Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Cách chăm sóc khi bé mọc răng hàm không chịu ăn

bé mọc răng hàm không chịu ăn
Với các bé mọc răng hàm không chịu ăn, mẹ không nên ép bé ăn một lần quá nhiều.

Tương tự khi lúc mọc răng cửa hay răng nanh, bé mọc răng hàm có thể hay quấy khóc, bỏ bú, sốt… Một triệu chứng phổ biến hơn cả là bé mọc răng hàm không chịu ăn. Tình trạng này khiến không ít các mẹ vô cùng lo lắng bởi vì mỗi bữa ăn của bé dường như là nỗi “ám ảnh” với cả bé lẫn mẹ. Vậy, trẻ mọc răng biếng ăn phải làm sao? Hiểu đúng nguyên nhân giúp mẹ đưa ra cách khắc phục hiệu quả.

Thời điểm bé mọc răng hàm

Trẻ sơ sinh thường bắt đầu mọc răng khi được 6-12 tháng tuổi. Quá trình mọc răng của trẻ chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Đến khoảng 2 tuổi rưỡi, bé sẽ mọc đầy đủ 20 răng sữa, bao gồm 10 răng ở hàm trên và 10 răng ở hàm dưới. 

Mẹ có thể xem thêm thứ tự mọc răng hàm của bé tại đây

Vì sao bé mọc răng hàm không chịu ăn?

Bé mọc răng biếng ăn là triệu chứng rất thường gặp. Khi mọc răng, nướu bé bị đau, sưng đỏ, viêm, tổn thương vùng miệng. Những khó chịu trong quá trình mọc răng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và bỏ bữa. 

Ngoài ra, một số trẻ khi mọc răng có thể bị tiêu chảy (đi tướt) khiến dạ dày khó chịu. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm cảm giác thèm ăn ở trẻ. 

Biểu hiện trẻ mọc răng hàm

Biểu hiện chính khi trẻ mọc răng hàm là nướu răng ở vị trí mọc răng hàm sẽ sưng đỏ. Các triệu chứng khác gồm:

– Bé cáu gắt, quấy khóc, có thể sốt nhẹ.

– Bé mọc răng không chịu bú bình.

– Bé ngậm thức ăn trong miệng, không chịu nhai, nuốt. Bữa ăn kéo dài ít nhất 30 phút.

– Bé cảm thấy khó chịu do bị chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, nấc cụt…

>>> Mẹ có thể xem thêm: Trẻ mọc răng sốt bao nhiêu độ và sốt trong bao lâu?

Biểu hiện trẻ mọc răng hàm

Bé mọc răng lười ăn trong bao lâu?

Nhiều bố mẹ thắc mắc bé mọc răng lười ăn bao lâu. Trẻ sẽ giảm cảm giác thèm ăn trong khoảng 1 tuần hoặc hơn, gồm 3-4 ngày trước khi mọc răng, ngày mọc răng và 3 ngày sau đó. Đây sẽ là một giai đoạn không mấy dễ chịu của bé và mẹ cũng sẽ trải qua những ngày khá vất vả khi chăm sóc trẻ mọc răng biếng ăn. 

Bé mọc răng hàm không chịu ăn phải làm sao?

Khi bé mọc răng hàm không chịu ăn hay bỏ bữa do mọc răng, bố mẹ nên thực sự kiên nhẫn, cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Một số việc mẹ cần làm khi bé mọc răng biếng ăn là để ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho trẻ, gần gũi bé nhiều hơn, vệ sinh răng miệng đúng cách cho con…

1. Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ khi mọc răng

– Thức ăn mềm

Khi bé mọc răng hàm không chịu ăn, mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn mềm hoặc xay nhuyễn như trái cây xay. Nói chung là bất cứ món ăn nào bé có thể húp từ thìa nhằm hạn chế tác động tới nướu răng bị sưng. 

– Thức ăn lạnh

Thực phẩm lạnh có thể giúp làm dịu cảm giác đau nướu răng ở trẻ. Theo đó, sữa chua hoặc trái cây xay nhuyễn ướp lạnh đều phù hợp với bé ở thời điểm này.

– Thức ăn cứng

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh việc nhai và cắn có thể giúp hơn một nửa số trẻ mọc răng giảm đau. Vậy nên, mẹ có thể cắt củ quả thành que cho bé nhấm nháp.

– Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ

Với các bé mọc răng hàm không chịu ăn, mẹ không nên ép bé ăn một lần quá nhiều. Thay vào đó, mẹ nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để bé không bị ngán mà vẫn đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. 

– Tăng cường thực phẩm giàu canxi

Tăng cường thực phẩm giàu canxi cho trẻ mọc răng hàm

Canxi là một trong những chất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của răng. Do đó, trong giai đoạn trẻ mọc răng, bố mẹ nên tăng cường thực phẩm giàu canxi. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung thêm cho trẻ những thực phẩm giàu photpho, protein và vitamin. Đây là 3 dưỡng chất cần thiết giúp răng mọc nhanh, cứng cáp và khỏe đẹp. 

Lưu ý: Với các bé mọc răng hàm không chịu ăn trong thời gian dài, mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ. Các chuyên gia nhi khoa sẽ hướng dẫn mẹ cách xây dựng thực đơn cho trẻ mọc răng biếng ăn dựa trên sở thích, tình trạng dinh dưỡng và nhu cầu của con. 

2. Chơi với con nhiều hơn

Bé mọc răng hàm không chịu ăn, quấy khóc, dễ cáu gắt là những triệu chứng hết sức bình thường. Lúc này, mẹ đừng cộc cằn hay khó chịu với con. Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn. Mẹ nên dành thời gian nhiều hơn cùng bé. Thường xuyên trò chuyện và vui chơi để bé quên cảm giác đau nhức khi mọc răng. 

Mẹ cho con tham gia các hoạt động thể chất cũng giúp kích thích bé ăn ngon miệng hơn. Hoạt động thể chất giúp cơ thể đốt cháy năng lượng hiệu quả, tạo cho trẻ cảm giác nhanh đói, từ đó ăn ngon miệng.

3. Vệ sinh răng miệng cho trẻ

Mẹ nên vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay khi những chiếc răng đầu tiên nhú lên. Điều này giúp trẻ giảm bớt cảm giác đau nhức, nhiễm trùng khi mọc răng. 

– Trước 12 tháng tuổi: Vệ sinh lợi cho bé mỗi ngày bằng khăn mềm thấm nước sạch hoặc nước muối sinh lý.

– Trẻ 12-18 tháng tuổi: Vệ sinh răng cho con bằng bàn chải chuyên dụng và nước sạch.

– Trẻ trên 18 tháng: Cho bé sử dụng kem đánh răng dành cho trẻ em để vệ sinh răng miệng.

Vệ sinh răng miệng cho trẻ

Những lưu ý khác khi chăm sóc răng miệng cho trẻ

– Không nên cho bé ngậm núm vú giả hoặc bình sữa khi ngủ để tránh vi khuẩn gây viêm lợi.

– Cho bé uống nước ấm sau khi bé bú và ăn xong.

– Nên đưa bé đi khám nha khoa lần đầu khi con được 1 tuổi rưỡi. 

Trên đây là nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí khi bé mọc răng hàm không chịu ăn. Khi trẻ biếng ăn do mọc răng, mẹ cần có biện pháp xử lý nhanh chóng và kịp thời. Bởi tình trạng kéo dài có thể khiến trẻ thiếu chất, sụt cân, suy dinh dưỡng.

Lê Hương