Categories
Sau khi sinh Vóc dáng

Sau khi sinh, cơ thể thay đổi ra sao?

Cơ thể bạn sẽ làm việc với một cường độ nhanh chóng để trở lại nhịp điệu bình thường của hơn 9 tháng trước đó. Rất nhiều điều lạ lẫm xảy ra, nhưng hầu hết chúng đều bình thường và mẹ không cần lo lắng. Lắng nghe cơ thể mình sẽ giúp bạn nhận ra đâu là những tín hiệu báo động. Lúc này, nên liên hệ với bác sĩ hoặc vào bệnh viện để được kiểm tra các bất thường

Sản dịch
Sau khi sinh, cơ thể mẹ sẽ tiết sản dịch, thường là máu màu đỏ tươi, có thể lẫn máu đông qua ngả âm đạo. Hiện tượng này kéo dài 3 đến 4 ngày. Sản dịch trở nên tối màu hơn trong vòng 10 đến 12 ngày, sau đó chuyển sang màu vàng – trắng. Hiện tượng ra sản dịch kéo dài khoảng 6 tuần sau khi sinh.

-Các bất thường: Sản dịch có mùi hôi, cục máu đông quá lớn, hoặc sản dịch nhiều đến nỗi có thể thấm ướt miếng băng vệ sinh trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Đây là dấu hiệu xuất huyết hoặc nhiễm trùng tử cung.

>> Xem thêm: Phục hồi cho bà mẹ sau khi sinh

Bộ ngực
Sau những bước đầu tiên của quá trình sản xuất sữa, bộ ngực trở nên căng sữa, đôi khi khiến bạn cảm thấy đau và tức.

-Các bất thường: Những khối tròn với nhiều kích thước khác nhau, chạm vào rất cứng và đau sau khi đã xuống sữa. Đây có thể là biểu hiện của tắc tia sữa.

Nhịp tim
Sau 24 giờ đầu tiên khi bé chào đời, nhịp tim của người mẹ cũng dần trở lại nhịp độ bình thường lúc trước khi mang thai.

Nhiệt độ
Thân nhiệt sẽ tăng lên chút ít trong ngày đầu sau sinh, sau đó trở lại bình thường trong vài ngày kế tiếp.

-Các bất thường: Thân nhiệt cao hơn 38oC trong tuần đầu tiên có thể cảnh báo về sự nhiễm trùng

Sau khi sinh, cơ thể thay đổi như thế nào?
Sự thay đổi của cơ thể sau khi sinh là một quá trình toàn diện

Tử cung
Tử cung sẽ co nhỏ về kích thước bình thường. Tuy vậy, quá trình co hồi này có thể khiến bạn cảm thấy khá là khó chịu.

-Các bất thường: Nếu bạn cảm thấy đau phần bụng dưới kể từ 5 ngày sau khi sinh, có thể bạn đang bị nhiễm trùng tử cung hoặc bàng quang.

Khu vực quanh âm đạo
Những vết rách trong quá trình sinh con hoặc vết rạch tầng sinh môn đều có thể gây đau đớn, ngay cả trong quá trình hồi phục. Việc đi vệ sinh trong những ngày mới sinh có thể là một thử thách cho bạn.

>> Xem thêm: Cách chăm sóc vùng kín sau khi sinh thường

Quá trình tiểu tiện
Cơ thể thường bài tiết nhiều nước tiểu hơn, nhưng đây chỉ là hiện tượng tạm thời mà thôi, và mỗi lần tiểu tiện gây khó chịu với cảm giác như kim châm.

-Các bất thường: Nếu bạn cảm thấy rất đau đớn, bàng quang không bài tiết hết nước tiểu, hoặc đi tiểu quá nhiều. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu.

Cơn đau đi kèm với đau lưng ở vị trí ngay sau hoặc dưới lồng ngực, kèm theo sốt báo hiệu thận đang gặp vấn đề.

Quá trình đại tiện
Điều này có thể trở nên khó khăn hơn sau khi sinh, một phần vì các cơ bụng và sàn chậu đã bị kéo giãn, chịu sức ép, và có thể bạn còn bị ảnh hưởng bởi bệnh trĩ nữa.

Làn da và cân nặng
Những vết rạn da không biến mất, nhưng chúng có thể mờ đi, chuyển từ màu hồng, đỏ sang màu trắng. Quá trình này đôi khi lâu hơn bạn nghĩ. Cân nặng cũng vậy, không nhanh chóng giảm xuống như bạn mong đợi. Đôi khi, sau vài tháng, bạn vẫn khá đẫy đà như trong giai đoạn mang thai vậy.

Cảm giác
Nhiều bà mẹ thấy buồn và hơi trầm uất một chút sau khi sinh. Điều này thường kéo dài khoảng 2 tuần.

-Các bất thường: Những dấu hiệu có liên quan đến trầm cảm sau khi sinh bao gồm buồn thê thảm, cực kỳ mệt mỏi, hay khóc, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, cảm thấy khó chịu, khó ngủ…

MarryBaby