Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Trẻ sơ sinh bị ọc sữa phải làm sao? Cách chăm sóc và xử lý

Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ có ít nhất 1-2 lần bị ọc sữa. Ngoại trừ nguyên nhân do bệnh lý; những trường hợp trẻ sơ sinh bị ọc sữa thông thường đều có thể được cải thiện nhờ thay đổi một vài thói quen nhỏ khi cho bé bú. Tham khảo ngay 6 bí quyết xử lý ọc sữa cho con, mẹ nhé!

1. Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều có sao không?

1.1 Trẻ sơ sinh bị ọc sữa có sao không? Khi nào là bình thường?

Theo MayoClinic, trẻ sơ sinh bị ọc sữa là rất phổ biến (khoảng 50% các bé sẽ bị); đặc biệt là trong 3 tháng đầu đời. Điều này là do phản ứng của trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh; có nghĩa là sữa bé bú sẽ trào ngược lên dạ dày.

Thông thường, cơ ở giữa thực quản và dạ dày sẽ giữ các chất trong dạ dày. Nhưng trẻ sơ sinh bị ọc sữa do nhóm cơ này của bé chưa đủ trưởng thành. Nếu con bị ọc sữa mà bé vẫn tăng cân đều và khỏe mạnh thì mẹ đừng lo lắng quá nhé.

Trẻ bị ọc sữa bao nhiêu lần là bình thường? Theo Bác sĩ William Byrne, trưởng khoa tiêu hóa nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Doernbecher, ở Oregon; bé bị ọc sữa dưới 3 lần/ngày là bình thường.

Tóm lại, trẻ sơ sinh bị ọc sữa là hiện tượng thường gặp và có thể thuyên giảm dần sau đó khi mẹ điều chỉnh cữ bú cho bé.

 

trẻ sơ sinh bị ọc sữa
Ọc sữa thường xảy ra; nhưng không phải mẹ nào cũng biết cách xử lý tình trạng ọc sữa của con

1.2 Trẻ sơ sinh bị ọc sữa do bệnh lý

Tuy nhiên, nếu bé hay ọc sữa nhiều và liên tục có thể là mắc bệnh lý:

  • Mắc chứng hẹp phì đại môn vị: Biểu hiện là trẻ không ọc tức thì ngay sau bú và không bao giờ ọc ra dịch vàng hay dịch xanh. Sau khi ọc, trẻ rất đói và đòi bú ngay. Trong trường hợp này, bạn nên đưa trẻ đi khám bệnh để bác sĩ ngay.
  • Trẻ bị lồng ruột: Triệu chứng trẻ đột ngột nôn ói nhiều kèm theo là khóc thét từng cơn dữ dội, xanh tái, có thể đi tiêu nhày máu sau đau bụng khoảng 6 giờ. Bệnh này thường gặp ở trẻ trai bụ bẫm, dưới 24 tháng tuổi, nhiều nhất ở trẻ 3–6 tháng tuổi.

1.3 Trẻ sơ sinh bị ọc sữa và thở khò khè 

Trẻ bị ọc sữa và thở khò khè hay trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng khác có thể phức tạp hơn như:

Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

tre-bi-oc-sua-va-tho-kho-khe

Trong trường hợp bé bị trào ngược nghiêm trọng, trẻ thường xuyên bị nôn trớ, hay cáu bẳn, ảnh hưởng sinh hoạt và sự phát triển. Mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị và tư vấn đầy đủ nhất.

Khi trẻ bị trào ngược dạ dày, sữa bị ọc có thể bị lạc qua đường hô hấp làm kích thích việc tăng tiết đờm. Lúc này, tiếng thở của bé sẽ khò khè, nghe nặng hơn như có dị vật phía trong. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất sau khi bé được ăn no, nhưng cũng có thể xảy ra khi trẻ sơ sinh khóc, ho hoặc căng thẳng.

Trẻ bị bị viêm đường hô hấp 

Trẻ sơ sinh với hệ thống miễn dịch non yếu dễ gặp các vấn đề về đường hô hấp do tác nhân môi trường xung quanh tác động hoặc do trẻ hít phải nước ối trong bào thai.

Việc đờm nhớt bị ứ đọng và tăng tiết dịch tại niêm mạc mũi họng đã khiến gây nên tình trạng khò khè và làm cho bé bị ngạt mũi ít nhiều. Bé bị ngạt mũi phải thở bằng miệng, khiến niêm mạc vùng họng bị khô, kích thích phản xạ nôn và khiến bé bị ọc sữa ra ngoài.

>> Mẹ có thể tìm hiểu thêm: Trẻ sơ sinh bị khò khè: Nhận biết dấu hiệu bất thường và cách trị

2. Trẻ sơ sinh bị ọc sữa hay bé đang nôn trớ?

Có thể khó nhận ra sự khác biệt này, bởi vì nôn và ọc sữa tương tự nhau và cả hai đều thường xảy ra sau khi bú. Nhưng có một vài điểm mẹ cần lưu ý để phân biệt:

  • Ọc sữa: Khi em bé ọc sữa, sữa sẽ ra một cách dễ dàng, ít hoặc không có lực. Thức ăn trong dạ dày có thể trào lên cổ họng; hoặc bé cũng có thể nuốt không khí khi bú. Khi không khí đó trở lại dưới dạng ợ hơi; một số chất lỏng có thể đi cùng với nó. Điều này là bình thường ở trẻ sơ sinh và thường không có gì đáng lo ngại.
  • Nôn trớ: Khi bé nôn trớ, các chất trong dạ dày sẽ trào ra ngoài một cách mạnh mẽ khiến bé khó chịu. Số lượng chất nôn có thể sẽ nhiều hơn so với khi trẻ ọc sữa. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt hoặc quấy khóc.

>> Mẹ xem thêm: Trẻ hay nôn trớ, mẹ phải xử sao?

trẻ sơ sinh bị nôn trớ

3. Cách cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh hay bị ọc sữa

Trẻ sơ sinh bị ọc sữa phải làm sao? Dưới đây là những cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa. Mẹ hãy tìm hiểu và áp dụng nhé!

3.1 Nên chia nhỏ khẩu phần ăn của trẻ sơ sinh hay bị ọc sữa

So với những bé lớn, hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh có dung tích nhỏ hơn rất nhiều. Vì vậy, để tránh tình trạng bé hay ọc sữa, thay vì cho bé bú quá nhiều trong 1 lần; mẹ nên cho bú nhiều lần hơn, với lượng sữa đã được giảm bớt mỗi lần.

Cách này có thể giúp bé tiêu hóa nhanh và dễ dàng hơn; tuy cũng khiến mẹ vất vả hơn nhiều.

3.2 Trẻ sơ sinh bị ọc sữa phải làm sao? Không để trẻ sơ sinh vừa nằm vừa bú

Với hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện; trẻ sơ sinh rất dễ nuốt hơi vào trong lúc đang bú mẹ. Và nếu lúc này mẹ cho bé nằm ngay, tình trạng ọc sữa rất dễ xảy ra.

Vì vậy, sau khi cho bé bú hoặc ăn xong, mẹ đừng cho bé nằm ngay. Mẹ có thể:

  • Bế bé trên tay hoặc cho nằm lên vai;
  • Vuốt nhẹ lưng bé (tránh vỗ vào lưng); khoảng 15-30 phút mới để bé nằm xuống.
  • Tốt nhất, mẹ nên tìm cách cho bé ợ hơi để “giải thoát” bớt lượng khí thừa; tránh làm con bị đầy bụng, khó tiêu.

>> Mẹ xem thêm: Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh hiệu quả

3.3 Nên chọn lại tư thế cho bé bú mẹ đúng cách

trẻ sơ sinh ọc sữa nhiều có sao không

Có thể mẹ không biết, nhưng cách mẹ cho bé bú cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ọc sữa. Với những bé bú mẹ, nếu lượng sữa mẹ cho bé bú nhiều hơn lượng sữa miệng bé có thể nuốt mỗi lần sẽ khiến thực phẩm trong dạ dày bị trào lên, khiến bé bị ọc sữa.

Tương tự, những bé bú bình không đúng cách sẽ “hút” vào cùng lúc một lượng khí thừa đáng kể, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của bé. Để tránh tình trạng này, khi cho bé bú mẹ, bạn chỉ nên cho bé bú từ từ, tránh để bé ăn quá no mỗi lần.

Với trẻ bú bình, mẹ nên giữ cho bình sữa nghiêng 45 độ, sao cho sữa luôn ngập cổ bình, không để khí “len lỏi” vào dạ dày bé. Và nên nhớ là phải dùng loại bình có ti chống sặc.

Tốt nhất là trong trường hợp không cho bú ti mẹ, bạn hãy cho bé bú bằng muỗng (theo khuyến cáo của Bộ y tế).

3.4 Chọn đúng các tư thế ngủ của bé sơ sinh

Một tư thế ngủ đúng không chỉ giúp bé ngủ ngon hơn mà cũng có thể cải thiện phần nào nguy cơ bị trào ngược. Mẹ có thể nâng đầu nằm của bé lên cao một góc 30 độ, chính độ nghiêng này sẽ giúp thực phẩm trong dạ dày không trào ngược lên trong lúc bé ngủ.

3.5 Không để trẻ sơ sinh ngửi mùi thuốc lá

Không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển, sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ khiến bé cưng tăng tiết axit trong dạ dày nhiều hơn. Vì vậy, mẹ nên cố gắng hạn chế, không cho bé tiếp xúc với môi trường khói thuốc.

3.6 Bổ sung canxi cho bé đúng cách để tránh bé bị ọc sữa

Ọc sữa đi kèm với triệu chứng vặn mình, khó ngủ mỗi đêm có thể là dấu hiệu cho thấy chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé không có đủ lượng canxi cần thiết. Trong trường hợp này, bổ sung canxi đầy đủ là cách tốt nhất để giúp bé.

Nếu đã thử hết những cách trên, nhưng tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa vẫn không có dấu hiệu giảm bớt, mẹ nên đưa bé đi khám bệnh.

3.7 Sử dụng nước muối sinh lý

Trường hợp trẻ bị ọc sữa và thở khò khè, mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý theo chỉ định từ bác sĩ. Nhiều mẹ sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt mũi cho con, nhằm giúp niêm mạc của con bớt khô, chống lại các kích thích từ môi trường và giúp tống đẩy các đờm nhớt, gỉ mũi bé ra ngoài dễ dàng hơn.

Mẹ có thể duy trì hoặc tăng cường sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho con, thực hiện từ 3-5 lần mỗi ngày.

4. Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị ọc sữa đi khám bác sĩ?

khi nào đi khám bác sĩ?

Trẻ sơ sinh bị ọc sữa có thể là một hiện tượng sinh lý bình thường do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện; song song đó, nếu bé bị ọc sữa đi kèm các dấu hiệu khác; mẹ cần đưa trẻ sơ sinh bị ọc sữa thăm khám bác sĩ:

  • Không tăng cân.
  • Nôn ra rất nhiều.
  • Bãi nôn của trẻ sơ sinh có màu xanh lá cây hoặc màu vàng.
  • Ọc sữa ra máu hoặc ọc ra chất giống bã cà phê.
  • Từ chối bú sữa mẹ.
  • Có máu trong phân.
  • Trẻ sơ sinh bị ọc sữa và thở khò khè; khó thở hoặc các dấu hiệu bệnh khác.
  • Quấy khóc hơn 3 tiếng/ngày và quấy khóc nhiều hơn bình thường.
  • Ít đi vệ sinh hơn bình thường..

Trong một vài trường hợp, bé hay ọc sữa đi kèm với một vài dấu hiệu bất thường có thể do một nguyên nhân bệnh lý nào đó, như rối loạn tiêu hóa, tắc ruột, lồng ruột… là các triệu chứng bệnh trẻ em thường gặp và mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế để kiểm tra.