Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

10 điều cần biết trước khi nuôi con bằng sữa mẹ (Phần 2)

Cho con bú không phải lúc nào cũng dễ dàng
Tuy rằng cho con bú thuộc về bản năng của người mẹ nhưng với hầu hết các chị em, trải nghiệm của những lần cho con bú đầu tiên thường không dễ dàng. Do đó, nếu có gặp khó khăn khi mới cho con bú thì các mẹ cũng đừng buồn hay nản lòng và càng không nên vội vàng bỏ cuộc nhé. Tình trạng mẹ tiết sữa quá ít hoặc quá nhiều, đầu ngực bị đau khi cho con bú… đều là chuyện rất thường gặp ở những chị em đang cho con bú. Điều mẹ cần chính là kiên nhẫn, bình tĩnh và tìm sự giúp đỡ ở những người có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong chuyện nuôi con bằng sữa mẹ.

Cho con bú giúp mẹ giảm bớt căng thẳng
Không ai lại không biết những nỗi vất vả của chuyện nuôi con mọn, nhất là với những chị em lần đầu làm mẹ. Bạn có thể sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi và dường như cứ bị quay cuồng bởi đủ thứ nhiệm vụ lạ lẫm. Tuy nhiên, những ai đã và đang nuôi con bằng sữa mẹ có thể cho bạn biết cảm giác ấm áp khi bé con nhỏ xíu xiu nằm gọn trong lòng mẹ, miệng mút lấy vú mẹ mới tuyệt vời làm sao. Dĩ nhiên, bạn không thể vừa cho con bú vừa chạy việc này, làm việc kia. Hoạt động cho con bú sẽ khiến mẹ phải ngồi xuống, ôm ấp và chăm chú nhìn vào gương mặt thỏa mãn vì được ăn no của bé con xinh xắn. Đó chẳng phải cũng là một cách để thư giãn và nghỉ ngơi hay sao?

nuoi son bang sua me
Cho con bú sẽ giúp gắn kết tình cảm mẹ con

Mẹ có thể ăn những gì mẹ thích
Hầu hết các mẹ sinh con lần đầu thường nghĩ rằng mẹ ăn chất gì thì con sẽ bú vào chất nấy nhưng điều này không hoàn toàn chính xác. Các thành phần như đạm, đường, sắt và canxi có trong sữa mẹ hầu như không bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống. Trong khi đó, hàm lượng chất béo và các vitamin lại dễ dàng thay đổi theo thực đơn hàng ngày của mẹ. Do đó, mẹ vẫn có thể thỉnh thoảng ăn vặt khi thèm nhưng đừng quá thường xuyên vì thức ăn vặt không chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng lại giàu calories. Mục đích của việc duy trì những thói quen ăn uống tốt là để cơ thể mẹ được khỏe mạnh, nhờ đó hoạt động sản xuất sữa mẹ sẽ không bị ảnh hưởng xấu.

Luôn đem theo miếng lót ngực bên mình
Một khi sữa về, bạn có thể vừa ngạc nhiên vừa bối rối khi nhận ra rằng chỉ riêng việc tắm nước ấm hoặc nghe thấy tiếng khóc đòi bú của con cũng có thể kích thích bầu ngực chảy sữa. Nói đơn giản hơn, sữa mẹ có thể chảy vào bất cứ lúc nào mà bạn không ngờ tới, ngay cả khi bạn đang đi dạo ngoài phố, làm việc ở công sở hoặc mua sắm ở siêu thị. Đó là lý do vì sao mẹ không được quên miếng lót ngực khi ra ngoài nếu không muốn phải xấu hổ vì ngực áo thấm ướt. Cũng đừng quên thay miếng lót thường xuyên để tránh “làm ổ” cho vi khuẩn phát triển nhé.

Tìm sự giúp đỡ khi cần thiết
Đôi khi chỉ việc ẵm bé không đúng cách khi cho bú cũng có thể khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Do đó, mẹ cần luôn bình tĩnh và tìm sự giúp đỡ nếu cảm thấy có gì đó không ổn trong chuyện cho con bú. Từ những người thân và bạn bè của mẹ cho tới các hội nhóm, diễn đàn của các bà mẹ nuôi con nhỏ nói chung và các hội nuôi con bằng sữa mẹ nói riêng; dĩ nhiên không thể thiếu bác sĩ sản khoa. Đây đều là những người mà bạn có thể hỏi han và tìm kiếm sự giúp đỡ.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

10 điều cần biết trước khi nuôi con bằng sữa mẹ (Phần 1)

Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe trẻ sơ sinh
Sữa mẹ có tỷ lệ chất đạm, chất đường, chất béo và nước hoàn hảo cho một đứa trẻ. Cơ chế sản xuất sữa mẹ vô cùng tuyệt vời vì nó có thể tự động điều chỉnh cả về số lượng và thành phần để phù hợp với nhu cầu và tốc độ phát triển của con yêu. Một số nghiên cứu khoa học gần đây còn chỉ ra rằng những trẻ được cho bú sữa mẹ có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) thấp hơn những trẻ khác.

Đặc biệt không thể không nhắc đến sữa non vì chúng vừa giàu giá trị dinh dưỡng vừa chứa các kháng thể và bạch cầu sẽ bảo vệ bé chống lại các loại vi khuẩn sau khi rời khỏi tử cung ấm áp và an toàn của mẹ. Sữa non sẽ chuyển hóa thành sữa trưởng thành chỉ sau 3 đến 5 ngày, do đó, các mẹ nhớ tích cực cho con bú ngay sau khi sinh để không lãng phí nguồn dưỡng chất quý giá này nhé.

Cho con bú rất tốt cho sức khỏe của mẹ
Cho con bú sẽ giúp mẹ giảm nguy cơ mắc phải các bệnh tiểu đường, ung thư vú và ung thư buồng trứng. Hoạt động cho con bú còn thúc đẩy cơ thể tiết ra hormone prolactin và oxytocin. Prolactin có tác dụng ức chế hoạt động của buồng trứng làm nang noãn không phát triển dẫn đến vô kinh. Đây chính là cơ sở của phương pháp tránh thai bằng cách cho con bú trong 6 tháng đầu đời. Trong khi đó, oxytocin lại giúp phát triển mối dây gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé. Loại hormone này còn được biết đến với nhiều tác dụng tích cực khác như giảm căng thẳng, giúp dễ ngủ hơn và tăng ham muốn tình dục.

nuoi con bang sua me 2
Nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé

Trẻ sơ sinh và cách bú mẹ
Đây là điều quan trọng với cả bạn và bé vì nếu không ngậm ti đúng cách, bé yêu sẽ không thể nào bú no và thoải mái, chưa kể đến việc bé có thể bị đầy hơi do nuốt phải không khí nếu không ngậm chặt ti mẹ. Ban đầu có thể sẽ không dễ dàng nhưng sau một thời gian, mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn. Khi cho bú, mẹ cần để bé há to miệng trước khi áp vú vào. Nếu cho bú đúng cách, lưỡi, môi dưới và cằm của bé sẽ chạm vào ngực mẹ, ti mẹ ngập trong miệng bé trong khi mũi bé vẫn được thoải mái để thở. Nếu mẹ thấy đau đầu ti khi cho bú, bé có thể chưa ngậm vú đúng cách. Lúc này, mẹ nên dùng ngón tay nhẹ nhàng gỡ bé ra và cho bé ngậm ti lại.

Cho con bú rất tiện lợi
Mẹ có thể cho con bú bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, không cần thức dậy pha sữa cho con lúc 2 giờ sáng, cũng chẳng phải lo chuyện mua sữa bột trữ sẵn ở nhà và còn giảm bớt được việc vệ sinh bình sữa nữa chứ. Bé yêu cũng chẳng bao giờ phải chờ đợi bố mẹ đi pha sữa để được cho ăn. Sữa mẹ lúc nào cũng có sẵn và ấm nóng để cho bé bú. Điều này đặc biệt đúng khi bạn đi du lịch vì bé yêu không bao giờ sợ đói nhé.

Ti mẹ cũng cần được chăm sóc tốt
Đầu ngực có thể bị đau và nứt nếu không được chăm sóc cẩn thận. Vì thế, sau mỗi lần cho con bú, mẹ cần kiểm tra hai đầu ti xem có bị đỏ hoặc nứt không để can thiệp sớm, tránh cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Thỉnh thoảng, mẹ nên bôi sữa mẹ lên đầu ti và để khô tự nhiên, cách này sẽ giúp bảo vệ ti và hạn chế các vấn đề như đau, nứt và chảy máu đầu ti.

(còn tiếp)

MarryBaby

 

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Từ sữa mẹ sang bú bình

>> Lần đầu cho bé bú bình như thế nào?

>> Bé trai và bé gái nên uống sữa công thức riêng? 

Nếu bạn và bé chưa thích ứng kịp, những mẹo dưới đây sẽ thực sự có ích đấy.

Bỏ qua cảm giác tội lỗi: Có một số mẹ cai sữa cho bé vì phải đi làm hoặc gặp phải vấn đề khi cho con bú. Đừng ngại ngùng hay xấu hổ, bởi bạn sẽ tiếp tục chăm sóc bé tốt trong thời gian sắp tới. Mọi bà mẹ đều sẽ trải qua giai đoạn này và cai sữa khi đến thời điểm không phải là một tội ác.

Từ sữa mẹ sang bú bình 2
Theo chuyên gia, cho con bú là một trải nghiệm hết sức thiêng liêng nên việc cảm thấy đau lòng “chút chút” khi kết thúc giai đoạn này là điều dễ hiểu

Đợi đúng thời điểm: Nếu bé đã ăn được các loại thức ăn đặc, bạn sẽ dễ dàng giảm bớt việc bú mẹ hơn.

Giảm dần dần: Nếu mẹ ngừng cho bé bú đột ngột, ngực mẹ sẽ bị căng cứng và đau. Mẹ nên chia theo lịch, chẳng hạn giảm bớt 1 cữ bú sau mỗi 3-5 ngày, ngực mẹ sẽ tiết sữa ít dần để tránh gây khó chịu.

Bên cạnh đó, dùng lá bắp cải, chườm nóng lên ngực hoặc bơm sữa ra ngoài cũng giúp mẹ giảm đau. Các chuyên gia cũng khuyến cáo mẹ chỉ nên “xả” bớt lượng sữa vừa đủ. Một lượng sữa còn trong ngực được giữ trong bầu ngực là dấu hiệu để cơ thể nhận biết không cần tiết sữa nhiều nữa.

Duy trì sự gắn kết: Một số mẹ bày tỏ lo lắng rằng cai sữa sẽ làm mất đi mối dây liên kết đặc biệt giữa 2 mẹ con nhưng lại quên rằng tình thân này luôn mạnh mẽ và sâu đậm dù bất kể chuyện gì xảy ra. Vui chơi, ôm ấp, cùng đọc truyện… là những hoạt động giúp bé gần gũi và cảm nhận làn da cũng như tiếng nói của mẹ.

Dành 1 lần bú mẹ “đặc biệt”:  Đôi khi thật khó để mẹ và bé bước qua giai đoạn bú mẹ dù đã cắt hấu hết cữ cho bé bú trong ngày. Vậy nên nhiều mẹ vẫn tiếp tục duy trì 1 lần cho bú trong ngày. Với nhiều bé, bú đêm là “cửa ải” quan trọng cuối cùng để bắt đầu bài học mới. Một số bé thấy thoải mái khi bú lúc giữa đêm, buổi sáng; số khác lại thích bú khi mẹ đi làm về. Dù gì đi nữa thì chỉ có mẹ và bé mới biết điều gì là phù hợp cho cả hai.

Nhờ ai đó cho bé bú bình: Bé có khả năng buồn chán, thất vọng nếu mẹ “dí” bình sữa vào bé sau nhiều tháng bú mẹ. Nhiều mẹ chọn giải pháp đi đâu đó và nhờ “cứu viện” từ bố, ông bà hay thậm chí là bạn bè, miễn sao đó là người luôn yêu thương, chăm sóc và có ý thức trách nhiệm với bé…

Tạo cảm giác thân quen: Nếu mẹ đang chuyển hướng cho bé bú bình, hãy tạo không gian càng giống với lúc bé bú mẹ càng tốt vì bé sẽ có cảm giác an toàn hơn.

Đánh lạc hướng bé khỏi ngực mẹ: Nếu bé đã hơn 6 tháng tuổi và bắt đầu làm quen với thực phẩm ăn dặm một cách suôn sẻ, mẹ nên giảm cho bé bú, để bé bú trong thời gian ngắn hơn hoặc dùng các loại thực phẩm, bú bình… khiến bé xao nhãng. Mẹ có thể chọn quần áo làm bé khó bú hơn, dành thời gian đi loanh quanh, thay thế bằng các loại thức ăn vặt hoặc kể nhiều chuyện hơn cho bé nghe…

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Làm gì để mẹ có nhiều sữa cho con bú? (Phần 1)

Tình trạng ít sữa có thể bắt nguồn từ sự mất cân bằng hormone bên trong cơ thể mẹ dẫn đến từ khi mới sinh mẹ đã tiết ít sữa. Hoặc cũng có nhiều trường hợp mẹ ban đầu có đủ sữa cho con bú nhưng lượng sữa bị giảm dần theo thời gian.

Các mẹ đã bao giờ nghe tới prolactin hay chưa? Đây chính là loại hormone quan trọng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa mẹ đấy. Việc thiếu prolactin có thể là nguyên nhân khiến mẹ ít sữa. Bên cạnh đó, các mẹ có núm vú ẩn cũng có thể gặp khó khăn khi cho con bú.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mẹ tiết ít sữa cũng là do mẹ mà có khi lại do em bé mới sinh, chẳng hạn trẻ có khiếm khuyết về răng miệng như bệnh hở hàm ếch hoặc trẻ bị bệnh hiểm nghèo đều sẽ dẫn đến việc bú mớm bị cản trở. Cả trong trường hợp trẻ khi mới sinh được cho bú bình cũng có thể khiến việc bú mẹ sau đó trở nên kém thuận lợi hơn.

Khi phát hiện ra mẹ ít sữa, cần tìm hiểu được nguồn cơn để có hướng cải thiện phù hợp. Chắc hẳn các mẹ sẽ rất sốt ruột khi thấy sẽ không về hoặc về ít nhưng lo lắng cũng không giúp giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến mẹ thêm mệt mỏi mà thôi. Cho nên cần phải thật bình tĩnh mẹ nhé.

de me co nhieu sua 3
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một cách để gắn kết mẹ con

Dưới đây là các phương pháp giúp chị em thuận lợi hơn trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Sinh con tự nhiên
Việc sinh mổ cần dùng nhiều thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng vết mổ nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa sau khi sinh. Còn khi sinh thường, hàm lượng oxytocin và prolactin được tối ưu hóa, kích thích sữa về nhanh và nhiều hơn. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh cũng chịu ít nhiều tác động của các loại thuốc nói trên, ảnh hưởng đến khả năng bú mẹ của bé.

Cho con bú ngay sau khi sinh
Sinh thường được coi là bước khởi đầu thuận lợi trong việc nuôi con bằng sữa mẹ nhưng như thế không có nghĩa là những mẹ sinh mổ sẽ không thể cho con bú thành công. Dù sinh thường hay sinh mổ, mẹ đều nên cố gắng cho con bú trong vòng một giờ sau sinh để tận dụng được nguồn sữa non quý giá, đồng thời có những cử chỉ âu yếm, gần gũi với con càng nhiều càng tốt. Ở bên con và cho con bú bất cứ khi nào bé muốn sẽ tạo nên phản xạ tích cực cho cơ chế sản xuất sữa của mẹ.

Tích cực cho con bú
Sữa mẹ được sản xuất theo nguyên lý cung – cầu. Mẹ càng cho con bú thường xuyên thì sữa càng tiết ra nhiều. Thế nên, mẹ cứ thoải mái cho bú khi con đòi bú mà không nhất thiết phải tuân theo một “thời gian biểu” cho bú nào cả nhé.

Hạn chế sử dụng bình sữa
Mẹ có biết rằng trẻ sơ sinh cần sử dụng những cử động lưỡi và hàm khác nhau khi bú mẹ và bú bình? Khi bé mới làm quen với việc bú mẹ nhưng cùng lúc lại “học” bú bình, việc bú mẹ của bé có thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Do đó, mẹ nên hạn chế việc cho con bú bình, ngay cả khi đó là sữa mẹ, cũng như việc dùng núm vú giả ở thời kỳ đầu sau sinh.

Cân nhắc khi dùng máy hút sữa
Khá nhiều mẹ thường dùng máy hút sữa ngay sau mỗi cữ bú của con vì nghĩ rằng việc này sẽ kích thích sản xuất sữa nhiều hơn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia dinh dưỡng, thói quen này ở những tuần đầu sau sinh sẽ làm mất đi sự cân bằng tự nhiên giữa lượng sữa mà mẹ sản xuất ra với lượng sữa mà bé cần. Các mẹ sẽ mất thêm thời gian cho việc này một cách không cần thiết mà còn có thể dẫn đến tình trạng căng tức ngực hoặc nghiêm trọng hơn là áp xe vú do sữa ra quá nhiều. (còn tiếp)

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Đang cho con bú có nên uống thuốc tăng cân không

Không hiểu sao trước khi có bầu em bị tụt mất 4,5cm chiều cao do 1 lần tình cờ đo,em không thể tin nổi sao lại có chuyện đó được.Em liền đi khám tổng thể kể cả xét nghiệm máu BS kết luận không bị bệnh gì,vậy tại sao lại thế….em thắc mắc hòai.cả nhà ai cũng thấy lạ nhưng lùn đi là bằng chứng rõ ràng nhất.

Giờ sinh xong con em đã gần 14 tháng nhưng sao sau sinh em càng gầy đi,xuống sắc..nên hay tự ti về bản thân khác xa thời con gái trắng trẻo xinh như người ta hay nói.

Nên giờ em định dùng thuốc tăng cân liệu có ảnh hưởng tới con không các chị

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

16 lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ (Phần 1)

1. Giảm nguy cơ ung thư vú
Theo các nghiên cứu y khoa, mẹ cho con bú có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú khoảng 4%. Con số này không lớn nhưng rõ ràng việc cố gắng giảm nguy cơ ung thư vú bằng bất kỳ phương pháp nào chắc chắn là một quyết định đúng đắn.

2 . Sữa mẹ rất bổ dưỡng cho bé
Sữa mẹ được tạo ra đặc biệt dành cho cơ thể tí hon của trẻ sơ sinh. Trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, mẹ sản xuất ra sữa non, đó là nguồn dinh dưỡng cao hơn hẳn sữa mẹ trong những ngày sau đó.

Sữa non cực kỳ tốt cho gan, ruột và hệ thống miễn dịch của bé. Có thể nói sữa non là nguồn dinh dưỡng giúp bé chuẩn bị “đối phó” với thế giới bên ngoài bệnh viện.

3 . Có ích cho quá trình phục hồi sau sinh của mẹ
Sau khi sinh, các cơ quan sinh dục có thể hơi “lộn xộn” một chút, nhưng cho con bú có thể giúp cân bằng mọi thứ trở lại bình thường. Cho bé bú ngay sau sinh kích thích tử cung của người mẹ sớm trở về trạng thái cũ. Vì vậy, cho con bú càng sớm thì các hormone được điều chỉnh về trạng thái cân bằng càng nhanh, các mẹ sẽ chảy máu ít hơn và tử cung trở lại bình thường nhanh hơn.

nuoi con bang sua me 1
Có nhiều bà mẹ cảm thấy tự hào khi đã nuôi con bằng sữa mẹ

4 . Bé bú giúp sản xuất nhiều sữa hơn
Đừng lo lắng về việc không có sữa! Miễn là bé của bạn vẫn bú, ngực sẽ tiếp tục sản xuất nhiều sữa hơn. Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích trẻ sơ sinh bú sữa mẹ liên tục trong sáu tháng, nhưng nhiều bà mẹ ngày nay muốn cho con bú lâu hơn. Vì vậy, mẹ đừng quá lo lắng, cơ thể của mẹ sẽ tự điều tiết để giữ sữa cho đến lúc mẹ muốn cai sữa bé.

5 . Giúp bé phát triển hệ thống miễn dịch
Em bé mới sinh ra thực sự không có hệ thống miễn dịch. Các kháng thể trong sữa mẹ giúp trẻ sơ sinh hình thành hệ thống phòng thủ tự nhiên trong cơ thể nhanh hơn.
Đặc biệt là giai đoạn sáu tháng đầu, nếu được uống sữa mẹ hoàn toàn, bé sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm trùng tai, nhiễm trùng dạ dày. Vì tất cả các kháng thể tuyệt vời trong sữa mẹ giúp bé chống chọi lại với môi trường xung quanh nên bé sẽ ít bệnh vặt hơn.

6 . Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng ở mẹ
Hơn 50% phụ nữ có nguy cơ hình thành và phát triển ung thư buồng trứng. Với các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, ung thư buồng trứng khó tầm soát và được mệnh danh là ” sát thủ thầm lặng”. May mắn thay cho các bà mẹ là việc cho con bú sẽ giảm nguy cơ ung thư buồng trứng đến 27%.

7. Xây dựng kết nối tuyệt vời giữa mẹ và bé
Sau khi sinh con, không ít mẹ cảm giác tách biệt với trẻ một cách sâu xa và không thể giải thích được. Đôi khi thật khó khăn để xây dựng kết nối với nhóc con sơ sinh. Nếu mẹ lo sợ mẹ không gần gũi với bé thì cho con bú là giải pháp tốt nhất. Đối với một số bà mẹ, cho con bú đồng nghĩa với việc xây dựng mối dây liên kết sâu sắc hơn và có thời gian chơi đùa nhiều hơn với nhóc con của mình.

8. Tạo ra các hormone hạnh phúc
Hormone có ảnh hưởng to lớn đến tâm trạng của các mẹ. Và bạn có biết rằng các hormone sản sinh ra trong quá trình cho con bú giúp mẹ thấy vui tươi hơn? (còn tiếp)

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Ăn cá khi đang cho con bú và những điều cần lưu ý (Phần 1)

Bác sĩ thường khuyên những chị em đang cho con bú nên cân nhắc để xác định rõ loại cá nào an toàn cho sức khỏe và nên ăn bao nhiêu là tốt nhất. Vậy bạn đã biết làm cách nào để hạn chế lượng thuỷ ngân đồng thời vẫn nhận được những dưỡng chất khác mà mẹ và bé cần?

cho con bu
Mẹ cho con bú vẫn nên ăn cá để cung cấp dưỡng chất cho bé

Thuỷ ngân ngấm vào cá như thế nào?

Có thể mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng thuỷ ngân có ở mọi nơi, thậm chí cả trong không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày. Có một vài nguồn thuỷ ngân tự nhiên như núi lửa và cháy rừng. Thuỷ ngân cũng có thể lan tỏa trong không khí từ các cột xi măng và các loại hoá chất công nghiệp. Thuỷ ngân còn được sử dụng để sản xuất nhiệt kế và bộ điều chỉnh nhiệt, do đó, nó có thể được giải phóng khi các thiết bị này bị vỡ.

Khi thuỷ ngân ở trong nước sẽ chuyển hoá thành một dạng gọi là methyl thủy ngân. Cá ngấm methy thủy ngân từ nước khi bơi và từ loại thực phẩm chúng ăn. Methy thủy ngân bám chặt vào những tế bào protein trong thịt cá ngay cả khi cá đã được nấu chín.

Hầu hết các loại cá và tôm, cua, sò, ốc… đều chứa một lượng thuỷ ngân nhất định nhưng các loại cá ăn thịt lớn hơn thì tích trữ lượng thủ ngân nhiều hơn. Đó là vì các loại cá ăn thịt ăn thịt các loại cá khác – những loại cá này bản thân nó đã ngấm thủy ngân. Và các loại cá ăn thịt lớn hơn thì ăn nhiều cá hơn. Những loại cá lớn hơn cũng có khuynh hướng sống lâu hơn các loại cá nhỏ, vì thế càng có nhiều thời gian để thuỷ ngân ngấm vào cơ thể chúng hơn.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ ăn phải loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cao khi đang nuôi con bằng sữa mẹ?

Trong khi các loại kim loại khác không thể ngấm vào sữa mẹ với số lượng lớn, thuỷ ngân lại có cách xâm nhập vào nguồn sữa của bạn và ngấm vào cơ thể bé bất kỳ lúc nào đặc biệt là khi bé nhạy cảm với những phản ứng của thuỷ ngân.

Methylmercury là một độc tố thần kinh, điều đó có nghĩa là nó có thể ảnh hưởng đến não và hệ thống thần kinh. Trẻ sơ sinh và kể cả thai nhi đều rất dễ bị tổn thương với hàm lượng thuỷ ngân cao bởi vì não và hệ thống thần kinh của bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển. (còn tiếp)

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Núm vú giả: Có nên cho trẻ sử dụng không?

Có nên cho trẻ sử dụng núm vú giả?

Với những ai lần đầu làm cha mẹ, cưng chiều và chăm sóc trẻ luôn được xem là mối quan tâm hàng đầu và việc sử dụng núm vú giả rất hữu ích trong việc làm trẻ dễ chịu.

Một số trẻ chỉ thích được ôm ấp, ru bế và chỉ thích bú khi đến giờ ăn. Một số trẻ khác lại hoàn toàn ngược lại, thích được bú ngay cả khi không đói.

Nếu con bạn muốn được bú tiếp ngay cả sau khi được cho bú sữa mẹ hay bú bình, núm vú giả là một giải pháp thay thế tuyệt vời. Núm vú giả không phải là phương pháp thần kỳ, nhưng nếu bạn đã làm đủ mọi cách như giúp bé ợ, ôm ấp, vỗ về và ru bế nhưng bé vẫn cảm thấy khó chịu thì có thể núm vú giả sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Núm vú giả: Có nên cho trẻ sử dụng? (Phần 1)
Ngậm vú giả có thể giúp cho bé thoải mái nhưng lâu dài có thể thành thói quen

Ngoài ra, khi bé sử dụng núm vú giả trong giấc ngủ sẽ có khả năng làm giảm nguy cơ của hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS). Các nghiên cứu không cho thấy sử dụng núm vú giả sẽ giúp ngăn cản SIDS, tuy nhiên có một mối liên hệ khá lớn giữa việc sử dụng núm vú giả và làm giảm nguy cơ SIDS. Không chỉ vậy, việc sử dụng núm vú giả còn giúp trẻ bỏ thói quen xấu như mút ngón tay.

Sử dụng núm vú giả có tác hại nào không?

Sử dụng vú giả có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong một số nghiên cứu, tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng tai ở trẻ sử dụng núm vú giả cao hơn 33% so với trẻ không sử dụng.

Vì nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh rất thấp, nên bạn có thể dùng vú giả cho đến khi bé được 6 tháng tuổi và sau đó cho trẻ cai dần, đặc biệt là nếu trẻ dễ bị nhiễm trùng tai.

Nếu đang cho con bú, bạn có thể chưa muốn cho trẻ sử dụng núm vủ giả cho đến khi trẻ bú mẹ thành thạo. Sử dụng núm vú giả và bú mẹ là hai hành động hoàn toàn khác biệt và những em bé sử dụng núm vú giả trước khi bú mẹ có thể xảy ra tình trạng “lẫn lộn núm vú”, hiện tượng được xem là “khó khăn của trẻ trong việc bắt vú và mút đúng cách” để có thể bú mẹ thành công sau một thời gian bú bình hoặc ngậm núm vú giả.

Vì lý do đó, bạn nên đợi cho đến khi trẻ bú mẹ thành thạo và nguồn sữa của bạn đã ổn định rồi mới cho trẻ làm quen với núm vú giả. Nếu trẻ bú mẹ tốt, tăng cân và có lịch ăn ổn định, bạn có thể cho trẻ sử dụng núm vú giả sớm hơn.

Ngậm núm vú giả dễ dàng trở thành một thói quen và nhiều cha mẹ không muốn cho con mình sử dụng vì không muốn phải đau đầu chuyện cho trẻ cai ti giả hoặc đơn giản họ không thích một đứa trẻ 3 tuổi mà còn ngậm ti giả.

Nếu bạn cho trẻ sử dụng núm vú giả và không muốn một “trận chiến” khi cai núm vú thì nên cai trước khi bé tròn 1 tuổi.

Những nguyên tắc cơ bản khi sử dụng núm vú giả

Nếu bạn quyết định cho trẻ sử dụng núm vú giả, nhớ giữ những nguyên tắc sau:

Để trẻ quyết định. Nếu trẻ có vẻ thích núm vú giả thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu trẻ không thích, đừng ép buộc trẻ phải sử dụng chúng. Bạn có thể thử lại một thời điểm khác hoặc tôn trọng sở thích của con và không ép sử dụng.

Dù trong bất kỳ trường hợp nào, không sử dụng núm vú nhằm trì hoãn việc cho trẻ ăn hoặc để thay thế cho sự chú ý của bạn. Cho trẻ sử dụng núm vú giả giữa các lần ăn khi trẻ không đói.

Ngoài ra, không nhúng núm vú giả trong nước trái cây hoặc nước đường vì có thể dẫn đến sâu răng.

Bạn có thể thử cho trẻ sử dụng núm vú giả trước một giấc ngủ ngắn, nhưng nếu nó rơi ra khỏi miệng trong khi trẻ đang ngủ thì không bỏ núm vú lại vào miệng. Khi trẻ quấy khóc, nên cố gắng an ủi trẻ theo những cách khác, chẳng hạn như ôm ấp, ru hoặc hát.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ bắt buộc phải đợi bạn cho ăn hoặc dỗ dành như khi bạn đang thanh toán hóa đơn siêu thị thì việc sử dụng núm vú giả là hoàn toàn hợp lý.

Không bao giờ cột núm vú vào cổ của bé hoặc nôi vì có thể khiến trẻ bị ngạt. Phương pháp an toàn nhất là gắn núm vú giả vào quần áo của trẻ bằng một loại kẹp chuyên dụng.

Chọn núm vú giả an toàn và thích hợp cho bé và giữ sạch bằng cách rửa với nước ấm, thay thế ngay khi thấy các vết nứt nhỏ hay các dấu hiệu hao mòn.

Khi nào trẻ không nên sử dụng vú giả?

Không cho trẻ sử dụng vú giả khi trẻ có vấn đề về cân nặng. Nếu trẻ đang gặp khó khăn trong việc bú mẹ hoặc nếu bạn gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn sữa cho trẻ, tốt nhất là ngừng sử dụng ngay lập tức. Bên cạnh đó, bạn cũng phải xem xét việc không nên cho trẻ dùng nếu trẻ đã bị nhiễm trùng tai nhiều lần.

Trong trường hợp trẻ bị thiếu tháng và không đủ trọng lượng như những trẻ khác, việc sử dụng núm vú giả không phải là tác nhân chính khiến trẻ không lên cân mà còn có thể bảo vệ trẻ khỏi SIDS, vì vậy nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định.

Núm vú giả: Lưu ý khi sử dụng (Phần 2)
Có thể cho trẻ ngậm núm vú giả trong một giấc ngủ ngắn

Vú giả ảnh hưởng đến sự phát triển răng của bé như thế nào?

Ngậm vú giả trong những năm đầu đời có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng miệng của bé, nhưng không có nhiều bé sử dụng đủ lâu để dẫn đến những tác hại này.

Trong khoảng thời gian sử dụng, trẻ chỉ có răng sữa, còn răng vĩnh viễn thường bắt đầu mọc khi bé được 6 tuổi. Nếu bạn lo lắng về điều này, nên hỏi bác sĩ hoặc nha sĩ để kiểm tra hàm và răng của trẻ.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Những mẹo dứt sữa cho con

MarryBaby xin được mách với các mẹ một vài bí quyết nhỏ dưới đây:

Chọn thời điểm thích hợp?

Bé 6 tháng, 1 tuổi hay 2-3 tuổi thì nên dứt sữa? Hẳn là băn khoăn của không ít bà mẹ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ nhi khoa, không có thời điểm nào là tuyệt đối chính xác để dứt sữa cho bé. Họ cũng đưa ra khuyến cáo không nên dứt sữa bé sớm trước 1 tuổi, để đảm bảo dinh dưỡng cũng như sự tăng trưởng và phát triển của bé.

Điều quan trọng là khi muốn dứt sữa, mẹ cần lưu ý tình trạng sức khỏe của bé. Nên chọn thời điểm lúc bé khỏe mạnh và ít có khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm là thích hợp nhất. Cũng cần quan tâm tới tiết trời, thường mùa hè và mùa đông bé dễ mắc các bệnh hô hấp, truyền nhiễm và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Các mẹ nên tránh dứt sữa cho bé vào các mùa này.

Dứt sữa cũng là một quá trình, mẹ nên kiên nhẫn và thực hiện từ từ. Bởi bé cần có thời gian để dần quên thói quen bú mẹ “bẩm sinh” của mình và làm quen với chế độ dinh dưỡng mới.. Như vậy để giúp bé bỏ bú cần có công đoạn chuẩn bị thật chu đáo về mọi thứ.

Công đoạn chuẩn bị

Tập cho bé làm quen với sữa công thức. Chẳng hạn bình thường bé hoàn toàn bú sữa mẹ thì lúc này có thể xen 1-2 bình sữa công thức/ngày. Khi bé quen rồi, mẹ có thể tăng liều lượng và số lần bú bình.

Bổ sung nhiều thực phẩm vào thực đơn hàng ngày của bé, để bé vừa được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vừa tránh được thói quen xấu mà nhiều trẻ hay mắc phải là chỉ bú sữa mẹ, không chịu ăn đồ ăn khác.

Dứt sữa cho bé: Những mẹo cho con
Tập cho bé ăn bột, cháo… để được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và cứng cáp hơn.

Sắm bộ đồ ăn cho bé gồm muỗng, chén, ly với kiểu dáng và màu sắc ngộ nghĩnh, bắt mắt. Cho bé ngồi chung bàn ăn với người lớn để có dịp thực hành trên bộ đồ ăn của mình. Từ đó kích thích sự tò mò của bé đối với các món ăn.

Mẹo dứt sữa cho con

Cho bé ngủ riêng. Nếu chưa có dịp cho bé ngủ riêng thì lúc này là thời điểm thích hợp. Trang trí phòng ngủ cho bé thật xinh xắn, sắm cho con một vài bạn thú nhồi bông, siêu nhân… để bé cảm thấy thích thú và ấm áp như có mẹ kề bên, dĩ nhiên mẹ vẫn sẽ là người đưa bé vào giấc ngủ bằng lời hát ru hay một câu chuyện cổ tích.

Dứt sữa dần dần. Để nhanh chóng giúp con bỏ bú, nhiều chị em vẫn thường áp dụng những biện pháp như: dùng son môi, cột tóc rối, bôi thuốc đắng, xức dầu… lên núm vú. Phương pháp đó có thể hiệu quả với bé này nhưng lại vô hiệu với bé kia. Và phải trải qua thực tế, mẹ mới biết được cách nào phù hợp với con mình. Chẳng hạn, với những bé yếu bóng vía, nhạy cảm, việc “hoá trang” ti mẹ một cách quá lố sẽ có thể khiến trẻ bị sốc.

Cách tốt nhất để cai sữa cho bé là giảm dần lượng sữa mẹ theo thời gian, chẳng hạn: trước đây mỗi ngày mẹ cho con bú 6 lần thì nay giảm xuống 5 lần, rồi 4, 3, 2, 1 lần. Đồng thời khi bé đói, thay vì sữa mẹ, bạn cho con ăn các thực phẩm khác như bột, cháo, cơm nhão,… để bé “quên” sữa mẹ dần dần. Cách làm này cũng tốt cho mẹ bởi đột ngột không cho con bú cũng ảnh hưởng đến tuyến sữa và bầu vú của mẹ.

Dứt sữa cho bé: Những mẹo cho con
Cách tốt nhất để cai sữa cho bé là giảm dần lượng sữa mẹ theo thời gian

Rút ngắn thời gian cho bú. Mẹ sẽ chủ động cắt giảm lượng thời gian cho bé bú. Ví dụ trước đây bé bú mẹ mỗi lần 5 phút thì nay cần rút xuống còn 3 phút, dần dần cai hẳn sữa cho bé. Bên cạnh đó mẹ cũng không nên để bé có cảm giác đói bằng cách cho bé uống sữa ngoài, ăn bột hay cháo một cách đều đặn. Cảm giác luôn no bụng cũng phần nào giúp bé quên đi “bình sữa” của mẹ.

Không nên “đẩy” bé cho ông bà. Gửi bé cho ông bà nội/ngoại cũng là cách thường được chị em áp dụng để “trốn” bé trong một thời gian. Tuy nhiên cách này cũng không hoàn toàn có lợi, bởi bé sẽ lo lắng không biết mẹ đi đâu, có bỏ mình lại không nên tinh thần hốt hoảng, hay khóc và mất ngủ.

Mẹ phải vững tâm. Thời gian đầu sẽ không tránh khỏi việc bé quấy khóc, đòi bú. Đây là những biểu hiện rất bình thường, không đáng lo ngại, nhưng rất cần sự vững tâm của mẹ để không cho bé bú lại. Cùng với một trong những phương pháp trên, sau một thời gian bé sẽ tìm lại được sự “cân bằng” cho mình.

Nguyễn Dinh

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Cách chọn mua và bảo quản bình sữa cho bé

Cách chọn mua bình sữa
Có hai lựa chọn về bình sữa cho bé là bình sữa bằng nhựa và bình sữa bằng thủy tinh. Mỗi loại đều có ưu và khuyết điểm của nó, cụ thể như sau:

Bình sữa bằng nhựa
Có giá thành rẻ hơn bình sữa bằng thủy tinh. Do trọng lượng nhẹ nên bé dễ cầm khi bú. Tuy nhiên, khi mua bạn nên lưu ý về nguyên liệu phải tuyệt đối không có chứa chất BPA bởi đây là hóa chất nhân tạo, có thể ngấm vào sữa gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của bé như: có khả năng làm cho não và hệ sinh dục của bé phát triển bất thường.

Khi chọn mua bình sữa bằng nhựa, bạn nên chú ý chọn loại làm bằng chất liệu an toàn với các dấu hiệu nhận biết sau:

bình sữa cho bé: Cách chọn mua và bảo quản
Dấu hiệu an toàn khi mua bình sữa bằng nhựa.

Một điều cần thận trọng là khi bình sữa bằng nhựa có ký hiệu sau thì chúng ta không nên mua vì đây là nhựa không an toàn:

bình sữa cho bé: Cách chọn mua và bảo quản

Bình sữa bằng thủy tinh
Nguyên liệu thủy tinh nhìn chung an toàn hơn bằng nhựa. Bình sữa thủy tinh còn dẫn truyền nhiệt tốt, dễ cọ rửa. Tuy nhiên, do trọng lượng sẽ nặng hơn bình nhựa nên có thể gây khó khăn cho bé khi cầm bú.

Ngoài ra, nên chọn loại núm vú bằng silicon, mặc dù giá thành đắt hơn núm vú cao su thông thường nhưng nó có ưu điểm là bền và không có mùi. Việc chọn mua cổ bình sữa rộng hay hẹp là tùy vào sở thích của cha mẹ, cổ rộng thì sẽ dễ vệ sinh, dễ pha sữa; cổ hẹp thì gọn gàng và dễ cầm.

Chọn kích cỡ phù hợp
Kích cỡ của bình sữa phụ thuộc vào độ tuổi của bé, bình nhỏ từ 50ml đến 120ml cho bé dưới 3 tháng tuổi, bình trung từ 120ml đến 180ml cho bé dưới 1 tuổi, bình lớn từ 180ml đến 250ml cho bé từ 1 tuổi trở lên.

Khi mua bình sữa cho bé nên chú ý tới van thông hơi, điều này cũng quan trọng vì nó giúp bé không bị nuốt không khí vào bụng và tiêu hóa dễ dàng hơn.

bình sữa cho bé: Cách chọn mua và bảo quản
Chọn bình sữa có kích cỡ phù hợp cho con.

Cách sử dụng và bảo quản bình sữa
Bạn nhớ chú ý pha sữa theo hướng dẫn ghi trên hộp sữa vì có loại sữa pha với nước nóng nhưng cũng có loại sữa pha với nước nguội. Nếu bé thích sữa nóng, bạn có thể ngâm bình sữa trong nước nóng từ 4 đến 6 giờ sau đó cho bé bú.

Nên ước lượng, điều chỉnh lượng pha vừa đủ cho bé mỗi lần bú, không nên pha sữa quá nhiều để bé bù dần vì như vậy sẽ khiến sữa bị vi khuẩn tấn công, gây bệnh cho bé. Nếu sữa còn dư, chúng ta nên hâm lại trước khi cho bé bú.

Vệ sinh bình sữa sau mỗi lần bé bú xong cũng là điều quan trọng vì giúp cho lần pha sữa tiếp theo không bị nhiễm khuẩn, an toàn cho bé. Rửa bình sạch sẽ bằng nước lạnh, không dùng nước nóng vì môi trường này thuận lợi cho vi khuẩn của sữa phát triển. Khâu quan trọng nhất chính là cọ rửa núm vú vì đây là bộ phận bé ngậm trực tiếp bằng miệng, nếu vệ sinh không sạch, bé có thể bị nhiễm bệnh.

Sau khi sử dụng, khoảng 3 tháng thay núm vú và 6 tháng thay bình sữa một lần để đảm bảo an toàn vệ sinh cho bé. Khi bé muốn uống sữa nhiều thì bạn có thể chọn loại bình sữa lớn hơn, đáp ứng nhu cầu của bé.

Phương Nhung