Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Các cột mốc phát triển quan trọng của bé 5 tuổi

Bé 5 tuổi sắp vào lớp 1, chuẩn bị bước vào một môi trường mới mà ở đó đòi hỏi nhiều hơn ở con khả năng độc lập. May mắn là ở giai đoạn 5-6 tuổi, nhiều bé luôn ý thức tự chăm sóc bản thân. Điều này vô cùng cần thiết để con hòa nhập cùng bạn bè ở cấp học mới.

Cùng với khả năng tự lập, bé 5 tuổi cũng đạt được các cột mốc phát triển sau.

Sự phát triển của bé 5 tuổi 

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của bé 5 tuổi

Với trẻ 5 tuổi, chiều cao và cân nặng của con có sự tăng chậm hơn so với những năm đầu đới.

Để biết con có phát triển đạt chuẩn hay không, mẹ có thể tham khảo bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 5 tuổi trở lên tại đây.

2. Các mốc phát triển quan trọng của bé 5 tuổi

Sự phát triển thể chất

Ở bé 5 tuổi, khả năng phối hợp cơ thể đã tốt hơn. Kỹ năng vận động thô và vận tinh đang ngày càng hoàn thiện. Nhờ đó, bé 5 tuổi đạt được các cột mốc phát triển sau về mặt thể chất.

  • Đứng bằng một chân tối thiểu 10 giây, khả năng giữ thăng bằng tốt.
  • Có thể nhảy lò cò, nhảy cách quãng.
  • Có thể nhào lộn, đu đưa và leo trèo.
  • Dùng muỗng, nĩa và đôi khi dùng dao.
  • Tự đi vệ sinh, tự mặc và cởi đồ, biết cài nút áo, thắt dây giày.
  • Biết đi xe đạp 2 hoặc 3 bánh.

Sự phát triển về mặt cảm xúc và xã hội

Sau đây là một số cột mốc phát triển về mặt cảm xúc và xã hội ở bé 5 tuổi.

  • Độc lập hơn, có thể xa bố mẹ, người chăm sóc mà không buồn bã quá mức như trước.
  • Bé 5 tuổi luôn hào hứng tham gia các hoạt động tập thể, thích kết bạn, biết chia sẻ đồ chơi với những trẻ khác.
  • Thích làm bố mẹ vui lòng.
  • Bắt chước người lớn và thích được khen.
  • Thích vai trò chỉ huy trong tập thể.
  • Thích hát, múa, tham gia các hoạt động văn thể mỹ.
  • Đã nhận thức và ý thức về giới tính. Xu hướng giới tính thể hiện khá rõ ở tính cách bé trai và bé gái. Bé trai mạnh mẽ, thích chơi các trò vận động như đá bóng, leo trèo. Trong khi đó, bé gái có vẻ dịu dàng và thích các trò chơi dành cho con gái như chơi búp bê, đồ hàng.
  • Phân biệt được điều gì thật và điều gì giả vờ.
  • Biết nói dối.

>> Mẹ có thể xem thêm: Dạy con ngoan để con sống trung thực

Sự phát triển về mặt cảm xúc và xã hội của trẻ 5 tuổi

Sự phát triển về mặt nhận thức, ngôn ngữ

Bé 5 tuổi đã biết tuân thủ nội quy, nhận thức được đúng sai. Ngoài ra, còn còn biết:

  • Kể một câu chuyện với nhiều tình tiết. 
  • Biết múa, hát, đóng kịch và minh họa.
  • Dùng thì tương lai trong giao tiếp.
  • Nói họ tên, địa chỉ nhà, số điện thoại của ba mẹ.
  • Hiểu khái niệm về thời gian như sáng, trưa, chiều…
  • Có thể đếm hơn 20.
  • Biết gọi tên các màu sắc cơ bản.
  • Thuộc mặt chữ, mặt số, biết viết các nét chữ cơ bản nếu được dạy.
  • Biết sử dụng các đại từ như con, cô, bác…
  • Hiểu và làm theo các yêu cầu từ 3 hành động trở lên.

3. Một số vấn đề thường gặp ở bé 5 tuổi

Vấn đề ngôn ngữ ở bé 5 tuổi

Bé 5 tuổi có thể gặp một vài vấn đề về ngôn ngữ sau đây:

  • Phát âm: Khi 5 tuổi, bé có thể nói những gì mình muốn một cách rất dễ hiểu. Tuy nhiên, một số bé khi lên 5 vẫn bị vẫn bị vấn đề khi phát âm một số từ khó và điều này thường được khắc phục dần dần khi bé bắt đầu đến trường. Mẹ không cần phải quá lo lắng đâu nhé!
  • Nói nhầm từ: Việc nói nhầm một số từ vẫn xảy ra trong giai đoạn này và có thể kéo dài cho đến khi bé lên 7.
  • Nói lắp: Điều này có thể làm các bậc cha mẹ quan tâm lo lắng. Tuy nhiên, nói lắp ở độ tuổi này là một giai đoạn phát triển bình thường mà nhiều trẻ phải trải qua. Con của mẹ đang đến gần với một bước tiến lớn trong kỹ năng ngôn ngữ của mình. Vì vậy thỉnh thoảng bé sẽ gặp khó khăn khi nói đầy đủ một câu lưu loát. Trước mỗi giai đoạn phát triển, bé sẽ có một khoảng thời gian chùng xuống, sau đó sẽ tiến bộ hơn với một kỹ năng mới.

Mặt khác, mẹ sẽ nhận ra bé có thể nói lắp khi bé mệt mỏi, kích thích hay buồn rầu.

Cách chữa nói lắp cho trẻ đòi hỏi sự dịu dàng và kiên trì của mẹ.

  • Nếu bé gặp khó khăn khi phát âm những từ khó thì đừng la mắng hay cắt ngang lời của bé. Thay vào đó, hãy phát âm thật rõ từ đó khi đến lượt mẹ nói.
  • Đọc sách hay trò chuyện cùng con là cách tuyệt vời để thúc đẩy kỹ năng ngôn ngữ của bé. Truyện cho bé 5 tuổi cần mang ý nghĩa giáo dục. Mẹ có thể tham khảo truyện cho bé 5 tuổi từ các tuyển tập truyện cổ nổi tiếng trên thế giới như truyện cổ Grimm, truyện cổ Andersen.
  • Đừng bắt con nói chậm lại, mẹ nên lắng nghe và chờ đợi con kết thúc câu nói hoặc câu chuyện. Vì nếu mẹ quay lưng và làm một cách vội vàng, con sẽ cảm thấy áp lực “phải nói ra hết” và điều này sẽ chỉ làm cho bé nói lắp nặng hơn.
  • Nếu bé liên tục gặp vấn đề về phát âm, nói lắp và không có tiến bộ trong vài tháng, mẹ nên dành cho bé sự quan tâm đặc biệt hơn. Hãy cho bé đi khám nếu mẹ nghĩ bé gặp khó khăn khi nói là vì bé nghe không rõ. Trường hợp khác cũng cần gặp bác sĩ là con chảy nước dãi khi nói sai hoặc khó khăn trong việc ăn và nuốt thức ăn.

>> Mẹ có thể xem thêm: Những mẩu truyện cổ tích để kể chuyện cho bé ngủ ngon

Hướng dẫn chăm sóc bé 5 tuổi

1. Dinh dưỡng cho trẻ 5 tuổi

Dưới đây là một số nhóm dinh dưỡng quan trọng tốt cho sự phát triển của bé đoạn này, mẹ nên thường xuyên cho vào thực đơn món ngon cho bé 5 tuổi hàng tuần như gợi ý nhé.

  • Nhóm đạm: Mẹ bổ sung đạm cho bé bằng các thực phẩm như thịt, cá, tôm, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa… Số lần ăn trong tuần gồm 2 ngày thịt bò hoặc heo, 2-3 ngày thịt gà hoặc cá, rải rác 2 ngày trứng và các chế phẩm từ sữa (phô mai).
  • Chất béo omega-3: Các loại cá chứa chất béo omega-3 như cá thu, cá hồi, cá chép, lươn nên ăn 2 ngày mỗi tuần. Lượng ăn một ngày khoảng 80-100g thịt cá, lươn đã lọc bỏ xương.
  • Thực phẩm bổ sung lợi khuẩn: Mẹ thường xuyên cho bé 5 tuổi ăn yogurt, sữa chua, ít nhất 2-3 ngày trong tuần. Đường ruột khỏe mạnh là nền tảng để trẻ có sức đề kháng tốt, chống chọi trước các tác nhân gây bệnh.
  • Chất xơ, vitamin và khoáng chất: Mỗi ngày nếu trẻ được ăn 3 loại rau củ và 1-2 loại quả thì rất tốt. Để dễ lên thực đơn, cứ 3 ngày mẹ xếp cho con ăn 5 loại rau củ và 3 loại quả thì vẫn đảm bảo dinh dưỡng đối với trẻ. Mẹ cũng lưu ý là lượng sữa cho bé 5 tuổi nên giảm xuống còn khoảng 500ml/ngày. Ở giai đoạn 5 tuổi, bé nên uống các loại sữa tươi không đường, ít đường hoặc sữa công thức.
  • Mẹ có thể xem thêm món ngon cho bé 5 tuổi tại đây.

[inline_article id=270625]

2. Hoạt động cho trẻ 5 tuổi phát triển

Cho con trải nghiệm nhiều hoạt động, trò chơi cho bé 5 tuổi để giúp con phát triển tối ưu nhé mẹ.

  • Xếp lego, hình khối để rèn luyện khả năng suy nghĩ logic, khả năng tập trung, ghi nhớ, khả năng sáng tạo. Đây là một trong những trò chơi cho bé 5 tuổi được khuyến khích.
  • Giúp bé 5 tuổi nâng cao tốc độ ghi nhớ bằng trò chơi đọc tên đồ vật.
  • Dạy bé 5 tuổi đếm số, các phép tính cộng, tính trừ khi chơi cùng con thông qua việc đếm kẹo, chia bánh…

>>> Mẹ có thể xem thêm: 10 trò chơi giúp bé phát triển kỹ năng

3. Cách nói chuyện với trẻ 5 tuổi

Kỹ năng ngôn ngữ là một trong những kỹ năng quan trọng đối với bé 5 tuổi; vì nó hỗ trợ việc học của con trên lớp hiệu quả.

Trẻ 5 tuổi càng tham gia vào cuộc trò chuyện và chơi tương tác nhiều; chúng càng học được nhiều hơn. Đọc sách, hát, chơi trò chơi chữ và nói chuyện với trẻ sẽ tăng vốn từ vựng của con; đồng thời mang lại nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng nghe.

Dưới đây là một số cách mẹ có thể giúp tăng cường kỹ năng giao tiếp của con:

  • Nói về các hoạt động trong ngày.
  • Nói chuyện với con bạn về những cuốn sách bạn đã đọc cùng nhau.
  • Nói chuyện với con bạn về các chương trình TV và video mà bạn xem cùng nhau.
  • Giữ sách, tạp chí và các tài liệu đọc khác ở nơi trẻ có thể tiếp cận chúng mà không cần trợ giúp.
  • Giúp trẻ tạo album “Đây là tôi” hoặc “Đây là gia đình của chúng ta” với ảnh hoặc vật lưu niệm.
  • Từ vựng và các mẫu giao tiếp

4. Trẻ 5 tuổi nên học gì?

Bên cạnh học kiến thức, bé 5 tuổi cần rèn luyện thêm các phẩm chất, kỹ năng cần thiết khác. Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa những kỹ năng hình thành thời thơ ấu với sự thành công trong tương lai của trẻ.

Kiến thức

Ở tuổi này, bé 5 tuổi có thể học chữ, học toán, học tiếng anh.

Nếu mẹ đang tìm hiểu về giáo trình toán tư duy Mathnasium và chưa biết nên cho trẻ học theo phương pháp nào để đạt được hiệu quả, mẹ có thể xem thêm tại đây.

bé 5 tuổi học tiếng anh

Các kỹ năng quan trọng giúp trẻ thành công

Tự lực

  • Có ý thức và kỹ năng tự phục vụ như biết vệ sinh cá nhân, tự mang giày dép, quần áo, biết xếp quần áo, tự ăn, sau khi ăn, uống xong biết tự bỏ chén, muỗng, ly vào bồn rửa, dọn dẹp đồ chơi cất đúng chỗ.
  • Cố gắng hết mình, quyết tâm đến cùng, không bỏ dở công việc đang làm.

Tự tin

  • Tự hào về bản thân và biết mình có thể làm gì, làm tốt việc gì.
  • Mạnh dạn, tự tin, thoải mái trước đám đông, người lạ.

Độc lập

  • Biết đưa ra ý kiến riêng.
  • Biết lựa chọn theo ý muốn.
  • Vui tươi, hồn nhiên trong giao tiếp, sinh hoạt cộng đồng như ca hát, diễn kịch, trình diễn văn nghệ…

Biết cảm nhận cái đẹp xung quanh

  • Quan tâm, để ý đến vẻ đẹp của mọi vật xung quanh từ màu sắc, hình dáng cho đến sự hài hòa, tính đa dạng.
  • Thể hiện cảm xúc, thái độ, hành vi… mong muốn tạo ra cái đẹp như xếp đồ gọn gàng, chăm sóc cây hoa, không hái hoa, bẻ cành, xả rác, ăn mặc theo ý thích, chải tóc gọn gàng…
  • Xây dựng cho trẻ niềm yêu thích với nghệ thuật, âm nhạc, hội họa bằng cách tạo điều kiện để con theo học các môn này (nếu con muốn), tham gia các hoạt động liên quan.

Sáng tạo

  • Để trẻ tự do lựa chọn những nhu cầu cơ bản như món ăn, quần áo, đồ chơi…
  • Hướng dẫn hoặc gợi ý con tạo ra các món đồ mới từ vật liệu tái chế hay các món đồ cũ ít dùng.
  • Thường xuyên đặt những câu hỏi mở với trẻ, chẳng hạn “Con nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu có một hành tinh khác giống trái đất?”.
  • Mua cho con những đồ chơi kích thích khả năng sáng tạo ở trẻ như màu vẽ, đất sét nặn, logo…

Quản lý tiền bạc

Dạy bé 5 tuổi về tiền bạc

Bé 5 tuổi đã biết tiền dùng để mua hàng hóa và thực phẩm. Mẹ có thể giúp trẻ học về mệnh giá của từng loại tiền, bắt đầu với những tờ mệnh giá nhỏ.

Hãy giúp bé 5 tuổi nhận dạng các tờ tiền bằng cách phân biệt sự khác nhau về màu sắc, chữ số… Hơn nữa, cho trẻ nhìn và tập đọc các con số trên hóa đơn mua hàng cũng như các số trên tờ tiền cũng là cách học chữ số đơn giản, hiệu quả.

Tuy nhiên, mục đích chính dạy trẻ về tiền bạc vẫn là dạy về các khía cạnh sau:

  • Học cách tiết kiệm: Dạy bé bỏ ống heo những đồng tiền tiêu vặt mà bố mẹ cho. Bé sẽ học được rằng việc tiết kiệm giúp tiền của bé nhiều dần lên. Bé có thể học cách “trì hoãn ham muốn”. Nếu bé có sự tập trung chú ý ngắn, mau chán, mẹ có thể bắt đầu với ống heo nhỏ để tiền nhanh đầy hơn.
  • Sự khác nhau giữa cần và muốn: Bắt đầu thảo luận với bé về sự khác biệt giữa hai khái niệm này. Mẹ sẽ mua cho bé những gì bé cần. Mặt khác đối với những gì bé muốn bé sẽ phải tiết kiệm để mua chúng.
  • Cha mẹ không phải ngân hàng luôn mở của bé: Đây là một bài học cơ bản cho trẻ như ta vẫn thường nói “bố mẹ không thể vẽ ra tiền”. Điều này dạy cho bé rằng tiền có hạn và mỗi người phải sống với một ngân sách nhất định.

5. Cách giáo dục bé 5 tuổi

Cần tạo điều kiện tối đa cho bé 5 tuổi tìm hiểu về thế giới xung quanh. Mọi thành viên trong gia đình nên có những khoảng thời gian chơi đùa vận động cùng nhau, nhất là các hoạt động ngoài trời. Bởi đây chính là phương thức tốt nhất giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Nên chú trọng đến tâm sinh lý của bé 5 tuổi bởi đây là độ tuổi có những cảm xúc khá thất thường. Trẻ có thể đôi khi đòi hỏi nhưng có lúc lại rất hợp tác. Vì thế, cha mẹ cần có cách ứng xử phù hợp khi 2 cảm xúc tiêu cực này của trẻ trỗi dậy. 

Mặt khác, để bé 5 tuổi tự lập hơn, chuẩn bị cho quá trình học chữ ở cấp 1, bố mẹ nên “lười” một chút, đừng hành xử theo cách “không chịu để cho con lớn” bằng việc phục vụ “tận răng” cho trẻ. 

Bất cứ giai đoạn nào, trẻ cũng cần được chỉ dạy, trải nghiệm để trở thành một cá thể độc lập và tự tin. Đây mới là điều tốt nhất mà cha mẹ nên dành cho trẻ.

Lời khuyên của bác sĩ để bé 5 tuổi phát triển tốt

Lời khuyên của bác sĩ

Nếu bé 5 tuổi có các biểu hiện sau, mẹ nên cho con đi khám để được tư vấn và chữa trị nếu chẳng may con được xếp vào nhóm trẻ chậm phát triển.

  • Trẻ khó khăn trong hoạt động chạy nhảy, không thể đứng bằng một chân dù chỉ vài giây.
  • Khó tập trung vào một hoạt động hơn 5 phút.
  • Thường xuyên la hét, cáu giận, không kiểm soát được cảm xúc.
  • Không thể hiện nhiều cảm xúc.
  • Không thích chơi, tham gia các hoạt động cùng bạn bè đồng trang lứa, thích một mình.
  • Không nói được họ tên, không đếm được tới 10, không nhận biết được màu sắc.
  • Không thể cầm bút.
  • Không thể tự đánh răng, mặc và cởi quần áo hay vệ sinh bản thân.
  • Mất các kỹ năng đã đạt được.
  • Không hiểu người khác nói, không thể hiểu và thực hiện theo các yêu cầu.

Tuy sự phát triển của trẻ 5 tuổi không giống nhau. Nhưng việc nhận biết các dấu hiệu bất ổn ở trẻ và can thiệp sớm là vô cùng quan trọng. Nếu mẹ cảm thấy quá lo lắng hoặc thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, hãy đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và có biện pháp can thiệp kịp thời nhé.

Hương Lê

Categories
Nấu ăn ngon Gia đình

Món ngon cho bé mỗi ngày hay ăn, mau lớn

Món ngon cho bé rất đa dạng. Mỗi một món lại có các vị và chất dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy việc thường xuyên thay đổi các món ngon cho bé mỗi ngày sẽ giúp con không bị thiếu hụt chất dinh dưỡng và không rơi vào tình trạng lười ăn nữa đấy mẹ ạ. Mẹ hãy tham khảo cách nấu món ngon cho bé dưới đây để thay đổi khẩu vị cho con yêu nhé.món ngon cho bé mỗi ngày

Món ngon cho bé 4 tuổi

1. Món bắp xào rực rỡ

Cắt ớt chuông thành từng miếng vuông vắn và xào sơ với dầu thực vật ở nhiệt độ trung bình trong khoảng 3 phút, sau đó mẹ cho thêm bắp và tiếp tục xào trong khoảng 2 phút. Nêm vào đây một chút muối, ớt bột (nếu bé có thể ăn cay) và hành lá, ngò tươi. Màu vàng của bắp, màu đỏ rực của ớt chuông, đây đó màu xanh của hành lá và ngò sẽ “quyến rũ” bé.

Thời gian thực hiện: 15 phút

2. Thơm bùi súp bí đỏ và bơ đậu phộng

Đầu tiên, xào ½ củ hành tây trong 1 thìa dầu thực vật trong 4 phút, trút vào đó khoảng 400g bí đỏ xay nhuyễn, thêm nước dùng gà, 57g bơ đậu phộng, ¼ thìa bột cà ri, ¼ thìa muối và nấu nóng lên. Khi đổ súp ra tô, mẹ có thể cho thêm một ít yogurt nhuyễn mịn để tạo thêm hương vị và trang trí cho món ăn.

Thời gian thực hiện: 20 phút

3. Ngọt ấm cà rốt tẩm mật ong

Hầu hết các nhóc tỳ đều hảo ngọt và món cà rốt tráng mật ong lấp lánh sẽ là lựa chọn lý tưởng khi bạn muốn các con ăn thêm rau củ trong chế độ ăn của mình. Đầu tiên, luộc sơ cà rốt baby trong nước có pha chút muối trong khoảng 5 phút, vớt ra để ráo. Kế tiếp, đun chảy 1 thìa bơ với nhiệt độ trung bình, cho vào đó 1 thìa mật ong và ½ thìa gừng băm nhuyễn và để trong 1 phút. Trước khi ăn, mẹ có thể rắc thêm một ít ngò tây

Thời gian thực hiện: 20 phútMón ngon cho bé

4. “Bỏng” súp lơ

Bạn chẻ nhỏ bông súp lơ và đun với 2 thìa dầu ôliu, ¼ thìa tiêu. Nướng ở 200oC trong 20 phút đến khi thấy súp lơ bắt đầu chuyển màu cánh gián nhạt. Rắc lên đó 2 thìa phô mai Parmesan nhuyễn. Món súp lơ thơm mùi không kém bỏng ngô này là một gợi ý hay để “đổi gió” cho cả nhà đấy!

Thời gian thực hiện: 25 phút

5. Mát lạnh salad dưa leo

Bào dưa leo thành từng dải nhỏ, trộn chúng với sốt chua ngọt làm từ 2 thìa giấm gạo, 1 thìa dầu hạt cải tinh luyện, ½ thìa dầu mè, ½ thìa mật ong, chút muối và tiêu. Cuối cùng, khi dọn ra đĩa, rắc lên 1 ít mè trắng.

Thời gian chuẩn bị: 15 phút.

Món ngon cho bé ăn cơm từ gà

1. Cánh gà sốt trứng muối

♦ Chuẩn bị

+ Phần cánh gà
  • 10 cái cánh gà
  • 1 quả trứng gà
  • 1 thìa cà phê bột nêm
  • 1 thìa cà phê tiêu
  • 1 thìa cà phê bột tỏi
  • ½ chén bột mì đa dụng
  • 1/2 thìa cà phê bột nở (baking powder)
  • Dầu ăn

+ Phần sốt trứng muối

  • 5 lòng đỏ trứng muối
  • 20 lá húng quế
  • 5 tép tỏi đập dập
  • 3 thìa canh sữa tươi
  • 2 thìa canh bơ nhạt
  • 1 thìa cà phê đường
  • 1 thìa cà phê bột nêm
  • 1 thìa cà phê bột cà ri
  • 1 trái ớt sừng, bỏ hạt, cắt nhuyễn (nếu thích ăn cay)

♦ Cách làm

  • Cách gà rửa sạch, cắt thành 2 hoặc 3 miếng nhỏ tùy kích thước. Lau khô với giấy thấm.
  • Cho cánh gà vào túi ziplock, nêm thêm vào túi 1 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa cà phê bột tỏi, 1 thìa cà phê tiêu, bóp thật đều cho cánh gà thấm gia vị. Sau đó để túi cánh gà trong tủ lạnh qua đêm, hoặc để ít nhất 1 tiếng trước khi dùng.
  • Trước khi chiên, cho cánh gà ra tô, đập vào 1 quả trứng, trộn đều trứng với cánh gà. Trong 1 tô khác, trộn đều bột mì đa dụng với baking powder, sau đó cho cánh gà vào lăn nhẹ để cánh gà áo đều bột.
  •  Cho dầu vào chảo, canh lượng dầu đủ ngập khi chiên cánh gà, đun đến khi dầu nóng, sôi lăn tăn. Hạ lửa vừa, thả cánh gà vào chiên chín vàng đều 2 mặt, sau đó vớt cánh gà ra, bỏ lên đĩa có lót giấy hút dầu.
  • Lòng đỏ trứng muối cho vào chén với chút dầu mè, hấp hoặc nướng 10 phút cho trứng chín, sau đó dùng muỗng tán nhuyễn.
  • Lấy 1 chảo sạch, cho 2 thìa bơ vào, đợi tan chảy, cho 5 tép tỏi đập dập và lá húng quế vào phi thơm, sau đó cho trứng muối vào, để lửa vừa, xào nhanh tay cho đến khi trứng vừa nổi bọt thì thêm sữa tươi, bột cà ri, đường, bột nêm, ớt (nếu thích). Tiếp tục đảo nhanh tay, nếm lại sốt cho vừa miệng.
  • Cho cánh gà đã chiên vào, đảo đều đến khi toàn bộ phần sốt trứng muối bám đều lên cánh gà là được.Món ngon cho bé

2. Gà nấu sữa tươi

♦ Nguyên liệu
  • 1 cái đùi gà (khoảng 200g)
  • 1 củ khoai tây
  • 1 củ cà rốt
  • 1 củ hành tây
  • ½ lít sữa tươi
  • Tiêu, bơ lạt, đường, muối, hạt nêm, hành lá, hành tím

♦ Cách làm

  • Hành tím bóc vỏ, thái khoanh mỏng. Gà rửa sạch, ướp với hành tím, ít tiêu, 1/3 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm đảo đều rồi cho sữa tươi vào ngập miếng gà, cho vào tủ lạnh ngâm trong 30 phút.
  • Khoai tây, cà rốt, hành tây gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn. Hành lá làm sạch, cắt nhuyễn.
  • Bắc nồi lên bếp, cho 2 muỗng canh bơ lạt vào, bơ tan chảy vớt đùi gà ra cho vào nồi xào săn. Thêm cà rốt, khoai tây, hành tây vào đảo đều khoảng 2 phút. Sau đó trút sữa ngâm gà vào để lửa nhỏ, nấu trong 15 phút cho thấm.
  • Nêm nếm lại gia vị, đợi tới khi gà mềm, cho phần sữa tươi còn lại vào tiếp tục nấu lửa vừa cho sôi. Nêm ít muối, tiêu, hạt nêm vừa ăn. Tắt bếp.

3. Gà rim nho nhồi trứng

♦ Nguyên liệu
  • 100g thịt gà phi lê
  • 30g nho tươi
  • 3 quả trứng gà
  • 2 thìa cà phê đường
  • 2 thìa cà phê nước mắm
  • 1 thìa cà phê dầu hào
  • ¼ thìa cà phê nước màu
  • Tương cà, tương ớt, nước tương
  • Dầu ăn

♦ Cách làm

  • Trứng gà luộc chín
  • Gà rửa sạch, băm nhỏ. Nho tươi rửa sạch, cắt nhỏ. Hành lá làm sạch cắt nhỏ. Tỏi băm nhuyễn. Trứng gà chín lấy ra, bóc vỏ, cắt đôi theo chiều dọc, móc bỏ lòng đỏ.
  •  Nhồi gà rim nho vào miếng trứng, dọn ăn kèm nước tương, tương cà và cơm trắng.Món ngon cho bé

Món ngon cho bé 1 tuổi – 5 tuổi ăn vặt

1. Pudding đậu hũ trứng

♦ Nguyên liệu

  • 1 cây đậu hũ trứng
  • 500ml sữa tươi
  • 120-150g đường
  • 5-7g bột jelly (có thể thay thế bằng bột agar)
  • Mứt dâu và dâu tươi để trang trí

♦ Cách làm

  • Xay nhuyễn đậu hũ với ít sữa tươi.
  • Phần sữa tươi còn lại ngâm với bột jelly và đường, khuấy tan sau đó đun hỗn hợp trên lửa vừa đến khi bột jelly tan hoàn toàn.
  • Thêm hỗn hợp đậu hũ và sữa tươi vừa xay nhuyễn vào, trộn đều.
  • Cho hỗn hợp vào khuôn, để nguội cho vào tủ lạnh trước khi dùng.
  • Trước khi dùng lấy bánh ra khỏi khuôn, rưới ít siro dâu hoặc một loại siro yêu thích của bé.
  • Trang trí thêm trái cây tươi.

2. Pudding xoài

♦ Nguyên liệu

  • 3 quả xoài chín
  • 2 lá gelatin (10g bột gelatin)
  • 160ml sữa tươi hoặc nước cốt dừa tùy thích
  • 60ml heavy cream ướp lạnh
  • 1/2 chén đường cát

♦ Cách làm

  • Ngâm lá gelatin trong nước lạnh cho mềm. Sau đó cho vào lò vi sóng để 30 giây cho tan chảy, lấy muỗng khuấy cho tan.
  • Cho 1/2 lượng sữa, đường và gelatin đã ngâm vào nấu lửa nhỏ, khuấy đều cho đến khi đường và gelatin tan hoàn toàn. Tắt bếp, để nguội.
  • Xoài cắt miếng vuông, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Thêm phần sữa còn lại vào xay nhuyễn.
  • Trút hỗn hợp xoài vừa xay vào sữa nấu, thêm heavy cream vào khuấy đều, sau đó lược qua rây cho mịn nhuyễn.
  • Cho vào khuôn, để trong tủ lạnh 2-3 giờ đến khi hỗn hợp đông lại.
  • Trước khi ăn, mẹ có thể dùng xoài và lá bạc hà để trang trí cho món ăn thêm bắt mắt.Món ngon cho bé

3. Pudding gạo sữa dừa

♦ Nguyên liệu

  • 1/2 chén gạo
  • 1/3 chén đường
  • 200ml nước cốt dừa
  • 100ml whipping cream
  • 1 quả dừa non
  • 1 quả xoài

♦ Cách làm

  • Dừa chặt lấy nước, cạo lấy phần cơm dừa.
  • Gạo vo sạch, để ráo. Cho gạo, đường, nước cốt dừa, whipping cream và thêm vào 1/2 chén nước dừa tươi vào trộn đều, nấu lửa vừa cho đến khi gạo nở tơi, để nguội.
  • Cho pudding gạo sữa dừa vào ly, thêm dừa non lên, trang trí thêm xoài cắt hạt lựu, dùng lạnh.

Món ngon mỗi ngày cho bé giải nhiệt ngày hè

1. Các món cháo ngon cho bé

♦ Cháo đậu xanh, bí đỏ

Với tính mát và công dụng giúp thanh nhiệt, giải độc, đậu xanh là thực phẩm lý tưởng mà mẹ có thể cho con sau khi sinh khoảng 6-7 tháng ăn dặm trong những ngày hè nóng nực.

Bí đỏ, nhiều vitamin A, bổ sung năng lượng nhanh chóng. Mẹ có thể dùng đậu xanh, bí đỏ nấu cháo xay cho bé, rất dễ ăn mà lại thanh mát.

♦ Cháo hải sản

Trai, sò, nghêu, cá lóc vào mùa hè có rất nhiều, dễ ăn, có tính mát và cũng có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Mẹ có thể lựa chọn chế biến hải sản thành những món cháo cho bé ăn dặm trong ngày hè này.

♦ Soup cà rốt

Mẹ có thể cho con nhà mình ăn món sup này một lần một tuần để thay đổi khẩu vị và bổ sung thêm lượng vitamin A cần thiết. Cà rốt có chứa nhiều vitamin, rất cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì các tế bào cơ thể khỏe mạnh.

Nó còn giúp kích thích cảm giác ngon miệng của trẻ trong mùa hè oi bức.Món ngon cho bé

2. Món ngon cho bé ngày hè từ trái cây

Trái cây không nên vắng mặt trong thực đơn của bé hằng ngày. Những loại quả có nhiều trong ngày hè giúp bé dễ ăn dưới đây là lựa chọn tốt cho mẹ khi cho con ăn vào bữa xế.

♦ Nước cam, chanh

Mẹ có thể cho con uống 2-3 lần/1 tuần. Cam, chanh chứa hàm lượng vitamin C rất cao. Thức uống này rất tốt cho da và tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ.

♦ Dưa hấu

Hầu hết bé nào cũng rất thích dưa hấu vì màu sắc hấp dẫn và ngọt vị. Loại quả này rất giàu vitamin và nước giúp bổ sung năng lượng cho trẻ nhanh chóng. Mẹ có thể cho ăn trực tiếp hoặc bỏ hạt ép sinh tố trong ngày hè nhé.

♦ Chuối chín

Chuối chứa nhiều vitamin giúp kích thích sự tăng trưởng của các vi khuẩn có lợi trong ruột giúp bé tránh được các bệnh liên quan đến đường ruột thường gặp trong mùa hè. Một trái chuối mỗi ngày sẽ giúp trẻ tiêu hóa được tốt hơn, hạn chế tiêu chảy, dịu nhu động ruột.

♦ Xoài chín

Bé thích ăn xoài vì vị ngọt thơm và màu sắc đẹp. Xoài nhiều đường nhưng nếu cho bé ăn vừa phải thì sẽ không sợ bị nóng mẹ nhé. Xoài chứa nhiều dưỡng vitamin rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Một ly sinh tố xoài sữa chua sẽ giúp bé có đủ năng lượng và lượng nước cần thiết cho cả ngày dài trong mùa hè.Mang thai nen an gi

Dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, đặc biệt là giai đoạn từ 1-5 tuổi. Vì vậy mẹ hãy chú ý chăm chút bữa ăn thật khoa học bằng các món ngon cho bé nhé.

Marry Baby