Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Sự phát triển của bé 8 tuần tuổi: Hiểu để chăm con thật tốt!

Bé 8 tuần tuổi đánh dấu cột mốc con trở thành trẻ 2 tháng tuổi. Đến thời điểm hiện tại, nếu mẹ chưa thật sự tự tin với công việc làm mẹ thì cũng chớ lo nghĩ nhiều. Sự khỏe mạnh, lanh lợi, sự tăng trưởng của con đều đặn hàng tuần, hàng tháng chính là sự đánh giá chân thực nhất những nỗ lực của mẹ.

Sự phát triển của bé 8 tuần tuổi

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của bé 8 tuần tuổi

Trẻ 8 tuần tuổi nặng bao nhiêu kg là chuẩn? Trên trung bình, các chỉ số chiều cao, cân nặng của bé 8 tuần tuổi hay trẻ 2 tháng tuổi là:

  • Cân nặng: tăng khoảng 0,9-1,8kg.
  • Chiều dài: dài hơn 2,5-5cm so với thời điểm mới sinh.
  • Chu vi vòng đầu: sau 2 tháng tăng khoảng 4cm.

Hãy nhớ rằng những con số trên chỉ đơn giản là chỉ số trung bình và em bé 8 tuần tuổi của mẹ có thể tăng nhiều hơn về chiều cao, cân nặng. Nhưng những tuần tiếp theo bé có thể tăng trưởng chậm lại thì cũng là bình thường. 

2. Tuần khủng hoảng – Wonder week 8 tuần tuổi

Tuần thứ 8 là một trong những “tuần kỳ diệu/tuần khủng hoảng – wonder weeks”, là thời điểm mà bé trải qua một bước phát triển mới về tinh thần và trí tuệ. Ở mốc phát triển thứ 2 trong cuộc đời, bé bắt đầu xâu chuỗi thế giới xung quanh thành những mô hình, công thức nhất định.

  • Bé yêu sẽ bắt đầu cảm nhận thế giới xung quanh theo một chiều hướng mới mẻ.
  • Bé đang khám phá cách thức mà thế giới xung quanh và chính cơ thể mình hoạt động theo cách sơ khai nhất.
  • Bé tích cực sử dụng những giác quan của mình hơn trước đây.
  • Bé dành ra hàng giờ để tập sử dụng tay và chân, dùng rất nhiều thời gian để luyện tập việc kiểm soát những tư thế của hai cơ quan này.
  • Bé cũng sẽ say mê khám phá những chuyển động rất li ti của thế giới xung quanh; như làm cách nào mà ánh sáng có thể tạo nên những bóng nắng trên vành nôi mỗi sáng hay những chi tiết trên vỏ đồ hộp mà mẹ mua về.
  • Bé cũng bắt đầu phát ra những âm thanh ê a đầu tiên, dù chỉ ngắn và không thường xuyên. Trong thời gian này, bé cũng bắt đầu biết tách biệt bản thân và thế giới xung quanh.

>> Mẹ đọc thêm Cách giúp con vượt qua “bão tố” Wonder week 8 tuần tuổi nhé!

3. Các mốc phát triển của trẻ 8 tuần tuổi

Mẹ có biết bé 8 tuần tuổi hay trẻ 2 tháng tuổi biết làm gì không?

  • Bé 8 tuần tuổi thường tò mò về mọi thứ xung quanh. Bé sẽ chăm chú quan sát người và vật chuyển động.
  • Bé có thể nhận ra các khuôn mặt khác nhau, thậm chí bé sẽ nhìn chằm chú những người đeo kính.
  • Thị lực của bé đã được cải thiện, bé có thể nhìn rõ khuôn mặt mẹ trong khoảng cách 20-30cm. Bé cũng đã phân biệt được sự khác biệt về màu sắc, hình dạng.
  • Trẻ 8 tuần tuổi bắt đầu hiểu rằng mỉm cười là niềm vui. Theo đó, mẹ sẽ thấy bé mỉm cười khi bú no, khi mẹ âu yếm, trò chuyện với bé hay khi bé nhìn thấy những người thân quen.
  • Sở thích của bé cũng hình thành. Bé có thể thích món đồ chơi này hơn món đồ chơi khác, chẳng hạn bé sẽ mỉm cười khi nhìn thấy món đồ chơi yêu thích của mình.
  • Bé có thể kiểm soát cử động của chân tay; không còn khua khoắng tự phát hay thường xuyên giật mình như trước. 

>> Mẹ có thể xem thêm: Trẻ sơ sinh 8 tuần tuổi và mốc phát triển trí tuệ thứ hai của bé

Các mốc phát triển của trẻ 8 tuần tuổi

Các vấn đề thường gặp ở bé 8 tuần tuổi

1. Trẻ 2 tháng tuổi bị nghẹt mũi

Ở độ tuổi này, bé bắt đầu hắt hơi nhiều. Hệ hô hấp non nớt của bé cực kỳ nhạy cảm với các chất gây kích ứng trong không khí. Đó là lý do trẻ 2 tháng tuổi bị nghẹt mũi. Để hạn chế tình trạng này, mẹ hãy cố gắng để bé tránh xa các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, lông vật nuôi…

Mẹ cũng có thể sử dụng máy tạo ẩm trong phòng để giúp trẻ 2 tháng tuổi bị nghẹt mũi dễ chịu hơn. Ngoài ra, mẹ nên thường xuyên nhỏ mũi bé bằng nước muối sinh lý để làm sạch mũi, sát khuẩn và làm mũi thông thoáng.

>> Mẹ có thể xem thêm: 5 bí quyết đơn giản “giải cứu” trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

2. Trẻ 8 tuần tuổi bị tưa miệng

Nếu mẹ thấy bé 8 tuần tuổi có những mảng trắng trên lưỡi mà không thể lau sạch thì e rằng con đã bị tưa miệng. Đây là một bệnh nhiễm trùng nấm thường gặp ở trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ và có thể chữa khỏi. 

3. Mụn trứng cá, da bong tróc, chảy nước dãi

  • Mụn trứng cá chính là những nốt trắng nhỏ xuất hiện ở trán, cằm, má, lưng khi bé chào đời. Bên cạnh mụn trứng cá, bé còn bị khô da, da bong tróc và thường sẽ tự hết mà không cần điều trị. Mẹ có thể dùng kem dưỡng ẩm để cải thiện tình trạng da khô, không dùng xà bông chứa chất tẩy rửa mạnh để giặt đồ cho bé, quần áo bé phải xả sạch hóa chất khi giặt.
  • Trẻ 8 tuần tuổi tuy chưa mọc răng nhưng tuyến nước bọt của bé đang phát triển nhanh. Vì vậy, tình trạng chảy dãi có thể xuất hiện ở nhiều bé. Mẹ nên cho bé mặc yếm để tránh viêm da vùng cổ.

4. Trào ngược ở trẻ 2 tháng tuổi

Nhiều trẻ ọc sữa sau khi ăn do bú quá no hoặc do van đóng dạ dày thực quản chưa hoàn thiện. Điều này thường không đáng lo ngại miễn là bé tăng cân và không bị ho, sặc. 

Để hạn chế tình trạng trào ngược, mẹ hãy cho con bú với lượng ít hơn, cho bé ợ hơi sau khi bú, tránh các hoạt động tạo áp lực lên bụng như nằm sấp sau khi bé vừa bú no.

Tình trạng này sẽ cải thiện theo thời gian bé lớn dần lên và không cần điều trị. Nhưng nếu việc nôn trớ làm bé chậm lớn hoặc không tăng cân, hãy cho con đi thăm khám để yên tâm mẹ nhé.

5. Trẻ bị hăm tã

Trẻ bị hăm tã là hiện tượng thường gặp ở giai đoạn bé 8 tuần tuổi. Nếu không biết cách xử trí, hăm tã có thể gây nhiễm trùng da nặng. Mẹ có thể tìm hiểu thêm cách chăm sóc khi trẻ bị hăm tã tại đây nhé.

6. Nhiễm trùng đường hô hấp trên

Do hệ miễn dịch còn non yếu nên bé 8 tuần tuổi rất dễ bị cảm ho, viêm đường hô hấp trên. Bệnh do virus gây ra và thường tự khỏi sau 7-10 ngày. 

Để giúp bé dễ chịu vì sổ mũi, nghẹt mũi, mẹ có thể nhỏ mũi cho con bằng nước muối sinh lý. Cho bé đi gặp bác sĩ nếu trẻ 2 tháng tuổi bị sốt từ 38 độ trở lên, ho nhiều, khó thở tím tái, dịch mũi màu vàng… Mẹ nhớ là không tự ý cho con dùng thuốc dù là siro ho hay các loại thuốc không kê đơn. 

Đồng thời, mẹ hãy nhớ cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để duy trì kháng thể cho con, hạn chế việc trẻ 2 tháng tuổi bị sốt do mắc bệnh cảm, viêm hô hấp.

Mẹ có thể tham khảo thêm cách xử trí khi bé bị cảm lạnh để có thêm kinh nghiệm chăm con.

Hướng dẫn chăm sóc bé 8 tuần tuổi

1. Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh 8 tuần tuổi

Bé 8 tuần tuổi vẫn cần bú ít nhất 6 lần trong 24 giờ. Nếu mẹ muốn biết bé có bú đủ hay không thì hãy xem mức độ tăng cân của bé. Bé tăng từ 150g đến 200g mỗi tuần và thay ít nhất 6 tã lót mỗi ngày là được. Ngoài ra, khi bé bú đủ, bé sẽ tỏ ra vui vẻ và lanh lợi.

  • Nếu đang cho bé bú sữa mẹ: Mẹ có thể lo lắng bé chưa bú đủ và phát triển chậm hơn so với bình thường, vì bên cạnh các cử sữa chính, chiều tối bé lại có nhu cầu bú thêm. Điều này mẹ đừng lo lắng quá nhé, nếu bé vẫn tăng đều đặn 150 – 200 gram/tuần và khoảng trên dưới 6 lần/ngày, tâm trạng bé luôn vui vẻ, lanh lợi là được.
  • Nếu đang cho bé bú sữa công thức: Nếu mẹ thấy bé có nhu cầu bú thêm, mẹ hãy trao đổi với các bác sĩ khoa nhi để được tư vấn chính xác lượng sữa dành cho lứa tuổi và cân nặng của bé. Mẹ không được tự ý thay đổi tỉ lệ giữa sữa và nước. Mẹ cũng đừng quên loại bỏ ngay phần sữa còn thừa nếu bé không bú hết và lưu giữ lượng sữa pha sẵn ở ngăn mát tủ lạnh, mẹ nhé!

Bé 8 tuần biếng ăn mẹ phải làm sao? Theo các chuyên gia, giai đoạn bé 8 tuần biếng ăn và hay cáu gắt là mốc phát triển bình thường của trẻ. Bởi vì, đây là giai đoạn hậu sinh của người mẹ, hormone của mẹ thay đổi dẫn đến nguồn sữa có sự đổi thay. Giai đoạn này, mẹ bé dễ bị trầm cảm sau sinh nhất vì thế nhiều bé có những biểu hiện khác thường. Bé hay cáu gắt, ngủ ít và bú ít nhưng giai đoạn này sẽ qua nhanh thôi. Ngoài ra, khi bé khóc và cáu gắt thì bé sẽ dành thời gian nghỉ ngơi đôi khi 1 ngày. Bố mẹ có thể tranh thủ thời gian này để tận hưởng không gian yên bình.

Dù biết rằng bé 8 tuần biếng ăn là biểu hiện bình thường. Nhưng chẳng mẹ nào có thể làm ngơ được với các thiên thần nhỏ của mình. Vậy nên, nếu bố mẹ phải trải qua vấn đề trên thì hãy áp dụng cách sau nhé:

  • Mẹ nên đánh thức bé nhẹ nhàng khi bé mới bú đã ngủ.
  • Mẹ phải đi làm thì nên mua máy vắt sữa (loại có pin sạc rất tiện) để cho bé bú. Dùng cách này có thể kích sữa mẹ ra nhiều hơn và tránh được nhiều bệnh liên quan đến vú. Đặc biệt sữa cạn là dòng sữa dinh dưỡng nhất, bé bú sẽ no hơn.
  • Trường hợp bé không chịu bé thì bố mẹ cần kiên nhẫn đút bằng thìa cho trẻ

2. Hoạt động cho bé 8 tuần tuổi

Hoạt động cho bé 8 tuần tuổi

  • Nếu nhà có trẻ nhỏ, hãy cho chúng thường xuyên chơi với bé. Sự tương tác nhẹ nhàng và đầy yêu thương sẽ giúp bé sớm hình thành các kỹ năng xã hội.
  • Thường xuyên cho bé 8 tuần tuổi nằm sấp để tăng cường cơ cổ, vai và ngực.
  • Luyện cho bé cầm nắm sẽ kích thích sự phát triển não bộ. Bàn tay được ví như “bộ não thứ hai” của con người vì đầu ngón tay là nơi tập trung rất nhiều đầu dây thần kinh. Mẹ hãy tập tay cho bé bằng cách cho bé cầm nắm đồ vật với nhiều hình dạng, chất liệu ở các trạng thái khác nhau như ấm, lạnh.

>> Mẹ có thể xem thêm: 6 trò chơi cho trẻ sơ sinh từ 0 – 3 tháng tuổi

3. Chú ý đến cách trẻ sơ sinh 8 tuần tuổi sử dụng núm vú giả

Một trong những thói quen ở bé mà mẹ cần quan tâm là mút núm vú giả. Hãy cân nhắc các yếu tố sau trước khi quyết định có nên cho bé dùng núm vú giả hay không; và nếu có, mẹ cần quyết định khi nào bé nên dùng và trong bao lâu.

Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng việc sử dụng núm vú giả có thể khiến bé ngưng bú mẹ sớm hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng việc cho bé dùng núm vú giả sớm không hề làm bé nhầm lẫn núm vú giả với vú mẹ hay cản trở việc cho bé bú trong ba tháng đầu tiên. Mẹ cần theo dõi bé thật chặt chẽ nếu quyết định cho bé sử dụng núm vú giả. Núm vú giả có thể phát huy tác dụng khi vật dụng này có khả năng giúp bé trở nên ngoan và dễ chịu hơn; đặc biệt là khi bạn cần ru bé ngủ, hát cho bé nghe, cho bé ngồi xe đẩy.

Tuy nhiên, núm vú giả cũng có thể phản tác dụng nếu bé trở nên ỷ lại và quá phụ thuộc. Trong một vài trường hợp, ngậm núm vú giả khi đi ngủ có thể gây trở ngại khi bé đang học cách ngủ một mình. Nếu quá lệ thuộc vào núm vú giả, bé có thể tỉnh giấc khi để rơi mất núm vú vào nửa đêm và không thể ngủ trở lại mà không có nó. Trong trường hợp đó, chính mẹ sẽ là người phải thức dậy để đặt lại núm vú vào miệng bé. Chính vì điều đó, mẹ chỉ nên cho bé dùng núm vú giả tạm thời để thỏa mãn nhu cầu ngậm vú và hoặc làm dịu cơn quấy khóc của bé. Nếu sử dụng lâu dài, việc sử dụng núm vú giả có thể gây nghiện cho bé và trở thành thói quen khó bỏ của bé.

4. Cách chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sơ sinh 8 tuần tuổi

Bé 8 tuần tuổi hay trẻ 2 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ? Trong khi trẻ có thể ngủ đến 18 tiếng trong vài tuần đầu tiên thì thời gian ngủ của trẻ 8 tuần tuổi giảm xuống, chỉ còn khoảng 14 đến 17 tiếng mỗi ngày

Mặc dù trẻ vẫn thức dậy vào nửa đêm để bú nhưng với trẻ 2 tháng tuổi, bé bắt đầu ngủ giấc dài 5 đến 6 tiếng. Một số bé có thể có lịch trình ngủ ổn định. Trái lại, nhiều bé vẫn còn ngủ không theo giờ giấc ổn định. Nhìn chung, rất khó để kiểm soát lịch trình ngủ của bé 8 tuần tuổi. Vì vậy, mẹ cần điều chỉnh lịch sinh hoạt của mình theo nhu cầu của trẻ.

Giấc ngủ của bé 8 tuần tuổi

[inline_article id=69718]

5. Tiêm chủng

Khi bé 8 tuần tuổi mà chính xác là khi bé đủ 2 tháng tuổi, mẹ cần cho bé đi tiêm ngừa và uống vắc-xin ngừa một số bệnh theo lịch tiêm chủng mở rộng.

Lời khuyên của bác sĩ để bé 8 tuần tuổi phát triển tốt

1. Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ khi chăm sóc em bé 8 tuần tuổi?

Khi đi khám và kiểm tra thể chất, bác sĩ hoặc y tá sẽ kiểm tra các vấn đề sau:

  • Kiểm tra tim bé bằng ống nghe và kiểm tra nhịp tim bằng mắt thường thông qua quan sát thành ngực khi bé hít thở.
  • Kiểm tra bụng của bé bằng cách sờ nắn để tìm các dấu hiệu bất thường nào ở khớp hông. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra bé có bị sai khớp hay không bằng cách thử xoay chân bé.
  • Kiểm tra tay và cánh tay, chân và bàn chân để xem chúng có phát triển và chuyển động bình thường hay không.
  • Kiểm tra lưng và cột sống để tìm kiếm dấu hiệu bất thường ở khu vực này khi em bé được 8 tuần tuổi.
  • Kiểm tra phản xạ và mắt của bé bằng kính soi hoặc bút chiếu sáng, kiểm tra chức năng dẫn truyền âm thanh của tai bằng ống soi tai, đồng thời xem xét màu sắc, chất lỏng và chuyển động của tai bé để giác quan của bé phát triển tốt.
  • Kiểm tra mũi bằng ống soi. Cụ thể, bác sĩ sẽ kiểm tra màu sắc và tình trạng chất nhầy màng mũi.
  • Kiểm tra vùng miệng và họng để xem xét các màu sắc, vết loét trên vùng miệng và cổ họng.
  • Xem xét khả năng cử động ở cổ, tuyến giáp và kích thước của hạch bạch huyết (các hạch bạch huyết thường nổi rõ hơn ở trẻ nhỏ và đây là điều hết sức bình thường).
  • Kiểm tra nách bằng cách xem xét các tuyến bạch huyết có bị sưng lên hay không.
  • Kiểm tra các điểm mềm trên đầu bé bằng cách sờ nắn vùng đầu.
  • Kiểm tra hô hấp và chức năng hô hấp cuả bé bằng cách quan sát, dùng ống nghe hoặc siêu âm ngực và lưng.
  • Kiểm tra các cơ quan sinh dục của em bé 8 tuần tuổi để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường; hậu môn có vết nứt hoặc rạn hay không.
  • Kiểm tra vết lành dây rốn và thực hiện cắt bao quy đầu (nếu có).
  • Kiểm tra da bằng cách kiểm tra sắc tố da, vết hăm tã, vết bớt trên da.
  • Kiểm tra sự di chuyển và hành vi, khả năng tiếp xúc với người khác của bé.

2. Theo dõi thóp của con

Thóp của em bé (các điểm mềm trên đầu, hơi lõm) là một trong những vị trí có thể dựa vào để đánh giá tình trạng sức khỏe của bé. 

  • Trẻ có 2 thóp gồm thóp trước (mỏ ác) và thóp sau (nằm giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm).
  • Thóp trước có thể đóng bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ 4-26 tháng.
  • Thóp sau có thể đóng lại khi trẻ 2 tháng tuổi, hoặc chậm lắm khi trẻ 4 tháng tuổi. 

Một số trường hợp sau mẹ cần lưu ý, nên cho con đi thăm khám.

  • Thóp phập phồng, nguyên nhân là do trẻ khóc hoặc cũng có thể do thóp rộng. Thóp rộng có thể liên quan đến các bệnh lý như viêm não, viêm màng não, còi xương.
  • Thóp lõm sâu có thể là do trẻ mất nước, suy dinh dưỡng.
  • Thóp trẻ khép quá sớm cũng là điều không thể bỏ qua vì có thể là do não bé hoặc xương đầu trẻ cốt hóa quá sớm.Do hệ miễn dịch còn non yếu nên bé 8 tuần tuổi rất dễ bị cảm ho

Khi bé 8 tuần tuổi, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình chăm sóc bé. Nhưng dù thế nào mẹ nhớ luôn phải bình tĩnh, trao đổi kinh nghiệm với các mẹ bỉm sữa khác, tìm hiểu qua sách báo hoặc nhờ sự trợ giúp từ bác sĩ.

Hương Lê

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày là bình thường?

Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày là bình thường, và khi nào là bất thường? Đây là câu hỏi nhiều mẹ trẻ băn khoăn. Vì hệ tiêu hóa của bé còn rất non yếu. Trong bài viết này, MarryBaby sẽ giải đáp giúp cho các mẹ nhé.

1. Đặc điểm phân của trẻ 2 tháng tuổi

Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày? Thay vì đếm tần suất trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài, mẹ có thể nhìn kết cấu và màu sắc phân để đoán được tình trạng sức khỏe của bé. Một số loại phân cha mẹ sẽ gặp trong quá trình nuôi trẻ:

1.1 Màu sắc phân

Phân su

Phân su là phân đầu tiên khi bé chào đời. Chúng có màu xanh đen, rất dính. Phân su được tạo nên từ nước ối; chất nhờn; và các tế bào khác được thai nhi tiếp nhận khi còn trong bụng mẹ. Phân này không có mùi và khó làm sạch hoàn toàn.

Phân của bé bú mẹ

Khi được 2-4 ngày tuổi, bé bú mẹ hoàn toàn. Lúc này, phân sẽ chuyển sang màu xanh nhạt giống như màu xanh mạ; kết cấu lỏng và ít dính hơn. Nếu mẹ thấy phân bé chuyển sang màu xanh hơn hay vàng hơn; có nghĩa rằng mẹ đã ăn món gì đó nhiều hơn bình thường.

Nếu phân xanh kèm theo bọt trắng, điều này cho thấy bé bú lượng sữa đầu của mẹ nhiều. Lượng sữa này không chứa nhiều chất dinh dưỡng. Mẹ nên vắt bớt sữa đầu bỏ và cho bé bú đến khi cạn sữa.

Phân của bé bú sữa công thức

Trẻ bú sữa công thức sẽ đi ngoài ít hơn so với trẻ bú mẹ. Phân của trẻ bú sữa công thức nhão như bơ đậu phộng; màu nâu nhạt hoặc xanh nâu. Phân của trẻ bú sữa công thức cũng nặng mùi hơn so với phân bé bú mẹ.

1.2. Tổng trạng của trẻ

Một số trường hợp hệ thống tiêu hóa của trẻ 2 tháng tuổi chưa tốt nên phân đôi khi bị loãng, phân màu hoa cà hoa cải Tuy nhiên, nếu tổng trạng bé bình thường (không sốt, quấy khóc…) thì không đáng lo ngại vì cơ thể trẻ vẫn đang phát triển bình thường.

Mẹ cũng khoan vội lo lắng khi thấy bé đi ngoài nhiều lần trong ngày. Trẻ giai đoạn bú mẹ đi ngoài xì xoẹt nhiều lần; và không có bất thường phân khi đi ngoài là một dấu hiệu bé sẽ tăng cân tốt.

>> Mẹ xem thêm: Trẻ sơ sinh đi ngoài có hạt vàng hoặc trắng thì có đáng lo ngại hay không?

2. Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày là bình thường?

Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, trẻ bú liên tục và tần suất đi ngoài cũng tương đương như vậy. Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày tùy thuộc vào việc bé bú sữa công thức hay sữa mẹ.

2.1 Tần suất đi ngoài của trẻ 2 tháng tuổi bú sữa mẹ

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi đi ngoài ít nhất 3 lần/ngày, phân có màu vàng; và không quá 12 lần. Tùy vào thể trạng mà mỗi trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ có tần suất đi ngoài khác nhau. Có trẻ đi 3-4 lần/ ngày, có trẻ đi 5-7 lần/ ngày.

Nếu trẻ bú sữa bình thường; ngủ đủ; không sốt hay khò khè thì ba mẹ hoàn toàn có thể yên tâm vào tình trạng sức khỏe của trẻ.

Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày tùy thuộc bé đi uống sữa mẹ hay sữa công thức
Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày tùy thuộc bé đi uống sữa mẹ hay sữa công thức

2.2 Tần suất đi ngoài của trẻ 2 tháng tuổi bú sữa công thức

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bú sữa công thức sẽ đi ngoài phân màu nâu nhạt hoặc hơi xanh. Bé sẽ có ít nhất 1-4 lần đi tiêu mỗi ngày. Một số bé có thể chỉ đi tiêu cách ngày.

[inline_article id=203434]

3. Một số biểu hiện đi ngoài của trẻ được xem là bất thường

3.1 Tiêu chảy

Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày thì bị tiêu chảy? Nếu bé bị tiêu chảy thì phân thải ra rất lỏng; thường xuyên đi ngoài nhiều hơn. Khi đó, phân của trẻ 2 tháng tuôi sẽ có đặc điểm không nhày máu; số lần đi tiểu nhiều hơn cũng như số lượng phân tăng lên… Mỗi lần đi lại phun mạnh từ hậu môn.

Trẻ bú sữa công thức có nguy cơ bị tiêu chảy cao hơn trẻ bú mẹ. Nếu trẻ bú mẹ bị tiêu chảy; có thể do mẹ đã ăn quá nhiều trái cây hoặc uống nước ép; hoặc chế độ ăn của mẹ quá nhiều tinh bột và đường.

Do trẻ nhạy cảm với thức ăn mẹ đã ăn dẫn đến bị tiêu chảy. Tuy nhiên, tiêu chảy ở trẻ bú sữa công thức có thể do dị ứng sữa.

3.2 Táo bón

Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày được cho là táo bón? Khi trẻ 2 tuổi không đi ngoài 5 ngày hoặc phân nhỏ như phân nhỏ; vón cục; khô; cứng.

Mỗi lần đi đại tiện, trẻ sẽ gặp khó khăn thường phải rặn đỏ mặt. Khi mẹ sờ vào bụng trẻ thấy cứng. Những điều này là do táo bón ở trẻ gây ra hoặc có thể do nứt hậu môn.

Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần
Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày?

4. Cách chăm sóc để trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài bình thường

Khi đã nhận biết được trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài mấy lần một ngày là bất thường; mẹ nên lưu ý các cách chăm sóc sau cho trẻ đi ngoài được bình thường:

4.1 Với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn

Chế độ dinh dưỡng và cách cho trẻ bú của mẹ sẽ giúp tần suất đi ngoài của trẻ 2 tháng tuổi ổn định và bình thường. Để có một chế độ dinh dưỡng tốt, mẹ nên bổ sung nhiều chất xơ; vitamin và các loại chất khoáng. Điều này giúp cấp dinh dưỡng và làm tăng nhu động ruột cho trẻ dễ đi đại tiện hơn.

Ngoài ra, mẹ cùng nhớ uống đủ nước mỗi ngày. Và mẹ tránh sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê và các loại thức uống có ga.

Nếu khi trẻ 2 tuổi đi ngoài có phân màu xanh nhạt, mẹ nên cho bé bú đủ lượng sữa theo nhu cầu. Khi bú sữa, mẹ nhớ cho trẻ bú nhiều phần sữa sau giàu dinh dưỡng; bỏ bớt phần lượng sữa trước khi cho bé bú. Cuối cùng mẹ đừng quên cho bé bú đủ hai bên ngực; bú hết một bên rồi chuyển sang bên còn lại.

Chăm sóc bé bú sữa mẹ hoàn toàn
Cách chăm sóc trẻ 2 tháng mấy tuổi để bé đi ngoài số lần bình thường một ngày

4.2 Với trẻ bú sữa công thức

Đối với trẻ bú sữa công thức, mẹ nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều cữ. Điều này sẽ giúp cho trẻ dễ tiêu hóa hơn và nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể phát triển. Tuy nhiên, mẹ cũng tránh cho trẻ bú sữa quá no trong một lần.

Ngoài ra, mẹ cần khử trùng sạch sẽ các dụng cụ khi cho bé bú. Đồng thời, mẹ đừng quên rửa tay bằng xà phòng khi chuẩn bị cho trẻ bú sữa bình. Bởi vì, các vi khuẩn có trên bình sữa có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hệ tiêu hóa ở trẻ 2 tháng tuổi.

Khi pha sữa, mẹ nhớ pha sữa công thức đúng cách; tránh pha quá nhiều sữa bột với lượng nước ít. Vì điều này có thể gây táo bón cho con đấy nhé.

Tuy nhiên, có một số trẻ phản ứng kém với loại sữa công thức đang dùng. Điều này làm cho cơ thể không phát triển đủ. Nếu gặp trường hợp này, ba mẹ nên gặp bác sĩ để được tư vấn hướng thay đổi thích hợp giúp bổ sung năng lượng cho trẻ phát triển hơn.

[inline_article id=314689]

Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa nhỏ, trẻ sẽ ăn nhiều bữa và đi ngoài nhiều lần trong ngày. Cha mẹ đừng quá lo lắng mà có ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ. Những thay đổi của trẻ sẽ diễn ra liên tục. Ba mẹ chỉ cần chú ý những thay đổi đó và có chế độ chăm sóc thích hợp. Nhưng nếu những bất thường diễn ra liên tục và kéo thì ba mẹ nên cho con đi khám bệnh ngay.

Hy vọng với những thông tin về trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài một ngày mấy lần của MarryBaby sẽ giúp ích cho các mẹ. Nếu còn thắc mắc gì trong quá trình nuôi dạy con cái các mẹ bỉm sữa hãy truy cập vào MarryBaby ngay để tìm được lời giải đáp nhé.