Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Trẻ rụng tóc vành khăn: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Trong bài viết này, MarryBaby sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ, bao gồm:

  • Tìm hiểu chung về tình trạng trẻ bị rụng tóc vành khăn
  • Dấu hiệu nhận biết
  • Nguyên nhân khiến trẻ bị rụng tóc vành khăn
  • Cách khắc phục
  • Cách phòng ngừa
  • Các thông tin liên quan khác.

Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây!

Trẻ bị rụng tóc vành khăn là gì?

Rụng tóc vành khăn là gì? Cụm từ rụng tóc vành khăn hay rụng tóc từng mảng ở trẻ (Alopecia areata) dùng để chỉ hiện tượng trẻ nhỏ bị rụng tóc nhiều, chủ yếu là rụng ở phần sau gáy tạo hình vành khăn. Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ từ sau 3 – 6 tháng tuổi trở đi.

Bên cạnh việc chủ động tìm hiểu về tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ là gì, cha mẹ cũng cần trấn an bản thân để không rơi vào trạng thái lo lắng quá mức. Vì nhìn chung, hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh thường không nguy hiểm và có thể khắc phục được.

Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Dấu hiệu nhận biết bé bị rụng tóc vành khăn

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi khoa – Nationwide Children’s Hospital cho biết, một số dấu hiệu nhận biết bé bị rụng tóc vành khăn bao gồm:

  • Tóc rụng nhanh theo từng mảng
  • Trông như trẻ bị hói, ban đầu nhỏ nhưng lan rộng dần
  • Tình trạng rụng có thể xuất hiện theo từng đốm nhỏ và dần lan rộng
  • Móng tay xuất hiện các đốm trắng, gồ ghề hoặc có vết lõm nhỏ, móng tay yếu, dễ gãy dễ nứt.

Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ rụng tóc vành khăn

Các nguyên nhân rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh thường gặp bao gồm:

1. Tóc mỏng và yếu

Trong năm đầu đời, các nang tóc của trẻ còn rất yếu. Nếu trẻ có sợi tóc mảnh, tóc mọc thưa thì hiện tượng rụng tóc vành khăn lại càng dễ xuất hiện hơn. Do đó, trong giai đoạn này, trẻ thường bị rụng tóc do chân tóc mỏng và yếu. Nguyên nhân này mang tính sinh lý nên ba mẹ không cần quá lo lắng.

2. Do thiếu dưỡng chất

[key-takeaways title=””]

Trẻ sơ sinh rụng tóc thiếu chất gì? Theo các chuyên gia Nhi khoa cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc vành khăn là do trẻ thiếu vitamin D hoặc canxi.

[/key-takeaways]

Ngoài ra, thiếu hụt vitamin D còn kéo theo các triệu chứng khác như:

  • Phần thóp (đỉnh đầu) của bé sờ vào thấy mềm, lâu đóng thóp và thóp có thể phập phồng theo nhịp thở.
  • Chậm mọc răng, chậm biết lẫy/ lật, chậm biết bò hoặc chậm biết đi hơn so với mốc phát triển bình thường của trẻ.
Trẻ bị rụng tóc vành khăn
Trẻ bị rụng tóc vành khăn thường là do thiếu vitamin D hoặc thiếu canxi.

3. Tác dụng phụ của thuốc

Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh cần được sử dụng kháng sinh để điều trị. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh có thể khiến trẻ rụng tóc. 

4. Thói quen giật tóc của trẻ (tác động cơ học)

Một số bé có thói quen tự kéo và xoắn tóc của mình khi cảm thấy căng thẳng, khiến cho tóc của con bị tổn thương và dễ gãy rụng. 

Đây là hành vi do bé chưa biết kiểm soát được cảm xúc, nên cha mẹ cần dành nhiều sự quan tâm và thời gian ở cạnh con, để điều chỉnh hành vi của con.

5. Dị ứng

Tình trạng dị ứng ở trẻ thường xảy ra do: dị ứng với thuốc, dị ứng với môi trường sống, dị ứng với chất tẩy rửa hoặc các loại tinh dầu khác… Đặc biệt là khi cha mẹ thoa tinh dầu lên tóc, lên da đầu của con, nếu dị ứng có thể khiến trẻ bị rụng tóc vành khăn.

Việc sử dụng một số loại dầu gội chứa hóa chất cũng khiến tóc trẻ dễ rụng. Do đó, khi trẻ dưới 1 tuổi, ba mẹ không nên sử dụng quá nhiều dầu gội đầu để tránh ảnh hưởng đến tóc.

6. Trẻ bị nấm da đầu, nhiễm trùng da

Trẻ bị rụng tóc hình vành khăn kèm các triệu chứng: Ngứa, khó chịu, thường xuyên gãi da đầu có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ bị nấm da đầu. Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh đến 4 tuổi. 

Nấm da đầu với biểu hiện các nốt mẩn đỏ, da bong tróc, sưng tấy. Nếu trẻ không đưọc điều trị sớm sẽ rụng tóc nhiều hơn.

7. Nằm nhiều một tư thế cũng

Một trong những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ là trẻ nằm lâu, nằm cố định ở một tư thế. Điều này khiến vùng phía sau đầu tiếp xúc trực tiếp với mặt gối/ nệm… trong thời gian dài; khiến cho tóc và da đầu bị chà xát, dẫn đến việc tóc gãy rụng và mọc lại thưa thớt. 

Trẻ có mái tóc kết cấu mảnh, dễ rụng thường dễ gặp tình trạng rụng tóc vành khăn hơn các trẻ có tóc cứng và chắc khỏe.

Trẻ bị rụng tóc vành khăn
Cho trẻ nằm lâu ở một tư thế làm tăng ma sát giữa tóc và gối, khiến tóc dễ gãy rụng hơn.

8. Hormone cơ thể giảm

Theo thông tin từ Bộ y tế cho biết, trẻ sơ sinh bị rụng tóc thường xuất phát từ sự mất cân bằng hormone sau khi bé chào đời. Nguyên nhân có thể do cơ thể mẹ bị rối loạn hormone hoặc bản thân trẻ bị thiếu dinh dưỡng. Rụng tóc do nguyên nhân này thường được phát hiện cùng với biểu hiện rụng tóc sau sinh của mẹ.

9. Rối loạn/Bệnh tự miễn cũng khiến trẻ rụng tóc vành khăn

Trẻ có thể bị rụng tóc vành khăn hoặc tóc trở nên thưa hơn do các bệnh tự miễn (autoimmune disorder) như: Gây viêm mạn tính, bạch biến, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, nhược cơ… Lúc này, cơ thể tự đánh giá tế bào của cơ thể là vật lạ nên tiến hành tấn công hoặc đào thải.

[summary title=””]

Theo thông tin từ Tổ chức Nemours KidsHealth cho biết, nguyên nhân trẻ bị rụng tóc vành khăn thường là do rối loạn tự miễn, gây ra tình trạng viêm, làm gián đoạn sự phát triển của nang tóc.

[/summary]

Trẻ rụng tóc vành khăn thiếu chất gì?

Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh có thể do thiếu chất, nhưng không hẳn là do đơn lẻ một nguyên nhân này gây ra. Vậy nên khi cha mẹ nhận thấy tình trạng trẻ bị rụng tóc từng mảng, tóc rụng nhiều thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám bệnh và chẩn đoán.

Trong trường hợp trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng, cha mẹ hãy điều chỉnh lại chế độ ăn uống cho trẻ, kết hợp thêm với việc sử dụng thực phẩm bổ sung, chẳng hạn như thực phẩm bổ sung vitamin D3K2 cho trẻ.

[inline_article id=326451]

Trẻ bị rụng tóc vành khăn có nguy hiểm không?

Về mặt y khoa, trẻ bị rụng tóc vành khăn thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe của bé. Nhưng có thể gây ảnh hưởng đến cảm xúc và tinh thần của bé, nhất là đối với các bé đã lớn và ý thức được về cơ thể của mình. Ngoài ra, cảm xúc lo lắng cho con cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần của cha mẹ. 

[summary title=””]

Theo Tổ chức Healthy Children, trong hầu hết các trường hợp rụng tóc từng mảng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thông thường tóc sẽ mọc lại nếu tình trạng không quá nghiêm trọng. Ngoài ra, đối với những trường hợp cần điều trị thì tóc cũng sẽ mọc lại sau khi được can thiệp điều trị.

[/summary]

Chẩn đoán tình trạng tóc rụng vành khăn ở trẻ nhỏ

Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị rụng tóc nhiều ở khu vực sau gáy, kèm theo tình trạng quấy khóc, lười bú, lười vận động… cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm để được kiểm tra và chẩn đoán.

Các bước chẩn đoán của bác sĩ thường bao gồm:

  • Kiểm tra lâm sàng: Bác sĩ quan sát vị trí tóc rụng và thể trạng bên ngoài của bé.
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm máu để chẩn đoán bé có bị thiếu vitamin D, thiếu sắt, thiếu canxi, còi xương hoặc có vấn đề về chậm phát triển hay không
  • Từ các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp cho bé.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị rụng tóc vành khăn?

Trước tiên, cha mẹ cần giữ bình tĩnh để xử lý, tìm ra cách điều trị phù hợp. Dưới đây là một số điều mà cha mẹ cần thực hiện:

Tìm hiểu nguyên nhân

Dù vấn đề trẻ đang mắc phải là gì, việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng là rất cần thiết và quan trọng. Vì xác định đúng nguyên nhân mới chọn được phương pháp khắc phục phù hợp.

[summary title=””]

Nhắc lại, các nguyên nhân có thể khiến trẻ bị rụng tóc vành khăn bao gồm: Bản chất tóc mỏng yếu và dễ gãy, do thiếu dưỡng chất, thiếu vitamin, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, trẻ bị dị ứng hay bị nấm da đầu…

[/summary]

Bổ sung dinh dưỡng và vitamin

Nếu rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ do tác dụng phụ của thuốc, sau khi phục hồi sức khỏe nên cần được bổ sung một số dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như:

  • Vitamin D: Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể trẻ tăng cường hấp thu canxi, cải thiện tình trạng rụng tóc vành khăn do thiếu canxi. Vitamin D có thể được hấp thụ từ ánh nắng mặt trời hoặc thông qua các loại thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, cá ngừ, trứng gà, sữa chua, phô mai…
  • Canxi: Canxi có công dụng giúp răng, tóc và xương của trẻ được phát triển khỏe mạnh; từ đó giúp đẩy lùi tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ. Khoáng chất này có thể được cung cấp qua các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, đậu nành, rau xanh…
  • Kẽm: Kẽm là tiền chất quan trọng trong quá trình sản sinh tế bào mới. Khi tế bào da đầu không nhận được đủ kẽm thông qua chế độ ăn uống, quá trình sản sinh nang tóc mới sẽ bị trì hoãn, khiến tóc rụng nhiều và mọc lại chậm. Bố mẹ hãy bổ sung kẽm cho bé qua các loại thực phẩm giàu kẽm như các loại thịt đỏ, hải sản, hạt hướng dương…
  • Sắt: Khi trẻ thiếu sắt, các tế bào hồng cầu trong máu không thể vận chuyển đủ oxy đến các cơ quan của cơ thể. Tình trạng thiếu oxy ở tế bào não khiến trẻ mệt mỏi và buồn ngủ. Bên cạnh đó, các nang tóc thiếu oxy sẽ có có thể bị gãy rụng, tóc thưa, mỏng. Cha mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan, trứng, rau xanh, các loại hạt đậu khô.
  • Vitamin B: Vitamin B là nhóm vitamin gồm nhiều loại có tác dụng giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ chuyển hóa các chất dinh dưỡng, kích thích mọc tóc và từ đó hỗ trợ giảm nguy cơ bị rụng tóc vành khăn. Vitamin B có thể được cung cấp qua các loại thực phẩm giàu vitamin B như ngũ cốc nguyên hạt, quả óc chó, chuối, cam, dâu tây…

[inline_article id=174955]

Lưu ý tư thế nằm của bé

Mặc dù, nằm ngửa là tư thế ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh, tuy nhiên cha mẹ cũng nên thay đổi tư thế nằm cho con. Thỉnh thoảng cha mẹ có thể đặt trẻ nằm nghiêng, hoặc nằm úp, hoặc bế trên tay đều được. Tuy nhiên, ba mẹ lưu ý không được cho trẻ nằm sấp sau khi trẻ vừa bú hoặc vừa ăn no, vì sẽ khiến trẻ bị nôn trớ.

Đưa trẻ đi khám bác sĩ Nhi Khoa

Trên thực tế, hầu hết trẻ sơ sinh (sau khi sinh) bị rụng tóc thường không cần đi khám. Vì tóc có thể mọc trở lại sau đó. Tuy nhiên, những trường hợp mà cha mẹ cần đưa bé đi khám là:

  • Trẻ bị rụng tóc trong nhiều tháng và tình trạng vẫn không cải thiện.
  • Các triệu chứng đi kèm như bị nấm da, bong tróc da, các đốm hói xuất hiện ngày càng nhiều trên đầu. 

[key-takeaways title=”Lưu ý”]

Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống thuốc, kể cả thuốc tây, thuốc nam, thuốc dân gian… Việc dùng thuốc nên được thông qua bởi sự chỉ định của bác sĩ để tránh rủi ro gây ảnh hưởng đến trẻ.

[/key-takeaways]

Phòng ngừa tình trạng trẻ rụng tóc vành khăn

Rụng tóc vành khăn tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng. Do đó, cha mẹ nên chủ động ngăn rụng tóc vành khăn cho con trẻ. Các biện pháp phòng ngừa tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ, bao gồm:

  • Thay đổi tư thế nằm cho con, hạn chế để con nằm cố định một tư thế.
  • Đeo bao tay cho trẻ để tránh tình trạng con tự bứt tóc, xoa đầu mạnh tay.
  • Đối với trẻ trên 6 tháng và đã bắt đầu ăn dặm, cha mẹ hãy cho con ăn đa dạng thực phẩm phù hợp với tháng tuổi của con, để con không bị thiếu chất.
  • Cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm thoa ngoài da như tinh dầu, xà phòng, phấn rôm…Nếu xảy ra dị ứng, cha mẹ nên ngừng sử dụng để theo dõi.
Rụng tóc vành khăn ở trẻ
Nếu trẻ vừa rụng tóc vừa kèm theo các triệu chứng khác lạ, cha mẹ nên đưa con đến khám với bác sĩ chuyên khoa Nhi khoa để đảm bảo an toàn.

Các câu hỏi thường gặp

Rụng tóc vành khăn ở trẻ bao nhiêu tháng?

Nhiều thông tin cho rằng, tóc rụng vành khăn thường xảy ra nhất ở trẻ sơ sinh từ 3 – 6 tháng tuổi trở đi. Theo Tổ chức Healthy Children cho biết, tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ trong bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả bé trai và bé gái, nhưng phổ biến nhất vẫn nằm trong vài tháng đầu đời.

Trẻ bị rụng tóc vành khăn có mọc lại không?

Như đã đề cập, trẻ bị rụng tóc vành khăn thông thường sẽ tự mọc lại và tự khỏi. Vì đây là hiện tượng sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trừ trường hợp liên quan đến bệnh lý hoặc thiếu chất dinh dưỡng thì mới cần đến sự can thiệp điều trị y tế.

rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ
Thông thường sau khi rụng tóc, tóc của trẻ sẽ tự mọc lại sau một thời gian ngắn.

Kết luận

Rụng tóc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một hiện tượng tương đối phổ biến và ít gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Tình trạng có thể chỉ khu trú ở một mảng nhưng cũng có xuất hiện ở nhiều vị trí hoặc lan rộng. 

Nếu trẻ chỉ bị rụng tóc vành khăn và không kèm theo các triệu chứng đáng lo ngại về cơ thể thì cha mẹ cứ bình tĩnh và tiếp tục theo dõi. Nội dung trên là những gì cha mẹ cần biết về tình trạng rụng tóc ở trẻ là gì, nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục. Hy vọng bài viết đã mang đến nhiều kiến thức hữu ích cho cha mẹ.

[summary title=””]

Chuyên mục ‘Sức khỏe trẻ em‘ thường xuyên đăng tải các bài viết về về sức khỏe trẻ em, từ những bệnh thông thường đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Từ đó giúp mẹ biết cách chăm sóc để trẻ luôn khỏe mạnh.

[/summary]