Ngoài những nguyên nhân bẩm sinh, mắt trẻ sơ sinh có thể bị tổn thương do va chạm với tay chân, nước rơi vào mắt hay trẻ làm rơi đồ chơi vào mặt… Trẻ sơ sinh mắc bệnh về mắt cần được theo dõi, thăm khám kịp thời nhằm phòng ngừa các rủi ro giảm thị lực của trẻ.
Ngay sau khi sinh, trẻ đã có thể gặp những bệnh về mắt. Quan sát thường xuyên mẹ sẽ dễ nhận biết được các bệnh về mắt ở trẻ và dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh về mắt ở trẻ sơ sinh
Phần lớn trẻ sơ sinh được sinh ra với đôi mắt khỏe mạnh. Các bé có thể phát hiện luồng ánh sáng ở gần mình. Trong những ngày đầu đời, bé chỉ nhìn được trong phạm vi 25cm và tầm nhìn của bé sẽ được tăng lên nhanh chóng. Ngay trong thời gian đầu tiếp xúc với con, mẹ có thể nhận ra dấu hiệu các bệnh về mắt như:
- Trẻ sơ sinh bị ghèn mắt, mí mắt đỏ: Đây là dấu hiệu của nhiễm trùng mắt.
- Hai mắt không phối hợp cùng nhau: Dấu hiệu rối loạn sự vận động của các cơ mắt.
- Con ngươi trắng: Cảnh báo ung thư vùng mắt hoặc đục thủy tinh thể.
- Trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt nhiều không phải do bé khóc: Dấu hiệu tắc tuyến lệ.
Các bệnh về mắt trẻ sơ sinh phổ biến
1. Viêm tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân thường gặp nhất khiến mắt của trẻ sơ sinh bị đỏ, nhiều ghèn là do chướng ngại vật trong ống dẫn lệ của bé cản trở nước mắt không thể chảy xuống gây ra tắc nghẽn.
Đây là một bệnh về mắt tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh. Mẹ có thể thường xuyên vuốt dọc sống mũi, từ điểm khởi đầu là khóe mắt của bé đến điểm kết thúc là hai lỗ mũi để giúp làm thông tuyến lệ.
Trong trường hợp trẻ bị tắc tuyến lệ nặng thì mẹ cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và đưa ra chỉ định thích hợp. Mẹ tuyệt đối không nên cho bé thông tuyến lệ ở những địa chỉ không uy tín và không chuyên về nhi khoa.
♦ Dấu hiệu nhận biết:
- Trẻ khóc không có nước mắt, đồng thời có luồng trào ngược một thứ chất nhầy được sản xuất trong túi lệ. Vùng da ấy có thể nổi ban đỏ do bị kích ứng hoặc cọ xát khi nước mắt rơi xuống.
- Một dấu hiệu khác của tắc tuyến lệ là trẻ sơ sinh hay bị chảy nước mắt, mắt lúc nào cũng ướt như vừa khóc và có gỉ mắt, đặc biệt khi sáng thức dậy.
2. Đau mắt đỏ (viêm kết mạc)
Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ chủ yếu do nhiễm virus, vi khuẩn. Bệnh cũng có thể do dị ứng, do kích ứng (khói, bụi, hóa chất trong bể bơi). Một số loại vi khuẩn có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở và làm tổn thương đôi mắt của bé. Mẹ nên theo dõi kỹ và kiểm tra khả năng nhìn, nhanh chóng phát hiện những bất thường ở đôi mắt của con để tìm cách chữa đau mắt cho trẻ sơ sinh nhé.
♦ Dấu hiệu nhận biết đau mắt ở trẻ sơ sinh
- Thời giản ủ bệnh có thể 2-3 ngày hoặc vài tuần, tùy vào nguyên nhân gây bệnh.
- Trẻ có các các triệu chứng mệt, ho, sốt, nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ.
- 5-7 ngày sau một bên mắt bị đỏ, trẻ sơ sinh bị ghèn vàng ở mắt, chảy nước mắt. 3-5 ngày sau mắt còn lại sẽ bị lây bệnh và có các triệu chứng như bên mắt đã bị bệnh.
*Lưu ý: Các mẹ không nên nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh để chữa bệnh đau mắt đỏ nhé. Cách này phản khoa học, có thể khiến tình trạng bệnh của bé thêm nghiêm trọng hơn.
3. Lẹo mắt hay mí mắt đỏ
Bệnh liên quan tới việc nhiễm trùng mắt. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng có thể gây kích ứng, làm cho mắt sưng mủ. Bé cảm thấy khó chịu khi bị bệnh. Một số trường hợp, vì không điều trị đúng cách và kịp thời, mắt bé gặp phải tình trạng nhiễm trùng và làm giảm thị lực.
♦ Dấu hiệu nhận biết:
- Lẹo mắt xuất hiện khi vi khuẩn làm tổ tại một trong các tuyến dầu nhỏ ở chân lông mi, chẳng hạn như staphylococcus aureusinfect.
- Khi bị nhiễm vi khuẩn, vùng mí mắt bị đau, đỏ, sưng mủ hay phồng nước.
- Nhìn kỹ vào mắt bé, mẹ sẽ thấy chỗ sưng có thể có rỉ dịch màu vàng hay trắng, mí mắt của bé trông có vẻ dày lên.
4. Lác mắt, lé mắt
Các cơ mắt của trẻ sơ sinh chưa phối hợp tốt với nhau có thể làm cho mắt bé trông như bị lé hay lác. Tuy nhiên, sau một thời gian, đôi mắt sẽ trở lại bình thường.
Đối với trẻ trên 1 tuổi, tình trạng hai mắt không phối hợp đồng bộ, khi thì tụ lại một chỗ, khi thì nhìn về các hướng rời rạc với nhau có thể là hậu quả của cận thị, loạn thị và viễn thị. Do đôi mắt thường xuyên phải điều chỉnh dẫn đến tình trạng thị lực sút kém (nhược thị), bé chỉ còn nhìn được với thị lực 2-3/10 và phát hiện càng muộn thì tình trạng càng nặng.
Nếu thật sự trẻ bị lác mắt, bác sĩ sẽ hướng dẫn phương pháp điều trị và luyện tập mắt. Băng kín bên mắt không bị tật lại để luyện tập cho mắt kia, cho bé đeo mắt kính đặc biệt để điều chỉnh hướng nhìn.
5. Đau mắt thông thường
Rất nhiều trẻ sơ sinh đau mắt khi bé bị ho với các triệu chứng như lòng trắng mắt ngứa, hơi sưng và có màu đỏ. Khi bé hết ho, mắt cũng khỏi. Trường hợp này mẹ có thể dùng thuốc nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh, do bác sĩ chỉ định, để giúp con điều trị nhé.
[inline_article id=168442]
Đối với trẻ nhỏ, thật khó để mẹ khẳng định các bệnh về mắt. Một số tật về mắt như cận thị, nhược thị không được biểu hiện ra bên ngoài và bé cũng còn quá nhỏ, không thể nói cho mẹ biết vấn đề mình gặp phải. Chính vì vậy, mẹ cần đưa con đi khám kiểm tra sức khỏe đúng lịch hẹn theo các mốc quan trọng như 6 tháng, 1 tuổi, 18 tháng, 2 tuổi để kịp thời phát hiện các bệnh về mắt và điều trị sớm cho bé.