Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Cách chữa chai chân hiệu quả không tưởng chỉ bằng những thứ đơn giản tại nhà

cách chữa chai chân để có bàn chân đẹp

Việc đi giày cao gót thường xuyên khiến không ít chị em than phiền vì những nốt chai sần xuất hiện ở chân trông khá mất thẩm mỹ. Tệ hơn nữa, một số trường hợp những nốt chai nổi cộm lên trong lòng bàn chân khiến việc đi lại trở nên khó khăn do đau nhức. Nếu đang rơi vào tình trạng này thì đừng quá lo lắng, vì Marry Baby sẽ mách bạn một vài cách chữa chai chân cực hiệu quả sau đây.

Nốt chai (Corn) là một khu vực nhỏ xuất hiện ở chân bị dày lên do da khô hoặc cọ xát quá nhiều tại một chỗ. Nó thường có hình tròn và bạn sẽ thấy có cảm giác đau khi sờ vào. Trong khi đó, những vết sần (Calluses) lại có kích thước lớn hơn và thường hiện diện ở vị trí là lòng bàn chân; bởi lẽ đây là khu vực chịu áp lực bởi trọng lượng cơ thể khi đi bộ.

Từ nghìn xưa, ông bà ta vẫn truyền tai nhau những mẹo trị nốt chai chân lâu ngày, ít tốn kém cho những người gặp phải tình trạng này. Mời bạn tham khảo bài viết sau của Marry Baby để hiểu rõ hơn về những cách chữa chai chân ấy gì nhé!

Hiểu rõ nguyên nhân để có cách chữa chai chân hiệu quả nhất

Nguyên nhân gây chai chân

Xét về mặt lý thuyết, chai là vùng da bị sừng hóa do quá trình tăng sinh quá mức ở lớp thượng bì, đặc biệt là lớp sừng. Những nốt chai thường có màu ngà, vàng, khum lên hình tròn hoặc bầu dục, sờ vào cứng. Đôi khi, vùng ranh giới với da lành có thể bị nứt, dẫn đến hiện tượng bội nhiễm. Có trường hợp vùng trung tâm nốt chai bong sừng hình thành nên một lõm ở giữa.

Chai thường gặp ở vị trí như tay, chân. Thủ phạm gây ra có thể là:

  • Việc đi bộ và di chuyển với một đôi giày có kích thước không phù hợp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất
  • Đứng lâu trong thời gian dài khi mang giày cao gót
  • Đi bộ nhưng không mang giày hoặc mang giày nhưng lại không đi tất
  • Những người gặp tình trạng như: ngón chân khoằm xuống, chứng vẹo ngón chân cái (Bunion) hoặc mụn cóc ở bàn chân hoặc tuyến mồ hôi bị tổn thương… khả năng cao cũng sẽ bị nốt chai ở chân
  • Người mắc bệnh đái tháo đường hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến vấn đề lưu thông máu kém thì cũng có nguy cơ xuất hiện chai, sần cao hơn

Bỏ túi cho bạn cách chữa chai chân tự nhiên tại nhà

Dưới đây là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả giúp loại bỏ tình trạng chân bị chai:

1. Dầu thầu dầu

Dầu thầu dầu được cho là giúp làm mềm nốt chai, sần và nếu kiên trì sử dụng trong một thời gian dài nó sẽ biến mất. Bạn có thể thấy rõ hiệu quả của việc sử dụng loại dầu này trong một tuần.

Những gì bạn cần

Một lọ dầu thầu dầu với lượng đủ dùng

Cách thực hiện

Dùng dầu thầu dầu thoa lên nốt chai. Lưu ý nên thực hiện điều này khoảng 3 lần một ngày. Lặp lại quy trình bôi dầu mỗi ngày cho đến khi vết chai biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên thoa dầu nếu thấy phần da ở bề mặt vết chai bị bong tróc, nứt nẻ.

2. Sử dụng đá bọt

cách chữa chai chân bằng đá bọt

Có thể bạn chưa biết phần da phía ngoài nốt chai là da chết. Do vậy, cách chữa chai chân tốt nhất là dùng đá bọt chà xát xung quanh khu vực bị ảnh hưởng ở bàn chân. Biện pháp này cũng cho hiệu quả tương tự với những vết chai sần ở tay nữa đấy!

Những gì bạn cần

  • Một viên đá bọt
  • Nước ấm

Cách thực hiện

Ngâm bàn chân có nốt chai hoặc vết sần trong nước ấm trong khoảng từ 5 – 7 phút. Kế đến, dùng đá bọt chà xát nhẹ nhàng xung quanh khu vực bị ảnh hưởng 5 – 7 phút. Chú ý thực hiện đều đặn quy trình này mỗi ngày để nhanh chóng “đánh bật” nốt chai bạn nhé!

3. Giấm táo

Giấm táo làm mềm nốt chai và vết sần bởi nó có tác dụng tẩy tế bào chết hữu hiệu. Ngoài ra, giấm táo cũng cho khả năng kháng khuẩn khá tốt, do đó, việc sử dụng nó trên chân của bạn sẽ giúp tiêu diệt bất kỳ loại vi khuẩn tiềm ẩn xung quanh.

Những gì bạn cần

  • Một chậu nước ấm
  • Giấm táo (khoảng chừng 1 thìa súp)
  • Tinh dầu tràm trà: 1 – 2 giọt
  • Bông gòn hoặc bông tẩy trang đều được

Cách thực hiện

Ngâm chân trong chậu nước ấm khoảng vài phút để nốt chai được mềm ra. Sử dụng bông gòn hoặc bông tẩy trang thấm đều giấm táo rồi thoa lên trên bề mặt vùng da bị ảnh hưởng.

Sau khi thoa, bạn cố định miếng bông gòn sao cho ép chặt vào nốt chai, sần trong khoảng 5 phút.

Một khi giấm khô, bạn tiếp tục thoa tinh dầu tràm trà lên vết chai. Tuy nhiên, bạn lưu ý không được rửa chân ngay.

Thực hiện việc này mỗi ngày cho đến khi vết chai, sần biến mất. Khoảng thời gian này có thể vào tầm 2 – 3 ngày.

4. Tỏi: cách chữa chai chân tuyệt diệu từ thiên nhiên

cách chữa chai chân bằng tỏi

Dân gian từ lâu đã xem tỏi như một biện pháp khắc phục tại nhà giúp loại bỏ các nốt chai, sần lâu ngày. Điều thú vị là biện pháp này chỉ cho tác dụng tốt nhất vào buổi tối.

Những gì bạn cần

  • Một tép tỏi
  • Băng gạc

Cách thực hiện

Đầu tiên, bạn cắt tép tỏi ra làm đôi theo chiều dọc. Chà một nửa tép tỏi đã cắt lên phần nốt chai trong khoảng 1 phút. Sau đó, đặt nửa tép tỏi còn lại lên vùng da bị tổn thương và dùng băng gạc quấn lại. Để qua đêm, sáng hôm sau tháo băng và rửa sạch lại. Nên thực hiện mỗi đêm trong vài ngày để có hiệu quả tốt nhất.

5. Bánh mì

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, nhưng giấm và bánh mì khi kết hợp có thể làm mềm vết chai hiệu quả đấy! Và đặc biệt là phương pháp này lại có rất ít người biết được. Cách làm cũng khá đơn giản:

Những gì bạn cần

  • Giấm trắng
  • Gạc y tế
  • Một mẩu bánh mì

Cách thực hiện

Ngâm bánh mì trong một ít giấm, sau đó đặt lên trên khu vực bị ảnh hưởng. Có thể dùng gạc để bao phía ngoài hoặc đơn giản hơn có thể dùng túi nilon để bọc lại. Để qua đêm và bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt vào sáng hôm sau.

Lời khuyên là nên áp dụng biện pháp này từ 1 – 2 đêm liên tục để loại bỏ nốt chai, sần hoàn toàn.

6. Dầu dừa

dầu dừa

Dầu dừa được biết là một tác nhân dưỡng ẩm da tuyệt vời. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng như cách chữa chai chân hiệu quả tại nhà, đồng thời mang lại cho da sự mềm mại, dẻo dai vốn có.

Những gì bạn cần

Một lọ dầu dừa thiên nhiên

Cách thực hiện

Bạn thoa đều dầu dừa lên vùng da bị ảnh hưởng. Đảm bảo massage nhẹ nhàng lên bề mặt của những nốt chai, sần. Bạn nên thực hiện khoảng 3 lần/ngày để phát huy tác dụng.

7. Đu đủ

Đu đủ được áp dụng khá nhiều trong làm đẹp cũng như trị bệnh vì nhiều đặc tính tự nhiên tuyệt diệu. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng làm bong tróc phần da bị chai sần nhờ công dụng của enzyme papain.

Những gì bạn cần

Một miếng đu đủ tươi

Cách thực hiện

Bạn áp miếng đu đủ lên trên bề mặt nốt chai, dùng gạc cố định lại và để qua đêm.

Trường hợp nếu việc đắp đu đủ khó khăn, bạn có thể thay bằng cách chấm nhẹ nước ép đu đủ tươi lên vết chai hoặc thấm nước ép đu đủ lên bông tẩy trang, đặt lên nốt chai và băng lại.

Nên lặp lại quá trình này hằng đêm cho đến khi nốt chai tự bong ra.

Mách bạn cách phòng ngừa nốt chai, sạn ở chân

rửa chân sạch để phòng chai chân

Bên cạnh những cách chữa nốt sần ở trên, bạn cũng nên trang bị thêm cho mình kiến thức để đề phòng tình trạng này xảy ra. Một số điểm cần ghi nhớ gồm:

  • Chọn cỡ giày phù hợp, không quá chật nhưng cũng không quá lỏng.
  • Nên chú ý đến việc cắt móng chân gọn gàng. Bởi lẽ móng chân quá dài đôi khi sẽ khiến ngón chân bị đẩy cong lên. Điều này vô tình tạo ra áp lực ở lòng bàn chân khiến nốt chai xuất hiện.
  • Sử dụng miếng đệm lót nốt chai. Loạt miếng lót này có dạng vòng sẽ ôm trọn phần da bị chai, sần; từ đó làm giảm áp lực ma sát. Loại sản phẩm này cũng có bán tại các nhà thuốc nên khá dễ tìm mua.
  • Quan trọng hơn hết là phải vệ sinh chân sạch sẽ thường xuyên bằng xà phòng và nước.
  • Có thể dùng thêm kem dưỡng ẩm cho chân để hạn chế ma sát.
  • Mang vớ khi đi giày cũng là biện pháp phòng ngừa vết chai chân hữu hiệu.

Đừng để những vết chai chân khiến bạn mất đi sự tự tin vốn có. Thay vì vậy, hãy thử ngay những cách chữa chai chân mà Marry Baby đã gợi ý. Trong trường hợp đã áp dụng nhưng tình hình không cải thiện, bạn có thể cân nhắc việc tìm đến bác sĩ da liễu nhé!

Marry Baby