Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

7 điều nên biết về u xơ tử cung khi mang thai

Phần lớn các mẹ bị u xơ tử cung vẫn trải qua một thai kỳ bình thường, tuy nhiên mọi chuyện đôi khi không được êm ả. MarryBaby sẽ cùng bạn tìm hiểu về những bất thường mà u xơ tử cung khi mang thai gây ra nhé.

Những đặc điểm của u xơ tử cung khi mang thai
Khoảng 1-10% phụ nữ bị u xơ tử cung khi mang thai

U xơ tử cung là những khối u lành tính phát triển từ các mô cơ trong tử cung. Chúng có thể nhỏ như hạt đậu hoặc lớn hơn quả nho, phát triển bên trong hoặc ngoài thành tử cung, bên trong khoang tử cung. Mẹ có thể xuất hiện nhiều khối u xơ đủ kích thước.

Khoảng 1-10% mẹ bị u xơ tử cung khi mang thai. Nhưng để phát hiện u xơ trong thời gian mang thai không phải việc dễ dàng. Các bác sĩ sẽ khó nhận ra u xơ do các cơ tử cung bị dày lên trong thời gian thai kỳ. Do đó, số mẹ mang thai mắc u xơ tử cung có thể nhiều hơn so với con số thống kê ghi nhận được.

U xơ tử cung trong 3 tháng đầu mang thai

Hầu hết u xơ tử cung không hình thành khi bạn mang thai, nhưng nếu có, thì u xơ thường xuất hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên. Đó là vì khối u cần hormone estrogen để phát triển. Cơ thể sẽ sản xuất nhiều hormone này khi bạn mang thai.

Các triệu chứng của u xơ tử cung trong giai đoạn này bao gồm:

  • Chảy máu và đau đớn
  • Sảy thai: 14% các mẹ có khả năng bị sảy thai trong giai đoạn này. Nếu bị nhiều u xơ thì nguy cơ sảy thai càng cao hơn.

U xơ tử cung khi mang thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ

U xơ tử cung khi mang thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ

Lúc này tử cung phải mở rộng hơn nữa để tạo không gian cho em bé, do đó các khối u có thể bị chèn ép. Cơ thể của mẹ có thể cảm thấy:

Đau đớn: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của u xơ tử cung, đặc biệt khi các khối u đang phình to ra. Đôi khi khối u bị xoắn khiến bạn đau quặn khó chịu. Đôi khi khối u phát triển quá lớn nên không nhận đủ máu cung cấp, dẫn đến chúng bị chết yểu. Quá trình này gọi là ”thoái hóa đỏ”, khiến mẹ đau bụng khủng khiếp. Trong một số trường hợp, mẹ có thể sảy thai. Để giảm đau, bạn có thể dùng thuốc acetaminophen (cần hỏi ý kiến bác sĩ), nhưng không nên dùng ibuprofen.

Nhau bong non: Đây là một cấp cứu sản khoa nghiêm trọng có thể gây tử vong cả mẹ lẫn con. Lúc này nhau thai sẽ bị bong ra khỏi thành tử cung trước khi thai nhi được sinh ra. Nhau thai có thể bị bong một phần hoặc hoàn toàn, dẫn đến thai nhi không nhận được dòng máu nuôi dưỡng chứa oxy, còn mẹ thì bị chảy máu nặng, dẫn đến bị sốc do mất máu. Mẹ sẽ cảm thấy bụng cứng và đau dữ dội. Tim thai bất thường, lúc này thai nhi cần được đưa gấp ra ngoài.

Sinh non: Nhiều khả năng mẹ sẽ sinh non trước tuần thứ 37 của thai kỳ.

em bé sinh non
Nhiều khả năng mẹ sẽ sinh non

U xơ tử cung trong giai đoạn chuyển dạ

Một số nghiên cứu cho thấy u xơ tử cung có thể khiến mẹ phải sinh mổ. Vì lúc này khối u khiến tử cung không co bóp và cũng chặn luôn đường dẫn sinh (nơi em bé chui ra), làm chậm quá trình sinh nở. Mẹ bị u xơ có khả năng phải sinh mổ cao gấp 6 lần mẹ không bị u xơ.

Hơn nữa, thai nhi nhiều khả năng sẽ là ngôi mông, tức mông em bé quay xuống phần dưới tử cung thay vì đầu. Đó cũng là lý do mẹ phải sinh mổ.

Hiện trạng u xơ tử cung sau sinh nở

U xơ tử cung thường teo lại sau khi sinh nở. Khoảng 3-6 tháng sau, những phụ nữ được may mắn ”mẹ tròn con vuông” thì các khối u xơ cũng teo hơn 50%.

Mổ u xơ tử cung khi đang mang thai

Trong trường hợp u xơ đặc biệt lớn gây nguy hiểm cho sản phụ và bào thai, thì bác sĩ có thể quyết định cắt khối u. Tuy nhiên, việc mổ cắt khối u không phải phương án tối ưu vì có thể gây ra nhiều biến chứng hơn.

Thường bác sĩ sẽ mổ khối u cùng lúc với mổ lấy thai, nhưng việc này cũng rủi ro. Do đó, bác sĩ chỉ mổ khối u nếu cần thiết. Phương án tốt nhất là chờ một thời gian sau sinh nở.

Vì u xơ có thể tái phát, do đó nếu mẹ không còn nhu cầu sinh con, thì bác sĩ có thể đề nghị phương án cắt bỏ hoàn toàn tử cung. Đây được xem là giải pháp duy nhất hiệu quả giúp mẹ không còn bị u xơ nữa.

cắt bỏ tử cung
Mẹ có thể quyết định việc cắt bỏ hoàn toàn tử cung

Ngăn ngừa u xơ tử cung khi mang thai

Mẹ có thể đi khám trước khi muốn có con để bác sĩ phát hiện và loại bỏ khối u. Tuy nhiên, việc loại bỏ khối u cũng chỉ mang tính chất tạm thời và có thể không hiệu quả. Mẹ có thể trải qua các phương án điều trị như:

  • Liệu pháp hormone
  • Điều trị bằng sóng siêu âm cường độ cao
  • Mổ cắt khối u
  • Thuyên tắc mạch u xơ tử cung để ngăn máu đến khối u

Chị em cũng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc u xơ tử cung bằng cách duy trì chế độ ăn khỏe mạnh và hạn chế sống trong môi trường ô nhiễm, tránh các thực phẩm ngọt và nhiều chất bảo quản.

Bà bầu bị u xơ nên ăn gì?

Bên cạnh việc nghỉ ngơi, thăm khám thường xuyên và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, mẹ bầu bị u xơ có thể áp dụng một thực đơn đặc biệt để hạn chế sự phát triển của khối u trong thời gian mang thai.

  • Hạn chế các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm có hàm lượng chất béo cao, vì những thực phẩm này thường chứa nhiều estrogen, sẽ làm u xơ phát triển nhanh hơn.
  • Tránh ăn các loại trái cây, rau quả làm tăng hormone estrogen như táo, lê, mận, cà chua, dưa leo… và các loại đồ uống có chất kích thích, caffeine.
  • Tránh ăn quá nhiều muối, bởi muối là nguyên nhân khiến khả năng đào thải chất độc của gan bị ảnh hưởng.
  • Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C và có màu sắc sặc sỡ như cam, chanh, dâu… Vitamin C có tác dụng thúc đẩy các tế bào lành mạnh phát triển và “sửa chữa” các tế bào bị bệnh.
  • Ăn nhiều thực phẩm có liều lượng estrogen cân bằng, giàu bioflavonoid như đậu nành, sữa đậu nành, đậu hũ, đậu đen, đậu lăng, các loại thịt có màu trắng, thịt từ gia cầm và các loại cá.

[inline_article id=105090]

U xơ tử cung thường không nguy hiểm, mẹ đừng quá lo lắng mà chỉ cần theo dõi và thông báo với bác sĩ mỗi lần đi khám, cũng như khi nhập viện sinh con. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.

Xuân Thảo