Sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi sẽ tiếp tục mang đến cho mẹ nhiều niềm vui bất ngờ. Bé 5 tháng tuổi đã biết làm nũng mẹ bằng cách giơ tay ra đòi bế. Mẹ cũng sẽ cảm thấy ấm áp và hạnh phúc khi bé vòng tay ôm lấy cổ mẹ.
Ngoài những điều này, bé 5 tháng tuổi còn biết làm gì? Mẹ ơi, cùng MarryBaby khám phá nhé!
1. Bé 5 tháng tuổi biết làm gì?
Biểu đồ dưới đây sẽ giúp mẹ biết rõ “bé 5 tháng tuổi biết làm gì”; và hình dung được cột mốc phát triển tiếp theo của bé.
Cột mốc đạt được | Mốc phát triển tiếp theo |
---|---|
Ngồi với sự hỗ trợ | Tự mình ngồi mà không cần hỗ trợ |
Phản hồi với âm thanh | Biết đáp lại khi nghe người quen gọi tên mình |
Nhận ra người lạ, người quen | Cố gắng giao tiếp với những người quen |
Tò mò về những vật đứng yên | Theo dõi vật thể chuyển động bằng mắt |
Co duỗi chân khi nằm sấp | Có thể đứng trên hai chân nếu được hỗ trợ |
Tạo ra một số âm thanh | Tạo ra âm thanh lặp đi lặp lại |
Bắt đầu biết trở mình, tự nằm sấp | Bắt đầu biết trở mình, tự nằm úp và có thể trở mình lại |
Dùng biểu cảm cơ bản để giao tiếp | Có thể sử dụng âm thanh cùng với biểu cảm |
Có vị giác nhạy cảm hơn | Thể hiện sở thích một số mùi vị sau 6 tháng tuổi |
Tìm hiểu nguyên nhân và kết quả của sự việc | Sử dụng nguyên nhân và kết quả để hành động phức tạp hơn |
2. Sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi
2.1 Các chỉ số chiều cao, cân nặng của trẻ 5 tháng tuổi
Theo bảng chiều cao cân nặng trẻ của WHO; khi được 5 tháng tuổi, cân nặng của bé gái khoảng 6,9kg và bé trai khoảng 7,5kg; chiều dài bé gái là 64cm và bé trai là 65,5cm.
Trung bình trẻ 5 tháng tuổi tăng khoảng 0,5kg và dài thêm khoảng 2cm so với tháng trước. Một số bé trọng lượng đã tăng gấp đôi so với lúc mới sinh ở giai đoạn 4 tháng tuổi. Nhưng một số bé khác phải khi 5 tháng tuổi mới đạt được điều này.
2.2 Sự phát triển giác quan của trẻ 5 tháng tuổi
Đối với trẻ 5 tháng tuổi, thế giới sẽ trở nên sống động hơn vì vị giác, thị giác và thính giác hoàn thiện dần. Các giác quan này sẽ giúp bé khám phá sự vật, sự việc xung quanh.
Thị giác: Trẻ 5 tháng tuổi đã có thể nhìn thấy những đồ vật nhỏ và nhìn rõ những vật ở xa. Đồng thời, bé có thể theo dõi chúng chuyển động.
Vị giác: Bé cưng có thể cho mọi thứ vào miệng. Miệng sẽ là cơ quan tuyệt vời giúp bé 5 tháng tuổi thu nhận các cảm giác khi tiếp xúc với các đồ vật xung quanh. Thỉnh thoảng, mẹ có thể thấy bé liếm giường, ghế ăn hoặc đút tay, chân vào miệng.
Xúc giác: Từ khoảng 5 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu với lấy đồ vật. Do đó, ở giai đoạn này, cha mẹ có thể phát triển giác quan của bé bằng cách đặt các đồ chơi trong tầm với và tầm mắt của trẻ.
2.3 Sự phát triển kỹ năng vận động của bé
Hoạt động của bé trong 4 tháng đầu đời đã giúp cơ bắp bé khỏe mạnh hơn. Bé 5 tháng tuổi sẽ không còn xa lạ với việc nằm sấp, lật người hay lăn từ vị trí này đến vị trí khác.
Bé cũng đang học cách nâng người để ngồi dậy. Phần lớn các bé có thể ngồi với sự trợ giúp của một chiếc ghế đặc biệt hoặc tựa vào lòng ba mẹ. Một số ít trẻ có thể ngồi vững khi được 5 tháng tuổi.
Ngoài ra, bé 5 tháng tuổi còn phát triển các kỹ năng vận động như:
- Biết lật trở mình: Đa phần trẻ 5 tháng tuổi đã biết tự mình lật úp nếu được nằm ngửa hoặc lật ngửa ra nếu mẹ đặt bé nằm úp.
- Vươn tay ra lấy đồ vật: Ở độ tuổi này, bé biết kiểm soát tay nên khả năng cầm nắm đã tốt hơn trước. Bé biết đưa tay ra và chộp lấy đồ vật. Nếu mẹ cho bé bú bình, con cũng có thể tự cầm bình bú.
- Khả năng phối hợp cơ bắp tốt hơn: Trẻ 5 tháng tuổi có thể nâng ngực lên khỏi mặt sàn bằng tay khi đặt nằm úp. Bé cũng biết nhoài người, giơ tay ra; xòe các ngón tay để nắm và kéo một vật nào đó được đặt gần trước mặt.
- Khả năng nhìn xa tốt hơn và khả năng nhận diện màu sắc được cải thiện: Bước qua tháng thứ 5 tầm nhìn của bé được cải thiện và con cũng có thể nhìn thấy sự khác biệt giữa các sắc thái của cùng một màu.
- Biết dồn trọng lượng lên hai chân khi cha mẹ giữ trong tư thế đứng thẳng: Không chỉ biết dồn trọng lượng của cơ thể lên cả hai khi được giữ thẳng mà con cũng có thể thực hiện các động tác nhún nhảy bằng cách co duỗi đầu gối.
2.3 Sự phát triển ngôn ngữ của bé 5 tháng tuổi
- Nói theo cách của mình: Không chỉ bập bẹ, bé đã bắt đầu phát ra rất nhiều kiểu âm thanh khác. Mẹ có thể thấy bé đang “gầm gừ”, rít lên hoặc hét thật to. Bé 5 tháng tuổi rất mê mẩn trò phun nước bọt (phun mưa). Những điều này sẽ lặp đi lặp lại vì bé cảm thấy thật thú vị.
- Những tràng cười giòn tan: Khi mẹ thử kéo môi, hóp má hay chơi ú òa cùng con, bé có thể bật ra những tràng cười khanh khách. Các tháng trước; bé chỉ cười mỉm mà chưa tạo ra được chuỗi âm thanh giòn giã đáng yêu này.
- Bé 5 tháng tuổi cũng có thể hay la hét; đây là giai đoạn phát triển mà bé học cách sử dụng giọng nói của mình theo nhiều cách khác nhau để thu hút sự chú ý. Do đó, mẹ không cần quá lo lắng nhé.
2.4 Các mốc phát triển quan trọng của trẻ 5 tháng tuổi
Mẹ sẽ không hề thất vọng khi chứng kiến sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi. Nếu thắc mắc bé 5 tháng tuổi biết làm gì; mời mẹ tìm hiểu ngay thông tin dưới đây.
- Phân biệt lạ quen: Trong giai đoạn này, trẻ 5 tháng tuổi bắt đầu “biết sợ”, thậm chí khóc thét khi gặp một người lạ nào đó. Khi đó, mẹ nên chủ động xoa dịu bé, ôm ấp và nhẹ nhàng thủ thỉ để giúp bé bình tâm lại. Để chăm sóc trẻ 5 tháng tuổi, mẹ cần kiên nhẫn và thấu hiểu.
- Biết mình tên gì: Suốt 5 tháng qua, bé đều nghe mẹ và mọi người xung quanh gọi tên bé mỗi ngày. Bé 5 tháng tuổi trở nên quen thuộc và dần nhận ra đâu là tên gọi gắn liền với mình. Lúc này, khi nghe gọi tên, bé sẽ quay về hướng của người gọi.
- Biết bập bẹ một chuỗi dài: Bé 5 tháng tuổi biết bập bẹ một chuỗi các phụ âm như “ba-ba-ba” hoặc “ma-ma-ma” liên tục.
- Hiểu được sự tồn tại của vật thể: Lúc này, nhận thức về sự tồn tại của đồ vật ở trẻ 5 tháng tuổi vẫn chưa được hoàn thiện. Nhưng bé có thể hiểu rằng khi cất một đồ vật hay để nó ở vị trí mà bé không nhìn thấy, đồ vật đó vẫn tồn tại và không hề biến mất.
- Phản ứng với âm thanh bằng cách tạo ra âm thanh: Nếu mẹ nói chuyện với bé, bé sẽ trả lời bằng cách mấp máy miệng, lưỡi để tạo ra âm thanh. Âm vực trong giọng điệu của bé cũng có thể lên cao hay hạ xuống y như bé đang trò chuyện với mẹ.
- Sử dụng giọng nói và vẻ mặt để thể hiện niềm vui và sự không hài lòng: Bé 5 tháng tuổi thay đổi âm vực để biểu thị cảm xúc. Bé sẽ thể hiện niềm vui bằng cách ré lên với mặt vui sướng; hoặc khóc hay hét với vẻ mặt khó chịu khi không hài lòng.
2.5 Sự phát triển nhận thức của bé 5 tháng tuổi
- Biết phản đối, lắc đầu: Khi được 5 tháng, bé sẽ bắt đầu nhận ra và biết trả lời “không” thông qua các cử chỉ hoặc điệu bộ với những gì mà con không thích.
- Giấc ngủ ban đêm dài hơn: Khi trẻ tròn 5 tháng tuổi, các giấc ngủ của con sẽ dài hơn, đặc biệt là giấc ngủ vào ban đêm.
- Theo dõi các vật thể chuyển động: Ở mốc 5 tháng tuổi, bé cưng biết dõi theo các vật thể chuyển động và người đi qua lại trước mặt.
- Tìm các đối tượng ẩn một phần: Nếu mẹ dùng khăn/rèm cửa… che đi một phần gương mặt của mình khi chơi trò “ú òa” với bé; con sẽ biết nắm lấy khăn/rèm và kéo ra. Điều này cho biết rằng bé hiểu các vật thể có thể tồn tại ngoài tầm nhìn của con.
- Thử nghiệm nguyên nhân và kết quả: Trong độ tuổi này, nếu quan sát bé kỹ, mẹ sẽ thấy bé thường xuyên lặp lại hành động của mình để xem liệu hiệu ứng tương tự có xảy ra không. Ví dụ, nếu cầm một món đồ chơi, lắc nhẹ và nó có phát ra âm thanh, bé sẽ lắc nó một lần nữa, thậm chí là đập để xem điều gì xảy ra.
- Quan sát đối tượng và con người kỹ càng: Bé 5 tháng tuổi sẽ bị thu hút bởi đồ vật và các hoạt động của con người. Bé quan sát mọi thứ một cách kỹ càng.
- Dễ bị phân tâm và thu hút bởi những đồ vật mới: Trong độ tuổi này, bé rất dễ bị thu hút bởi những đồ vật khác nhau. Do đó, con rất dễ dàng bị phân tâm bởi một món đồ chơi mới.
2.6 Sự phát triển xã hội và cảm xúc của bé 5 tháng tuổi
- Vui vẻ: Thường xuyên trong trạng thái hạnh phúc là cảm xúc chính của em bé 5 tháng tuổi.
- Thích chơi với bố mẹ: Bé 5 tháng tuổi rất thích chơi với bố mẹ và những người thân quen trong gia đình.
- Thích ngắm nhìn mình trong gương: Nếu mẹ cho bé soi gương, con tỏ ra rất thích thú và tò mò khi ngắm nhìn mình trong gương.
- Đáp lại những cảm xúc của mọi người: Trẻ 5 tháng tuổi sẽ cười đáp lại nếu mẹ cù bé một cách nhẹ nhàng, vui đùa với con hoặc làm vẻ mặt tươi và phát ra âm thanh vui nhộn.
- Có thể phân biệt cảm xúc với giọng điệu của mẹ: Bé có thể dần nhận ra cảm xúc của mẹ qua giọng điệu khi bạn trò chuyện với bé. Bé có thể tỏ ra sợ hãi, khoc nếu mẹ lớn tiếng với bé hoặc tỏ ra bình tĩnh, vui vẻ nếu mẹ nói với bé bằng một giọng nhẹ nhàng, vui nhộn.
3. Hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ 5 tháng tuổi
3.1 Dinh dưỡng cho trẻ 5 tháng tuổi
Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính và đáp ứng hầu như tất cả nhu cầu trong ngày của trẻ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời để bảo đảm bé nhận đủ lợi ích của sữa mẹ.
Tuy nhiên, một số trẻ 5 tháng tuổi lười bú hoặc đơn giản là bé thích thú với việc “gặm nhấm” một thứ gì đó trong miệng của mình. Nếu nghĩ đến việc cho con ăn dặm, mẹ cần xem bé đã có các dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm chưa nhé.
>> Xem thêm: Trẻ 5 tháng tuổi ăn dặm được chưa? Và mấy bữa 1 ngày là đủ?
3.2 Hoạt động dành cho bé 5 tháng tuổi
Để giúp con hướng tới các mốc phát triển mới, mẹ nên áp dụng những mẹo dưới đây.
- Chơi với bé càng nhiều càng tốt, bằng cách đọc sách, hát cho bé nghe hay tạo ra các âm thanh, nét mặt vui nhộn. Ngoài ra, với trẻ 5 tháng, ú òa vẫn là “ứng cử viên” số 1 trong trò chơi cho bé ở lứa tuổi này.
- Chuyền đồ chơi qua lại với bé. Mẹ đặt một món đồ chơi vào tay bé. Sau đó, mẹ chuyển món đồ chơi này sang tay còn lại của con. Không lâu sau, bé sẽ học được cách chuyền đồ chơi từ tay này sang tay kia.
- Giúp bé tập ngồi bằng cách kéo hai chân thành chữ V. Tư thế này giúp bé giữ thăng bằng tốt hơn. Mẹ có thể để nhiều đồ chơi ở trước mặt để giúp bé tập trung ngồi lâu hơn. Lúc con đang tập ngồi, mẹ nên ở cạnh bé để kịp hỗ trợ khi bé nghiêng ngả hoặc đổ xuống.
- Nhẹ nhàng đung đưa bé theo chiều lên xuống, trái phải để giúp bé làm quen với việc giữ thăng bằng. Đây là bước chuẩn bị cho bé tập bò.
- Thường xuyên cho bé gặp gỡ những người mới. Bé có thể không thoải mái khi gặp người lạ. Nhưng đây là cách tuyệt vời để trau dồi các kỹ năng xã hội cũng như kích thích trí nhớ dài hạn của bé.
3.3 Trẻ 5 tháng ngủ bao nhiêu là đủ?
Mẹ muốn biết trẻ 5 tháng ngủ bao nhiêu là đủ? Lúc này, bé đã có thể ngủ liền mạch 7-8 giờ hoặc nhiều hơn vào ban đêm. Bên cạnh giấc đêm, bé vẫn cần 2 đến 3 giấc ngủ ngày vào buổi sáng và trưa để phục vụ đủ nhu cầu giấc ngủ từ 14-15 tiếng/ngày.
Trẻ 5 tháng tuổi đã có thể bắt đầu có một lịch trình ngủ thức đều đặn. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để mẹ thiết lập thói quen ngủ đêm cho bé. Trước khi cho bé lên giường, mẹ có thể massage cho bé, đọc sách hoặc hát một bài dân ca. Dần dần, những việc này sẽ trở thành dấu hiệu, cho bé biết được giờ ngủ của mình sắp đến và chuẩn bị tinh thần đi ngủ.
>> Mẹ xem thêm: 8 cách đốt vía cho trẻ sơ sinh đơn giản cho bé giấc ngủ bình an
3.4 Các bệnh phổ biến ở trẻ 5 tháng tuổi
Vì bé 5 tháng tuổi bắt đầu hay ra ngoài và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người hơn; nên bé thường dễ mắc bệnh, cụ thể là:
- Cảm lạnh.
- Nhiễm trùng tai.
- Tay chân miệng.
- Sốt phát ban (Roseola).
- Viêm hô hấp do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).
Việc hiểu rõ về các bệnh ở trẻ nhỏ sẽ giúp mẹ biết cách xử trí, chăm sóc bé đúng cách khi con có các triệu chứng nhẹ. Bên cạnh đó, mẹ có thể nhận biết các triệu chứng nghiêm trọng để cho bé nhập viện kịp thời.
Để ngừa bệnh cho bé 5 tháng tuổi, mẹ nên:
- Hạn chế cho bé đến chỗ đông người.
- Trong nhà nếu có người bệnh thì nên đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với bé.
- Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để bé được nhận nguồn kháng thể phong phú từ sữa mẹ.
- Dọn dẹp cho nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ; đừng quên mở cửa cho nắng chiếu vào nhà để diệt vi khuẩn, ngừa ẩm mốc.
- Cho bé tiêm phòng đầy đủ các mũi phù hợp với lứa tuổi của bé. Nếu có điều kiện thì cho bé tiêm thêm các mũi ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng.
4. Lời khuyên của bác sĩ để bé 5 tháng tuổi phát triển tốt
Một số dấu hiệu sau cho thấy bé có thể gặp vấn đề về sức khỏe, mẹ cần cho con đi thăm khám.
- Tay, chân vận động rất hạn chế.
- Không biết mút tay hoặc đưa đồ vật vào miệng.
- Không theo dõi sự chuyển động của người, vật.
- Không cười, nói hay tạo ra bất kỳ âm thanh nào.
- Không phản hồi với âm thanh, tiếng động, giọng nói.
- Bé tăng cân ít, tăng ít hơn 50% so với trọng lượng lúc sinh.
- Bé không thể ngẩng đầu lên khi nằm sấp, không thể ngồi với sự trợ giúp.
- Không quan tâm đến bất cứ thứ gì xung quanh, không tỏ ra yêu thích hay gần gũi mẹ, người thân.
>> Xem thêm: Ngày cắt tóc cho bé nên chọn ngày nào tốt và may mắn?
Với trẻ 5 tháng tuổi, việc ăn, ngủ, chơi vẫn là các hoạt động chính. Đây cũng là lúc chuẩn bị khép lại nửa năm đầu tiên để cả mẹ và bé tiếp tục hướng đến những bước phát triển mới. Muốn bé 5 tháng tuổi phát triển tốt, mẹ hãy giúp con hình thành thói quen ăn-ngủ đúng giờ; học cách khám phá mọi vật xung quanh.