Viêm gan B có thể lây nhiễm từ mẹ sang con trong thai kỳ. Vậy các mẹ bầu bị viêm gan B có thể làm gì để hạn chế ảnh hưởng tới thai kỳ?
1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B (hay viêm gan siêu vi B) là một bệnh nhiễm trùng gan nghiêm trọng do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Đây là bệnh lý đe dọa lớn tới sức khỏe toàn cầu, là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới xơ gan, ung thư gan ở Việt Nam.
Viêm gan B có 2 thể là cấp tính và mãn tính. Khi mới mắc viêm gan B cơ thể sẽ trải qua giai đoạn cấp tính. Nếu miễn dịch của cơ tốt, nó có thể đào thải virus hoàn toàn, từ đó bạn sẽ có miễn dịch với căn bệnh này. Ở một số người, virus không được đào thải hết mà tồn tại dưới dạng ngủ ẩn trong các tế bào gan và có thể bùng phát lại một đợt viêm gan bất cứ lúc nào. Trong trường hợp này gọi là mắc viêm gan B mãn tính.
2. Viêm gan B lây truyền qua nhiễm con đường nào?
Virus có thể lây truyền qua các con đường sau
– Từ mẹ sang con: Đây là con đường lây truyền chủ yếu của virus viêm gan B. Virus hiện diện trong máu và dịch tiết của mẹ, nhưng phần lớn không qua được nhau thai. Vì vậy mẹ bầu bị viêm gan B, khả năng lây truyền cho thai nhi cao nhất là vào lúc cuộc sinh diễn ra và khi nuôi con bằng sữa mẹ.
– Qua đường máu: Bệnh có thể lây truyền qua đường máu, sử dụng chung bơm kim tiêm, xăm mình… Ngoài ra, việc sử dụng chung các vật dụng như dạo cạo râu cũng có thể khiến bạn nhiễm virus từ người mắc bệnh.
– Qua đường tình dục: Virus hiện diện trong các dịch tiết của cơ thể như tinh dịch, dịch âm đạo… Vì vậy, khi quan hệ, bạn nên sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su để hạn chế lây nhiễm.
>> Mẹ bầu có thể xem thêm: Viêm gan B mạn tính có chữa được không, có nguy hiểm không?
3. Triệu chứng của mẹ bầu bị viêm gan B
Triệu chứng ở giai đoạn đầu khi mắc viêm gan B là không rõ ràng, có thể không có triệu chứng gì cả. Đôi khi còn dễ nhầm lẫn với các triệu chứng mệt mỏi khác của thai kỳ. Mẹ bầu có thể tham khảo một số dấu hiệu nhận diện dưới đây, mặc dù không phải là các triệu chứng đặc hiệu:
– Cơ thể mệt mỏi, đau nhức cơ gần như mắc cảm cúm.
– Sốt nhẹ, chán ăn, buồn nôn.
– Da vàng, mắt vàng, nước tiểu vàng.
Ngoài những dấu hiệu kể trên, nên đi kiểm tra xem mẹ bầu có bị viêm gan B không trong trường hợp có chồng hoặc người thân trong gia đình mắc viêm gan B.
4. Viêm gan B ảnh hưởng ra sao tới mẹ và em bé?
Đối với mẹ
Bà mẹ mang thai có thể mắc virus viêm gan B trước hoặc trong khi mang thai. Nhưng đa phần là nhiễm mãn tính từ trước khi mang thai. Trong giai đoạn cấp tính, virus gây nên tình trạng viêm gan, ảnh hưởng tới sức khỏe của bà mẹ. Vấn đề này không quá nghiêm trọng nếu được can thiệp và điều trị kịp thời. Tuy nhiên ở viêm gan B mãn tính, virus sẽ âm thầm tàn phá các tế bào gan, gây xơ gan, ung thư gan sau này.
>> Mẹ bầu có thể xem thêm: Bảng giá tiêm phòng cho bà bầu giá bao nhiêu mẹ biết chưa?
Mẹ bầu bị viêm gan B, thai nhi sẽ bị ảnh hưởng
- Nhiễm viêm gan B từ mẹ
Khi mẹ bầu bị viêm gan B, em bé khi sinh ra rất có thể sẽ nhiễm virus viêm gan B từ mẹ. Khác với người lớn khi mắc viêm gan B, tỉ lệ chuyển sang mắc viêm gan B mãn tính suốt đời ở trẻ con cao hơn rất nhiều. 90% trẻ sơ sinh mắc viêm gan B sẽ trở thành người mang mầm bệnh khi trưởng thành. Nếu không được điều trị, 25% trong các trẻ này sẽ tử vong vì các vấn đề liên quan tới viêm gan B như viêm gan tối cấp, xơ gan, ung thư gan.
- Ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi
Khác với những loại virus như rubella, thủy đậu… Virus viêm gan B hầu như không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Vì vậy với mẹ bầu bị viêm gan B, thai nhi vẫn phát triển bình thường, không bị dị tật. Tuy nhiên nếu mẹ bầu bị viêm gan B nặng ở 3 tháng cuối thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh non, từ đó ảnh hưởng tới thai nhi.
5. Mẹ bầu bị viêm gan B cần làm gì để tránh ảnh hưởng tới em bé?
Ngày nay, với sự phát triển của vacxin, rất nhiều bà bầu và thai nhi đã được bảo vệ khỏi viêm gan B. Mẹ bầu nào chưa tiêm chủng nên hoàn thành 3 mũi tiêm vacxin viêm gan B trước khi mang thai ít nhất là 3 tháng sau đó định lượng kháng thể để đạt được sự bảo vệ hiệu quả trong thai kỳ. Trong trường hợp đã có tiêm chủng trước đó, nên kiểm tra để chích ngừa bổ sung nếu cần thiết.
Với các mẹ bầu bị viêm gan B, cần thăm khám và theo dõi đầy đủ tại các cơ sở y tế. Các mẹ sẽ được làm các xét nghiệm, kiểm tra nồng độ virus trong máu để xem viêm gan có đang ở thể hoạt động không. Nếu nồng độ virus trong máu cao, viêm gan đang ở thể hoạt động, có thể bác sĩ sẽ cho các loại thuốc kháng virus để kiểm soát tải lượng virus trong máu, hạn chế lây truyền cho thai nhi trong thời kì chu sinh.
[inline_article id=296509]
Mẹ bầu bị viêm gan B được xác nhận là có khả năng lây nhiễm cao cho thai nhi khi chuyển dạ, em bé ngay sau khi chào đời sẽ được tiến hành tiêm globulin miễn dịch viêm gan B và vacxin viêm gan B cùng lúc, sau đó cần hoàn thành đúng lịch tiêm chủng viêm gan B cho trẻ. Nếu được tiêm đúng cách, thuốc có thể bảo vệ bé khỏi nguy cơ viêm gan B.