Thái độ quan tâm, chân thành và cảm thông
Một bác sĩ nhi tốt trước hết là một người biết quan tâm đến người khác. Một bác sĩ thực sự quan tâm đến bệnh nhân là người chú tâm đến các triệu chứng và tìm hiểu kỹ lưỡng vì sao những biện pháp chữa trị trước đó đã không thành công. Thái độ của bác sĩ có thể tạo ra khác biệt lớn trong những trường hợp thử thách như khi bé mắc bệnh hiểm nghèo hoặc trong tình trạng cấp cứu.
Bác sĩ nhi cần có kỹ thuật xoa dịu trẻ nhỏ, đánh lạc hướng khi bé mắc cỡ, hoặc trấn an khi bé đang hồi hộp. Bác sĩ đó cũng phải biết giải thích những việc cần làm trong quá trình điều trị một cách dễ hiểu nhất để bé làm theo. Khi bác sĩ tạo được lòng tin tưởng, các bệnh nhân sẽ tuân theo hướng dẫn và kế hoạch điều trị, đồng thời các bậc phụ huynh cũng sẽ hài lòng hơn.
Sự cởi mở và thân thiện
Một bác sĩ tốt sẵn sàng lắng nghe và dành thời gian trả lời những câu hỏi và mối quan tâm của bạn. Nó giúp cho chẩn đoán chính xác hơn và từ đó đưa ra phương pháp điều trị tốt hơn. Đặc biệt, một bác sĩ nhi khoa tốt là người chia sẻ, hay ít nhất là tôn trọng quan điểm nuôi dưỡng con của bạn, bao gồm việc cho ăn, chích ngừa, giấc ngủ và những mối quan tâm khác.
Kiến thức và sự chia sẻ
Bác sĩ phải cung cấp được nhiều thông tin, bao gồm các kiến thức về dinh dưỡng, các biện pháp phòng bệnh để giúp cả gia đình khỏe mạnh, và cập nhật những tiến bộ y học gần nhất.
Bác sĩ nhi không chỉ khám bệnh cho bé mà còn có thể chia sẻ, tư vấn cho mẹ về cách nuôi con bằng sữa mẹ, cách nuôi con bằng sữa công thức, ăn dặm, tiêm phòng, các mốc phát triển và nhiều hơn thế nữa. Và không phải mọi bố mẹ đều biết mình cần hỏi bác sĩ những gì, nên bác sĩ phải là người đưa ra những thông tin giúp bố mẹ chuẩn bị và dự phòng trước khi những tình huống thật xảy ra.
Uy tín tốt
Bác sĩ mà mẹ chọn nên là được nhiều người biết đến, hoặc mẹ đã biết rõ về bác sĩ này. Hầu hết mọi người chọn bác sĩ dựa trên thông tin truyền miệng mà thôi. Mẹ nên tham khảo ý kiến của nhiều người và không nên chọn hay phản đối một bác sĩ chỉ dựa vào một, hai nhận xét nhưng hãy quan tâm đến các phản hồi đó là tiêu cực hay tích cực.
Luôn sẵn lòng trợ giúp
Một bác sĩ tốt thường có mọt lịch làm việc cố định và rõ ràng, duy trì việc tư vấn và trợ giúp cả trong những ngày cuối tuần và ban đêm. Bác sĩ hay người đại diện của bác sĩ cần trả lời các cuộc gọi của bạn một cách nhanh chóng. Điều này sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều!
Khi chọn một bác sĩ nhi khoa, bạn cần xem liệu có dễ dàng để đặt và thay đổi lịch hẹn hay không. Bạn cũng cần đảm bảo mình nắm rõ các nội quy về thay đổi lịch hẹn. Rất nhiều cơ sở y khoa sẽ thu phí nếu bạn không đúng lịch hẹn. Bạn cũng cần biết phòng khám mình chọn có những giờ cố định hàng ngày dành cho những trường hợp khám khẩn, để con của bạn có thể được kiểm tra ngay khi cần thiết.
Nếu bạn đang chọn một bác sĩ hay bà đỡ, hãy tìm hiểu các thực hành để kiểm soát việc sinh nở, liệu bạn có bị chuyển sang một bác sĩ hay nữ hộ sinh khác, nơi bạn sẽ sinh con và chuyện gì cần làm trong tình huống cấp cứu.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng chất lượng của các nhân viên tại bệnh viện hay phòng khám rất quan trọng. Chính các hộ sinh, y tá là người gần gũi bệnh nhân hơn cả, trả lời những câu hỏi của họ và là chất keo kết nối bệnh nhân với bác sĩ trong một tổ chức bệnh viện lớn và phức tạp.
Quý trọng thời gian của bệnh nhân
Bác sĩ trân trọng thời gian không có nghĩa rằng mẹ không phải chờ đợi. Bác sĩ cần đưa ra lời khuyên tốt nhất theo từng trường hợp bệnh, và vì vậy, có những bệnh nhân sẽ được chẩn đoán và tư vấn rất lâu, trong khi đó lại có những người chỉ cần kiểm tra cơ bản. Tuy nhiên, việc tôn trọng thời gian của người đến khám bệnh được thể hiện ở nỗ lực xử lý các yêu cầu nhanh chóng, hồi đáp nhanh các cuộc điện thoại và cung cấp nhanh thông tin khi có yêu cầu.
Các chứng nhận và và thông tin liên kết
Nhiều bác sĩ giỏi không tốt nghiệp từ những trường y khoa danh giá. Tuy vậy, có một số tiêu chí bạn cần phải xem xét kỹ để đưa ra chọn lựa cho mình. Hãy thận trọng nếu bác sĩ của bạn không có những chứng nhận này.
-Đầu tiên, bác sĩ cần được chứng nhận hành nghề bởi cơ quan chuyên ngành, phòng khám có giấy phép hoạt động. Nếu không có các chứng nhận này, bạn nên đưa ra một lựa chọn khác.
-Thông tin từ bệnh viện: Bạn cần biết bác sĩ mà mình chọn đang hoặc đã từng làm việc tại bệnh viện nào. Bạn chắc chắn sẽ muốn đó là một bệnh viện có uy tín, nơi bản thân, con cái và gia đình có thể được khám, chữa trị. Nên tránh những bác sĩ không làm việc tại bệnh viện hoặc liên kết với một bệnh viện không uy tín.
-Hoạt động độc lập hay trực thuộc một nhóm? Bác sĩ bạn chọn có hoạt động trong một nhóm nào đó không? Việc tham gia vào một tổ chức, hiệp hội sẽ củng cố nhiều cho chuyên môn của bác sĩ, và người bệnh được hưởng lợi ích từ điều này. Ngoài ra, trong trường hợp bác sĩ của bạn không có mặt, bạn cũng có thể tìm được một bác sĩ thay thế ở cùng một tổ chức, hiệp hội.
>> Chia sẻ từ các mẹ trong cộng đồng: