Trước khi muốn biết giá xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, các mẹ hãy cùng tìm hiểu tiểu đường thai kỳ là gì, sự nguy hiểm của nó với thai nhi và bà mẹ, cũng như cách thực hiện xét nghiệm xét nghiệm này có đơn giản hay không nhé.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng mức đường huyết của mẹ tăng cao khi mang thai, khiến đường xuất hiện trong nước tiểu người mẹ, trên nền bệnh nhân có đường huyết hoàn toàn bình thường trước đó. Với các mẹ bầu mắc tiểu đường trước khi mang thai, thì được gọi là người tiểu đường mang thai.
>>> Có thể mẹ quan tâm: Tiểu đường thai kỳ và tổng hợp những điều mẹ cần biết
Tiểu đường thai kỳ có những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.
Đối với mẹ bầu
- Tăng nguy cơ khiến mẹ sinh non, sảy thai.
- Tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sản giật.
- Tăng tỷ lệ sinh mổ, sinh khó, chuyển dạ kéo dài, băng huyết sau sinh.
- Dễ mắc các tình trạng nhiễm trùng hơn.
- Nguy cơ mắc tiểu đường thật sự sau sinh.
Đối với thai nhi
- Tăng tỷ lệ dị tật thai nhi.
- Rối loạn tăng trưởng ở thai nhi (thai quá to hoặc quá nhỏ). Trường hợp thai to khiến sinh khó, gây nên chấn thương như trật khớp vai, liệt đám rối thần kinh cánh tay khi sinh…
- Thai chết lưu.
- Thai nhi khi lớn lên dễ bị béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp.
Mẹ bầu đã thấy những biến chứng nguy hiểm mà tiểu đường thai kỳ có thể gây ra. Nhưng làm xét nghiệm để tìm ra tình trạng này có dễ không và giá của xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có mắc không?
2. Giá xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại một số bệnh viện
[key-takeaways title=””]
Lưu ý: Mức giá xét nghiệm tiểu đường thai kỳ chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi tùy thời điểm, hệ thống trang thiết bị hỗ trợ, quy trình thăm khám, trình độ chuyên môn của bác sĩ… Giá thành thường đi đôi với chất lượng, mức giá có thể tiết kiệm hơn nếu nằm trong gói quản lý thai nghén. Để biết chính xác mức giá, mẹ bầu nên liên hệ trực tiếp bệnh viện thăm khám hoặc bác sĩ tư vấn.
[/key-takeaways]
Dưới đây là giá xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại một số bệnh viện để mẹ tham khảo.
2.1. Giá xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại bệnh viện Từ Dũ
Bệnh viện Từ Dũ là bệnh viện chuyên khoa phụ sản và hiếm muộn hàng đầu tại khu vực phía Nam. Với gần 100 năm làm việc và phát triển, đây là nơi ra đời của nhiều thế hệ em bé. Với đội ngũ y tế có chất lượng chuyên môn cao và trang thiết hiện đại, bệnh viện xứng đáng nhận được sự tin tưởng của nhiều “chị em nhà bầu”.
Giá xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại bệnh viện Từ Dũ vào khoảng 160.000 đồng (chưa tính công khám của bác sĩ).
2.2. Bệnh viện Hùng Vương
Bệnh viện Hùng Vương là sự lựa chọn các mẹ bầu có thể cân nhắc. Là bệnh viện hạng I chuyên ngành sản phụ khoa tuyến Trung ương, trung bình mỗi năm bệnh viện đón chào khoảng từ 35.000 đến 40.000 trẻ sơ sinh chào đời.
Giá xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại bệnh viện Hùng Vương vào khoảng 160.000 đồng (chưa tính công khám của bác sĩ).
>>> Có thể mẹ quan tâm: Bà bầu bị tiểu đường nên ăn gì và không nên ăn gì?
2.3. Các bệnh viện tư nhân chuyên về sản phụ khoa khác
Một số bệnh viện tư nhân với trang thiết bị hiện đại, chất lượng chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ đảm bảo cũng có thể giúp các mẹ bầu chuẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất, rút ngắn thời gian chờ đợi và mang lại kết quả cao.
Với nhóm các bệnh viện tư nhân, giá xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cũng không quá đắt đỏ. Nhìn chung xét nghiệm này dao động trong khoảng 200.000 – 300.000 đồng.
3. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được thực hiện như thế nào?
Có 2 phương pháp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hiện nay là phương pháp 1 bước và 2 bước. Trên thực tế phương pháp 1 bước hiện tại đang phổ biến hơn ở các bệnh viện sản phụ khoa Việt Nam, vì sự tiện lợi của nó mang lại cho các mẹ bầu.
Với phương pháp 1 bước, mẹ bầu cần nhịn đói ít nhất 8 tiếng. Bởi nếu tiến hành lấy máu sau khi ăn, lượng đường trong thức ăn sẽ được hấp thụ vào máu, khiến cho kết quả không chính xác. Mẹ bầu tổng cộng sẽ được lấy máu 3 lần. Lần đầu tiên là lúc đói, sau ít nhất 8 tiếng không ăn gì. Sau đó sản phụ sẽ được uống siro đường chứa 75g glucose, tiếp tục lấy mẫu máu lúc 1 giờ và 2 giờ sau uống.
Nếu kết quả 1 trong 3 lần trùng với tham số dưới đây thì thai phụ sẽ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ:
– Lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L).
– Thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L).
– Thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L).
>>> Có thể mẹ quan tâm: Tiểu đường thai kỳ ăn dưa hấu được không?
4. Thời điểm thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
4.1. Lần khám thai đầu tiên:
- Nên thực hiện xét nghiệm HbA1c và Glucose lúc đói để kiểm tra chỉ số đường huyết.
- Một số trường hợp có nguy cơ cao có thể được bác sĩ chỉ định thêm xét nghiệm dung nạp Glucose.
4.2. Từ 24 – 28 tuần:
Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm dung nạp Glucose (OGTT):
- Nhịn đói tối thiểu 8 tiếng trước khi xét nghiệm.
- Uống dung dịch glucose theo hướng dẫn.
- Lấy máu 3 lần: lúc đói, sau 1 giờ và sau 2 giờ.
- Kết quả xét nghiệm sẽ được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn cụ thể.
[inline_article id=289989]
Như vậy thông qua bài viết các mẹ bầu đã có thêm nhiều thông tin về xét nghiệm tiểu đường và giá của xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, địa điểm thực hiện các xét nghiệm này. Các mẹ bầu hãy tiếp tục theo dõi MarryBaby để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích cho mẹ và bé nhé.
>> Xem thêm: Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì, tránh ăn gì và thực đơn gợi ý!
[recommendation title=””]
[/recommendation]