Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Chăm sóc trẻ

Tổng hợp trò chơi cho trẻ mầm non, chơi trong nhà và chơi ngoài trời

Hơn 40+ trò chơi cho trẻ mầm non theo độ tuổi chơi trong nhà và chơi ngoài trời, giúp bé rèn luyện thể chất và trí tuệ của bé. Mẹ có thể tham khảo cách chơi để hướng dẫn bé nhé.

Các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non

1. Kéo cưa lừa xẻ

Hướng dẫn cách chơi:

  • Hai bé ngồi đối diện nhau, hai lòng bàn chân chạm vào nhau, hai bàn tay nắm chặt nhau. Cả hai kéo tay đẩy qua đẩy lại, giống động tác hai người thợ ngồi hiệp sức cưa gỗ, vừa hát bài đồng dao sau:

Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ.

2. Thả đỉa ba ba

Hướng dẫn cách chơi:

  • Bé vẽ một vòng tròn giữa sân hoặc giữa nhà, sau đó cả nhóm đứng thành một vòng tròn vây quanh. Sau khi chọn 1 người làm đỉa, cả nhóm cùng đọc bài đồng dao “thả đỉa ba ba”:

Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông

Gạo mềm như nước
Đổ mắm, đổ muối
Đổ chuối hạt tiêu
Đổ niêu nước chè
Đổ phải nhà nào
Nhà ấy phải chịu.

Trong lúc hát, người làm đỉa sẽ đi xung quanh vòng tròn. Cứ mỗi tiếng ‘đỉa’ lại lấy tay chỉ vào một bạn: tiếng thứ nhất chỉ vào mình, tiếng thứ hai người kế tiếp, rồi lần lượt đến người thứ 2, thứ 3…

Bạn nào bị chọn vào chữ ‘chịu’ cuối cùng sẽ phải đứng lại vòng tròn làm ‘đỉa’, trong khi các bạn khác nhanh chóng chạy lên ‘bờ’. Nếu người nào chậm chân bị “đỉa” chạm vào người thì phải vào vòng tròn làm đỉa, còn người làm “đỉa” lại được lên bờ.

Gợi ý trò chơi dân gian cho trẻ mầm non phát triển kỹ năng

Có rất nhiều trò chơi dân gian thú vị dành cho trẻ mầm non.

3. Dung dăng dung dẻ

Chuẩn bị:

  • Vẽ sẵn các vòng tròn nhỏ trên đất, số lượng vòng tròn ít hơn số người chơi 1 cái.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Các bé nắm tay nhau đi vòng quanh các vòng tròn, vừa đi vừa đung đưa tay theo nhịp bài đồng dao.

Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cửa nhà trời
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê

Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ù à ù ập
Ngồi thụp xuống đây.

Khi đọc hết chữ “đây” thì tất cả các bé nhanh chóng tìm một vòng tròn và ngồi xổm xuống. Bạn nào không có vòng tròn để ngồi sẽ bị loại. Các bạn còn lại tiếp tục xoá vòng tròn và chơi tiếp đến khi chọn được người thắng.

4. Tập tầm vông

Hướng dẫn cách chơi:

  • Một bé ngồi đối diện với các bé còn lại, tay cầm một món đồ nhỏ và giấu ra sau lưng. Bé bỏ món đồ đó vào một tay bất kỳ rồi nắm hai tay lại, đưa ra trước mặt các bạn còn lại, vừa xoay tay vừa hát:

Tập tầm vông
Tay không tay có
Tập tầm vó
Tay có tay không

Tay nào không,
Tay nào có
Tay nào có
Tay nào không?

Cuối cùng, đưa tay ra để các bạn còn lại đoán xem món đồ nằm trong tay nào. Khi các bạn đoán ra thì lại tiếp tục chơi một ván khác.

5. Rồng rắn lên mây

Hướng dẫn cách chơi:

  • Các bé chọn một bạn đóng vai ‘ông chủ’ và ngồi yên một chỗ. Những bạn còn lại nối đuôi nhau thành hàng dài đi vòng vèo trong sân, vừa đi vừa đọc:

Rồng rắn lên mây
Có cái cây lúc lắc
Có cái nhà điểm binh
Có ông chủ ở nhà không?

Khi đọc đến câu “Có ông chủ ở nhà không?” thì dừng lại trước mặt “ông chủ”. “Ông chủ” có thể trả lời “có hoặc không”. Nếu “ông chủ” trả lời “không” thì các bạn sẽ đi tiếp. Nếu “ông chủ” trả lời “có” cả nhóm trả lời những câu hỏi xin của “ông chủ”.

Ông chủ: Cho xin khúc đầu?
Cả nhóm: Những xương cùng xẩu.

Ông chủ: Cho xin khúc giữa?
Cả nhóm: Chả có gì ngon.

Ông chủ: Cho xin khúc đuôi?
Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.

Sau câu “Tha hồ mà đuổi”, “ông chủ” sẽ chạy đuổi bắt “khúc đuôi” (tức là người cuối hàng) còn cả nhóm sẽ chạy. Bạn đứng đầu sẽ dang tay để bảo vệ cả nhóm khỏi bị bắt. Nếu “ông chủ” bắt được “khúc đuôi” thì đổi vai và chơi lại từ đầu.

6. Bịt mắt bắt dê

Chuẩn bị:

  • 1 chiếc khăn bịt mắt.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Cả nhóm oẳn tù xì để chọn ra người bị bịt mắt. Các bạn còn lại sẽ làm “dê”. Khi trò chơi bắt đầu, người bị bịt mắt sẽ đứng giữa, “dê” sẽ đứng xung quanh. Người bị bịt mắt di chuyển ra xung quanh để bắt “dê”.
  • Dê phải liên tục kêu “be, be” và di chuyển làm sao để mình không bị bắt. Tuy nhiên “dê” chỉ được di chuyển trong phạm vi quy định. Khi người bị bịt mắt bắt được “dê” thì cả hai sẽ được hoán đổi vị trí và chơi lại từ đầu.

[related-articles title=”” articles=”3068″][/related-articles]

Các trò chơi trong nhà cho trẻ mầm non

1. Di chuyển thăng bằng

Chuẩn bị:

  • Băng dính màu (nhiều màu để thêm phần thú vị).

Hướng dẫn cách chơi:

  • Dán băng thành các đường thẳng hoặc dích dắc trên sàn.
  • Mẹ có thể sáng tạo luật chơi dựa trên màu sắc của các cuộn băng keo. Ví dụ, ở cuộn băng màu xanh lá thì bé đặt một tay trên đầu mà đi, hoặc màu vàng thì bé phải nhảy lò cò…
  • Bé chỉ được đi bộ trên băng keo và phải tuân theo các quy tắc mẹ đặt ra. Nếu bé đi lệch ra ngoài dải băng thì xem như thua.
  • Nếu bé đi hết chiều dài của băng mà không bước ra ngoài sàn trống thì sẽ thắng.

2. Tung đồng xu 

Chuẩn bị:

  • Các đồng xu.
  • Cốc uống nước bằng nhựa hoặc giấy.

Cách chơi:

  • Bé sẽ nhận được năm đồng tiền. Đặt chiếc cốc trên ghế hoặc bàn gần đó.
  • Mẹ nhờ bé bước xa cốc “x” bước, trong đó “x” là tuổi của bé. Mẹ sẽ di chuyển xa hơn bé năm bước.
  • Bé và mẹ lần lượt tung các đồng xu, sao cho phải rơi vào cốc.
  • Ai có nhiều đồng xu vào cốc nhất sẽ thắng.

3. Trò chơi truyền tin

Chuẩn bị:

  • Chia các bé thành nhiều đội khác nhau, mỗi đội tầm 3-4 người.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Gọi đại diện của mỗi đội lên và thì thầm một câu giống nhau vào tai từng bạn.
  • Sau đó, các bạn đại diện sẽ quay về đội của mình và nói thầm câu nói đó với bạn đằng sau. Lần lượt các bạn trong đội sẽ truyền tin cho nhau.
  • Bạn cuối cùng trong đội sẽ nói to câu nói lên cho mọi người cùng nghe. Nhóm nào truyền đúng câu nói nhất và nhanh nhất sẽ là nhóm thắng cuộc.

4. Xây dựng pháo đài

Hướng dẫn cách chơi: Mẹ và bé cần thu thập một số vật liệu có sẵn trong nhà và dựng lên để thành một “pháo đài” trú ẩn dành cho bé. Có một số loại pháo đài dễ làm như sau:

  • Pháo đài các tông: Mẹ dùng một vài bìa cứng hoặc hộp lớn, dùng băng dính để dán chúng lại thành hình ngôi nhà.
  • Mền gối: Mẹ có thể xếp gối nằm, gối ôm, mền… sao cho giống hình ngôi nhà nhất. Mẹ cũng có thể sử dụng các chồng khăn tắm và một số đồ đạc chắc chắn để giữ pháo đài không bị đổ.
  • Gầm bàn: Mẹ chỉ cần tìm một gầm bàn trống, sạch sẽ và phủ nó bằng một tấm chăn lớn hoặc ga trải giường là đã hoàn thành một pháo đài cho bé.

5. Ghế âm nhạc

Chuẩn bị: 

  • Nhiều chiếc ghế nhỏ, số lượng ghế ít hơn số lượng người tham gia.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Xếp các chiếc ghế nhỏ thành một vòng tròn.
  • Các bé sẽ đi vòng quanh những chiếc ghế này theo tiếng nhạc.
  • Khi nhạc dừng, bé nhanh chóng ngồi vào chiếc ghế gần nhất. Bé nào không có ghế để ngồi sẽ bị loại. 
  • Lấy bớt một chiếc ghế sau mỗi lượt và bắt đầu một lượt chơi khác.
  • Trò chơi diễn ra liên tục cho đến khi chỉ còn một bé cuối cùng ngồi trên ghế và đó là người chiến thắng.

6. Bowling mini 

Chuẩn bị:

  • Băng keo.
  • 10 chai nước rỗng hoặc lon nước ngọt.
  • Bóng tennis hoặc bóng bowling bằng nhựa.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Sử dụng băng keo để tạo đường chơi bowling, yêu cầu bé phải đứng sau vạch đó.
  • Sắp xếp các chai theo thứ tự ở cuối đường chơi.
  • Để bé dùng quả bóng tennis hoặc quả bóng nhựa để lăn vào tất cả các chai đó, khi nào các chai đổ hết thì thành công.

7. Trò chơi chữ cái xếp hàng

Trò chơi chữ cái xếp hàng cho bé

Chuẩn bị:

  • Ba mẹ hãy chuẩn bị một bộ sticker chữ cái hoặc bộ chữ cái bằng nam châm có thể dán lên bảng từ.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Đầu tiên ba mẹ cùng bé xếp chữ cái lên bảng theo thứ tự.
  • Sau đó yêu cầu trẻ nhắm mắt lại và ba mẹ tráo đổi vị trí của một đến hai chữ cái.
  • Khi trẻ mở mắt, ba mẹ hãy đố trẻ đưa những chữ cái về đúng vị trí ban đầu.

Các trò chơi cho trẻ mầm non chơi ngoài trời

1. Trời nắng trời mưa

Chuẩn bị:

  • Vẽ 4 vòng tròn (nhà) trên sân cách nhau khoảng 40 – 50cm với các màu sắc khác nhau. 

Hướng dẫn cách chơi:

  • Chia các bạn thành 4 tổ nhỏ và phát các thẻ giấy có màu sắc cùng màu với nhà.
  • Cô giáo bật nhạc lên cho bé vừa đi chơi xung quanh trong sân vừa hát theo nhịp.
  • Khi nghe hiệu lệnh “Trời mưa rồi” từ cô giáo, bé phải nhanh chóng tìm được đúng ngôi nhà của mình để không bị mưa ướt.
  • Khi nghe hiệu lệnh “Trời nắng rồi”; các bé tiếp tục ra khỏi vòng tròn và hát theo nhạc đã bật.

2. Cá sấu lên bờ

Chuẩn bị:

  • Cần ít nhất từ 3 người chơi.
  • Kẻ vạch phân chia khu vực nước và bờ.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Chọn ra 1 bé đóng vai cá sấu. Bé chỉ được hoạt động ở dưới nước, các bạn còn lại đều phải đứng trên bờ
  • Khi trò chơi bắt đầu, các bé đứng trên bờ cần xuống nước để khiêu khích cá sấu. Khi cá sấu chạy đến bắt, các bé phải chạy thật nhanh lên bờ để né.
  • Nếu cá sấu chạm được vào 1 người trên bờ, người đó phải xuống nước đổi vị trí với cá sấu. Sau đó trò chơi lại tiếp tục vòng tiếp theo.

3. Cướp cờ

Chuẩn bị:

  • 1 chiếc cờ hoặc khăn.
  • Kẻ 2 vạch xuất phát của 2 đội (cũng là vạch đích).

Hướng dẫn cách chơi:

  • Đặt cờ tại khoảng không chính giữa 2 vạch xuất phát.
  • Quản trò chia thành viên thành 2 đội có số người bằng nhau. 2 đội xếp thành hàng ngang tại các vạch xuất phát. 
  • Chia số thứ tự cho từng thành viên, mỗi thành viên cần phải nhớ số thứ tự của mình. 
  • Khi trò chơi bắt đầu quản trò sẽ đọc số bất kỳ, thành viên nào có số thứ tự đó của 2 đội sẽ chạy nhanh về phía chính giữa để cướp cờ. Người cướp được cờ cần chạy thật nhanh về đích để không bị thành viên đội bạn vỗ vào người và thua cuộc. 
  • Chú ý số thứ tự nào chỉ được vỗ đúng số đó, không được vỗ số khác (Ví dụ: số 2 của đội này chỉ được vỗ số 2 của đội kia, không được vỗ vào số 3). Người thua cuộc sẽ bị loại khỏi trò chơi. 
  • Khi người quản trò gọi số nào quay về đích, số đó phải quay về đích và chờ lượt gọi tiếp theo. 
  • Người thắng cuộc là người mang được cờ về vạch đích của đội mình (cũng là vạch xuất phát) mà không bị đối phương vỗ vào người. 

4. Nhảy dây

Chuẩn bị:

  • Trò chơi cho từ 3 – 5 bé trở lên.
  • 1 đoạn dây chắc chắn có chiều dài phù hợp với số lượng người chơi.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Đầu tiên cần chọn ra 2 người đứng quay dây cho những người còn lại nhảy.
  • Khi hiệu lệnh trò chơi bắt đầu, 2 người quay dây sẽ cầm 2 đầu dây và quăng từ dưới lên trên sao cho dây chạy thành hình tròn.
  • Người chơi tìm cách nhảy vào dây đang chạy và tiếp tục nhảy để không bị mắc vào dây. Số người nhảy trong dây có thể là 1 – 2 – 3… người và nhảy số lần tùy theo quy định ban đầu. Khi nhảy đủ số lần người nhảy có thể nhảy ra ngoài vòng dây để nghỉ ngơi. 
  • Người thua cuộc là người bị vướng dây hoặc nhảy không đủ số lượt. Người đó sẽ phải đổi vị trí với người quăng dây.
Trò chơi nhảy dây giúp trẻ mầm non phát triển kỹ năng vận động.
Trò chơi nhảy dây giúp trẻ mầm non phát triển kỹ năng vận động.

5. Trốn tìm

Chuẩn bị:

  • Từ 3 bé trở lên.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Đầu tiên cần oẳn tù xì để chọn ra người đi tìm, số còn lại sẽ là người trốn. 
  • Khi trò chơi bắt đầu người đi tìm cần đứng úp mặt vào tường, gốc cây hoặc đứng nhắm mắt và đếm từ 5, 10, 15… 100. Trong thời gian đó, người đi trốn cần tìm cho mình những vị trí kín đáo để người đi tìm không tìm ra được. 
  • Người đi tìm cần tìm được tất cả người đi trốn trong thời gian nhất định. Người nào bị tìm thấy sẽ là người thua cuộc và chịu phạt.

6. Khiêu vũ cùng bóng

Chuẩn bị: Chuẩn bị số bóng tương ứng với số cặp được chia theo sĩ số lớp.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Sau khi đã chia cặp, các bé sẽ cầm tay nhau và giữ quả bóng bằng phần bụng. Cô giáo có thể hướng dẫn thêm cách cầm tay như đang khiêu vũ để hoạt động thêm phần vui vẻ.
  • Các cặp sẽ nhún nhảy theo nhạc, tùy vào nhịp điệu nhanh hay chậm và trẻ cũng di chuyển theo tốc độ như vậy.
  • Đặc biệt, trong quá trình này, bóng không được rơi hoặc nổ, nếu không cặp đó sẽ phải ra ngoài và chờ đến lượt sau.
Trò chơi phát triển kỹ năng vận động
Những trò chơi cho bé chơi ngoài trời, ngoài sân giúp phát triển kỹ năng vận động và thể lực của trẻ.

Các trò chơi cho trẻ mầm non theo độ tuổi từ 2 – 3 tuổi

1. Chơi hóa trang

Chuẩn bị:

  • Dụng cụ hóa trang.
  • Nhiều vật dụng đồ chơi khác.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Khi chơi, bé dùng các dụng cụ có sẵn để đóng vai thành nhân vật bất kỳ, chẳng hạn như: đi siêu thị, cảnh sinh hoạt trong gia đình, làm cô giáo, bác sĩ, đi công viên, phỏng vấn, diễn viên…

2. Phân biệt màu sắc

Hướng dẫn cách chơi:

  • Cô giáo hoặc ba mẹ sẽ cắt những miếng giấy màu màu thành những hình nhỏ hơn. Sau đó, người lớn giao cho bé nhiệm vụ phân chia các màu, yêu cầu bé rằng những màu giống nhau thì xếp cùng nhau. Trò chơi này có thể giúp bé 2 – 3 tuổi phát triển kỹ năng nhận biết các màu sắc.

3. Săn tìm kho báu

Hướng dẫn cách chơi: 

  • Cô giáo làm “Chủ kho báu”, chọn một đồ vật đã chuẩn bị và giấu vào một nơi nào đó. Sau đó cô mời một bạn khác trong lớp xung phong đi tìm. 
  • “Chủ kho báu” sẽ hướng dẫn bé đường dẫn đến kho báu. Hướng dẫn của cô chỉ gồm 2 động tác, ví dụ: “Quay sang trái, tiến lên phía trước 3 bước gặp tủ đồ chơi”, đến khi tìm được kho báu.
  • Sau khi hết lượt đầu, cô mời một bé khác làm “Chủ kho báu” và tiếp tục để các bé chơi với nhau. Về sau, cô có thể giúp bé để nâng độ khó của lời hướng dẫn, giúp trò chơi thú vị hơn.

4. Bắt chước tiếng kêu của động vật

Hướng dẫn cách chơi:

  • Mẹ hãy giả giọng tiếng kêu của từng con vật, sau đó cho bé đoán tên con vật. Bé đoán được thì yêu cầu bé giả giọng theo. Nếu bé không biết, mẹ sẽ nói tên con vật đó cho bé nghe để bé ghi nhớ cho lần chơi sau.

[related-articles title=”” articles=”3068″][/related-articles]

Các trò chơi cho trẻ mầm non 3 – 4 tuổi

1. Nhận biết âm thanh

Chuẩn bị:

  • Một vài video ghi lại âm thanh quen thuộc trong đời sống hàng ngày như: tiếng xe máy, tiếng xe đạp, tiếng vật dụng nhà bếp,…

Hướng dẫn cách chơi:

  • Mẹ hãy mở cho bé nghe và gợi ý để bé có thể đoán được âm thanh đó là âm thanh gì. Trò chơi này giúp các bé mầm non từ 3 – 4 tuổi tập trung, lắng nghe tốt và đồng thời có kiến thức về những thứ xung quanh.

2. Trò chơi đếm số

Hướng dẫn cách chơi:

  • Bạn cho bé tập đếm các vật dụng như: ngón tay, ly nước, bánh, chai lọ…. Sau đó, bạn hãy tập cho bé đếm theo thứ tự các con số ngày càng lớn hơn, đồng thời nâng cao câu hỏi để kích thích trí não bé.

3. Lắp ráp mô hình

Chuẩn bị:

  • Các bộ lắp ráp đồ chơi bằng nhựa hoặc gỗ.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Mẹ bắt đầu bằng cách hướng dẫn bé lắp ráp một số hình đơn giản như: ngôi nhà, chiếc xe…
  • Sau đó để bé thỏa sức sáng tạo và tưởng tượng, mẹ cũng có thể giúp để bé lắp được hình mà bé mong muốn.
Lắp ráp mô hình là trò chơi thú vị dành cho trẻ mầm non.
Lắp ráp mô hình là trò chơi thú vị dành cho trẻ mầm non.

4. Trò chơi mình sống ở đâu?

Hướng dẫn cách chơi:

  • Trong trò chơi này, mẹ sẽ tập cho bé thuộc lòng địa chỉ nhà, địa chỉ trường học, số điện thoại của bố mẹ/người thân… Trò chơi này không chỉ rèn trí nhớ, mà còn giúp bé bảo vệ bản thân hiệu quả trong trường hợp bé đi lạc hoặc gặp nguy hiểm.

Trò chơi cho bé 5 tuổi thi xem ai giỏi nhất

Chuẩn bị:

  • Bảng gắn các tranh.
  • 10-12 tranh lô tô các loại khác nhau về các đồ vật, con vật…

Hướng dẫn cách chơi:

  • Bố mẹ gắn các tranh lên cho trẻ quan sát xem có những gì? Cho từng trẻ lên lấy tranh mà trẻ thích.
  • Sau đó bố mẹ yêu cầu trẻ kể về tranh đó. Ví dụ: Hoa hồng cành có gai, lá có răng cưa, cánh tròn, màu đỏ và có mùi thơm.
  • Tương tự như vậy với các đồ vật, con vật… Trẻ phải nói được những đặc điểm đặc trưng nhất của đối tượng đã đưa ra.
  • Trò chơi tiếp tục đến hết các tranh.
Trò chơi thi xem ai giỏi nhất
Trò chơi cho bé 5 tuổi thi xem ai giỏi nhất

Các trò chơi cho trẻ mầm non 5 tuổi

1. Câu cá

Chuẩn bị:

  • Một bộ trò chơi câu cá.
  • Cắt chữ sau đó dán lên những chú cá. 
  • Nếu chưa có sẵn bộ trò chơi câu cá, mẹ có thể cắt hình những chú cá và viết lên đó những chữ cái. Sau đó đục lỗ vào lưng cá, gắn vào đó 1 chiếc kẹp giấy.
  • Đối với cần câu, mẹ cần buộc đầu dây với một thanh nam châm.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Để bắt đầu chơi, mẹ hãy cùng bé thi xem ai câu được cá trước.
  • Mỗi khi có người câu được cá, mẹ và bé hãy cùng đọc to chữ cái được viết trên lưng con cá.
  • Trò chơi này sẽ giúp bé học chữ rất nhanh và nhớ bảng chữ cái lâu hơn.

2. Nghe – tìm

Chuẩn bị:

Một bảng chữ cái hoặc bảng số rời bằng gỗ hoặc nhựa.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Mẹ đặt bảng chữ cái hoặc bảng số trước mặt bé.
  • Đọc to chữ cái hoặc chữ số mà mẹ muốn bé đi tìm.
  • Bé đọc lại thật to, nhanh tay nhanh mắt tìm ra đúng chữ hoặc số đó.
  • Mẹ cũng có thể cho bé chơi trò chơi này theo nhóm để tăng sự hứng thú.

3. Cắt dán

Chuẩn bị:

  • Một tờ giấy trắng lớn và viết lên đó tên một chữ cái bất kỳ.
  • Cuốn tạp chí, báo, sách không còn sử dụng để bé chơi.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Sau khi viết chữ lên giấy trắng, mẹ hãy đưa cho bé xem.
  • Nhiệm vụ của bé là tìm những hình ảnh trong tạp chí bắt đầu từ chữ cái đó.
  • Sau đó, bé sẽ cắt hình ảnh từ tạp chí và dán lên trên tờ giấy có chữ cái.

4. Xếp hình tranh

Chuẩn bị: Bộ tranh xếp hình gồm nhiều mảnh.

Hướng dẫn cách chơi: 

  • Ban đầu, mẹ hãy bày các mảnh ghép ra trước mặt bé và hướng dẫn cách xếp.
  • Trong lúc bé xếp hình, mẹ có thể giúp đỡ và cho con lời khuyên để xếp được đúng nhất (xếp từ ngoài rìa tranh vào trong, phân loại các mảnh có màu sắc giống nhau…)

Ở mỗi độ tuổi đều sẽ có những trò chơi lý thú phù hợp với khả năng của bé. Thêm vào đó, để giúp các bé chơi một cách vui vẻ mà không bị nhàm chán, mẹ có thể tham khảo lịch lịch chơi trò chơi như bảng dưới đây:

Độ tuổi Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 Thứ 7 Chủ Nhật
Trẻ 1 tuổi Đếm số ngón tay Nhún nhảy theo nhạc Tập đi bằng xe Lắp ráp mô hình Xích đu Vẽ tranh Hát cùng bé
Trẻ 2 tuổi Kéo cưa lừa xẻ Hát cùng bé Di chuyển thăng bằng Pháo đài Vẽ tranh Tập tầm vông Vỗ tay theo nhịp
Trẻ 3 tuổi Săn tìm kho báu Oẳn tù xì Lắp ráp mô hình Ném gối Tung đồng xu Nhận biết màu sắc Đạp xe đạp
Trẻ 4 tuổi Hóa trang Mèo vờn chuột Đếm số Truyền tin Mình sống ở đâu? Cá sấu lên bờ Nghe – tìm
Trẻ 5 tuổi Xếp hình tranh Câu cá Nhảy dây Kể chuyện với nhạc nền Cắt dán Học từ xung quanh Cướp cờ

[key-takeaways title=”Lợi ích của trò chơi cho bé 5 tuổi rèn luyện trí tuệ”]

Theo định nghĩa của Đại học Y tế cộng đồng Harvard về các trò chơi rèn luyện trí tuệ là những trò chơi kích thích tư duy của não bộ; trong đó người chơi sẽ trực tiếp tương tác với trò chơi mà không cần phải thông qua màn hình điện thoại (như điện thoại di động, laptop).

Lợi ích của những trò chơi rèn luyện trí tuệ cho bé 5 tuổi:

  • Rèn luyện khả năng ghi nhớ.
  • Tạo hứng thú cho trẻ khám phá.
  • Rèn luyện kỹ năng tương tác xã hội.
  • Hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề.
  • Phát triển tư duy toán học và khả năng ngôn ngữ.
  • Kích thích tư duy trừu tượng, tưởng tượng, sáng tạo.

[/key-takeaways]

Trò chơi tô màu cho bé 5 tuổi
Các trò chơi rèn luyện trí não là những trò chơi kích thích tư duy phát triển của bé 5 tuổi

[related-articles title=”” articles=”268437″][/related-articles]

Lưu ý khi cho trẻ chơi trò chơi

Chơi các trò chơi là một hoạt động rất cần thiết dành cho các trẻ mầm non. Cụ thể, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyến nghị trẻ mẫu giáo nên dành ít nhất 180 phút (3 giờ) mỗi ngày để hoạt động thể chất. Lúc này các bé có thể đứng dậy, di chuyển xung quanh, chơi các hoạt động mạnh như nhảy dây, chạy, nhảy cao…

Các chuyên gia cho rằng các bé ở độ tuổi mẫu giáo nên được tạo điều kiện nhiều nhất có thể để vận động. Tuy nhiên, ba mẹ cũng nên chú ý cho con chơi ở nơi an toàn để tránh bị chấn thương.

Câu hỏi thường gặp

Có nên cho trẻ chơi video game trên điện thoại không? Có mang lại lợi ích gì không?

Theo các chuyên gia, trò chơi điện tử thực chất có thể mang lại một số lợi ích cho các bé như: cải thiện kỹ năng đọc, kỹ năng thị giác, kỹ năng giải quyết vấn đề, tăng cường kết nối xã hội, tăng cường trí tưởng tượng.

[recommendation title=””]

Bất kể những lợi ích đã kể trên, việc sử dụng màn hình quá nhiều vẫn được chứng minh có thể gây ra béo phì, mất ngủ, giao tiếp kém, mất tập trung và các vấn đề về tâm trạng ở trẻ em. Vì thế, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo trẻ em từ 2 – 5 tuổi không nên xem màn hình điện tử quá 1 tiếng/ngày trong tuần và quá 3 tiếng/ngày vào các ngày cuối tuần.

[/recommendation]

Kết luận

Như vậy, bài viết trên đã cung cấp hơn 40 trò chơi thú vị dành cho trẻ đang ở độ tuổi mầm non. Việc tham gia các hoạt động thể chất có thể giúp phát triển về thể chất, trí tuệ và cải thiện kỹ năng giao tiếp với bạn bè. Hy vọng mẹ đã nắm được thông tin cần thiết trong bài viết này nhé.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Các cột mốc phát triển quan trọng của bé 5 tuổi

Bé 5 tuổi sắp vào lớp 1, chuẩn bị bước vào một môi trường mới mà ở đó đòi hỏi nhiều hơn ở con khả năng độc lập. May mắn là ở giai đoạn 5-6 tuổi, nhiều bé luôn ý thức tự chăm sóc bản thân. Điều này vô cùng cần thiết để con hòa nhập cùng bạn bè ở cấp học mới.

Cùng với khả năng tự lập, bé 5 tuổi cũng đạt được các cột mốc phát triển sau.

Sự phát triển của bé 5 tuổi 

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của bé 5 tuổi

Với trẻ 5 tuổi, chiều cao và cân nặng của con có sự tăng chậm hơn so với những năm đầu đới.

Để biết con có phát triển đạt chuẩn hay không, mẹ có thể tham khảo bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 5 tuổi trở lên tại đây.

2. Các mốc phát triển quan trọng của bé 5 tuổi

Sự phát triển thể chất

Ở bé 5 tuổi, khả năng phối hợp cơ thể đã tốt hơn. Kỹ năng vận động thô và vận tinh đang ngày càng hoàn thiện. Nhờ đó, bé 5 tuổi đạt được các cột mốc phát triển sau về mặt thể chất.

  • Đứng bằng một chân tối thiểu 10 giây, khả năng giữ thăng bằng tốt.
  • Có thể nhảy lò cò, nhảy cách quãng.
  • Có thể nhào lộn, đu đưa và leo trèo.
  • Dùng muỗng, nĩa và đôi khi dùng dao.
  • Tự đi vệ sinh, tự mặc và cởi đồ, biết cài nút áo, thắt dây giày.
  • Biết đi xe đạp 2 hoặc 3 bánh.

Sự phát triển về mặt cảm xúc và xã hội

Sau đây là một số cột mốc phát triển về mặt cảm xúc và xã hội ở bé 5 tuổi.

  • Độc lập hơn, có thể xa bố mẹ, người chăm sóc mà không buồn bã quá mức như trước.
  • Bé 5 tuổi luôn hào hứng tham gia các hoạt động tập thể, thích kết bạn, biết chia sẻ đồ chơi với những trẻ khác.
  • Thích làm bố mẹ vui lòng.
  • Bắt chước người lớn và thích được khen.
  • Thích vai trò chỉ huy trong tập thể.
  • Thích hát, múa, tham gia các hoạt động văn thể mỹ.
  • Đã nhận thức và ý thức về giới tính. Xu hướng giới tính thể hiện khá rõ ở tính cách bé trai và bé gái. Bé trai mạnh mẽ, thích chơi các trò vận động như đá bóng, leo trèo. Trong khi đó, bé gái có vẻ dịu dàng và thích các trò chơi dành cho con gái như chơi búp bê, đồ hàng.
  • Phân biệt được điều gì thật và điều gì giả vờ.
  • Biết nói dối.

>> Mẹ có thể xem thêm: Dạy con ngoan để con sống trung thực

Sự phát triển về mặt cảm xúc và xã hội của trẻ 5 tuổi

Sự phát triển về mặt nhận thức, ngôn ngữ

Bé 5 tuổi đã biết tuân thủ nội quy, nhận thức được đúng sai. Ngoài ra, còn còn biết:

  • Kể một câu chuyện với nhiều tình tiết. 
  • Biết múa, hát, đóng kịch và minh họa.
  • Dùng thì tương lai trong giao tiếp.
  • Nói họ tên, địa chỉ nhà, số điện thoại của ba mẹ.
  • Hiểu khái niệm về thời gian như sáng, trưa, chiều…
  • Có thể đếm hơn 20.
  • Biết gọi tên các màu sắc cơ bản.
  • Thuộc mặt chữ, mặt số, biết viết các nét chữ cơ bản nếu được dạy.
  • Biết sử dụng các đại từ như con, cô, bác…
  • Hiểu và làm theo các yêu cầu từ 3 hành động trở lên.

3. Một số vấn đề thường gặp ở bé 5 tuổi

Vấn đề ngôn ngữ ở bé 5 tuổi

Bé 5 tuổi có thể gặp một vài vấn đề về ngôn ngữ sau đây:

  • Phát âm: Khi 5 tuổi, bé có thể nói những gì mình muốn một cách rất dễ hiểu. Tuy nhiên, một số bé khi lên 5 vẫn bị vẫn bị vấn đề khi phát âm một số từ khó và điều này thường được khắc phục dần dần khi bé bắt đầu đến trường. Mẹ không cần phải quá lo lắng đâu nhé!
  • Nói nhầm từ: Việc nói nhầm một số từ vẫn xảy ra trong giai đoạn này và có thể kéo dài cho đến khi bé lên 7.
  • Nói lắp: Điều này có thể làm các bậc cha mẹ quan tâm lo lắng. Tuy nhiên, nói lắp ở độ tuổi này là một giai đoạn phát triển bình thường mà nhiều trẻ phải trải qua. Con của mẹ đang đến gần với một bước tiến lớn trong kỹ năng ngôn ngữ của mình. Vì vậy thỉnh thoảng bé sẽ gặp khó khăn khi nói đầy đủ một câu lưu loát. Trước mỗi giai đoạn phát triển, bé sẽ có một khoảng thời gian chùng xuống, sau đó sẽ tiến bộ hơn với một kỹ năng mới.

Mặt khác, mẹ sẽ nhận ra bé có thể nói lắp khi bé mệt mỏi, kích thích hay buồn rầu.

Cách chữa nói lắp cho trẻ đòi hỏi sự dịu dàng và kiên trì của mẹ.

  • Nếu bé gặp khó khăn khi phát âm những từ khó thì đừng la mắng hay cắt ngang lời của bé. Thay vào đó, hãy phát âm thật rõ từ đó khi đến lượt mẹ nói.
  • Đọc sách hay trò chuyện cùng con là cách tuyệt vời để thúc đẩy kỹ năng ngôn ngữ của bé. Truyện cho bé 5 tuổi cần mang ý nghĩa giáo dục. Mẹ có thể tham khảo truyện cho bé 5 tuổi từ các tuyển tập truyện cổ nổi tiếng trên thế giới như truyện cổ Grimm, truyện cổ Andersen.
  • Đừng bắt con nói chậm lại, mẹ nên lắng nghe và chờ đợi con kết thúc câu nói hoặc câu chuyện. Vì nếu mẹ quay lưng và làm một cách vội vàng, con sẽ cảm thấy áp lực “phải nói ra hết” và điều này sẽ chỉ làm cho bé nói lắp nặng hơn.
  • Nếu bé liên tục gặp vấn đề về phát âm, nói lắp và không có tiến bộ trong vài tháng, mẹ nên dành cho bé sự quan tâm đặc biệt hơn. Hãy cho bé đi khám nếu mẹ nghĩ bé gặp khó khăn khi nói là vì bé nghe không rõ. Trường hợp khác cũng cần gặp bác sĩ là con chảy nước dãi khi nói sai hoặc khó khăn trong việc ăn và nuốt thức ăn.

>> Mẹ có thể xem thêm: Những mẩu truyện cổ tích để kể chuyện cho bé ngủ ngon

Hướng dẫn chăm sóc bé 5 tuổi

1. Dinh dưỡng cho trẻ 5 tuổi

Dưới đây là một số nhóm dinh dưỡng quan trọng tốt cho sự phát triển của bé đoạn này, mẹ nên thường xuyên cho vào thực đơn món ngon cho bé 5 tuổi hàng tuần như gợi ý nhé.

  • Nhóm đạm: Mẹ bổ sung đạm cho bé bằng các thực phẩm như thịt, cá, tôm, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa… Số lần ăn trong tuần gồm 2 ngày thịt bò hoặc heo, 2-3 ngày thịt gà hoặc cá, rải rác 2 ngày trứng và các chế phẩm từ sữa (phô mai).
  • Chất béo omega-3: Các loại cá chứa chất béo omega-3 như cá thu, cá hồi, cá chép, lươn nên ăn 2 ngày mỗi tuần. Lượng ăn một ngày khoảng 80-100g thịt cá, lươn đã lọc bỏ xương.
  • Thực phẩm bổ sung lợi khuẩn: Mẹ thường xuyên cho bé 5 tuổi ăn yogurt, sữa chua, ít nhất 2-3 ngày trong tuần. Đường ruột khỏe mạnh là nền tảng để trẻ có sức đề kháng tốt, chống chọi trước các tác nhân gây bệnh.
  • Chất xơ, vitamin và khoáng chất: Mỗi ngày nếu trẻ được ăn 3 loại rau củ và 1-2 loại quả thì rất tốt. Để dễ lên thực đơn, cứ 3 ngày mẹ xếp cho con ăn 5 loại rau củ và 3 loại quả thì vẫn đảm bảo dinh dưỡng đối với trẻ. Mẹ cũng lưu ý là lượng sữa cho bé 5 tuổi nên giảm xuống còn khoảng 500ml/ngày. Ở giai đoạn 5 tuổi, bé nên uống các loại sữa tươi không đường, ít đường hoặc sữa công thức.
  • Mẹ có thể xem thêm món ngon cho bé 5 tuổi tại đây.

[inline_article id=270625]

2. Hoạt động cho trẻ 5 tuổi phát triển

Cho con trải nghiệm nhiều hoạt động, trò chơi cho bé 5 tuổi để giúp con phát triển tối ưu nhé mẹ.

  • Xếp lego, hình khối để rèn luyện khả năng suy nghĩ logic, khả năng tập trung, ghi nhớ, khả năng sáng tạo. Đây là một trong những trò chơi cho bé 5 tuổi được khuyến khích.
  • Giúp bé 5 tuổi nâng cao tốc độ ghi nhớ bằng trò chơi đọc tên đồ vật.
  • Dạy bé 5 tuổi đếm số, các phép tính cộng, tính trừ khi chơi cùng con thông qua việc đếm kẹo, chia bánh…

>>> Mẹ có thể xem thêm: 10 trò chơi giúp bé phát triển kỹ năng

3. Cách nói chuyện với trẻ 5 tuổi

Kỹ năng ngôn ngữ là một trong những kỹ năng quan trọng đối với bé 5 tuổi; vì nó hỗ trợ việc học của con trên lớp hiệu quả.

Trẻ 5 tuổi càng tham gia vào cuộc trò chuyện và chơi tương tác nhiều; chúng càng học được nhiều hơn. Đọc sách, hát, chơi trò chơi chữ và nói chuyện với trẻ sẽ tăng vốn từ vựng của con; đồng thời mang lại nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng nghe.

Dưới đây là một số cách mẹ có thể giúp tăng cường kỹ năng giao tiếp của con:

  • Nói về các hoạt động trong ngày.
  • Nói chuyện với con bạn về những cuốn sách bạn đã đọc cùng nhau.
  • Nói chuyện với con bạn về các chương trình TV và video mà bạn xem cùng nhau.
  • Giữ sách, tạp chí và các tài liệu đọc khác ở nơi trẻ có thể tiếp cận chúng mà không cần trợ giúp.
  • Giúp trẻ tạo album “Đây là tôi” hoặc “Đây là gia đình của chúng ta” với ảnh hoặc vật lưu niệm.
  • Từ vựng và các mẫu giao tiếp

4. Trẻ 5 tuổi nên học gì?

Bên cạnh học kiến thức, bé 5 tuổi cần rèn luyện thêm các phẩm chất, kỹ năng cần thiết khác. Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa những kỹ năng hình thành thời thơ ấu với sự thành công trong tương lai của trẻ.

Kiến thức

Ở tuổi này, bé 5 tuổi có thể học chữ, học toán, học tiếng anh.

Nếu mẹ đang tìm hiểu về giáo trình toán tư duy Mathnasium và chưa biết nên cho trẻ học theo phương pháp nào để đạt được hiệu quả, mẹ có thể xem thêm tại đây.

bé 5 tuổi học tiếng anh

Các kỹ năng quan trọng giúp trẻ thành công

Tự lực

  • Có ý thức và kỹ năng tự phục vụ như biết vệ sinh cá nhân, tự mang giày dép, quần áo, biết xếp quần áo, tự ăn, sau khi ăn, uống xong biết tự bỏ chén, muỗng, ly vào bồn rửa, dọn dẹp đồ chơi cất đúng chỗ.
  • Cố gắng hết mình, quyết tâm đến cùng, không bỏ dở công việc đang làm.

Tự tin

  • Tự hào về bản thân và biết mình có thể làm gì, làm tốt việc gì.
  • Mạnh dạn, tự tin, thoải mái trước đám đông, người lạ.

Độc lập

  • Biết đưa ra ý kiến riêng.
  • Biết lựa chọn theo ý muốn.
  • Vui tươi, hồn nhiên trong giao tiếp, sinh hoạt cộng đồng như ca hát, diễn kịch, trình diễn văn nghệ…

Biết cảm nhận cái đẹp xung quanh

  • Quan tâm, để ý đến vẻ đẹp của mọi vật xung quanh từ màu sắc, hình dáng cho đến sự hài hòa, tính đa dạng.
  • Thể hiện cảm xúc, thái độ, hành vi… mong muốn tạo ra cái đẹp như xếp đồ gọn gàng, chăm sóc cây hoa, không hái hoa, bẻ cành, xả rác, ăn mặc theo ý thích, chải tóc gọn gàng…
  • Xây dựng cho trẻ niềm yêu thích với nghệ thuật, âm nhạc, hội họa bằng cách tạo điều kiện để con theo học các môn này (nếu con muốn), tham gia các hoạt động liên quan.

Sáng tạo

  • Để trẻ tự do lựa chọn những nhu cầu cơ bản như món ăn, quần áo, đồ chơi…
  • Hướng dẫn hoặc gợi ý con tạo ra các món đồ mới từ vật liệu tái chế hay các món đồ cũ ít dùng.
  • Thường xuyên đặt những câu hỏi mở với trẻ, chẳng hạn “Con nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu có một hành tinh khác giống trái đất?”.
  • Mua cho con những đồ chơi kích thích khả năng sáng tạo ở trẻ như màu vẽ, đất sét nặn, logo…

Quản lý tiền bạc

Dạy bé 5 tuổi về tiền bạc

Bé 5 tuổi đã biết tiền dùng để mua hàng hóa và thực phẩm. Mẹ có thể giúp trẻ học về mệnh giá của từng loại tiền, bắt đầu với những tờ mệnh giá nhỏ.

Hãy giúp bé 5 tuổi nhận dạng các tờ tiền bằng cách phân biệt sự khác nhau về màu sắc, chữ số… Hơn nữa, cho trẻ nhìn và tập đọc các con số trên hóa đơn mua hàng cũng như các số trên tờ tiền cũng là cách học chữ số đơn giản, hiệu quả.

Tuy nhiên, mục đích chính dạy trẻ về tiền bạc vẫn là dạy về các khía cạnh sau:

  • Học cách tiết kiệm: Dạy bé bỏ ống heo những đồng tiền tiêu vặt mà bố mẹ cho. Bé sẽ học được rằng việc tiết kiệm giúp tiền của bé nhiều dần lên. Bé có thể học cách “trì hoãn ham muốn”. Nếu bé có sự tập trung chú ý ngắn, mau chán, mẹ có thể bắt đầu với ống heo nhỏ để tiền nhanh đầy hơn.
  • Sự khác nhau giữa cần và muốn: Bắt đầu thảo luận với bé về sự khác biệt giữa hai khái niệm này. Mẹ sẽ mua cho bé những gì bé cần. Mặt khác đối với những gì bé muốn bé sẽ phải tiết kiệm để mua chúng.
  • Cha mẹ không phải ngân hàng luôn mở của bé: Đây là một bài học cơ bản cho trẻ như ta vẫn thường nói “bố mẹ không thể vẽ ra tiền”. Điều này dạy cho bé rằng tiền có hạn và mỗi người phải sống với một ngân sách nhất định.

5. Cách giáo dục bé 5 tuổi

Cần tạo điều kiện tối đa cho bé 5 tuổi tìm hiểu về thế giới xung quanh. Mọi thành viên trong gia đình nên có những khoảng thời gian chơi đùa vận động cùng nhau, nhất là các hoạt động ngoài trời. Bởi đây chính là phương thức tốt nhất giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Nên chú trọng đến tâm sinh lý của bé 5 tuổi bởi đây là độ tuổi có những cảm xúc khá thất thường. Trẻ có thể đôi khi đòi hỏi nhưng có lúc lại rất hợp tác. Vì thế, cha mẹ cần có cách ứng xử phù hợp khi 2 cảm xúc tiêu cực này của trẻ trỗi dậy. 

Mặt khác, để bé 5 tuổi tự lập hơn, chuẩn bị cho quá trình học chữ ở cấp 1, bố mẹ nên “lười” một chút, đừng hành xử theo cách “không chịu để cho con lớn” bằng việc phục vụ “tận răng” cho trẻ. 

Bất cứ giai đoạn nào, trẻ cũng cần được chỉ dạy, trải nghiệm để trở thành một cá thể độc lập và tự tin. Đây mới là điều tốt nhất mà cha mẹ nên dành cho trẻ.

Lời khuyên của bác sĩ để bé 5 tuổi phát triển tốt

Lời khuyên của bác sĩ

Nếu bé 5 tuổi có các biểu hiện sau, mẹ nên cho con đi khám để được tư vấn và chữa trị nếu chẳng may con được xếp vào nhóm trẻ chậm phát triển.

  • Trẻ khó khăn trong hoạt động chạy nhảy, không thể đứng bằng một chân dù chỉ vài giây.
  • Khó tập trung vào một hoạt động hơn 5 phút.
  • Thường xuyên la hét, cáu giận, không kiểm soát được cảm xúc.
  • Không thể hiện nhiều cảm xúc.
  • Không thích chơi, tham gia các hoạt động cùng bạn bè đồng trang lứa, thích một mình.
  • Không nói được họ tên, không đếm được tới 10, không nhận biết được màu sắc.
  • Không thể cầm bút.
  • Không thể tự đánh răng, mặc và cởi quần áo hay vệ sinh bản thân.
  • Mất các kỹ năng đã đạt được.
  • Không hiểu người khác nói, không thể hiểu và thực hiện theo các yêu cầu.

Tuy sự phát triển của trẻ 5 tuổi không giống nhau. Nhưng việc nhận biết các dấu hiệu bất ổn ở trẻ và can thiệp sớm là vô cùng quan trọng. Nếu mẹ cảm thấy quá lo lắng hoặc thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, hãy đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và có biện pháp can thiệp kịp thời nhé.

Hương Lê