Đối với mẹ bầu, hiện tượng các co thắt lan tỏa qua bắp chân là khá phổ biến. Những cơn đau này xuất hiện ban ngày lẫn ban đêm, khiến mẹ mệt mỏi và đau đớn. Bài viết dưới đây sẽ điểm qua một số nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân, mẹ cùng theo dõi để tham khảo các phương pháp điều trị nhé.
1. Nhận biết khi nào bà bầu bị đau chân
Trước khi tìm hiểu những nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân, mẹ cần biết khi nào mình gặp phải tình trạng này nhé.
Hiện tượng đau nhức chân bắt đầu từ khi kết thúc tam cá nguyệt thứ hai cho đến khi bắt đầu tam cá nguyệt thứ ba.
Đặc biệt, tình trạng bà bầu bị đau bắp chân 3 tháng cuối của thai kỳ càng trở nên phổ biến. Vì ở giai đoạn này, áp lực lớn của thai nhi đè nén lên chân, làm cho thai phụ càng dễ bị nhức mỏi hơn. Tình trạng này diễn ra thường xuyên vào ban đêm hơn ban ngày.
>> Mẹ có thể tham khảo: Mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ 2 nên ăn gì?
Những biểu hiện thường gặp khi bà bầu bị đau bắp chân là phù, sưng nề đôi chân. Trong nhiều trường hợp, cơn đau có thể lan tỏa ra cả mặt sau của chân và phần hông. Các vị trí dễ bị sưng phù gồm mặt, chân, mắt cá chân và bàn chân. Sưng phù có thể bị nhầm lẫn với việc tăng cân trong giai đoạn sau của thai kỳ. Những triệu chứng này khiến việc di chuyển của mẹ trở nên khó khăn hơn. Dần dần, mẹ bầu sẽ có xu hướng ngồi, nằm nhiều, thay vì vận động đi lại.
Bà bầu bị đau bắp chân 3 tháng cuối có khỏi sau khi sinh con không? Hiện tượng này có thể biến mất, giảm nhẹ đi hoặc thậm chí nặng hơn sau quá trình sinh nở. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe thai phụ là vô cùng quan trọng và cần thiết.
2. Nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân
Vậy đâu là những nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân trong những giai đoạn đó? Theo Amanda Selk, bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Women’s College ở Toronto: Mặc dù là đây là một triệu chứng phổ biến trong thời kỳ thai nghén, nhưng không hoàn toàn rõ tại sao chúng lại xảy ra.
Tuy nhiên có một số nguyên nhân được đưa ra, trong đó bao gồm:
a. Bà bầu bị đau bắp chân do việc tăng cân
Cân nặng tăng lên khi mang thai tạo một áp lực lớn lên các dây chằng của chân. Khi các dây chằng này bị kéo căng trong một khoảng thời gian dài, chúng sẽ gây ra hiện tượng vòm chân thấp. Đây là điều xảy ra khi gan bàn chân bị dàn phẳng. Tình trạng này có thể kéo căng cân gan chân, hệ thống dây chằng có nhiệm vụ giữ vòm chân hình cung, khiến cho bàn chân đau nhức.
>> Mẹ có thể tham khảo: Mẹo đối phó với chứng đau dây chằng khi mang thai
b. Nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân: Do nội tiết tố
Trong tam cá nguyệt thứ ba, cơ thể mẹ tăng sản sinh một loại nội tiết tố relaxin. Đây là một chất có vai trò làm giãn các cơ và dây chằng vùng chậu, chuẩn bị cho quá trình sinh nở của mẹ. Đồng thời, nội tiết tố này cũng gây giãn cơ và dây chằng vùng chân, khiến chân viêm và đau nhức. Đó cũng là nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân 3 tháng cuối.
c. Tuần hoàn máu thay đổi
Một trong những nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân không thể không kể đến quá trình tuần hoàn máu. Mang thai khiến cho tuần hoàn máu đến chân bị thay đổi, gây ứ dịch ở chân và xung quanh mắt cá chân. Ngoài ra, tử cung to ra và chèn ép các mạch máu khiến máu bị giữ lại gây phù nề ở chân.
d. Chuột rút – Nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân
Không ít bà bầu bị đau bắp chân do cơn chuột rút. Nguyên nhân có thể là do mẹ bầu bị thiếu canxi và dư phốt pho. Chứng này thường xuất hiện vào ban đêm khi bàn chân đã mệt mỏi sau một ngày dài hoạt động.
e. Do vận động sai tư thế
Càng về các giai đoạn sau của thai kỳ, bụng bầu càng lớn làm cho trọng tâm cơ thể mẹ bầu bị lệch. Điều đó có thể gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Vận động ít hoặc sai tư thế làm giảm lượng máu lưu thông tới các chi, giảm lượng oxy cung cấp khiến hiện tượng đau nhức, tê mỏi chân tay.
f. Thiếu nước cũng là nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân
Nước luôn cần thiết cho cơ thể người, đặc biệt là phụ nữ có thai. Khi thiếu nước, quá trình trao đổi chất của cơ thể bị trì trệ, gây ứ đọng các axit lactic làm đau nhức cơ xương.
3. Những mẹo khắc phục tình trạng bà bầu bị đau chân mẹ nên biết
Đa phần hiện tượng nhức mỏi chân không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nó mang tới sự khó chịu cho người mẹ, đặc biệt vào ban đêm. Khi tình trạng nặng lên, mẹ bầu có thể bị mất ngủ, mệt mỏi cơ thể, chán ăn và ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy, mẹ cần áp dụng một số phương pháp để hạn chế tối đa tình trạng này nhé.
a. Thay đổi chế độ ăn uống
Nếu nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân là do thiếu chất thì mẹ hoàn toàn có thể điều chỉnh. Mang thai bị đau chân có thể do bà bầu bị thiếu canxi. Tăng canxi và magiê trong chế độ ăn uống bằng cách ăn thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trái cây khô, quả hạch và hạt. Mẹ cũng có thể sử dụng viên uống bổ sung canxi và magie. Tuy nhiên, mẹ lưu ý nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Bên cạnh đó, mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.
>> Mẹ có thể xem thêm: Có nên uống nước nha đam (lô hội) khi mang thai?
b. Đi bộ thường xuyên
Mẹ nên tránh ngồi hoặc đứng ở một tư thế trong thời gian dài, không ngồi khoanh chân vì việc này có thể cản trở máu lưu thông. Thay vào đó, mỗi ngày mẹ nên đi bộ khoảng nửa tiếng. Nếu trong khi đi bộ, mẹ cảm thấy choáng váng, hoa mắt thì nên dựng lại và ngồi nghỉ. Ngoài ra, mẹ bầu nên đi loại giày, dép thoải mái, thoáng khí.
c. Tập các bài tập kéo giãn bắp chân đơn giản
Nếu bà bầu bị đau chân do chuột rút, trước tiên hãy duỗi thẳng chân, gót chân và lắc các ngón chân. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp chân để thư giãn cơ. Một cách khác là đứng cách tường bằng một cánh tay, đặt hai tay lên tường trước mặt và di chuyển bàn chân phải ra sau bàn chân trái với các ngón chân hướng vào tường. Sau đó, từ từ uốn cong chân trái về phía trước, giữ đầu gối phải thẳng và gót chân phải trên sàn. Giữ tư thế trong khoảng 30 giây, lưu ý giữ thẳng lưng và hông hướng về phía trước. Hít thở sâu trong suốt thời gian căng thẳng. Lặp lại với chân còn lại.
d. Áp dụng các phương pháp khác
- Chườm nóng hoặc lạnh cũng có thể giảm phù nề và đau nhức chân nhanh chóng. Phương pháp đơn giản khác có thể đẩy lùi nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân là tắm nước ấm. Mát-xa đá hoặc mát-xa cơ cũng có thể là giải pháp cho những bà bầu bị đau chân.
- Lót giày chỉnh hình chân có thể làm giảm các tình trạng đau chân, vòm chân thấp.Việc chèn một miếng lót mềm vào giày thể thao hay sandal giúp hỗ trợ cho vòm bàn chân cũng như toàn bộ bàn chân.
- Khi ngồi làm việc hoặc nằm nghỉ ngơi, các mẹ nên gác chân lên cao khoảng 10cm. Việc làm này sẽ giúp cho việc lưu thông máu và làm giảm nguy cơ sưng phù và bị tụ máu đông.
- Ngâm chân trước khi đi ngủ bằng hỗn hợp muối, lá ngải cứu hoặc lá lốt. Việc này sẽ giúp khí huyết được lưu thông. Dưới tác động của nhiệt, mạch máu tại bàn chân sẽ được giãn nở và tăng cường lưu thông máu. Ngoài ra, sau khi ngâm chân, mẹ bầu sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, ngủ ngon hơn.
Mẹ lưu ý không sử dụng thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
>> Mẹ có thể xem thêm: 3 việc mẹ bầu nhớ tránh xa kẻo sinh ra bé bị vết bớt chàm xấu xí
Chân đau, phù nề, và bàn chân phẳng là các vấn đề thường gặp trong quá trình mang thai. Dù vậy, việc để tâm đến các nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân cũng như các biện pháp phòng ngừa có thể giúp mẹ không phải chịu bất cứ cơn đau, phù nề hay chuột rút nào.