Categories
Năm đầu đời của bé Cho con bú

Cho con bú sau khi sinh mổ: Mẹ cần lưu ý những gì?

Nhiều bằng chứng cho thấy mẹ sinh mổ có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cho con bú trong thời gian đầu [1]. Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo bởi vẫn có nhiều cách để giúp bạn cho con bú sau khi sinh mổ hiệu quả.

Nếu trẻ sinh thường được tiếp nhận vi sinh vật khỏe mạnh, đặc biệt là các lợi khuẩn bifidobacterium để hình thành hệ vi sinh đường ruột và góp phần hoàn thiện hệ miễn dịch thì trẻ sinh mổ lại “bỏ lỡ” cơ hội này. Chính vì vậy, trẻ sinh mổ dễ bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hệ miễn dịch chậm hoàn thiện và có nguy cơ đối mặt với nhiễm trùng, ốm vặt cao hơn trẻ sinh thường [9], [10]. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trẻ sinh mổ sẽ có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn 1,3 lần [12].

Sữa mẹ luôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt với trẻ sinh mổ. Sữa mẹ mang đến cho trẻ rất nhiều dưỡng chất có lợi cho hệ miễn dịch, giúp trẻ sinh mổ giảm nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe như:

  • HMO, đại dưỡng chất nhiều thứ 3 trong sữa mẹ. Có rất nhiều loại HMO khác nhau nhưng phổ biến nhất là 5 loại HMO: 2’-FL, 3-FL; LNT, 3′-SL, 6’-SL có vai trò nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, tạo nền tảng khoẻ mạnh cho hệ tiêu hoá, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ [14], [15]. Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy, HMO 2’-FL có thể giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp lên đến 66%. 
  • Nucleotides, dưỡng chất giúp tăng cường sản sinh kháng thể. Theo kết quả của các nghiên cứu, nucleotides có thể giúp cơ thể trẻ sản xuất kháng thể tốt hơn 86% sau khi tiêm chủng vaccine HIB và còn có tác dụng giúp giảm nguy cơ mắc tiêu chảy [16], [17], [18].
  • Lợi khuẩn Bifidobacterium: Chủng lợi khuẩn có thể giúp củng cố hệ tiêu hóa, giúp giảm số ngày mắc tiêu chảy và giảm nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ  [16], [17], [18].

Tuy nhiên, mẹ sinh mổ lại có thể gặp nhiều khó khăn khi cho con bú do nhiều nguyên nhân từ thể chất đến tâm lý. Trong bài viết này, Marry Baby sẽ giúp bạn hiểu hơn về những khó khăn mà bạn có thể phải đối mặt khi cho bú sau sinh mổ, cũng như cung cấp một số bí quyết hữu ích để giúp mẹ giảm bớt nỗi lo và chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình chăm sóc bé yêu.

Những khó khăn mẹ có thể gặp phải khi cho con bú sau khi sinh mổ

Sau sinh mổ, mẹ có thể sẽ gặp một chút khó khăn trong việc cho con bú. Hiểu rõ những khó khăn có thể gặp phải khi cho con bú sau khi sinh mổ sẽ giúp mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình chăm sóc bé yêu [2]. 

  • Cơn đau từ vết mổ và tử cung co lại có thể khiến bạn thấy khó chịu khi cho con bú [2]. Ngoài ra, đau cũng có thể làm hạn chế việc di chuyển nên khiến bạn khó có thể cho bé bú. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách cho bé bú trong tư thế nằm nghiêng hoặc tư thế ngồi (cặp chặt hoặc bắt chéo) để tránh đụng vào vết thương [1]. Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ, Paracetamol hoặc ibuprofen có thể dùng khi cho con bú nhưng nên tránh dùng codein hay aspirin [13].
  • Sinh mổ có thể làm chậm thời gian tạo sữa. Thời gian sữa mẹ tạo ra sau sinh mổ có thể chậm hơn so với sinh thường. Nguyên nhân là do mẹ không trải qua quá trình chuyển dạ nên việc sản xuất hormone cho con bú có thể bị ảnh hưởng [1].
  • Thuốc tê hoặc thuốc gây mê khi sinh có thể khiến việc cho con bú sau khi mổ gặp khó khăn. Các loại thuốc này có thể khiến mẹ và bé buồn ngủ khiến mẹ không thể cho bé bú ngay [1]. 
  • Ngoài ra, sau sinh mổ, mẹ và bé có thể được tách ra để chăm sóc. Việc trì hoãn tiếp xúc da kề da có thể khiến cơ thể mẹ thiếu hormone tạo sữa là prolactin và hormone tiết sữa oxytocin, khiến tuyến sữa không được kích thích dẫn đến tình trạng sữa mẹ về chậm sau sinh mổ [2], [3].
  • Tâm lý của mẹ sau sinh mổ cũng có thể ảnh hưởng đến việc cho con bú. Nếu phải sinh mổ khẩn cấp mà không có sự chuẩn bị trước hoặc mẹ phải trải qua một cuộc sinh nở khó khăn, mẹ có thể thấy mệt mỏi và lo lắng. Tình trạng căng thẳng này có thể khiến hormone có tác dụng tạo sữa mẹ được sản xuất ra ít hơn và khiến việc cho con bú sau khi sinh mổ trở nên khó khăn [1], [2].
  • Trẻ sinh mổ không muốn bú mẹ do có nhiều dịch nhầy trong phổi. Nguyên nhân là do trẻ sinh mổ không đi qua đường sinh của mẹ nên phổi không được các cơ ở thành âm đạo và xương chậu của mẹ ép chặt để đẩy hết dịch nhầy ra ngoài [1], [4].

Mẹ sinh mổ không có sữa phải làm sao? Gợi ý cách gọi sữa về cho mẹ

cho con bú sau sinh mổ

Tuy việc cho con bú sau khi sinh mổ có nhiều khó khăn nhưng mẹ đừng vội bỏ cuộc hoặc cũng đừng tự gây áp lực cho bản thân mình.Căng thẳng sẽ càng gây khó khăn trong việc cho con bú sữa mẹ! Thay vào đó, bạn có thể thử áp dụng những mẹo nhỏ sau để có thể gọi sữa về: 

Cho con bú càng sớm càng tốt và cho bú thường xuyên

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khuyến cáo mẹ nên cho con bú sớm nhất có thể, tốt nhất trong vòng 1 tiếng sau sinh [5]. Việc cho trẻ bú sớm sau khi sinh sẽ kích thích cơ thể mẹ bài tiết sữa sớm, giúp khả năng tiết sữa kéo dài hơn và thời gian cho con bú lâu hơn [3].

Với mẹ sinh mổ, nếu gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống, mẹ vẫn có thể tỉnh táo nên cần cho bé bú ngay [2]. Đối với trường hợp gây mê toàn thân, quá trình hồi phục sẽ lâu hơn. Nếu không thể cho con bú ngay, hãy yêu cầu được ôm bé và thực hiện da kề da ngay khi có thể. Khi được ôm bé, bạn hãy đặt em bé lên bầu vú để có thể để kích thích phản xạ bú mẹ của bé và việc tiết sữa của mẹ [2].

Ngoài cho bé bú sớm mẹ cũng nên cho bé bú thường xuyên, sau mỗi 1 – 3 tiếng [2]. Việc cho con bú thường xuyên sẽ giúp cho cơ thể của người mẹ hình thành được phản xạ tiết sữa, giúp tuyến vú làm việc hiệu quả và làm cho khả năng tiết sữa được ổn định hơn [3].

Thực hiện tiếp xúc da kề da 

Tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé là điều được khuyến khích thực hiện ngay sau khi sinh bởi điều này có thể giúp: [1], [11]

  • Tăng sự liên kết giữa mẹ và bé
  • Tăng mức độ hormone oxytocin – hormone có ảnh hưởng lớn đến khả năng tiết sữa của mẹ
  • Giúp da trẻ tiếp nhận những vi khuẩn trên da tốt từ mẹ
  • Trẻ ngậm và bú mẹ thường xuyên hơn;

Các hướng dẫn về sinh mổ đều khuyến cáo phụ nữ sinh mổ cần được hỗ trợ tiếp xúc da kề da với con càng sớm càng tốt sau khi sinh nếu muốn cho con bú. Với mẹ sinh mổ, việc thực hiện tiếp xúc da kề da trong vòng một giờ đầu tiên có thể là điều khó khăn. Tuy nhiên, mẹ nên thực hiện điều này ngay khi có thể để giúp kích thích sản xuất hormone tiết sữa và giúp sữa mẹ dần dần về nhiều hơn [1].

Massage bầu ngực để kích thích sữa mẹ về nhiều hơn

Massage ngực nhẹ nhàng trước khi cho con bú là một trong những cách gọi sữa về mà mẹ sinh mổ có thể thử. Massage nhẹ nhàng lên bầu ngực không chỉ giúp cơ thể sản sinh ra oxytocin, kích thích tuyến sữa hoạt động mà còn giúp kích thích giãn nở các nang sữa giúp cho việc xuống sữa tốt hơn [6].

Để kích thích sữa về hiệu quả, các mẹ hãy thực hiện các bước massage sau:

  • Ngồi và tựa lưng ra phía sau
  • Sử dụng tay, hoặc khăn để tiến hành massage
  • Xoa nhẹ bầu ngực
  • Đặt ngón cái và ngón trỏ tạo thành chữ C, đầu 2 ngón tay thành 1 hàng ngang với đầu ngực
  • Nhấn nhẹ bầu sữa – ép một lực vừa phải – thả lỏng. Thực hiện đến khi thấy sữa xuất hiện và thực hiện lần lượt cho mỗi bên.

Đừng lo lắng khi không thấy sữa trong 1 vài phút đầu tiên, hãy nhẹ nhàng và kiên trì thực hiện đến khi sữa xuất hiện [7].

Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học

Để sữa mẹ về nhanh, về nhiều, trong thực đơn ăn uống, mẹ nên ăn đa dạng và đầy đủ các nhóm thực phẩm như nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, mẹ cũng có thể thêm vào thực đơn các món lợi sữa như như cháo cá chép, canh rau ngót thịt bò, chân giò hầm đu đủ, các loại nước như nước mè đen, nước đinh lăng, nước gạo lứt… [3] Uống đủ nước mỗi khi thấy khát hoặc khi thấy nước tiểu sẫm màu. Mẹ cũng có thể uống một cốc nước mỗi khi cho con bú. Cần đặc biệt lưu ý với đồ uống có đường và caffeine. Vì quá nhiều đường sẽ gây khó khăn trong việc lấy lại vóc dáng sau sinh. Mẹ cũng không nên nạp quá nhiều caffeine, cụ thể là không quá 710ml. Vì caffeine mẹ nạp vào quá mức sẽ khiến bé dễ kích động hoặc bị rối loạn giấc ngủ [8].

Nhờ đến sự trợ giúp của “trợ thủ”

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sinh mổ. Nếu sau sinh mổ việc cho con bú vẫn còn nhiều khó khăn, những cách gọi sữa về trên không hiệu quả ngay lập tức khiến bé không nhận đủ lượng sữa cần thiết thì mẹ cũng đừng quá lo làm ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa. Thay vào đó, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ của công thức sữa phù hợp cho trẻ sinh mổ với các thành phần 5 HMOs, Nucleotides và lợi khuẩn BB-12.

Qua những chia sẻ trên đây, Marry Baby hi vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích về những vấn đề mẹ có thể gặp phải khi cho con bú sau sinh mổ cũng như một số cách gọi sữa về đơn giản. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Tuy nhiên, nếu sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu của bé hoặc mẹ không thể cho bé bú, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ của công thức sữa phù hợp để giúp trẻ sinh mổ phát triển tốt nhất.