Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Mẹ bầu thắc mắc: Liệu có nên ăn quả tầm xuân không?

Có lẽ bạn đã từng nghe qua về quả tầm xuân. Loại quả này khá đặc biệt nhờ vào những lợi ích tốt cho sức khỏe. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu bà bầu có thể ăn quả tầm xuân trong thai kỳ hay không?

bà bầu dùng quả tầm xuân

Mang thai là một quá trình phức tạp, đòi hỏi bạn phải cân nhắc về mọi loại thực phẩm mình tiêu thụ. Bởi lẽ, lúc này bạn không chỉ ăn cho riêng mình mà còn phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi nữa.

Quả tầm xuân là một “ứng viên” sáng giá để thêm vào thực đơn trong thai kỳ. Cùng Marry Baby khám phá hết những lợi ích sức khỏe cũng như một số điểm lưu ý khi bà bầu dùng loại quả này bạn nhé!

Mẹ bầu dùng quả tầm xuân trong thai kỳ có an toàn?

lợi ích của quả tầm xuân

Quả tầm xuân (Rose hips) hay có tên khác là hoa hồng gai là một loại trái cây giả của cây hoa hồng. Hay nói khác hơn đây chính là phần đài hoa có chứa hạt và phát triển thành quả. Phần quả thường có màu đỏ đến cam, một số loài thì lại cho màu dao động từ tím đậm ngả sang đen. Tại các quốc gia như Áo, Hungary, loại quả này được dùng như nguyên liệu để làm ra một loại rượu trái cây truyền thống.

Loại quả này khá được ưa chuộng bởi tác dụng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ điều trị đau dạ dày, giảm hấp thu cholesterol cho cơ thể, đồng thời cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng có thể gặp trên thai nhi nhưng quả của cây hoa hồng gai là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa trước dùng. Bởi lẽ lượng dùng có thể thay đổi tùy vào mỗi cá nhân.

Bên cạnh đó, một số bà mẹ tương lai cũng có thắc mắc về việc sử dụng dầu tầm xuân trong thai kỳ. Trên thực tế, loại dầu này rất công hiệu trong vấn đề cấp ẩm và chữa lành vết rạn da, đặc biệt là nếu sử dụng thoa tại chỗ.

Điểm mặt những lợi ích mà quả tầm xuân mang lại cho mẹ bầu

Với hàm lượng cao các vitamin A, E, K, B6, thiamin, riboflavin và niacin cùng nhiều loại khoáng chất như sắt, magie, phospho, kali, kẽm… cùng chất xơ tự nhiên, quả tầm xuân mang lại những giá trị sức khỏe sau đây:

1. Tăng cường hấp thu sắt và canxi

Mẹ bầu tiêu thụ quả của cây hoa hồng gai rất tốt cho thai nhi vì vitamin C trong thành phần quả sẽ giúp cải thiện khả năng hấp thụ canxi và sắt. Cả hai dưỡng chất này đều quan trọng với sự phát triển của trẻ. Canxi giúp xây dựng hệ xương khớp khỏe mạnh, trong khi sắt giữ vai trò sản sinh các tế màu máu.

2. Hình thành nên collagen

Vitamin C trong quả tầm xuân còn có khả năng kích thích cơ thể sản sinh thêm collagen. Dưỡng chất này là một loại protein hình thành nên mô liên kết trong cơ thể. Hơn nữa, collagen cũng là thành phần quan trọng trong cấu trúc của xương, cơ, sụn thai nhi.

3. Tăng cường hệ miễn dịch

trà quả tầm xuân tốt cho sức khỏe

Như đã đề cập ở trên, loại quả này giàu các vitamin nhóm B, vitamin C, E và một số khoáng chất như magie, kali, mangan và selen … rất có lợi trong việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Ngoài ra, vitamin C còn hỗ trợ phòng ngừa bệnh Scurvy, một tình trạng xảy ra gây yếu cơ, đau khớp, gãy răng. Nhìn chung, sự đa dạng về các dưỡng chất của quả từ cây hoa tầm xuan giúp đảm bảo duy trì các chức năng cần thiết cho cơ thể.

Bật mí một điều rằng trà tầm xuân cũng khá được ưa chuộng để phòng bệnh cảm cúm thông thưỡng nữa đấy!

4. Cải thiện sức khỏe của thận

Theo báo cáo của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, quả từ cây hoa hồng gai có thể được dùng để điều trị bệnh mãn tính ở thận và các vấn đề xảy ra với bàng quang. Đây là những tình trạng khá phổ biến hay gặp ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ.

5. Chữa táo bón

Nhiều phụ nữ mang thai thường xuyên phải đối mặt với chứng táo bón khó chịu. May mắn là pectin và các axit trong quả tầm xuân lại đóng vai trò như thuốc nhuận tràng tự nhiên giúp làm mềm phân, đồng thời cải thiện nhu động ruột.

6. Làm lành vết thương

Lợi ích này lại đến từ vitamin C, dưỡng chất có khả năng thúc đẩy sự phục hồi mô, tế bào nhanh chóng. Hơn nữa, một số nghiên cứu còn cho rằng loại vitamin này tác động tích cực đến việc hấp thụ axit folic của cơ thể.

7. Giảm vết rạn da

dầu tầm xuân trị rạn da

Vết rạn da dường như là nỗi ám ảnh của hầu hết các bà bầu. Để giảm rạn da, bạn có thể sử dụng dầu tầm xuân bởi rất giàu axit béo thiết yếu như omega-3 và 6. Cả hai rất hữu ích trong việc làm lành mô sẹo.

Mặt khác dầu tầm xuân cũng thấm sâu vào và cung cấp độ ẩm cần thiết cho da. Thêm nữa, vitamin C kích thích sản sinh collagen giảm hình thành nếp nhăn, trong khi vitamin A cải thiện độ ẩm cho da hiệu quả.

8. Phòng bệnh tim mạch

Một nghiên cứu được thực hiện ở Thụy Điển cho biết, việc sử dụng các chiết xuất của loại quả này có tác dụng làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Lý do là hợp chất flavonoid và các chất chống oxy hóa trong quả bảo vệ cơ thể chống lại vấn đề tim mạch.

Thói quen uống trà tầm xuân thường xuyên cũng được cho là có thể hạ mức cholesterol máu. Điều này rất có ý nghĩa đối với mẹ bầu, cũng như những người mắc bệnh béo phì nói riêng. Sự giảm cholesterol máu cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

9. Điều trị viêm

Theo một nghiên cứu tiến hành ở Đan Mạch, sử dụng trà tầm xuân sẽ làm giảm mức protein phản ứng C, một chất được sinh ra ở gan làm gia tăng tình trạng viêm. Nhờ vậy, mẹ bầu có thể thoát khỏi tình trạng viêm đau khớp hông, gối.

Một số mặt hạn chế khi dùng quả tầm xuân mà mẹ bầu cần lưu ý

tác hại khi dùng nhiều quả tầm xuân

Mặc dù không có nhiều nghiên cứu về tác dụng bất lợi của quả từ cây hoa hồng gai với thai kỳ, tuy vậy các bà mẹ tương lai cũng nên thật thận trọng khi sử dụng.

Quả tầm xuân giàu vitamin C nên nếu tiêu thụ một lượng lớn sẽ dễ gây sỏi thận. Những mẹ bầu đã và đang gặp vấn đề về thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Ngoài ra, vitamin C cũng tương tác với estrogen nên mẹ bầu cần chú ý khi sử dụng thuốc có chứa thành phần này.

Một số mặt hạn chế phổ biến được liệt kê dưới đây có thể xảy ra trong thai kỳ:

  • Bệnh tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Chứng ợ nóng
  • Tăng axit dịch vị
  • Buồn nôn và nôn

Những trường hợp cần tránh sử dụng quả tầm xuân

Phụ nữ mang thai trong các trường hợp sau tuyệt đối không dùng quả tầm xuân với bất kỳ mục đích nào:

  • Mắc bệnh sỏi thận
  • Đang điều trị bằng thuốc warfarin (một loại thuốc chống đông máu)
  • Được chẩn đoán là thiếu hụt Glucose-6-Phosphate dehydrogenase (G6PD hay G6PDH, enzyme nội bào xúc tác cho các phản ứng hóa học)
  • Mẹ bầu mắc bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm: Việc tiêu thụ quả từ cây tầm xuân lúc này có thể khiến máu có tính axit hơn do vitamin C nên cần tránh dùng hoàn toàn
  • Bệnh Thalassemia, một bệnh di truyền trong đó các tế bào hồng cầu không sản sinh đủ lượng huyết sắc tố
  • Nếu mẹ bầu mắc bệnh hemochromatosis, một tình trạng cơ thể giữ lại quá nhiều chất sắt
  • Trường hợp thiếu máu sideroblastic cũng cần tránh dùng. Vì lúc này tủy xương không thể tạo ra lượng hồng cầu bình thường

Mách bạn một số công thức pha trà từ quả tầm xuân

Từ những lợi ích ở trên có thể khẳng định trà tầm xuân mang lại khá nhiều lợi ích cho thai kỳ. Mặc dù vậy, vẫn còn khá ít nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của nó với thai nhi. Do đó, nếu yêu thích việc dùng trà tầm xuân, trước hết hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Dưới đây Marry Baby chia sẻ đến bạn một vài công thức để làm ra một tách trà tầm xuân thơm ngon:

1. Pha trà từ những quả tầm xuân tươi

trà quả tầm xuân

Nếu bác sĩ đã khuyến cáo bạn hoàn toàn có thể dùng được trà tầm xuân, đây là cách chuẩn bị:

Nguyên liệu cần

  • Quả tầm xuân tươi
  • Nước tinh khiết

Cách thực hiện

Bạn đem rửa sạch quả từ cây tầm xuân rồi để ráo, kế đến bỏ đi phần đầu và cuống quả. Tiếp đến dùng dao bổ quả làm đôi và loại tất cả các hạt ở bên trong.

Đun sôi nước, đồng thời cho phần quả đã chuẩn bị ở trên vào ấm trà. Khi nước sôi, bạn chế nước đều vào trong ấm. Đậy nắp lại và chờ trong khoảng 10 phút. Mẹ bầu có thể dùng loại ấm có bộ phận giúp lọc bã trà bên trong để khi rót trà, phần thịt quả không lẫn với nước.

Lời khuyên là bạn nên uống trà tầm xuân khi còn nóng.

2. Pha trà từ quả tầm xuân khô

Trong trường hợp nếu sử dụng tầm xuân khô, bạn có thể thử cách làm sau:

Nguyên liệu cần

  • Bốn thìa súp tầm xuân khô
  • Bốn cốc nước

Cách thực hiện

Cho cả hai nguyên liệu vào nồi và sau đó đem đun sôi. Khi trà bắt đầu sôi, bạn hạ nhỏ lửa lại chờ khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Lọc lấy phần nước và thưởng thức ngay.

Mặc dù hàm chứa nhiều lợi ích đối với sức khỏe, nhưng nhấn mạnh một lần nữa bạn chỉ nên dùng quả tầm xuân sau khi có sự tham vấn với bác sĩ. Khi sử dụng, mẹ bầu nên dùng với một lượng nhỏ vừa phải, tuyệt đối không được lạm dụng để điều trị một tình trạng sức khỏe bất kỳ nào. Lượng dùng sẽ phụ thuộc vào từng đối tượng và tình trạng sức khỏe.

Marry Baby

Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Cỏ cà ri: hỗ trợ giảm cân, chữa đau bụng kinh hiệu quả

cỏ cà ri

Cỏ cà ri từ lâu được xem là “thần dược” dành cho phái đẹp. Bên cạnh khả năng giúp các chị em giữ dáng, ngừa lão hóa, thảo dược này cũng khá nổi tiếng trong việc giảm đau bụng kinh nữa đấy.

Chính nhờ mang lại nhiều lợi ích như vậy mà cỏ cà ri đã được ứng dụng trong y học cổ truyền của các nước châu Á suốt hàng nghìn năm nay. Để hiểu rõ hơn về công dụng của dược liệu này với sức khỏe nữ giới, mời bạn tham khảo qua bài viết dưới đây của Marry Baby.

Cỏ cà ri và giá trị dinh dưỡng tiềm tàng

Cỏ cà ri hay còn gọi là Fenugreek, là loài thực vật thuộc họ đậu, được thu hoạch hằng năm. Loài cỏ này có nguồn gốc từ Trung Đông, nhờ khả năng phòng và trị bệnh nên được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện tại, nó đã trở thành một gia vị khá phổ biến trong căn bếp nhiều gia đình. Bên cạnh đó, thảo mộc này cũng được ứng dụng trong sản xuất xà phòng và dầu gội.

Xét về khía cạnh dinh dưỡng, cỏ cà ri là một nguồn dồi dào protein, chất xơ, sắt, mangan, đồng, magie, phospho… Các lợi ích sức khỏe của loại dược liệu này đã được các nhà khoa học thế giới chứng minh nhưng ở nước ta, nó vẫn chưa thực sự được ứng dụng nhiều.

Mách bạn những lợi ích thần kỳ mà cỏ cà ri mang lại

Dưới đây là những lý do vì sao dược liệu này không thể thiếu trong chế độ ăn hằng ngày của phái đẹp:

1. Bảo vệ sức khỏe dạ dày

Cơ thể nữ giới trải qua nhiều thay đổi kể từ lúc bắt đầu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt cho đến lúc mãn kinh. Hầu hết những thay đổi ấy lại có tác động đến dạ dày, do đó sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bạn. Để hạn chế nguy cơ trên, bạn có thể cho lá dược liệu khô này vào bữa ăn hằng ngày.

2. Cỏ cà ri giúp bạn trải qua thời kỳ mãn kinh dễ dàng hơn

phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh

Phụ nữ trong giai đoạn sắp mãn kinh nên tiêu thụ loại thảo dược này để kiểm soát các triệu chứng khó chịu ngay từ thời kỳ tiền mãn kinh. Lý do vì bản thân nó có chứa phytoestrogen (nguồn gốc từ thực vật) bắt chước hoạt động của estrogen. Nhờ vậy mà tác dụng phụ của hormone trong cơ thể bạn được kiểm soát tốt.

3. Tốt cho phụ nữ đang cho con bú

Thảo dược này cũng được cho là rất có lợi để dùng sau khi sinh. Theo các nhà nghiên cứu, cỏ cà ri chứa desogenin có tác dụng kích thích tăng tiết sữa mẹ. Hơn nữa, thành phần flavonoid trong cỏ cũng giúp tăng lượng estrogen tự nhiên. Nhờ vậy mà các vấn đề như ít sữa, thiếu sữa ở các bà mẹ sau sinh được giải quyết ổn thỏa.

Trường hợp nếu bạn muốn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn mà đang gặp khó khăn vì các biện pháp kích sữa thông thường không hiệu quả. Lời khuyên là bạn nên tìm mua và sử dụng các sản phẩm có chứa tinh chất cỏ cà ri.

4. Chống lại các vấn đề nhiễm trùng

Các chị em nếu muốn tránh xa vấn đề nhiễm trùng dạ dày thì nên tiêu thụ thảo dược này mỗi ngày. Cách sử dụng khá đơn giản, bạn chỉ việc nghiền một ít cỏ cà ri khô, trộn cùng một vài giọt chanh tươi rồi đun sôi với nước và dùng khi nguội.

Ngoài chống nhiễm trùng, các alcaloid, choline, saponin… trong cỏ góp phần cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

5. Điều trị chứng thiếu máu ở phụ nữ

cỏ cà ri chữa thiếu máu

Thiếu máu là vấn đề khá phổ biến mà nhiều chị em phải đối mặt. Nếu rơi vào tình huống như vậy, cách tốt nhất là tiêu thụ cỏ cà ri. Bởi lẽ, loại thảo dược này rất giàu chất sắt cần thiết cho việc cải thiện nồng độ hemoglobin trong cơ thể.

6. Đối phó với tình trạng thay đổi nội tiết tố

Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể là vấn đề mà phụ nữ thường xuyên phải đối mặt. Vấn đề này thường xảy ra khi mà bạn đã có tuổi, mang thai hoặc mãn kinh. Việc sử dụng cỏ cà ri sẽ giúp cân bằng mức độ hormone để chống lại các triệu chứng khó chịu có thể xảy ra.

7. Điều hòa lượng đường trong máu

Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường týp 2 cần được chăm sóc đặc biệt. Theo đó, việc tiêu thụ bất kỳ thực phẩm nào cũng có nguy cơ tăng lượng đường trong máu.

Cỏ cà ri với các thành phần đặc biệt nhóm alcaloid sẽ giúp bạn kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Cụ thể nó tác động lên quá trình hấp thụ carbon, ức chế vận chuyển glucose máu và đặc biệt, phần hạt dược liệu khi sử dụng có tác dụng làm tăng thụ thể insulin trong các tế bào hồng cầu.

8. Giảm cân hiệu quả

cỏ cà ri giúp giảm cân

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, loại cỏ này có thể giúp giảm nồng độ cholesterol xấu (LDL). Hơn nữa, tiêu thụ thảo dược này có thể giúp giảm cơn thèm ăn, nhờ đó bạn sẽ duy trì được cân nặng ổn định.

9. Giảm cơn đau bụng kinh

Trong dược liệu này có các thành phần tương tự estrogen tự nhiên nên giúp giảm cơn đau bụng kinh nhanh chóng. Ngoài ra, hàm lượng sắt cao trong thành phẩn cỏ cũng đáp ứng nhu cầu của các chị em trong ngày đèn đỏ đấy!

Cách bổ sung là bạn có thể dùng trà cỏ cà ri hoặc trực tiếp cho nó vào trong các món súp hoặc salad. Nếu đang có sử dụng thuốc Tây, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng chung nhé!

Lưu ý gì khi dùng cỏ cà ri?

lưu ý khi dùng cỏ cà ri

Thực tế, cỏ cà ri được đánh giá là khá an toàn để sử dụng. Tuy vậy, với những người mẫn cảm với thành phần có trong thảo dược này khi dùng có thể xảy ra các tác dụng phụ như: tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, phồng rộp, nghẹt mũi, ho…

Ngoài ra, phụ nữ mang thai và cho con bú cũng không nên dùng với liều lượng lớn. Bởi lẽ, việc này có thể dẫn đến những cơn co thắt.

Cỏ cà ri cũng có thể gây tương tác với một số thuốc trị bệnh đái tháo đường hoặc thuốc đông máu.

Hy vọng rằng, qua bài viết trên bạn đã có thêm cho mình những thông tin hữu ích về cỏ cà ri. Mặc dù những lợi ích mà dược liệu này mang lại khá tốt, thế nhưng bạn nên có sự tham vấn y khoa từ bác sĩ để an toàn hơn khi sử dụng nhé!

Marry Baby 

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Mẹ bầu biết gì về chứng khô miệng khi mang thai?

Quá trình mang thai là giai đoạn mà cơ thể trải qua nhiều biến đổi. Theo đó, mẹ bầu sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: ốm nghén, mệt mỏi, đau đầu, chuột rút, buồn nôn, đi tiểu nhiều, mất ngủ…

Bên cạnh các triệu chứng thai kỳ kể trên, một tình trạng khác cũng gây ra nhiều phiền toái nhưng ít được chú ý là khô miệng khi mang thai. Tình trạng này không những gây khó chịu, khô niêm mạc miệng mà còn khiến mẹ bầu giảm hay mất vị giác, dẫn đến những bất cập trong chuyện ăn uống.

Chứng khô miệng khi mang thai là gì?

hiện tượng khô miệng

Chúng ta cần nước bọt để làm sạch và giữ ẩm cho khoang miệng. Nước bọt cũng góp phần vào quá trình tiêu hóa thức ăn và ngăn ngừa vi khuẩn, nấm tăng sinh tại đây. Do vậy, khi cơ thể không sản xuất đủ nước bọt, miệng sẽ trở nên khô và khó chịu.

Khô miệng khi mang thai (Xerostomia) là một trong nhiều triệu chứng của thai kỳ. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do sự thay đổi nội tiết tố. Các mẹ bầu thường gặp phải tình trạng này ở ba tháng đầu thai kỳ và diễn biến nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Khi bị khô miệng, bạn cũng có thể cảm thấy nghẹt mũi, đau đầu, môi khô nứt nẻ hay thậm chí miệng có vị kim loại

Nhận biết các dấu hiệu của chứng khô miệng khi mang thai

Mẹ bầu khi bị khô miệng sẽ có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:

  • Cảm giác nóng rát trong miệng hoặc cổ họng
  • Sâu răng
  • Đau họng, cổ họng khô, khát nước
  • Khô bên trong mũi
  • Vị giác thay đổi hoặc giảm khả năng nhận biết mùi vị
  • Khàn giọng, thậm chí là gặp khó khăn khi giao tiếp
  • Xuất hiện cảm giác nóng rát
  • Ăn uống khó tiêu…

Ảnh hưởng của chứng khô miệng đối với mẹ bầu trong tam cá nguyệt đầu tiên

biến chứng của khô miệng khi mang thai

Giai đoạn đầu mang thai hay trong ba tháng đầu tiên, bà bầu bị khô miệng sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau.

Có trường hợp mẹ bầu thức dậy vào buổi sáng phát hiện lưỡi có màu trắng hoặc trắng nhạt, khô. Các chuyên gia lý giải hiện tượng này là do sự mất nước thông qua việc tiểu tiện hoặc nôn mửa quá nhiều trong khoảng thời gian này.

Tình trạng khô miệng khi mang thai không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng mà còn khiến mẹ bầu khó chịu. Như đã đề cập, cơ thể chúng ta cần nước bọt để loại bỏ các mảng bám thức ăn và giảm nguy cơ vi khuẩn có hại sinh sôi trong khoang miệng. Khi bị thiếu nước bọt, bà bầu cũng dễ mắc phải các vấn đề về răng, nướu như: viêm nướu, mảng bám và sâu răng.

Tình  trạng khô miệng khi mang thai được xem là triệu chứng phổ biến của thai kỳ nhưng bạn không nên chủ quan với vấn đề này. Nguyên do là tình trạng này cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

Truy tìm nguyên nhân khiến mẹ bầu bị khô miệng khi mang thai

Không riêng gì bạn mà nhiều phụ nữ mang thai khác cũng đã từng trải qua chứng khô miệng. Một vài nguyên nhân có thể dẫn đến vấn đề này bao gồm:

1. Phản ứng phụ của một số loại thuốc

Có thể bạn chưa biết, khô miệng là tác dụng phụ điển hình của nhiều loại thuốc hiện nay. Trong đó có thể kể đến vài nhóm thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn phế quản, thuốc lợi tiểu…

Dù rằng vấn đề này có thể gây khó chịu, nhưng tuyệt đối bạn không được tự ý ngừng thuốc trừ khi có sự tham vấn bác sĩ.

2. Mất nước

mất nước gây khô miệng khi mang thai

Sự thật ngay cả khi uống đủ 8 ly nước mỗi ngày, bạn vẫn có thể nhận thấy cơ thể mình bị mất nước. Lý do vì khi mang thai, cơ thể phụ nữ cần bổ sung nhiều nước hơn để giữ cho bản thân và thai nhi được khỏe mạnh.

Mất nước không chỉ dẫn đến tình trạng khô miệng khi mang thai mà còn khiến trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh hoặc kích thích chuyển dạ sớm. Vì thế, điều quan trọng là mẹ bầu cần tăng cường uống nước đầy đủ hằng ngày. Ngoài ra, bạn có thể uống một số loại trà thảo mộc, nước trái cây thay cho nước lọc nếu thấy lạt miệng.

3. Tăng lượng máu

Lưu lượng máu khi mang thai tăng lên rất nhiều. Thể tích máu có thể tăng đến 50% so với khi chưa mang thai. Khi lượng máu trong cơ thể bạn tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc thận sẽ phải làm việc nhiều hơn, do vậy mẹ bầu sẽ tiểu tiện nhiều và dẫn đến mất nước gây khô miệng.

4. Tăng tỷ lệ trao đổi chất

chế độ ăn uống ảnh hưởng đến khô môi

Các hoạt động như tạo ra năng lượng, tiêu hóa thức ăn… sẽ tăng mạnh trong thai kỳ. Do vậy, cơ thể mẹ bầu phải sử dụng nhiều nước hơn. Trường hợp nếu không uống nước đầy đủ, chắc chắn rằng bạn sẽ mắc chứng khô miệng khi mang thai.

5. Bệnh tưa miệng

Bệnh lý này là do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans. Loại nấm này tồn tại trên cơ thể người với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch cơ thể hoạt động không tốt, nấm sẽ phát triển mạnh mẽ hơn dẫn đến bệnh tưa miệng. Bệnh này có đặc điểm là gây cảm giác khô kéo dài trong khoang miệng.

Các biến chứng liên quan đến khô miệng khi mang thai

Trường hợp bị khô miệng khi mang thai, bạn không nên bỏ qua vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Một số biến chứng được liệt kê dưới đây cũng có liên quan đến khô miệng. Nếu nhận thấy bạn có bất kỳ tình trạng tương tự nào đang xảy ra như vậy, cần điều trị ngay lập tức.

1. Đái tháo đường thai kỳ

Bệnh này thường xuất hiện trong thai kỳ và giảm sau khi sinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, đái tháo đường thai kỳ có thể là thủ phạm gây ra khô miệng khi mang thai.

Điều này là do sự gia tăng lượng đường và giảm lượng nước trong cơ thể khiến mẹ bầu đi tiểu thường xuyên hơn. Ngoài ra, khi mắc bệnh, bà bầu có thêm các triệu chứng như khát nước, đau rát ở miệng, môi nứt nẻ…

2. Thiếu máu

Nếu khô miệng khi mang thai kèm theo dấu hiệu khác như: khô họng, vết nứt ở khóe môi, cảm giác nóng rát ở lưỡi… có thể bạn đã bị thiếu máu. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa ngay.

3. Tăng huyết áp

Nếu bị khô miệng và đau đầu, có thể mẹ bầu đã bị tăng huyết áp đột ngột. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Mẹo đối phó với chứng khô miệng khi mang thai

vệ sinh răng miệng để tránh khô miệng khi mang thai

Chứng khô miệng này không có cách điều trị cụ thể. Điều quan trọng là cần chú ý đến các vấn đề tiềm ẩn gây khô miệng. Cách tốt nhất là bạn nên uống từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể không mất nước và giảm nguy cơ khô miệng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm một vài lời khuyên hữu ích sau đây:

  • Xông mặt bằng hơi nước, hít hà làn hơi nước khoảng 20 phút mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa khô miệng từ bên trong.
  • Không há miệng khi ngủ. Việc thở bằng miệng có thể khiến vùng cổ họng khô, đặc biệt về đêm.
  • Tránh dùng rượu, thức uống có cồn, cà phê khi mang thai vì chúng có thể gây mất nước.
  • Tránh hút thuốc lá bởi nó làm xấu đi tình trạng khô miệng khi mang thai.
  • Nếu sống ở môi trường không khí quá khô, có thể dùng thêm máy tạo độ ẩm trong phòng làm việc, phòng ngủ.
  • Nhai kẹo cao su (loại không có đường) để kích thích tuyến nước bọt làm việc nhiều hơn.
  • Thực hành vệ sinh răng miệng hằng ngày, đánh răng và làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn. Nghe có vẻ lạ, nhưng biện pháp phòng ngừa này lại rất cần thiết để ngăn ngừa khô miệng và các vấn đề răng miệng.
  • Bổ sung thêm nước dừa tươi, vì loại nước này chứa nhiều vitamin và khoáng chất cùng các chất điện giải giúp cân bằng hệ đệm trong máu.
  • Thiết lập một chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh đầy đủ các loại rau xanh, ngũ cốc, các loại hạt và thịt. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu natri, bởi chúng có thể khiến bạn mất nước.

Khi nào cần tìm đến bác sĩ?

Tình trạng khô miệng khi mang thai không gây nguy hiểm và có thể được kiểm soát một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn gặp các biểu hiện khác kèm theo như: đau đầu, cảm giác nóng rát trong khoang miệng, cực kỳ mệt mỏi, khát nước cực độ, tiêu chảy, buồn nôn… hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức.

Mẹ bầu bị mất nước nhiều gây ảnh hưởng đến thai nhi. Cụ thể, trẻ có thể gặp dị tật bẩm sinh, thiếu nước ối hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của bé về sau. Hơn nữa, tình trạng thiếu sản xuất nước bọt có thể gây ra vấn đề về răng nướu. Theo đó, tình trạng sâu răng hay viêm nướu làm tăng nguy cơ sảy thai và sinh non lên gấp 2 – 3 lần.

Sự dao động nội tiết tố có thể khiến mẹ bầu gặp phải những vấn đề sức khỏe nhất định. Vấn đề khô miệng khi mang thai là dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong quá trình trao đổi chất và những thay đổi về mặt sinh lý. Tuy vậy, bạn không nên xem nhẹ và bỏ qua vì nó có thể liên quan đến nhiều biến chứng tiềm ẩn khác. Để an tâm hơn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về mọi tình trạng xuất hiện trong thai kỳ.

Marry Baby