Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Tụ dịch dưới màng đệm như thế nào thì nguy hiểm cho mẹ bầu?

Tụ dịch dưới màng đệm (hay tụ dịch dưới màng nuôi) là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong thai kỳ. Theo thống kê, có khoảng 25% phụ nữ trải qua hiện tượng này trong thai kỳ của mình. 

Mặc dù không phải tất cả những trường hợp ra máu khi mang thai đều là nguy hiểm. Tuy nhiên mẹ bầu cũng không nên quá chủ quan mà hãy tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân gây chảy máu để có hướng xử lý phù hợp. 

Ở bài viết này, MarryBaby sẽ giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc xoay quanh hiện tượng chảy máu do tụ dịch dưới màng đệm. Đây là hiện tượng gì?

Có nguy hiểm không? Bệnh có điều trị được không và điều trị như thế nào? Tất cả sẽ có ngay trong bài viết sau đây!

Tụ dịch dưới màng đệm là gì?

Dịch tụ dưới màng đệm (hay còn gọi là máu tụ dưới màn đệm hoặc xuất huyết dưới màng cứng,…) là một dạng chảy máu ở khu vực giữa màng ối, màng bao quanh em bé và thành tử cung của người mẹ trong quá trình mẹ mang thai.

Theo một nghiên cứu trên gần 64.000 phụ nữ mang thai thì có khoảng 1,7% người gặp phải tình trạng này. Lớp dịch tụ dưới màng đệm có thể nhỏ hoặc lớn tùy từng người.

Trường hợp dịch tụ lớn sẽ thường gây chảy máu nhiều xuyên suốt trong thai kỳ cũng như dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Vì sao lại có hiện tượng tụ dịch dưới màng đệm?

Theo nhiều nghiên cứu, nguyên nhân gây tụ máu dưới màng đệm là do sự bong mép nhau hoặc vỡ các xoang mạch máu ở rìa bánh nhau.

Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể gây ra hiện tượng này thì lại chưa có kết luận nào được đưa ra một cách rõ ràng. Một số yếu tố có thể liên quan đến chúng, bao gồm:

  • Dị dạng tử cung
  • Tiền sử sảy thai tái phát
  • Tiền sử nhiễm trùng vùng chậu
  • Tổn thương trong âm đạo
  • Tiền sản giật khởi phát sớm
  • Huyết áp cao nghiêm trọng
  • Thụ tinh trong ống nghiệm
  • Quan hệ tình dục khi mang thai
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Thai trứng
Tụ dịch dưới màng đệm
Tụ dịch dưới màng đệm có thể do các nguyên nhân ở tử cung

Tụ dịch dưới màng nuôi thường xảy ra ở giai đoạn nào của thai kỳ?

Hầu hết các trường hợp tụ dịch dưới màng đệm thường sẽ xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ. Đến tháng thứ 4, hiện tượng này sẽ biến mất nếu mẹ làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

Mặc dù vậy, vẫn sẽ có những trường hợp mẹ bầu bị ra máu âm đạo ở 2 tam cá nguyệt cuối trong thai kỳ. Khi đó, mẹ không nên quá lo lắng mà hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tụ dịch dưới màng đệm
Mẹ bầu bị tình trạng này không nên quá lo lắng để tránh khiến tình trạng trầm trọng hơn

Làm sao để mẹ bầu phát hiện hiện tượng tụ dịch dưới màng đệm?

Để kịp thời phát hiện mình có đang bị hay không, mẹ bầu hãy xem mình có gặp một số triệu chứng sau đây hay không:

  • Chảy máu màu nâu hoặc đỏ tươi ở âm đạo
  • Đau vùng chậu
  • Chuột rút ở bụng

Tuy nhiên, thật ra ở đa số các trường hợp, tụ dịch dưới màng đệm thường không để lại triệu chứng gì rõ ràng và chỉ phát hiện được khi mẹ bầu siêu âm định kỳ. Phương pháp siêu âm sử dụng sóng siêu âm để tạo ra các hình ảnh trắng đen của em bé và nhau thai, sóng Doppler để xem dòng chảy mạch máu.

Nếu mẹ bị tụ máu dưới màng đệm nhiều, các mảng máu bên trong tử cung sẽ được hiển thị rõ ràng trên màn hình. Trường hợp mới tụ hoặc tụ quá ít thì có khi không phát hiện được.

Tụ dịch dưới màng đệm có nguy hiểm không?

Trong hầu hết các trường hợp, mẹ bầu bị tụ máu thường không gây nguy hiểm gì cho mẹ và bé. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2012 đã phát hiện được một số biến chứng có liên quan đến hiện tượng tụ dịch dưới màng nuôi bao gồm sảy thai, sinh non, nhau thai bị bong tách và nhiều vấn đề khác.

Đến năm 2013, lại có một nghiên cứu khác tìm ra rằng hiện tượng này không làm tăng nguy cơ sảy thai. Vì vậy, cho đến nay, việc tụ dịch dưới màng đệm có phải là hiện tượng nguy hiểm hay không vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

Điều trị tụ dịch dưới màng nuôi như thế nào?

Như đã chia sẻ, đây không hẳn là hiện tượng quá nguy hiểm trong thai kỳ nên với đa số các trường hợp, bác sĩ chỉ khuyên mẹ bầu nên tăng cường nghỉ ngơi và hạn chế làm việc nặng, nhất là không được quan hệ tình dục.

Khi đó, hiện tượng chảy máu âm đạo cũng sẽ từ từ biến mất.

Với những trường hợp nghi ngờ có biến chứng nguy hiểm, để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp tùy vào thời gian mẹ bầu mang thai và kích thước khối máu tụ.

Tụ dịch dưới màng đệm
Bà bầu bị tụ dịch dưới màng đệm cần nghỉ ngơi và hạn chế vận động mạnh

1. Thai trước 20 tuần tuổi

Ở giai đoạn này, mẹ bầu chỉ cần hạn chế vận động mạnh và nghỉ ngơi thường xuyên. Những trường hợp cần thiết thì bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ hạn chế đi lại hoặc cần nhập viện.

2. Thai sau 20 tuần tuổi

Nếu mẹ bị tụ máu dưới màng đệm được phát hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ, việc điều trị có thể bao gồm:

  • Chụp siêu âm khoảng 1 -2 lần/tháng để kiểm tra sự phát triển của bé
  • Điều trị chuyển dạ sinh non nếu mẹ bắt đầu có các cơn co thắt
  • Nhập viện, đặc biệt là với trường hợp xuất huyết sau 24 tuần

Như vậy, tụ dịch dưới màng đệm đa phần đều không phải là hiện tượng quá nguy hiểm. Nếu mẹ bị ra máu và nghi ngờ mình bị tụ dịch, mẹ không nên quá lo lắng để khiến tình trạng trầm trọng hơn. Thay vào đó, hãy bình tĩnh và đến ngay khoa sản của bệnh viện gần nhất để được siêu âm. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp để bảo đảm cả mẹ và bé đều được an toàn.