Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Cách tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh trị rôm sảy, ngừa mụn

tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh
Tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh là một trong những kinh nghiệm dân gian hữu ích.

Trước đây, khi y học chưa phát triển, người mẹ thường chăm sóc con theo kinh nghiệm truyền miệng. Một số phương thức dân gian này đến nay vẫn còn hiệu nghiệm và được các mẹ áp dụng. Một trong số đó là cách tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh. 

Nhận biết đúng lá riềng khi dùng lá riềng tắm cho trẻ sơ sinh

Riềng hay cao lương khương là loại cây thân thảo, có thân rễ mọc bò ngang, dài, phình to thành củ, có nhiều rễ con. Củ riềng già có màu nâu. Lá riềng có màu xanh, không cuống, hình mác dài, đầu nhọn. Cây riềng có hoa thường nở vào tháng 5-8. 

Cây riềng dùng được cả củ lẫn lá. Củ riềng dùng để kho cá, giúp át mùi tanh, cho món ăn thêm đậm vị, thơm ngon hơn. Lá riềng là loại lá lành tính nên người ta thường dùng nhiều trong các bài thuốc dân gian, sử dụng trong nấu ăn làm chất tạo màu thực phẩm. Nói đến tác dụng của lá riềng, chúng ta không thể bỏ qua cách tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh giúp chữa rôm sảy, mụn nhọt.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Cách tắm cho trẻ sơ sinh bằng lá kinh giới để trị rôm sảy, mẩn ngứa

Tại sao lá riềng có thể dùng tắm cho trẻ sơ sinh?

Trẻ sơ sinh đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt là vào mùa hè. Thời tiết oi bức khiến da bé dễ đổ mồ hôi, là điều kiện gia tăng các bệnh về da như rôm sảy, mụn kê, mụn nhọt…

Theo y học cổ truyền, nhiều loại lá, thảo dược trong tự nhiên có thể giúp cải thiện đáng kể các vấn đề về da. Tuy nhiên không phải loại nào cũng an toàn để tắm cho bé sơ sinh. 

Người ta thường tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh để chữa rôm sảy và ngừa các bệnh về da. Lý do là vì lá riềng có đặc tính kháng viêm, sát khuẩn, giúp giải nhiệt và chữa lành vết thương. Thêm nữa lá riềng chứa các thành phần dưỡng chất thiên nhiên vô cùng dịu nhẹ, không độc hại nên an toàn cho làn da non nớt của bé sơ sinh. 

[inline_article id=193002]

Dùng lá riềng tắm cho trẻ sơ sinh như thế nào?

Với những phân tích trên đây về công dụng của lá riềng, hẳn mẹ đã an tâm khi dùng loại lá này tắm cho bé. 

Dưới đây là cách tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn, mẹ nên áp dụng.

1. Chuẩn bị

Mẹ chuẩn bị một nắm lá riềng tươi khoảng 200-300g, không chọn loại lá quá già hay quá non. Theo kinh nghiệm của các mẹ, bé trai dùng 7 lá và bé gái dùng 9 lá để tắm. 

2. Cách thực hiện

– Lá riềng cọ sạch lông, vệ sinh thật kỹ để loại bỏ bụi bẩn, đất cát bám trên lá. Kỹ hơn, mẹ có thể ngâm lá riềng với nước muối pha loãng trước khi nấu nước tắm.

– Cho lá riềng đã rửa sạch vào nồi và đun sôi.

– Đun đến khi nước chuyển màu, mẹ tắt bếp vì lúc này các dưỡng chất trong lá đã tiết ra và hòa lẫn vào nước tắm.

– Lọc lấy phần nước, bỏ phần bã.

– Pha thêm nước lạnh cho đến khi đạt nhiệt độ tắm phù hợp với bé. Nhiệt độ lý tưởng khi tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh cũng tương tự như tắm nước thường là 38 độ C.

– Tiến hành tắm cho bé.

– Sau khi tắm lá riềng, mẹ tắm lại bé bằng nước sạch và nhanh chóng lau khô người con.

Với cách tắm cho trẻ sơ sinh bằng lá riềng, mẹ có thể tắm cho bé 2-3 lần/tuần để rôm sảy lặn dần.

Dùng lá riềng tắm cho trẻ sơ sinh như thế nào?

Những lưu ý khi tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh

Dùng lá riềng nấu nước tắm cho trẻ sơ sinh tuy an toàn nhưng mẹ vẫn cần lưu ý những điều sau để tránh tổn thương làn da non nớt của con:

– Rửa thật sạch lá riềng để tránh tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật (nếu có) gây hại sức khỏe và da bé.

– Khi nấu lá tắm cần cân chỉnh tỷ lệ phù hợp, tránh nước quá đặc hoặc quá loãng.

– Một số trẻ do cơ địa nhạy cảm, có thể bị kích ứng, nổi mẩn ngứa khi tắm lá riềng. Để an toàn cho con, mẹ hãy xoa thử nước lá riềng lên tay bé và đợi xem phản ứng sau 3 tiếng trước khi tiến hành tắm cho bé.

– Nếu có bất kỳ triệu chứng khác thường nào sau khi tắm lá riềng, mẹ cần nhanh chóng đứa trẻ đi khám.

– Nếu các triệu chứng rôm sảy, mụn nhọt vẫn không thuyên giảm sau thời gian tắm nước lá riềng, mẹ nên sớm đưa bé đi khám.

– Không nên tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh nếu da bé đang bị tổn thương như mưng mủ, sưng, trầy xước…

– Trong quá trình tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh, không nên để nước dính mắt bé vì sẽ làm cay mắt.

– Ngoài ra, để tránh cho con bị sặc nước khi tắm, mẹ có thể tham khảo bài viết: Hướng dẫn sơ cứu trẻ sơ sinh bị sặc nước khi tắm, chậm vài phút con có thể mất mạng

Những lưu ý cơ bản khi tắm trẻ sơ sinh mẹ nên biết

Tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh nói riêng và tắm bé sơ sinh nói chung đều cần lưu ý những điều sau: 

Thời điểm tắm bé thích hợp là khung giờ 10–11 giờ. Tránh tắm vào sáng sớm hoặc chiều tối.

– Chuẩn bị dụng cụ tắm đầy đủ như thau tắm, quần áo, khăn tắm, bọt biển tắm…

– Không nên dùng bồn tắm quá lớn khi tắm trẻ sơ sinh.

– Chọn sản phẩm tắm gội phù hợp theo tháng tuổi của con.

– Da bé sơ sinh rất mỏng manh, mẹ nên tắm bé bằng miếng bọt biển mềm.

– Luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm bé, nhiệt độ khuyến nghị là 38 độ C. Tốt nhất mẹ nên trang bị nhiệt kế đo nước tắm để an toàn cho bé.

– Nhiệt độ phòng tắm luôn đảm bảo ít nhất là 28 độ C vì trẻ sơ sinh rất dễ nhiễm lạnh.

– Không bao giờ để trẻ một mình trong thau tắm hoặc bồn tắm dù chỉ trong chốc lát.

– Không nên để bé ngâm quá 10 phút trong nước tắm vì dễ làm bé cảm lạnh.

– Làn da bé sơ sinh vốn mỏng manh và không nhanh bẩn như các trẻ lớn. Hơn nữa, thói quen tắm thường xuyên có thể làm bé bị khô da. Vì vậy, mẹ không nhất thiết tắm bé mỗi ngày, chỉ cần 2-3 lần mỗi tuần là được. Những ngày không tắm cho bé, mẹ cần lau người con bằng nước ấm và thay đồ cho bé.

– Sau khi tắm cho bé, mẹ có thể thoa thêm lớp kem dưỡng ẩm nếu da con thường khô, bong tróc.

Những lưu ý cơ bản khi tắm trẻ sơ sinh

Trên đây là cách tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh. Mẹ đừng quên những lưu ý khi tắm lá riềng cho bé để đảm bảo an toàn và tránh những tác dụng phụ không mong muốn với con nhé!

Hương Lê