Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Vì sao cần tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh 24 giờ sau khi chào đời?

Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh là một biện pháp quan trọng và hiệu quả nhằm ngăn ngừa rủi ro mắc các biến chứng và bệnh tiềm ẩn gây ra bởi vi-rút viêm gan B.

Trong bài viết này, MarryBaby chia sẻ với cha mẹ những kiến thức về việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Đồng thời, hướng dẫn cha mẹ một số biện pháp chăm sóc sức khỏe cho bé sau tiêm phòng.

Có nên tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh?

tiêm viêm gan b cho trẻ sơ sinh

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan nghiêm trọng do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Trong một số trường hợp, nó có thể gây ung thư gan. Đây là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ hai trên toàn thế giới.

Các chuyên gia thường gọi viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng thầm lặng; vì nhiều người không có triệu chứng khi họ mắc bệnh lần đầu. Mặc dù vậy, họ vẫn có thể lây cho người khác khi tiếp xúc trực tiếp với máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác có mang vi rút.

Cha mẹ nhiễm bệnh cũng có thể truyền vi-rút sang cho con sau khi sinh. Đồng thời, theo báo cáo của WHO, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ nhiễm vi-rút viêm gan B mãn tính cao nhất. Nếu bị phơi nhiễm, trẻ sơ sinh có tới 90% nguy cơ bị nhiễm trùng mãn tính. Vì lẽ đó, việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh nhằm giúp tránh rủi ro cho bé bị nhiễm loại vi-rút này.

Ngoài ra, cha mẹ cần tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh để:

  • Bảo vệ con khỏi bệnh viêm gan B, một căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng; và chưa có phương pháp điều trị.
  • Tiêm phòng viêm gan B bảo vệ người khác khỏi bệnh vì trẻ em bị viêm gan B thường không có triệu chứng; nhưng chúng có thể truyền bệnh cho người khác mà không ai biết.
  • Tiêm phòng viêm gan B giúp giảm rủi ro con mắc bệnh gan và ung thư do viêm gan B.
  • Giúp con không phải nghỉ học hoặc mất công chăm sóc trẻ và cha mẹ không bị bỏ lỡ công việc.

>> Cha mẹ xem thêm 12 loại vắc xin cho trẻ

Lịch tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh mấy mũi là câu hỏi của nhiều bậc cha mẹ. Theo Sổ Cẩm nang Chuyên gia (MSD Manual), việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh thường được theo liệu trình như sau:

  • Đối với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm vi-rút viêm gan B: mũi đầu tiên trong 24 giờ sau khi chào đời; mũi thứ 2 khi được 1 tháng tuổi; mũi thứ 3 khi được 6 tháng tuổi và mũi cuối cùng vào lúc 18 tháng tuổi.
  • Đối với trẻ sơ sinh có mẹ không bị nhiễm vi-rút viêm gan B: mũi đầu tiên trong 24 giờ sau khi chào đời; mũi thứ 2 khi được 2 tháng tuổi; mũi thứ 3 khi được 4 tháng tuổi và mũi cuối cùng vào lúc 18 tháng tuổi.

Lý do phải có lộ trình bốn liều là bởi vì liều tiêm phòng viêm gan B đầu tiên không đủ để ngăn ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con; bé cần được tiêm ít nhất hai liều tiếp theo trong đúng thời gian (Theo WHO).

Vì sao cần tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh sau 24 giờ bé chào đời?

Vì sao cần tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh sau 24 giờ bé chào đời?

Theo khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới, tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu tiên có khả năng lớn ngăn chặn nguy cơ nhiễm vi-rút từ mẹ sang bé. Tỷ lệ thành công có thể lên đến 85 – 90%. Nếu tiến hành trễ hơn, con số này sẽ giảm dần theo thời gian.

Ngoài ra, liệu pháp này còn giúp bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro bị chủng vi sinh vật này tấn công từ môi trường xung quanh.

Một số lưu ý khi tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh lần đầu tiên:

  • Nếu mẹ của trẻ sơ sinh mang vi rút viêm gan B trong máu thì các chuyên gia khuyến khích trẻ phải tiêm vắc xin này trong vòng 12 giờ sau khi sinh. Bé cũng cần một mũi tiêm khác – globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG); để bé được bảo vệ và có thể chống lại vi rút ngay lập tức.
  • Nếu mẹ của trẻ sơ sinh không có vi rút trong máu, đứa trẻ có thể được chủng ngừa HepB trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Nếu trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 2kg); trẻ sẽ đợi tiêm liều đầu tiên khi trẻ được 1 tháng tuổi hoặc khi xuất viện.

Trường hợp không nên tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Nếu bé không đáp ứng các yêu cầu sau đây, bác sĩ sẽ không tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh:

  • Nhịp thở ổn định.
  • Không có những triệu chứng suy nhược cơ thể hay mắc bệnh bẩm sinh; chẳng hạn như da tái nhợt hoặc tái xanh.
  • Bú sữa mẹ bình thường.

Ngược lại, nếu rơi vào bất kỳ trường hợp nào dưới đây, trẻ sơ sinh sẽ không thể được tiêm phòng viêm gan B trong 24 giờ đầu kể từ lúc chào đời:

  • Dị tật bẩm sinh.
  • Cơ thể ốm yếu.
  • Thân nhiệt tăng cao.

Hơn nữa, đối với tình huống sinh non (sinh trước 37 tuần tuổi) hay nhẹ cân (dưới 2kg); trẻ sẽ cần được giám sát một thời gian trước khi bác sĩ chấp thuận tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Vì thể chất khỏe mạnh cũng như tình trạng sức khỏe ổn định là yếu tố hàng đầu của cả người trưởng thành và trẻ nhỏ; đặc biệt là trẻ sơ sinh; trước khi tiêm bất kỳ mũi vắc xin nào.

Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh ngay từ đầu là cách tốt nhất để bảo vệ bé khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, lúc này trẻ còn rất yếu do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ những lưu ý trước và sau khi bé tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho con nhé.

Lưu ý khi tiêm vắc-xin viêm gan b cho trẻ sơ sinh

Lưu ý khi tiêm huyết thanh viêm gan b cho bé

Khi vừa chào đời, sức đề kháng của trẻ vẫn còn rất yếu do các tế bào bạch cầu vẫn chưa đủ khả năng hoạt động hết năng lực. Bác sĩ cũng như bố mẹ sẽ cần theo dõi bé trong vòng 1 – 2 ngày sau khi tiêm phòng viêm gan B cho trẻ.

Mặc dù loại chế phẩm sinh học này đã được công nhận an toàn đối với trẻ sơ sinh, nhưng trong một số trường hợp hy hữu, bé vẫn có nguy cơ xảy ra các phản ứng như:

  • Khóc nhiều do vị trí tiêm phát đau và sưng đỏ.
  • Thân nhiệt có xu hướng tăng nhẹ (khoảng 37,7 độ C).
  • Sốc phản vệ.

Thực tế, tỷ lệ những phản ứng trên xảy ra rất thấp. Đồng thời, trong khoảng thời gian này, cả mẹ và bé vẫn còn đang được chăm sóc ở bệnh viện. Vì vậy, nếu bất kỳ biến cố nào phát sinh; các bác sĩ sẽ nhanh chóng có biện pháp xử lý kịp thời.

Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh có sốt không?

Theo CDC, trẻ sơ sinh tiêm vắc xin viêm gan B sẽ có tác dụng phụ như: sốt nhẹ (dưới 38,3 độ C); và đau nhức cánh tay sau khi tiêm. Tuy nhiên, cha mẹ đừng quá lo lắng. Vi những tác dụng phụ thoáng qua này có thể sẽ không còn sau 1-3 ngày.

Theo dõi trẻ sau tiêm vắc-xin viêm gan B

Theo dõi trẻ sau tiêm chủng

Sau khi tiêm chủng, trẻ có thể gặp phải một số phản ứng nhẹ. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ở lại nơi tiêm phòng khoảng 30 phút để theo dõi sức khỏe rồi mới về nhà. Sau đó, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.

Với các bé trải qua tác dụng phụ của vắc-xin như sốt nhẹ; cha mẹ có thể làm mát người cho con bằng cách cho bú thêm sữa, lau mát cơ thể, không quấn nhiều chăn hoặc mặc quá nhiều quần áo cho bé. Đồng thời, nếu bé sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ cũng có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng thích hợp theo cân nặng của bé theo chỉ định của bác sĩ.

Trong trường hợp trẻ sau tiêm đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm; sốt kéo dài nhiều ngày, hay quấy khóc, li bì, bỏ bú, thở khó, tím tái,… cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xử trí kịp thời.

>> Cha mẹ xem thêm Có nên dán miếng hạ sốt vào chỗ tiêm phòng cho trẻ không?

Trẻ sơ sinh có thể tiêm phòng viêm gan siêu vi B lại vào lúc khác không?

Trong trường hợp trẻ sơ sinh không được tiêm phòng viêm gan B trong 24 giờ kể từ khi chào đời vì một số nguyên nhân; chẳng hạn như không đủ điều kiện chống đỡ với thành phần vắc xin; cha mẹ sẽ cần đưa bé đi tiêm ngừa bổ sung trong vòng bảy ngày kế tiếp ngay khi có thể.

Sau giai đoạn trên, một mũi vắc xin viêm gan B đơn sẽ không còn khả năng tạo thành lớp phòng ngự bảo vệ trẻ. Lúc này, bố mẹ và bé sẽ cần đợi 2 tháng sau để bắt đầu tiêm 3 mũi vắc xin tổng hợp, bao gồm những bệnh như:

  • Bệnh bạch hầu.
  • Ho gà.
  • Uốn ván.
  • Viêm gan B.
  • Viêm phổi hoặc viêm màng não mủ do Hib.

Thông thường, các mũi sẽ được tiêm cách nhau một tháng.

Qua bài viết, MarryBaby hy vọng cha mẹ đã hiểu hơn về tầm quan trọng của việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Đồng thời, biết một số cách để chăm sóc con sau tiêm chủng.

[inline_article id=68025]