Tại sao mẹ phải học cách nấu cháo trai cho bé? Cháo trai không chỉ là món ăn ngon, bổ đối với người lớn mà còn mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe cho trẻ nhỏ. Đặc biệt với trẻ còi cọc, chậm lớn, hay đổ mồ hôi trộm thì cháo trai chính là món ăn cần thiết nên có trong thực đơn.
Thành phần dinh dưỡng của trai
Học cách nấu cháo trai cho bé là điều mà bất kỳ bà mẹ nào cũng nên làm. Vì trai là loại thực phẩm không chỉ giàu đạm, sắt, kẽm, magie, canxi, selen… mà còn chứa axit béo omega-3, DHA, EPA tốt cho sự phát triển trí não của bé.
Trẻ nhỏ cần bổ sung đạm, sắt cho sự phát triển toàn diện. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu các khoáng chất. Vì nếu thiếu kẽm, trẻ sẽ bị nhẹ cân, chậm tăng trưởng, giảm sức đề kháng, rối loạn vị giác khứu giác. Thiếu canxi, magie trẻ sẽ bị còi xương. Thiếu selen, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Nhờ chứa một lượng lớn các khoáng chất nói trên, trai chính là thực phẩm không thể thiếu đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ suy dinh dưỡng.
[inline_article id= 171151]
Bé mấy tháng ăn được cháo trai?
Mẹ chỉ nên tập cho bé ăn cháo trai khi bé được một tuổi, thời điểm hệ tiêu hóa của bé đã tương đối ổn định. Bởi vì nếu bụng yếu mà ăn cháo trai, trẻ rất dễ đi ngoài hoặc bị rối loạn tiêu hóa. Vì ngay cả người trưởng thành có hệ tiêu hóa kém cũng hạn chế ăn các món nấu từ trai.
Tuy nhiên, mẹ cũng lưu ý nếu con có cơ địa dị ứng thì nên cân nhắc khi cho con ăn cháo trai. Tốt nhất là cho con thử một lượng rất ít để kiểm tra phản ứng của cơ thể, nếu thấy ổn mới cho con ăn tiếp ở những lần sau với lượng tăng dần.
Cách chọn trai ngon, tươi sống
Muốn an toàn cho sức khỏe của bé, mẹ nên chọn trai còn tươi, sống đế nấu cháo trai cho con, không nên mua hàng đông lạnh. Trai tươi sống rất dễ nhận biết.
– Dùng tay chạm vào vỏ trai, những con còn sống sẽ từ từ khép lại.
– Trai không có mùi hôi hoặc tanh nồng.
– Vỏ còn nguyên, không bị giập, vỡ.
– Ngoài ra, mẹ nên chọn những con có kích thước vừa phải, mình căng phồng, vỏ mỏng. Con quá to sẽ già và dai, con quá nhỏ thì thịt ít lại không đậm đà.
Cháo trai nấu với rau gì?
Mẹ có thể nấu cháo trai cho bé với hành, rau ngót, mướp, cà chua, cà rốt… đều được. Đặc biệt, theo kinh nghiệm dân gian, cháo trai dâu tằm rất hiệu quả để trị chứng đổ mồ hôi trộm ở bé.
>> Để biết cách nấu cháo trai cho bé với dâu tằm, mẹ có thể tham khảo bài viết: Trẻ ra mồ hôi trộm: 5 mẹo đơn giản mẹ nên biết.
Cách nấu cháo trai cho bé
1. Nguyên liệu
- Trai 3 con
- Rau, củ 30g
- Dầu ăn, hành củ, gia vị
- Gạo 30g
- Nước vo gạo
2. Cách chế biến
– Sơ chế trai: Khi nấu cháo trai cho bé, quan trọng nhất là bước sơ chế trai để loại bỏ đất, cát và chất bẩn.
Trai mua về phải lấy bàn chải chà sạch đất cát bám trên vỏ, sau đó ngâm với nước vo gạo vài tiếng để trai nhả hết chất bẩn.
Bắc nước luộc trai. Đến khi trai há miệng thì tắt bếp, tách lấy phần thịt. Nước để riêng gạn lấy phần trong. Để không làm giảm giá trị dinh dưỡng của trai thì thời gian luộc chỉ tầm 5-7 phút, không để trai sôi quá lâu. Những con trai không mở miệng sau thời gian này là những con đã chết, không nên cho bé ăn.
Thêm nữa, cách chế biến trai đúng chuẩn là phải loại bỏ túi phân ở phần thịt sau luộc vì đây là nơi chứa nhiều chất cặn bã trai chưa kịp thải ra. Sau đó băm nhuyễn thịt trai.
– Băm nhuyễn rau củ.
– Băm nhuyễn hành củ.
– Phi thơm hành rồi cho trai băm nhuyễn vào đảo đều để khử mùi tanh.
– Cho gạo vào nồi rồi nấu cháo chín nhừ (nhớ thêm nước luộc trai khi nấu cháo). Sau đó, cho trai và rau, củ băm nhuyễn vào. Khi cháo sôi lại lần nữa thì nêm nếm vừa ăn rồi tắt bếp.
Như mẹ thấy, cách nấu cháo trai cho bé không quá khó. Song mẹ lưu ý khâu làm sạch trai sẽ quyết định hương vị, độ thơm ngon và an toàn của món ăn.
Hương Lê