Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Trẻ sơ sinh bị hăm ở cổ là do đâu? Bé hăm cổ mẹ phải làm sao?

Trẻ sơ sinh bị hăm ở cổ là vấn đề dễ gặp ở các bé bụ bẫm, nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ em bé nào.

1. Trẻ sơ sinh bị hăm cổ là do đâu?

Những vết hăm da ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện ở vùng mặt, cổ, ngực của bé thường là kết quả của tình trạng ứ đọng mồ hôi.

1.1 Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị hăm cổ

– Rôm sảy: hay còn được gọi là phát ban nhiệt hoặc phát ban do mồ hôi. Rôm sảy thường xảy ra vào mùa hè, và là do mồ hôi của trẻ sơ sinh bị mắc kẹt bên dưới lớp da cổ; và làm tắc ống dẫn mồ hôi; dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị hăm cổ.

– Vết cắn/mổ của cò: Những vết này là do các mạch máu nằm sát bề mặt da tạo nên; khiến cho vùng cổ sau gáy của bé có màu da hồng hoặc đỏ, có cảm giác giống trẻ sơ sinh bị hăm cổ. Nhưng đây là hiện tượng tạm thời và sẽ tự mất đi theo thời gian.

– Do nước dãi của bé hoặc sữa đọng lại trên cổ: Nước, sữa hay thức ăn bị rơi vãi dính vào phần cổ cũng có thể gây ra tình trạng trẻ sơ sinh bị hăm cổ khi bé không được vệ sinh kỹ càng.

– Nhiễm nấm: Trong một số trường hợp, các loại nấm cũng có thể phát triển ở vùng cổ, gây ra tình trạng tổn thương da cho bé. Các loại nấm như nấm candida có xu hướng phát triển mạnh ở nơi ẩm ướt và ấm áp. Các nếp gấp trên da ở cổ của em bé có thể trở thành nơi sinh sản hoàn hảo của các loại nấm đó; đặc biệt là nếu cổ của bé đọng nhiều mồ hôi và ẩm ướt.

– Kích ứng da: Trẻ sơ sinh thường phát triển rất nhanh ở những tháng đầu đời. Tốc độ phát triển này làm cho bé dễ hình thành những ngấn ở cổ, tay, chân, đùi và mông. Việc cọ xát giữa làn da ở cổ với vải áo cũng là một nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị hăm cổ. Những nếp gấp da này là “nơi đóng quân” của bụi bẩn, mồ hôi, bông vải từ áo quần và cả các loại vi khuẩn, tạo điều kiện cho tình trạng trẻ sơ sinh bị hăm da phát triển.

1.2 Cách nhận biết trẻ sơ sinh bị hăm cổ

Trẻ sơ sinh bị hăm ở cổ là do đâu?
Hình ảnh trẻ sơ sinh bị hăm ở cổ

 

Vết hăm ở cổ của trẻ sơ sinh thường bằng phẳng, có màu hơi đỏ; thỉnh thoảng đi kèm tình trạng nổi các mụn nước li ti.

Nhìn chung, làn da của bé sơ sinh rất mỏng manh, nhạy cảm; do đó, một tác nhân nhỏ cũng dễ làm phát sinh tình trạng hăm da, dị ứng da hay viêm loét. Mẹ đọc tiếp để biết trẻ sơ sinh bị hăm ở cổ phải làm sao nhé.

>> Mẹ xem thêm: Trẻ bị lột da tay là thiếu chất gì? Bong tróc da tay phải làm sao?

[inline_article id=168935]

2. Bé bị hăm cổ mẹ phải làm sao?

2.1 Vệ sinh cổ của trẻ sạch sẽ

Trước khi dùng đến bất kỳ loại kem chống hăm hay sữa tắm đặc biệt nào; mẹ nên sử dụng nước ấm để làm sạch vùng da bị hăm.

Dưới đây là các bước vệ sinh đơn giản hàng ngày giúp mẹ làm sạch vùng cổ của bé và làm lành các vết hăm da:

Bước 1: Lau rửa vùng cổ của bé mỗi ngày 2 lần với nước ấm. Sau khi rửa nước, mẹ nhẹ nhàng dùng khăn thấm khô. Tránh kỳ cọ mạnh vì có thể gây kích ứng da, khiến tình trạng hăm càng nặng hơn.

Bước 2: Bôi một lớp mỏng kem chống hăm cho trẻ sơ sinh. Mẹ lưu ý, chỉ cần bôi một lớp mỏng để giúp làn da bé thẩm thấu tốt. Kem chống hăm sẽ tạo thành một lớp bảo vệ cho vùng da của bé.

Bước 3: Khi tắm bé, mẹ dùng một loại xà bông hay sữa tắm dịu nhẹ nhất. Sữa tắm cho bé nên là loại không có hương thơm và độ pH 5.5 là lý tưởng nhất.

Ngoài ra, sau khi bé bú mẹ hoặc ăn dặm, mẹ nên lau sạch những mảng thức ăn hoặc sữa dính lên cổ bé. Bên cạnh đó, nên chú ý thay áo ngay cho bé khi áo bị ướt, vì mặc áo ướt cũng có thể gây kích thích dẫn đến hăm da.

2.2 Chườm lạnh cho trẻ sơ sinh bị hăm cổ

Vệ sinh và chườm lạnh để giúp bé đỡ bị hăm cổ
Vệ sinh và chườm lạnh để giúp trẻ sơ sinh đỡ bị hăm cổ

Việc chườm lạnh lên vùng cổ trẻ sơ sinh bị hăm có thể giúp bé giảm đau và ngứa. Chườm lạnh cũng có thể làm dịu da vì giúp giảm viêm.

Mẹ có thể chườm cho bé vài lần trong ngày và đừng quên lau khô cổ của trẻ sau khi chườm nhé.

2.3 Cách xử lý cho bé bị rôm sảy

Vì rôm sảy là do cơ thể bé quá nóng, khiến trẻ bị toát mồ hôi rồi đọng lại trong cổ gây hăm, vậy nên điều mẹ cần làm là:

  • Cởi bỏ hoặc giảm bớt lớp quần áo mẹ mặc cho bé.
  • Sử dụng vải cotton nguyên chất; ưu tiên loại vải mềm và thoáng khí.
  • Cho trẻ sơ sinh nằm ở nơi thông thoáng, hoặc có quạt, điều hòa để giúp bé bị hăm cổ đỡ khó chịu.
  • Thoa kem dưỡng da calamine lên vết phát ban ở cổ có thể giúp làm dịu và dễ chịu cho trẻ sơ sinh bị hăm cổ.

>> Mẹ xem thêm: 20 cách trị rôm sảy cho bé cực hiệu quả, an toàn và dễ tìm

2.4 Bôi dầu dừa cho trẻ

Dầu dừa có đặc tính chống vi khuẩn; do đó, đây là một biện pháp khắc phục tại nhà tuyệt vời để làm dịu cho trẻ sơ sinh bị hăm cổ. Mẹ hãy thoa dầu dừa lên vết phát ban ở cổ để giúp giảm viêm và ngứa cho bé nhé.

2.5 Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ

Mẹ cần chú ý khi chọn xà phòng giặt quần áo cho bé. Tránh các loại nước giặt có pha hương liệu mạnh, có nhiều chất tẩy vì có thể gây hại cho làn da bé.

2.6 Đảm bảo trẻ sơ sinh bị hăm cổ luôn ở nơi khô thoáng

Mẹ hãy giúp bé cưng luôn mát mẻ. Vì mồ hôi là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng hăm da; do đó, mẹ nên chú ý giữ cho cơ thể bé luôn mát mẻ bằng cách bật quạt mát; hoặc dùng máy lạnh trong phòng trong những ngày oi bức.

3. Cách phòng ngừa trẻ sơ sinh bị hăm cổ

Để tránh trẻ sơ sinh bị hăm cổ thường xuyên; mẹ cần lưu ý:

  • Giữ vệ sinh cho bé: Đảm bảo cổ của trẻ luôn được làm sạch và khô ráo.
  • Tránh tắm trẻ sơ sinh quá nhiều: Vì tắm quá mức có thể khiến da trẻ sơ sinh bị khô, mẹ có thể dùng khăn ẩm để thay thế.
  • Chấm nước dãi cho bé thường xuyên: sữa nhỏ giọt có thể đọng lại ở các nếp gấp trên da ở cổ gây tình trạng hăm ở cổ.
  • Vào mùa hè, để bé ở nơi thoáng mát: Ví dụ như cho trẻ ở trong phòng thoáng khí hoặc có nhiệt độ mát mẻ.
  • Tránh mặc nhiều quần áo cho trẻ sơ sinh: Điều này dễ khiến bé bị hăm cổ vì nóng nực và đổ mồ hôi; làm gia tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị hăm cổ.

>> Mẹ xem thêm: Nên tắm cho trẻ sơ sinh vào thời gian nào? Cách tắm giúp con khỏe mạnh

[inline_article id=148228]

4. Khi nào nên đưa bé đi gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp hăm da ở cổ đều có thể tự khỏi nếu mẹ chăm sóc bé đúng cách. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vết hăm trở nặng gây khó chịu cho bé.

Mẹ nên đưa bé đi khám bệnh để được bác sĩ kê toa khi:

  • Vết hăm nặng hơn và lan rộng hơn ban đầu.
  • Vết hăm không hết sau 1 tuần chăm sóc tại nhà.
  • Bề mặt vết hăm bị rạn nứt, chảy nước hay khiến cho bé bị đau.

Với những em bé bụ bẫm, mẹ nên chú ý chăm sóc những vùng da có nếp gấp. Nhờ việc lau rửa thường xuyên, tình trạng trẻ sơ sinh bị hăm ở cổ sẽ ít xảy ra.

Để làm những vùng hăm da dưới cổ trẻ sơ sinh hoàn toàn bị biến mất; mẹ nhớ thường xuyên quan sát vùng nếp gấp dưới cổ bé bằng cách nhẹ nhàng đỡ gáy bé và hơi ngả đầu bé ra sau một chút. Nhờ đó, khi thấy bất kỳ dấu hiệu kích ứng da nào như ửng đỏ, đọng mồ hôi, mẹ có thể kịp thời ngăn chặn tình trạng hăm da xảy ra.