Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Thay đổi nội tiết tố khi mang thai và những điều mẹ cần biết

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua những thay đổi đáng kể để giúp cho sự phát triển của em bé, trong đó phải kể đến hiện tượng thay đổi nội tiết tố khi mang thai.

Vì sao phụ nữ thay đổi nội tiết tố khi mang thai?

Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai diễn ra ngay từ tam cá nguyệt đầu tiên và làm thay đổi rất nhiều thứ bên trong cơ thể mẹ. Điều này có thể khó khăn với một số phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đang đi làm vì nó có thể khiến sinh hoạt hằng ngày của bạn phức tạp hơn bình thường một chút.

Tuy nhiên, nếu bạn học cách chấp nhận và hiểu rằng chính nhờ sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai này, bạn mới nhận ra cơ thể mình đang được chuẩn bị cho sự phát triển của một thiên thần nhỏ đáng yêu, bạn sẽ vượt qua nó một cách dễ dàng hơn.

Dưới đây là một số loại hormone đóng vai trò quan trọng nhất:

1. Gonadotropin màng đệm ở người (hCG)

Hormone này được phát hiện thông qua máu và nước tiểu của mẹ bầu. Khi mang thai, nồng độ hormone hCG tăng lên rất nhiều trong tam cá nguyệt đầu tiên và mẹ sẽ nhận ra dấu hiệu này khi sử dụng que thử thai.

Ngoài ra, hormone hCG cũng có thể góp phần gây ra cảm giác buồn nôn và nôn mửa.

Thay đổi nội tiết tố khi mang thai
Que thử thai hoạt động dựa trên cơ chế phát hiện ra nồng độ hormone hCG trong nước tiểu.

2. Lactogen nhau thai người (hPL)

Hormone này được tạo ra bởi nhau thai. Nó cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi và kích thích tuyến sữa sau khi sinh để mẹ cho con bú.

3. Estrogen

Hormone này được sản xuất trong thời kỳ đầu mang thai để hỗ trợ em bé của bạn cho đến khi nhau thai tiếp quản. Estrogen giúp phát triển các cơ quan của em bé và chức năng chính xác của nhau thai.

Tuy nhiên, nó cũng có thể gây buồn nôn và làm cho dây chằng mềm hơn, gây áp lực lên lưng dưới và xương chậu của bạn.

Ở giai đoạn sau của thai kỳ, Estrogen làm tăng kích thước và số lượng ống dẫn sữa để người mẹ chuẩn bị bước vào giai đoạn cho con bú. Nó cũng cho phép tử cung của bạn phản ứng với oxytocin trong quá trình chuyển dạ.

4. Progesteron

Hormone này được tạo ra bởi buồng trứng và nhau thai trong thời kỳ mang thai. Thay đổi nội tiết tố khi mang thai này làm tăng lưu lượng máu đến tử cung và kích thích cho niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho quá trình làm tổ của phôi thai.

Progesterone chính là nguyên nhân gây ra chứng ợ chua khó chịu cũng như nôn mửa, trào ngược, đầy hơi và táo bón khi mang thai.

Trong suốt thời gian mang thai, Progesterone ngăn hoạt động sản xuất sữa cho đến ngày sinh con và sẽ tăng cường cơ sàn chậu của người mẹ để sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ sắp tới.

Thay đổi nội tiết tố khi mang thai
Progesterone gây ra chứng ợ chua khó chịu cũng như nôn mửa, trào ngược, đầy hơi và táo bón khi mang thai

5. Oxytocin

Oxytocin là hormone có tác dụng làm dịu cơn đau trong quá trình chuyển dạ. Nó khuyến khích cổ tử cung mở ra cũng như giúp người mẹ cầm máu sau khi sinh. Hormone này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất và liên kết sữa.

6. Relaxin

Relaxin là một loại hormone do cơ thể tiết ra từ bên trong buồng trứng. Đây là loại hormone làm cho các khớp, dây chằng của người mẹ mềm hơn để chuẩn bị cho sinh nở, và điều này có nghĩa là mẹ cần điều chỉnh một số loại bài tập nhất định để không bị chấn thương.

Trong quá trình chuyển da, hormone Relaxin giúp làm mềm và kéo dài cổ tử cung cũng như vùng xương chậu để em bé ra ngoài dễ dàng hơn.

7. Prostaglandin

Prostaglandin là nội tiết tố có tác dụng làm chín muồi cổ tử cung, giúp cổ tử cung trở nên mềm, co thắt dễ dàng hơn, từ đó thúc đẩy chuyển dạ xảy ra và diễn tiến thuận lợi.

Ở một số trường hợp, bác sĩ có thể khởi phát chuyển dạ cho người mẹ bằng cách cho mẹ ngậm, uống hoặc đặt âm đạo.

Dấu hiệu nội tiết kém khi mang thai

Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là cần thiết cho quá trình phát triển của bào thai. Việc thiếu hụt những nội tiết tố quan trọng này có thể là nguy cơ tiềm ẩn cho thấy sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai nhi đang gặp vấn đề.

Nếu gặp những dấu hiệu nội tiết tố kém khi mang thai sau đây, mẹ bầu cần đến bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra kỹ hơn và có những can thiệp phù hợp cho tình trạng của từng mẹ:

1. Dấu hiệu cơ thể mẹ bầu thiếu nội tiết tố Estrogen

  • Da: Khô căng, thiếu độ đàn hồi nên bị chảy xệ và xuất hiện nếp nhăn. Ngoài ra, da còn xuất hiện nhiều vết sạm, nám, tàn nhang,…
  • Tóc khô giòn, dễ gãy rụng.
  • Âm đạo khô, giảm ham muốn, đau rát khi quan hệ
  • Tâm lý thất thường, dễ cáu bẳn, stress, thậm chí gây nên hiện tượng trầm cảm khi mang thai.

2. Dấu hiệu cơ thể mẹ bầu thiếu nội tiết tố Progesterone

  • Cảm giác thấp thỏm, bất an, đánh trống ngực, lo âu,…
  • Đau đầu hoặc đau nửa đầu
  • Mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc
  • Thèm ăn là dấu hiệu thay đổi nội tiết tố khi mang thai
  • Quá trình đốt cháy chất béo bị giảm nên dễ gây tình trạng tăng cân mất kiểm soát
  • Tay, chân và mặt bị sưng do khi thiếu hụt nội tiết tố progesterone, nước sẽ không được đào thải ra ngoài mà bị tích tụ lại bên dưới da
Thay đổi nội tiết tố khi mang thai
Đau đầu thường xuyên là một trong những dấu hiệu nội tiết tố kém khi mang thai

Vừa rồi là những thông tin xoay quanh hiện tượng thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Sự thay đổi này có thể khiến thể chất và tinh thần của mẹ bầu khó chịu hơn bình thường, nhưng nó chính là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển khỏe mạnh.

Nếu mẹ bầu gặp những dấu hiệu nội tiết tố kém, hãy nhanh chóng đến bệnh viện sản khoa để làm xét nghiệm kỹ càng hơn, từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp để cân bằng nội tiết tố cần thiết cho mẹ bầu.

Xem thêm: