để kéo dài thời gian giữa các lần đi vệ sinh để tăng cường sức mạnh cơ vùng chậu và tăng khả năng kiểm soát bàng quang.
Bị són tiểu khi mang thai và sau khi sinh có thể gây ra nhiều bất tiện cho mẹ bầu trong cuộc sống. Do đó, hãy tìm cách để khắc phục, cải thiện tình trạng tiểu không kiểm soát này mẹ nhé!
[inline_article id=185164]