Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang lại lợi ích về mặt thể chất mà còn tốt cho trí não của bé. Hành động cho con bú và tiếp xúc da kề da liên quan đến việc giải phóng hai hormone mang lại cảm giác hạnh phúc là serotonin và oxytocin cho cả mẹ lẫn con. Điều này tạo nên sự gắn kết tình cảm bền chặt giữa mẹ và bé. Đồng thời, sự phát triển cảm xúc ở trẻ cũng trở nên ổn định hơn.
Tuy nhiên, quá trình nuôi dưỡng bé bằng sữa mẹ sẽ nảy sinh một số điều khiến mẹ thắc mắc, chẳng hạn như sữa mẹ có màu gì, sữa mẹ có vị gì, màu sữa mẹ như thế nào là tốt. Hoặc có khi sữa mẹ có vị mặn cũng làm các mẹ lo lắng rất nhiều.
Tại sao sữa mẹ có vị mặn?
Thường mẹ sẽ không biết sữa mẹ có vị mặn cho đến khi bé bỏ bú. Nhiều mẹ sẽ ngạc nhiên không hiểu tại sao bé chỉ bú một bên. Mọi việc trở nên sáng tỏ khi mẹ nếm thử sữa bên ngực bé từ chối bú và nhận ra nó có vị mặn trong khi bên còn lại có vị ngọt.
Tại sao sữa mẹ có vị mặn? Những bà mẹ đã từng viêm tuyến vú sẽ có kinh nghiệm về việc này. Thường khi ngực bị tắc tia sữa dẫn đến viêm tuyến vú, sữa mẹ sẽ có vị mặn.
Bên cạnh đó, khi bị viêm tuyến vú, mẹ sẽ thấy xuất hiện một số triệu chứng sau: Xuất hiện vùng đỏ, sưng ở vú, kèm theo u cục, sờ vào thấy đau hoặc cảm thấy đau rát khi cho bé bú.
Viêm tuyến vú nếu không được điều trị sẽ dẫn đến áp xe vú với biến chứng nặng nề là hoại tử vú.
Có nên tiếp tục cho bé bú khi mẹ bị viêm tuyến vú?
Ở giai đoạn đầu, khi bị viêm nhẹ, tuy sữa mẹ có vị mặn nhưng mẹ vẫn có thể cho bé bú mẹ bình thường mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé. Hơn nữa, nhờ bé bú mà tình trạng tắc tia sữa ở mẹ sẽ được cải thiện. Đây chính là phương pháp thông tắc tự nhiên hiệu quả nhất.
Trước khi cho bé bú, mẹ nên massage ngực theo chiều kim đồng hồ, đặc biệt ở những nơi sữa bị tắc tạo thành các u cục.
Cho bé bú kiệt bên bị viêm. Nếu bé bú không hết hoặc chê sữa mẹ có vị mặn không bú, mẹ phải hút, vắt hết sữa ở bầu ngực bị viêm bỏ đi.
Ngoài ra, mẹ cần đi thăm khám để được cho uống kháng sinh nếu cần thiết, tránh trường hợp bệnh nặng dẫn đến áp xe vú.
[inline_article id=241852]
Cách phòng ngừa viêm tuyến vú
– Luôn lau ngực bằng nước ấm trước và sau khi cho bé bú.
– Thay áo ngực và miếng lót thấm sữa thường xuyên hoặc giữ cho ngực thông thoáng bằng cách không mặc áo ngực.
– Tập cho bú hết từng bên vú, nếu bé bú chưa hết thì nên vắt kiệt, tránh để sữa ứ đọng dẫn đến viêm, tắc tuyến sữa.
– Nếu đầu ti bị trầy xước, nứt thì nên thăm khám để được hướng dẫn bôi thuốc gì, hạn chế để vi khuẩn xâm nhập gây viêm vú.
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh, giữ vững sức đề kháng để cơ thể đủ sức chống chọi với các tác nhân gây bệnh.
Khi thấy bé bỏ bú một bên, cần kiểm tra xem sữa mẹ có vị mặn hay không. Đây cũng là một trong những cách phát hiện sớm tình trạng viêm tuyến sữa.
Những yếu tố ảnh hưởng đến hương vị sữa mẹ
– Thực phẩm
Không chỉ viêm tuyến vú làm sữa mẹ có vị mặn, thực phẩm mẹ tiêu thụ hàng ngày cũng ảnh hưởng đến hương vị sữa mẹ. Chẳng hạn trái cây, ngũ cốc làm sữa mẹ có mùi thơm ngon. Gia vị nồng như tiêu, tỏi làm biến đổi mùi sữa mẹ khiến một số bé có thể bỏ bú.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nếu mẹ ăn đa dạng các thực phẩm trong thời gian cho con bú thì trẻ lớn lên sẽ dễ dàng chấp nhận những thực phẩm chúng đã từng thưởng thức thông qua sữa mẹ.
– Hormone
Nồng độ hormone thay đổi khi mẹ có kinh trở lại cũng làm thay đổi mùi sữa mẹ. Bên cạnh đó, trong những ngày mẹ có kinh, bé sẽ nhanh đói hơn do lượng sữa tiết ra giảm. Sau khi sạch kinh, sữa mẹ sẽ bình thường lại như cũ.
– Sữa mẹ đông lạnh
Sữa mẹ đã vắt ra ngoài và trữ đông sẽ làm hương thơm và mùi vị của sữa biến đổi, có thể tanh, nồng hoặc chua hơn lúc ban đầu. Tuy vẫn an toàn khi cho bé ăn nhưng bé có thể không thích vì khác với mùi sữa bú trực tiếp từ mẹ.
– Thuốc
Một số loại thuốc có thể làm thay đổi hương vị của sữa mẹ. Nếu mẹ đang uống thuốc và nhận thấy bé bỏ bú thì nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn cụ thể nhé.
<< Bạn có thể tìm hiểu thêm: Nguyên nhân sữa mẹ bị hôi và cách làm sữa mẹ thơm thế nào các mom ơi…
Các cách tăng chất lượng nguồn sữa mẹ nhanh nhất
Để sữa mẹ ngày càng nhiều mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng, mẹ cần áp dụng những cách sau:
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, tránh các thực phẩm gây giảm, mất sữa như: măng, lá lốt, dâu tằm, rau mùi tây, mì tôm, thực phẩm cay nóng, trà, cà phê, trái cây chua, trái cây có tính nhiệt (nhãn, vải, sầu riêng…), thực phẩm muối chua…
– Cho bé bú nhiều lần trong ngày, bú đúng tư thế để kích thích tuyến sữa tăng tiết sữa.
– Ngủ đủ giấc, giữ cho tinh thần thoải mái cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiết sữa.
[inline_article id=268377]
Trong quá trình chăm sóc bé, mẹ nên để mắt đến con từng chút một để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như trường hợp bé bỏ bú vì sữa mẹ có vị mặn. Nhờ đó, những vấn để xảy ra với mẹ hoặc bé có thể được khắc phục kịp thời, tránh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Hương Lê