Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Có nên ăn món đậm gia vị khi cho con bú?

Là một bà mẹ trẻ, có thể bạn lo lắng về nhiều khía cạnh liên quan đến chuyện cho con bú sữa mẹ và không ít những kinh nghiệm dân gian dễ làm bạn rối trí. Hẳn bạn từng được khuyên nên tránh ăn các món nhiều gia vị nếu đang cho con bú. Nhưng điều này liệu có đúng?

Có nên ăn gia vị khi cho con bú
Các món ăn nhiều gia vị liệu có ảnh hưởng đến nguỗn sữa mẹ?

Sự thật là thức ăn bạn nạp vào trong thai kỳ và giai đoạn tiết sữa tác động lớn lên sức khỏe của cục cưng, và lượng tiêu thụ một số thực phẩm thực sự có khả năng thay đổi hương vị của sữa mẹ. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng có thể gây hại cho con.

Khi nào không nên ăn món có gia vị nồng?

Cơ thể người là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều bộ phận, và mỗi cơ thể lại khác nhau. Nếu em bé nhà hàng xóm không gặp bất cứ rắc rối nào dù người mẹ nuốt vội nuốt vàng những món ăn nhiều gia vị, trong khi con của bạn lại trái ngược, bạn cũng đừng lo lắng.

Tốt nhất nên kiểm tra xem bé thấy dễ chịu hơn với những thực phẩm nào, và gắn bó với chúng suốt thời gian còn lại của giai đoạn tiết sữa. Giống như trong lúc mang thai, việc nạp vào những thức ăn giàu dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng cũng quan trọng suốt thời kỳ cho con bú. Mẹ nên bổ sung trái cây và rau vào chế độ ăn uống của mình. Tránh xa thực phẩm đã qua chế biến và đóng gói chứa các chất phụ gia hóa học nhé.

Nếu gần đây bạn ăn nhiều món đậm gia vị, và nếu muốn kiểm tra khả năng tiếp nhận của bé yêu trước những thực phẩm này, bạn nên chú ý các triệu chứng sau:

-Bé hay gây gổ nhặng xị và bị kích thích trong thời gian bú sữa mẹ.

-Con bắt đầu khóc sau khi bú sữa mẹ.

-Bé vùng vẫy trên đùi bạn, không chịu bú mẹ.

Nếu cục cưng nhà bạn đặc biệt để lộ bất kỳ triệu chứng nào trong số trên suốt thời kỳ bú sữa mẹ, có khả năng bé không thấy thoải mái với các món đậm đà gia vị.

Mẹ ăn gia vị, khi nào nên?

Có lẽ bạn không xa lạ gì với mùi vị cũng như đặc tính đào thải cholesterol ấn tượng của tỏi, nhưng hóa ra gia vị này còn có nhiều lợi ích hơn thế. Một nghiên cứu thực hiện trên những phụ nữ đang cho con bú cho thấy việc các bà mẹ ăn tỏi trong giai đoạn tiết sữa thực tế có thể giúp thúc đẩy cảm giác thèm ăn ở trẻ. Các nhà nghiên cứu nhận ra khi sữa của mẹ có vị/mùi tỏi, em bé có khuynh hướng bú mẹ lâu hơn.

Ở nhiều nước như Thái Lan, Mexico, Ấn Độ và Trung Quốc, gia vị và ớt là thành phần quen thuộc trong khâu chuẩn bị thức ăn hàng ngày, và các bà mẹ nơi đây thường không cần thay đổi chế độ ăn uống của mình trong thời kỳ cho con bú.

[inline_article id=105787]

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Bí quyết hóa giải khó khăn khi cho con bú

Hãy bám theo hướng dẫn

Việc cho con bú nhiều lần trong ngày cần được duy trì đều đặn để gia tăng lượng sữa cho mẹ và đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Dù mỗi em bé có đặc điểm riêng, các chuyên gia vẫn khuyến nghị rằng bé cần được ăn mỗi 2 – 3 giờ. Tổng cộng, mỗi ngày mẹ cần cho con bú từ 8 đến 12 lần. Nếu ít hơn 8 lần/ngày, mẹ nên chủ động tìm sự tư vấn của chuyên gia. Đồng thời, bé có thể sẽ được cân đo để kiểm tra mức phát triển.

Cho con bú sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng và kháng thể lý tưởng nhất cho bé

Với mỗi bên ngưc, mẹ có thể cho bé bú từ 10 đến 20 phút hoặc lâu hơn thế. Những bà mẹ càng ít sữa càng nên cho con bú nhiều lần trong ngày, ngược lại, những mẹ nhiều sữa có thể cho bé bú ít lần hơn.

[inline_article id=148]

Trong vài ba tháng đầu, mẹ hãy duy trì nhịp sinh hoạt sao cho thích hợp với lịch cho bú mỗi 2 giờ/ lần. Sau đó, khi bé càng lớn lên thì khoảng cách giữa các lần bú càng dài ra và mẹ có thể tận dụng khoảng cách giữa các cữ bú này để nghỉ ngơi hoặc làm một số việc cần thiết.

Nếu mẹ gặp phải một số trục trặc như đau núm vú, mất sữa… thì đừng ngần ngại hỏi các chuyên gia nhé. Những vấn đề này có thể gây ra nhiều áp lực tâm lý đối với những người mẹ chưa có kinh nghiệm.

Đối mặt với những trở ngại

Trước hết, mẹ cần chấp nhận những khó khăn mình sẽ phải đối mặt như ít sữa, tắc tia sữa, chảy sữa hay đau nứt đầu vú. Hầu hết phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ đều trải qua những vấn đề này, thế nên, bạn không nên suy nghĩ quá tiêu cực về những trở ngại có thể sẽ gặp phải.

Tiếp theo, với mỗi vấn đề kể trên, mẹ sẽ giải quyết như thế nào? Hãy bình tĩnh, sáng suốt và xử lý những trở ngại từng bước một.

-Khó khăn vì sữa ít: 2 nguyên nhân hàng đầu đằng sau hững phụ nữ lựa chọn cho con uống sữa công thức là “điều kiện công việc” và “nỗi lo mình không đủ sữa”. Thực tế, những mẹ nghĩ rằng mình không có đủ sữa cho con bú đều có thể tiếp tục duy trì cho bé bú sữa mẹ. Những nguyên tắc mà mẹ luôn cần ghi nhớ, đó là:

  • Cho bé bú thường xuyên
  • Uống nhiều nước
  • Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc để cơ thể có đủ năng lượng
  • Sử dụng máy hút sữa loại tốt và hút sữa thường xuyên
  • Cho bé bú ban đêm, vì sữa thường được tiết ra nhiều hơn vào ban đêm
  • Cho bé bú đều cả hai bên ngực
  • Tránh cho con bú bình cho đến khi nguồn sữa mẹ đã được ổn định.
  • Không cho bé ngậm ti giả, thay vì vậy, mẹ hãy cho bé bú mỗi khi muốn đáp ứng phản xạ mút
  • Chú ý tư thế cho con bú
  • Một em bé bú đủ sữa sẽ làm ướt 7-8 chiếc tã mỗi ngày. Bên cạnh đó, bé cũng đi ngoài khoảng 5 lần mỗi ngày.

-Khó khăn vì đau ngực: Phần lớn các trường hợp mẹ bị đau ngực đều là do bé ngậm núm vú không đúng cách. Mẹ hãy điều chỉnh lại tư thế cho bé bú để khắc phục tình trạng này nhé. Ngoài ra, dòng sữa mẹ chảy ra sẽ có tác dụng chữa lạnh các tổn thương. Để xoa dịu cơn đau, mẹ cũng có thể dùng các loại kem chữa nứt đầu vú.

[inline_article id=3548]

-Tập bú bình cho con sau 6 tuần tuổi: 6 tuần là khoảng thời gian cần thiết để tạo lập nguồn sữa mẹ. Kể từ tuần thứ 7 trở đi, mẹ có thể tập cho con bú bình. Lưu ý, hãy mua loại núm ti có tốc độ chảy chậm nhất để tránh làm bé bị sặc khi mới tập làm quen. Ngược lại, việc tập bú bình quá muộn sẽ gặp khó khăn vì bé đã quen ti mẹ và không chịu tiếp nhận núm ti cao su.

>>Những thảo luận có liên quan từ cộng đồng:

 

 

 

 

 

 

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

9 mẹo hay giúp giảm đau ngực khi cho con bú

1. Khuyến khích bé tự bú mẹ

Tìm đầu ty và bú sữa mẹ là một bản năng của bất kỳ một em bé nào. Mẹ có thể sử dụng bàn tay và cánh tay để hỗ trợ cho bé. Đó là cách tốt nhất để hạn chế trường hợp bé bú sai tư thế, ngậm ty sai cách và giảm sự khó chịu hay đau rát cho người mẹ. Trong một vài trường hợp, việc dùng thuốc và các biện pháp can thiệp trước đó trong ca sinh có thể gây khó khăn ban đầu cho bé. Tuy nhiên, cùng với thời gian thì những vấn đề này sẽ được khắc phục và tình trạng đau ngực khi cho con bú sẽ không xảy ra nữa.

2. Tư thế đúng để hỗ trợ con

Mẹ luôn ghi nhớ những điều này: để bụng bé áp vào bụng mẹ, bé cần ngậm phần lớn núm vú mẹ, môi dưới hơi trề ra. Tư thế nằm hoàn hảo nhất của bé là để chóp mũi đối diện với đầu ngực mẹ. Mẹ nên có một chiếc gối chuyên dụng để có thể đặt bé lên theo tư thế này.

[inline_article id=81021]

3. Điều chỉnh tư thế của bé

Nếu bé đang ở một tư thế chưa thuận lợi lắm, mẹ có thể nhẹ nhàng điều chỉnh lại phần đầu, vai của bé để con ngậm ty đủ sâu và mút một cách thoải mái hơn. Để tránh cho bé lặp đi lặp lại tư thế sai, mẹ đừng làm ngắt quãng việc cho con bú trong lúc đang điều chỉnh tư thế của bé.

4. Nhận biết nhanh dấu hiệu đói của bé

Cho bé bú ngay khi con tỏ dấu hiệu đói là cách tốt để mẹ không bị đau. Hãy nhớ là, khi quá đói, bé sẽ không còn đủ kiên nhẫn và việc vội vàng “chụp” lấy núm ty của mẹ chỉ có thể khiến tình trạng đau ngực tồi tệ hơn.

Đau ngực khi cho con bú
Không nên để bé bú khi quá đói vì lực mút mạnh và sự vội vàng của bé có thể khiến mẹ bị đau

5. Vấn đề nằm ở mẹ 

Không phải lúc nào tình trạng đau ngực cũng gây ra bởi tư thế sai. Có thể mẹ đã bị nhiễm nấm men, nhiễm trùng hay một chứng bệnh nào đó ở vùng ngực. Nếu nghi ngờ khả năng này, mẹ nên đến gặp bác sỹ để được kiểm tra nhé.

[inline_article id=3539]

6. Bé bị dị tật dính thắng lưỡi

Đây là một dị tật tương đối hiếm gặp. Nó cản trở khả năng di chuyển lên, xuống của lưỡi và khiến bé không thể mút sữa mẹ như những đứa trẻ bình thường. Nếu cố gắng cho con bú, mẹ sẽ càng bị đau và khó chịu vì không thể tạo ra một tư thế thuận lợi cho con. Để phát hiện dị tật này, mẹ hãy để ý vị trí của lưỡi mỗi khi bé khóc to. Nếu lưỡi không thể nâng lên chạm tới vòm miệng thì hãy đưa con đến gặp bác sỹ nhé.

7. Dùng dụng cụ bảo vệ núm vú

Được làm từ silicon, các dụng cụ bảo vệ nhũ hoa trông gần giống với núm bình sữa và được đặt lên đầu ngực người mẹ trước khi cho con bú. Đôi khi, tình trạng có thể tệ hơn vì bé không quen với việc bú mẹ thông qua dụng cụ bảo vệ. Sự khó khăn này sẽ lại tiếp tục gây ra thêm tổn thương trên nhũ hoa của mẹ.

8. Dùng chính sữa mẹ để chữa lành những vết thương

Vắt một ít sữa mẹ ra ngoài đầu núm vú và để khô tự nhiên sẽ có tác dụng giúp mẹ chữa lành tổn thương. Nếu tình trạng có vẻ nặng nề, mẹ nên nhờ bác sỹ kê một loại thuốc chống nhiễm trùng hoặc diệt nấm men. Để giảm đau tạm thời, mẹ có thể chườm một túi đá lạnh lên đầu ngực ngay trước khi cho con bú.

9. Tránh mặc áo quá chật

Nếu đầu ngực đang bị đau, hẳn mẹ không hề thích cảm giác bị cọ xát với các lớp vải áo chật chội. Để cải thiện tình trạng này, mẹ nên chọn áo lót thông thoáng, có thể sử dụng thêm dụng cụ định hình đầu ty để giữ đầu ngực an toàn.

Nếu đã thử tất cả các mẹo trên mà mẹ vẫn không thoát khỏi tình trạng đau ngực thì đã đến lúc đến gặp chuyên gia rồi đấy. Việc cho con bú không bao giờ gây đau nếu mẹ thực hiện đúng cách và ở tình trạng sức khỏe bình thường. Cơn đau có thể chỉ báo một vấn đề nào đó như nhiễm trùng hay nấm men.

 

 

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Núm vú và bình sữa của bé có đang bị “quá đát”?

Khi nào cần thay mới núm vú và bình sữa cho bé? Liệu có dấu hiệu nào giúp mẹ dễ dàng nhận biết “thời khắc” quan trọng này? Tìm hiểu ngay mẹ nhé!

Bình sữa cho bé
Không vệ sinh sạch sẽ hoặc lơ là không kiểm tra chất lượng bình sữa và núm vú là một trong những sai lầm thường gặp khi pha sữa cho bé

1. Khi nào cần thay núm vú cho bé?

Để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường, mẹ nên thường xuyên kiểm tra núm vú, ít nhất 2-3 tháng/lần. Đặc biệt, nên thay mới nếu chúng có những biểu hiện sau đây:

– Sữa chảy thành dòng: Nhỏ thử sữa trong bình ra ngoài để kiểm tra. Nếu thấy sữa chảy thành dòng ồ ạt ra ngoài, mẹ nên mua cho bé một núm vú mới thay thế. Đây là dấu hiệu cho thấy lỗ thông trên núm vú đã quá lớn.

– Núm vú đổi màu cho thấy chất lượng đã “xuống cấp” nhanh chóng.

– Núm vú bị giãn ra: Để kiểm tra độ đàn hồi của núm vú, mẹ có thể lấy chóp núm vú kéo ra thật mạnh rồi thả ra, sau đó quan sát xem nó có thể trở lại hình dáng ban đầu hay không. Nếu không thể, mẹ nên bỏ chúng đi.

– Núm vú bị dính lại hay phồng ra cũng là dấu hiệu cho thấy núm vú của bé đã không còn đủ chất lượng.

– Núm vú bị tưa nứt hay trầy xước: Đầu núm vú bị như vậy sẽ làm cho sữa chảy ra nhiều và có thể làm bé bị ngạt thở.

– Khi núm vú không còn phù hợp với độ tuổi của bé: Mỗi loại núm vú sẽ được thiết kế phù hợp cho mỗi độ tuổi khác nhau. Vì vậy, mẹ nên chú ý đến tuổi của con khi mua núm vú nhé!

[inline_article id=33612]

2. Bình sữa cho bé: Khi nào cần thay?

Giống như núm vú, mẹ cũng cần thường xuyên kiểm tra bình sữa của con, và nên thay mới nếu thấy bình sữa có những dấu hiệu bất thường sau:

– Bình bị nứt, sứt mẻ hay bể: Trong khi bú, bé có thể sẽ cắn, nhai hay bóp mạnh bình và những miếng mẻ, vỡ của bình sẽ vô tình làm trẻ bị thương. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu mẹ sử dụng bình sữa thủy tinh cho bé.

– Bình nhựa bị trầy xước hay mòn: Vi trùng “cứng đầu” có thể ẩn nấp trong những khe trầy xước của bình. Vì vậy, dù mẹ có nỗ lực hết sức cũng không thể vệ sinh bình sạch hoàn toàn được.

[inline_article id=38519]

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Tuyệt chiêu vắt sữa mẹ bằng tay: Đơn giản đến không ngờ!

Không chỉ giúp bé được hưởng những lợi ích từ sữa mẹ, thường xuyên vắt sữa mẹ cũng là cách giúp mẹ hạn chế tình trạng căng sữa và tắc tia sữa khó chịu. Hiện nay, nhờ sự ra đời của hàng loạt các loại máy hút sữa, vắt sữa không còn là một việc quá khó khăn với mẹ. Tuy nhiên, với những mẹ vẫn thích phương pháp thủ công, truyền thống, MarryBaby mách mẹ cách vắt sữa mẹ bằng tay cực đơn giản.

1/ Sẵn sàng “đồ nghề”

– Chuẩn bị sẵn bình sữa đã được rửa sạch, và tiệt trùng sơ qua bằng nước sôi. Sau khi rửa, mẹ có thể lấy khăn lau để thấm bớt lượng nước dư thừa hoặc để ráo tự nhiên.

– Túi đựng sữa chuyên dụng. Mẹ có thể dễ dàng tìm mua ở những cửa hàng chuyên bán đồ dùng mẹ và bé.

– Dùng khăn mềm, thấm nước ấm lau qua bầu vú trước khi vắt sữa. Mẹ có thể massage nhẹ nhàng hai bên để dễ vắt hơn.

Vắt sữa mẹ bằng tay
Bình sữa nên được vệ sinh sách sẽ, và tiệt trùng bằng nước sôi

2/ Cách vắt sữa mẹ bằng tay

– Chọn cho mình một tư thế thoải mái, ngồi hoặc đứng tùy mẹ, và để bình sữa gần với ngực.

– Dùng một tay nâng bầu vú, sao cho ngón trỏ đặt dưới bầu vú, gần quầng vú. Còn ngón cái nằm trên bầu vú, đối diện ngón trỏ. Điều chỉnh vị trí tay sao cho phù hợp. Với những mẹ có quầng vú rộng, bạn có thể để tay lùi vào trong quầng vú một chút. Ngược lại, nếu mẹ có quầng vú rộng, các ngón tay có thể đặt ở bên ngoài.

– Ấn nhẹ các ngón tay vào bầu ngực, giữ nguyên lực, tiếp tục dùng ngón trỏ và ngón cái ép xuôi quầng vú về phía trước, đẩy sữa ra khỏi các túi sữa, và tràn ra đầu vú.

– Nới lỏng lực ở tay, sau đó tiếp tục làm lại thao tác trên một lần nữa. Chuyển sang bên ngực còn lại khi thấy dòng sữa có xu hướng chảy chậm lại. Thông thường, thời gian tối thiểu cho một bên ngực khoảng từ 3-5 phút.

[inline_article id=80665]

3/ Lưu ý khi vắt sữa

– Dùng tay ấn nhẹ bầu ngực khi vắt sữa. Tránh dùng lực bóp, hoặc dùng tay vuốt mạnh bầu ngực theo chiều dọc, vì có thể làm tổn thương các mô mỏng manh quanh ngực.

– Di chuyển các ngón tay xung quanh bầu vú trong khi vắt sữa để bảo đảm không có tuyến sữa nào bị “bỏ rơi.”

– Nên rửa tay, vệ sinh bầu vú sach sẽ trước khi vắt sữa.

– Sữa mẹ sau khi vắt và được trữ lạnh có thể lưu giữ từ 2-3 ngày.

– Nếu sữa được bảo quản trong tủ đông, trước khi cho bé uống, mẹ nên đặt bình sữa trong nước ấm để rã đông, và làm tăng nhiệt độ của sữa. Lắc đều sữa trước khi cho con uống để phân bố lại lượng chất béo có trong sữa. Sữa sau khi rã đông, nếu bé uống không hết, mẹ cũng không nên sử dụng lại.

– Không sử dụng lò vi sóng để hâm nóng sữa vì lò vi sóng có thể làm mất lớp kháng thể có trong sữa.

>>> Xem thêm thảo luận có chủ đề liên quan:

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Mẹo giúp sữa mẹ thơm, bé bú không bị hôi sữa

Hôm nay rảnh rỗi mới nhớ ra mẹo này nên chia sẻ với các mẹ. Đầu tiên các mẹ hãy chuẩn bị sẵn gạo nếp và củ hành tím.

– Nếp thì các mẹ cho vào nồi nấu như nấu xôi, nấu khoảng 1 lon gạo nếp là đủ rồi. Sau khi xôi chín thì các mẹ cho củ hành tím đã cắt nhỏ vào nồi xôi( khoảng tầm 50-100g là được) , xới đều lên. Để một lúc cho chín.

— Tiếp theo các mẹ cho xôi vào trong khăn sữa nhỏ( khăn xô), đắp phủ đều lên 2 bầu ngực. đắp khi xôi còn nóng nhé, cẩn thận kẻo bị phỏng đấy. Nói chung là các mẹ theo dõi độ nóng sao cho phù hợp mình có thể chịu đựng được là được.

Cách này áp dụng khi mẹ mới sinh còn trong tháng. Khi vừa sinh xong mẹ làm cách này cũng giúp sữa mau về nữa đấy.

Chúc các mẹ thành công!

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu?

Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu? Tất cả các mẹ đang cho con bú nên biết vấn đề này để đảm bảo chất lượng sữa cũng như an toàn đường ruột cho con nhỏ nhé.Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu

Trẻ bú trực tiếp sữa từ vú mẹ là đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh nhất, song trong nhiều trường hợp người mẹ phải cho con bú bằng sữa mẹ dự trữ. Ví dụ như mẹ đi làm trưa không về nhà, sữa mẹ tiết ra quá nhiều bé bú không kịp nên phải tích trữ để tránh lãng phí.

Nếu ở trong trường hợp này, mẹ nên tìm hiểu kỹ về cách bảo quản sữa mẹ để đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con, nhất là vấn đề sữa mẹ vắt ra để ở ngoài được bao lâu nhé.

Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu ở nhiệt độ thường?

Thông thường, sữa không còn tươi ngon khi để quá vài giờ ở nhiệt độ thường song riêng sữa mẹ thì có thể để được lâu hơn, cụ thể:

1. Ở nhiệt độ phòng dưới 26ºC

Sữa mẹ vắt ra bình để được bao lâu? Sữa mẹ có thể giữ nguyên chất lượng và độ an toàn trong khoảng 6 giờ đồng hồ sau khi được vắt ra. Tuy nhiên, với nhiệt độ vùng nhiệt đới cao như Việt Nam thì sữa mẹ trung bình chỉ để được khoảng 4 giờ trong nhiệt độ này.

Khi đi du lịch, mẹ có thể trữ sữa trong một chiếc túi cách nhiệt và bỏ vào đó một chiếc túi chứa gel làm lạnh. Sữa mẹ có thể sử dụng tốt trong vòng 24 giờ nếu được bảo quản theo cách này.Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu

2. Ở nhiệt độ phòng trên 26ºC

Sữa mẹ có rất nhiều đường, đạm, các axit amin nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Nếu ở nhiệt độ phòng bình thường (trên 26ºC) thì sữa mẹ chỉ để được 1 giờ đồng hồ. Sau thời gian này, mẹ không nên cho con bú sữa đó nữa. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, mẹ nên cất sữa vào trong tủ lạnh, sau đó hâm nóng lại khi cho bé ăn.

Sữa mẹ vắt ra để tủ lạnh được bao lâu?

Sữa mẹ vắt ra để ngoài được bao lâu? Nếu bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh thì mẹ có thể giữ được lâu hơn, cụ thể:

  • Bảo quản sữa mẹ trong ngăn mát tủ lạnh: Sữa mẹ vắt ra để ngăn mát được bao lâu? Sữa có thể bảo quản tới 48 giờ đồng hồ (2 ngày).
  • Bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá (ngăn đông) tủ lạnh: Sữa có thể bảo quản trong tủ lạnh mini (một cánh cửa) tối đa 2 tuần. Trong tủ lạnh 2 cửa có thể bảo quản sữa tối đa tới 4 tháng.
  • Bảo quản sữa mẹ trong tủ đông: Sữa mẹ có thể để được từ 6-12 tháng.

 

Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu? 2
Khi đã rã đông, sữa mẹ có thể dùng được trong vòng 24 giờ

Lưu ý khi bảo quản sữa mẹ

Để bảo quản sữa mẹ an toàn cho bé dùng trong t,hời gian dài, mẹ nên chú ý các vấn đề sau:

  • Rửa tay sạch trước khi vắt sữa
  • Sử dụng dụng cụ vắt sữa và bình chứa đã được tiệt trùng
  • Dự trữ sữa ngay khi vừa được vắt ra
  • Sữa đã rã đông không tiếp tục bảo quản lạnh trở lại
  • Đối với sữa bảo quản trong tủ lạnh, trước khi cho con ăn, mẹ nên rã đông để làm ấm sữa
  • Không rã đông sữa bằng lò vi sóng vì sữa ấm không đều có thể khiến bé bị bỏng hoặc đau bụng
  • Sữa đã rã đông nếu bé bú một lần không hết thì phải đổ đi, không được bảo quản để con bú tiếp lần sau
  • Sữa mẹ để ở nhiệt độ thường không được để trực tiếp dưới ánh nắng vì dễ làm hỏng sữa Phải đậy nắp bình, lọ cẩn thận tránh để côn trùng xâm nhập khiến bé bị đau bụng.

[inline_article id=13593]

Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu? MarryBaby hy vọng những chia sẻ trong bài viết này có thể giúp mẹ bảo quản sữa mẹ đúng cách, an toàn cho con bú sau khi đã vắt ra ngoài.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

9 dấu hiệu mách mẹ biết khi nào nên cai sữa cho bé

Khi bé bước qua 1 tuổi, bên cạnh sữa mẹ, bé cần nhiều dinh dưỡng hơn để phát triển thông qua việc ăn uống. Để bé ăn dặm tốt và ngon miệng, nhiều mẹ bắt đầu quan tâm rằng, khi nào nên cai sữa cho bé? Để bé không lỡ mất đà tăng trưởng và kém hấp thu dinh dưỡng từ thực phẩm bên ngoài, có các mẹo cai sữa nào để bé không khóc mà vẫn cai thành công? Mời mẹ cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Vì sao mẹ cần cai sữa cho bé?

Về cuối năm đầu đời, sữa mẹ không còn cung cấp đủ protein cho trẻ. Vì vậy mẹ cần phải cung cấp thêm nguồn bổ sung như thịt, cá, lòng đỏ trứng, đậu phụ, đậu lăng và pho mát. Việc trì hoãn cho trẻ ăn thức ăn thô sau 6 tháng tuổi cũng có thể khiến trẻ có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt và các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng khác. Khi có nhiều chất rắn và chất lỏng hơn được đưa vào chế độ ăn của trẻ sơ sinh là thời điểm mẹ biết khi nào nên cai sữa cho bé.

Khi nào nên cai sữa cho bé?

Mỗi bé có một sự trưởng thành và sẵn sàng rời xa “giọt sữa mẹ” khác nhau. Dù vậy, hầu hết các bé khi bước qua vào giai đoạn ăn dặm đều giảm nhu cầu dinh dưỡng từ sữa mẹ. Do đó mẹ có thể cai sữa cho bé ngay sau mốc này.

Tuy nhiên, một số mẹ muốn duy trì sự gắn kết với con qua dòng sữa nên có thể trì hoãn thời gian cai sữa, nhưng khuyến cáo là không nên trễ hơn thời điểm bé 2 tuổi.

Nói chung, việc lựa chọn cai sữa vào thời điểm nào là tùy vào nhu cầu của bé, và mong muốn của mẹ. Nếu mẹ cần tham khảo, một số gợi ý khi nào nên cai sữa cho bé có thể dựa vào những dấu hiệu sau:

  • Đối với bé dưới 1 tuổi:
    • Có thể tự kiểm soát được những hoạt động của đầu. Khi bế trẻ đầu đã cứng cáp, không cần dùng tay đỡ sau gáy.
    • Có sự vận động cơ hàm (nhai).
  • Đối với bé trên 1 tuổi:
    • Có những biểu hiện không hài lòng như quấy khóc mặc dù đã được bú no sữa mẹ.
    • Bú mẹ lâu hơn so với bình thường.
    • Giấc ngủ ban đêm bị gián đoạn, bé thức giấc và quấy khóc do đói.
    • Bé ăn dặm kém, chậm lên cân.
    • Bé luôn rúc tìm vú mẹ mọi lúc.

Một khi xác định được dấu hiệu cho thấy khi nào nên cai sữa cho bé là mẹ đã đạt được 50% thành công. Để thành công hoàn toàn với công cuộc cai sữa không nước mắt và rạn nứt tình mẹ con, mẹ sẽ cần tham khảo các kinh nghiệm cai sữa hiệu quả bên dưới.

bé từ 12 tháng tuổi trở lên là lúc mẹ biết khi nào nên cai sữa cho bé
Bé từ 12 tháng tuổi trở lên là lúc mẹ biết khi nào nên cai sữa cho bé.

Mẹo cai sữa cho bé không khóc

Cách cai sữa thành công được nhiều mẹ áp dụng đầu tiên là dựa trên sự thấu hiểu về con. Nghĩa là mẹ quan sát xem cần cai sữa đêm cho bé hay ngày? con thích gì/ không thích gì khi bú mẹ?… để có kế hoạch cai sữa phù hợp. Đồng thời, khi cai sữa, mẹ nên bắt đầu từ từ thay vì quá đột ngột ngưng hẳn không cho trẻ bú vì như vậy sẽ là một sự xáo trộn lớn với tâm lý của bé. Cụ thể:

6 cách cai sữa cho bé hiệu quả

  • Trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm: Một khi đã xác định được thời điểm khi nào nên cai sữa cho bé, bé cần đọc kỹ các tài liệu, trao đổi kinh nghiệm với các bà mẹ thân thiết trước khi cai sữa cho bé để đạt kết quả tốt nhất.
  • Cai sữa từ từ thay vì cắt đột ngột: Điều này có nghĩa là các bà mẹ cần lên kế hoạch dần rút ngắn thời gian và cường độ cho trẻ bú. Việc này giúp tránh những sang chấn bất lợi đối với tâm lý của trẻ sau này. Ví dụ trước đây mỗi ngày bạn cho bé bú khoảng từ 7 – 8 lần/ngày mỗi lần khoảng 5 phút thì nay hãy rút xuống còn 3 – 4 lần/ngày mỗi lần khoảng 3 phút, rồi từ từ cắt hẳn.
  • Bổ sung lượng sữa ngoài: Nếu đã bắt đầu ngưng không cho trẻ bú sữa, thì cần đồng thời kết hợp cho trẻ ăn ngoài bằng các loại sữa thay thế thông thường như sữa bột, sữa hộp, sữa đặc hay sữa bò (chỉ nên áp dụng phương pháp này sau khi trẻ đã lớn trên 1 tuổi).
  • Tăng lượng ăn dặm: Nếu được ăn đầy đủ và no bụng, bé sẽ không có nhu cầu bú mẹ. Nhờ vậy việc cai sữa cũng sẽ “nhẹ nhàng hơn”. Mẹ lưu ý khi cho bé ăn dặm cần chế biến thực phẩm theo độ tuổi của bé để vừa tạo cho con niềm vui trong ăn uống, vừa hạn chế nguy cơ hóc nghẹn.
  • Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày: Trong trường hợp lượng ăn của bé chưa thể tăng ngay lập tức sau khi cai sữa, mẹ có thể chia nhỏ cữ ăn thành các bữa phụ và cho bé ăn nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, việc này chỉ nên diễn ra trong thời gian ngắn tầm 1-2 tuần để tránh tạo thành thói quen ăn vặt không tốt cho trẻ.
  • Đa dạng các loại thực phẩm cho bé ăn: Để tạo cảm giác hứng thú khi ăn cho bé, tránh việc bé bỏ bữa và lại tìm đến sữa mẹ.

>>> Mẹ có thể quan tâm: Cai sữa bằng thuốc tiêu sữa, hiệu quả nhưng dễ gây tác dụng phụ

Thực phẩm bổ dưỡng cho bé sau khi cai sữa

Sau thời điểm xác định được khi nào nên cai sữa cho bé, mẹ cũng nên tăng cường các chất dinh dưỡng cho con thông qua các nguồn thực phẩm bổ dưỡng như:

  • Rau xanh và các loại trái cây dễ tiêu hóa như táo, chuối, khoai lang, cà rốt, súp lơ…
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo kê, lúa mạch, yến mạch…
  • Thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu. Đặc biệt, mẹ nên ưu tiên những thực phẩm giàu omega 3, axit béo hỗ trợ quá trình phát triển trí não của trẻ.

Nên tăng cường đạm sau khi cai sữa cho bé

Cho bé bú trộm khi cai sữa được không?

Vì thương con khi thấy những lần khóc vật vã trong giai đoạn cai sữa, nhất là khi mẹ cai sữa đêm cho bé. Hoặc đơn giản là nhiều mẹ quyến luyến những lúc được cuộn con trong vòng tay khi con bú mẹ. Nhiều mẹ có thắc mắc cho bé bú trộm khi cai sữa được không? Thì câu trả lời là không nên, vì như vậy sẽ càng kéo dài giai đoạn cai sữa này. Khi mẹ không dứt khoát, bé sẽ không nhận được tín hiệu rõ ràng cho việc khi nào nên cai sữa cho bé, và dần dần, sự kháng cự khi không được bú mẹ lại càng tăng lên.

Do vậy, mẹ nên cân nhắc giữa lợi ích và hạn chế khi cho bé bú trộm trong khi cai sữa, và mặt khác, quyết tâm và tin tưởng, rằng sau khi cai sữa, cả bé và mẹ đều đón nhận được nhiều lợi ích to lớn hơn.

[inline_article id=184087]

Khi nào nên cai sữa cho bé vừa là câu hỏi về thời điểm, vừa là sự đánh giá quyết tâm của người mẹ liệu đã sẵn sàng cùng con đi qua một chương mới trong sự phát triển, tính độc lập và trưởng thành hơn của con. Hi vọng các mẹ càng thêm tin tưởng vào quyết định này của mình và có sự chuẩn bị, đồng hành tốt nhất cùng con cai sữa thành công.

 

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

9 công dụng tuyệt vời của sữa mẹ

sữa mẹ
Sữa mẹ có nhiều công dụng tuyệt vời, đừng để bé con bỏ lỡ nguồn dưỡng chất này

1. Giúp bé tỉnh táo

Cho bé bú đủ cữ sữa vào ban ngày sẽ giúp bé ngủ ngon hơn vào ban đêm. Nucleotide có trong thành phần sữa mẹ ảnh hưởng đến cảm giác buồn ngủ của bé. Theo đó, nếu bú mẹ nhiều, bé sẽ thích thức và chơi nhiều hơn là ngủ.

2. Thay đổi theo độ tuổi bé

Theo thời gian trẻ lớn lên, sữa mẹ cũng thay đổi dưỡng chất ít nhiều để phù hợp hơn với từng độ tuổi của trẻ. Chất béo, tinh bột và protein trong thành phần sữa mẹ theo đó tăng, giảm để đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ vào giai đoạn đó.

3. Bảo vệ bé gái khỏi ung thư vú

Theo các chuyên gia, cho con bú giúp giảm nguy cơ ung thư vú ở mẹ, đồng thời sữa mẹ cũng tạo hiệu quả tương tự với con gái. Bé gái bú mẹ đầy đủ sẽ giảm bớt nguy cơ mắc ung thư vú đến 25%.

4. Giúp bé thông minh hơn

Nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng sẽ giúp chỉ số IQ của bé tăng 3,8 điểm so với trẻ không bú mẹ. Trong sữa mẹ chứa nhiều a-xít béo, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển não bộ của trẻ sơ sinh.

5. Liều thuốc giảm đau hoàn hảo

Khi bé quấy khóc, khó chịu hay bị đau do tiêm phòng, mẹ chỉ cần cho bé ngậm ti, mọi cảm giác đau đớn ở bé sẽ dần tan biến. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng trẻ sơ sinh được bú mẹ trong và sau khi bị đau sẽ phục hồi nhanh hơn. Lý giải cho vấn đề này: Sữa mẹ sản sinh ra endorphins, thuốc giảm đau tự nhiên cho cơ thể.

7. Tăng cường hệ miễn dịch trẻ

So với trẻ bú bình, trẻ bú sữa mẹ sở hữu hệ miễn dịch ổn định và khỏe mạnh hơn. Hoàn toàn cân bằng với số lượng các dưỡng chất cần thiết cùng năng lượng, trẻ không dễ bị béo phì hoặc mắc các dịch bệnh khác nhờ sức đề kháng sữa mẹ cung cấp cho.

[inline_article id = 67895]

8. Giúp mẹ giảm cân hiệu quả

Mẹ có biết việc sản xuất sữa cho con bú hằng ngày tương đương với việc đi bộ 12 km. Đó là lý do vì sao vừa cho con bú, mẹ có thể giảm cân nhanh và hiệu quả hơn.

9. Sữa mẹ là vô giá!

Trên thế giới, nếu mua sữa mẹ từ ngân hàng sữa, chi phí sữa mẹ vào khoảng 80.000 đồng cho mỗi 30ml, giá tương đương gấp 200 lần so với giá dầu thô. Quả là vô giá đúng không mẹ ơi?

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Bé bú hay bị sặc: Mách mẹ cách xử trí và ngăn ngừa hiệu quả

bé bị sặc sữa
Làm sao cho con bú không làm bé bị sặc sữa, mẹ có biết?

1. Nguyên nhân khiến bé bú hay bị sặc 

– Do lỗ ở núm vú bình quá to, sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ nuốt không kịp.

– Một số trẻ sơ sinh có thói quen vừa ăn vừa ngủ, miệng ngậm núm vú nhưng không nuốt. Khi thở mạnh, trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi vào khí quản, phế quản gây sặc.

– Trẻ 3–4 tháng tuổi đã bắt đầu biết hóng chuyện. Nếu mẹ vừa cho bú vừa nói chuyện, trẻ có thể cười, sữa tràn vào khí quản gây sặc.

2. Cách xử lý khi trẻ bị sặc sữa khi bú mẹ

Bé sặc sữa khi bú mẹ phải làm sao? Khi thấy dấu hiệu trẻ bị sặc sữa khi bú mẹ, mẹ cần thực hiện sơ cấp cứu cơ bản ngay lập tức. Khẩn trương lấy sữa ra khỏi đường hô hấp, nhanh nhất là dùng miệng hút mạnh vào miệng và mũi bé. Hút càng nhanh, càng mạnh càng tốt, nếu để chậm sữa sẽ vào sâu trong khí quản khó rút ra, trẻ bị tắc thở lâu, khó cứu. Sau đó, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi, nhổ đi.

Nếu trẻ bị tắc thở lâu, khả năng cứu chữa càng khó khăn, khi hút xong nên kích thích mạnh để trẻ khóc và thở được, sau đó phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, nếu phát hiện trẻ sặc, khó thở, tím tái, mẹ nên nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay. Dùng lòng bàn tay vỗ mạnh 5 cái liên tiếp vào lưng trẻ, ở vị trí giữa hai xương bả vai. Sau đó lật trẻ lại quan sát. Nếu trẻ khóc được, hết tím tái, mẹ đưa con đến bệnh việc hoặc cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Nếu trẻ vẫn còn tím tái, mẹ ấn ngực trẻ bằng cách dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vào nửa dưới xương ức, cụ thể là trên xương ức và dưới đường nối hai bên ngực. Ấn mạnh xuống 5 cái liên tiếp, sau đó quan sát, nếu còn khó thở thì làm lại động tác 2. Làm 6 lần liên tiếp.

3. Trẻ bú hay bị sặc: Cách cho con bú không bị sặc

Trẻ bú hay bị sặc: Cách cho con bú không bị sặc

– Mẹ không nên để bé vừa bú vừa ngủ.

– Mẹ không đùa với bé khi đang bú, làm bé cười dễ gây sặc.

– Khi cho bú, mẹ nên bế bé cao đầu, ở tư thế thoải mái, không nên để gập cổ hoặc ngửa cổ quá.

[inline_article id = 4625]

– Mẹ nên cho bé bú từ từ, không nên vội vàng, nhất là đối với những bé còn yếu, sinh non.

– Khi bé đang bú mà bị ho hoặc khóc thì mẹ phải ngừng cho bú ngay.

– Khi bé bú mẹ, nếu sữa mẹ xuống quá nhiều mà bé chưa nuốt kịp, mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống.

– Với bé bú bình, mẹ cần chú ý chọn núm vú thích hợp với độ tuổi của bé, tránh trường hợp lỗ to sữa xuống nhiều dễ khiến bé bị sặc. Đừng cho trẻ tự cầm bình sữa nằm bú vì rất nguy hiểm. Nếu trẻ đã 8, 9 tháng tuổi, và mẹ bận việc gì đó không thể cho con bú nhưng con quá đói, hãy để bé ngồi bú. Mẹ cố định bé bằng ghế có dây đai bảo vệ. Nếu không yên tâm vì mình không thể để mắt đến con thì tốt nhất đừng cho bú, hãy đợi đến khi bạn có thể quan sát con bú hãy cho bú. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi mẹ tự cho con cầm bình bú mà không quan sát, vì thế mẹ cẩn thận nhé.

Khi cho bé bú bình, mẹ nên nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, bé không phải mút nhiều không khí, dẫn đến nôn sau bữa ăn.

MarryBaby