Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều so với người trưởng thành. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh giúp bé lưu trữ và phục hồi năng lượng, tạo ra những hormone cần thiết cho quá trình phát triển. Có câu nói “trẻ sơ sinh lớn lên trong giấc ngủ”. Điều này quả không sai chút nào. Một trong những điều quan trọng nhất mà các mẹ nên chú ý mỗi lần cho con ngủ chính là tính an toàn của bé. Trẻ sơ sinh rất dễ bị nóng bức quá mức, bị ngạt thở hay xảy ra tình trạng ngưng thở khi ngủ. Những ghi nhận thực tế về hiện tượng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) là hồi chuông cảnh báo mẹ nên để mắt trông chừng bé.
1. Tránh để bé nằm sấp
Tư thế ngủ tốt nhất dành cho bé sơ sinh là nằm ngửa. Nằm ngửa giúp bé hít thở tốt hơn và giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh so với tư thế ngủ nghiêng và nằm sấp. Tuy nhiên, nếu mẹ để bé nằm ngửa quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng đầu bẹp. Vì vậy, khi bé thức, mẹ nên tranh thủ thời gian cho bé tập nằm sấp, đồng thời nghiêng đầu bé sang đều hai bên trong thời gian bé nằm ngửa.
Đối với các bé hay nằm nghiêng và sấp, mẹ nên giúp bé điều chỉnh lại tư thế ngủ. Tư thế nằm nghiêng dễ làm bé úp người xuống thành tư thế nằm sấp. Khi nằm áp bụng xuống, phần hàm của bé dễ chịu áp lực và làm giảm luồng không khí đi vào phổi và cũng khiến việc hít thở trở nên khó khăn hơn. Bé nằm sấp cũng dễ bị ngạt thở do úp mặt vào gối hay mặt nệm.
2. Dọn sạch nôi
Khi đã đặt con vào nôi để ngủ, mẹ nên dọn sạch đồ chơi, nhất là những thú nhồi bông. Xung quanh bé nên có đủ không gian thông thoáng để giúp bé dễ dàng hít thở. Mẹ nhớ kiểm tra đệm nằm, cần vừa khít với lòng nôi để bé không dễ dàng bị kẹt chân, tay vào khe hở giữa nệm và thành nôi.
Để phòng ngừa tai nạn cho bé trong lúc ngủ, mẹ nên đặt chân bé chạm vào phía cuối nôi. Không nên dùng chăn đắp hay gối kê đầu cho bé sơ sinh vì điều nay không cần thiết và có thể cản trở việc hít thở khi bé ngủ.
[inline_article id=1036]
3. Lưu ý khi sử dụng chăn
Nhiều mẹ vẫn lo lắng rằng con bị lạnh trong lúc ngủ nên sẽ dùng một tấm chăn nhỏ để đắp cho bé. Bí quyết để dùng chăn đắp cho trẻ sơ sinh là chọn loại chăn mỏng, nhẹ, có khả năng thấm hút mồ hôi và thông thoáng.
Khi đắp chăn cho bé, mẹ chỉ nên đắp đến phần ngực và cố định các góc còn lại của chăn bằng cách giắt xuống phía dưới nệm. Bằng cách này, dù bé có đạp nhiều trong lúc ngủ, chăn cũng không phủ lên đầu bé gây ngạt thở.
Một lựa chọn khác cho mẹ là sử dụng túi ngủ cho trẻ sơ sinh, tuy nhiên, nên chú ý kiểm tra nhiệt độ bên trong túi ngủ để tránh bé bị nóng bức.
4. Nhiệt độ phòng thích hợp
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé sơ sinh ngủ không sâu giấc chính là việc mẹ ủ ấm quá mức. Nóng bức cũng có thể khiến trẻ sơ sinh bị sốt. Mẹ nên mặc quần áo rộng, thoáng cho trẻ và duy trì không khí thoáng mát nơi bé ngủ.
[inline_article id=174194]
5. Chung phòng nhưng không nên chung giường
Để quan sát và kịp thời hỗ trợ bé, tốt nhất ba mẹ nên đặt bé nằm ngủ trong phòng cùng với mình. Lựa chọn này cũng rất tiện lợi cho những mẹ cho con bú trực tiếp. Tuy nhiên, nên thận trọng về việc chia sẻ giường với bé. Khi năm ngủ chung giường với ba mẹ, trẻ có thể gặp nguy cơ bị ngạt thở cao hơn, do ba mẹ ngủ sâu không chú ý đã vô tình hít hết khí ôxy của trẻ.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Khi bé đã bắt đầu biết lật người, mẹ đã có thể yên tâm để con chọn tư thế ngủ ưa thích như nằm nghiêng hay nằm sấp. Tuy nhiên, khi bắt đầu giờ đi ngủ, mẹ nên đặt bé ở tư thế nằm ngửa. Sau 1 tuổi, bé có thể ngủ với gối và chuyển từ nôi sang giường. Lúc này, mẹ vẫn nên kiểm tra xem bé có gặp vấn đề gì khi ngủ không. Ở độ tuổi lên 2, lên 3, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng cũng là một thử thách mà nhiều bé gặp phải.