Vì sao trẻ sơ sinh bị sổ mũi?
Tình trạng trẻ sơ sinh bị sổ mũi hay nghẹt mũi xảy ra do các mô trong mũi bị sưng hoặc mũi sản xuất quá nhiều dịch. Trong vài ngày đầu đời, mẹ sẽ thấy bé thở như thể bị sổ mũi, nghẹt mũi. Đó là do khi còn trong bụng mẹ, bé ở trong một môi trường đầy nước và hít thở nước ối để luyện tập cho cuộc sống sau khi ra đời. Trong những ngày đầu đời, bé có thể sẽ hắt hơi liên tục để đẩy hết lượng nước còn sót trong hệ thống hô hấp của mình.
Những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này bao gồm: Không khí quá khô, nhiễm virus, vi khuẩn hoặc do bị kích ứng bởi các yếu tố như không khí ô nhiễm, nước hoa, phấn hoa, khói thuốc lá, ngửi mùi gia vị…
Ngoài dịch sổ mũi thông thường có màu trong suốt, vàng hoặc xanh, thỉnh thoảng mẹ còn có thể thấy dịch mũi của bé lẫn máu. Nếu không bị thương, việc chảy máu mũi có thể là do không khí quá khô làm khô các mô mũi, dẫn đến các mạch máu trong mũi bị vỡ ra, gây chảy máu.
4 mẹo “thổi bay” chứng sổ mũi ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ sơ sinh bị sổ mũi hay nghẹt mũi, bé sẽ thở bằng miệng, điều này sẽ khiến việc bú mẹ trở nên khó khăn hơn. Sổ mũi lâu ngày cũng có thể khiến bé bị ho, viêm tiểu phế quản, phế quản hoặc viêm phổi. Do đó, mẹ cần chú ý xử lý tình trạng này sớm.
1/ Nhỏ mũi cho con bằng nước muối sinh lý
Với trẻ sơ sinh bị sổ mũi, cách an toàn nhất chăm sóc em là mẹ nên dùng nước muối NaCl 0,9% để nhỏ mũi cho con. Nhỏ mũi ngày 3-4 lần khi con hắt hơi nhiều lần trong ngày. Lúc con bắt đầu sổ mũi, mẹ cần nhỏ tăng cường cho bé 5-6 lần/ngày. Làm điều này ngay trước giờ cho bé bú sẽ giúp bé thấy dễ chịu và bú mẹ dễ hơn.
2/ Massage mũi và cho ngủ nghiêng 1 bên
Nếu trẻ bị nghẹt mũi trái hãy để bé nằm nghiêng về phía bên phải và ngược lại. Sau đó, dùng ngón trỏ bấm vào huyệt gọi là nghinh hương ở hai bên cánh mũi, day day nhẹ, ngày làm 3-4 lần. Hoặc đơn giản khi thấy con bị nghẹt mũi, khó thở, mẹ chỉ càn dùng ngón cái và ngón trỏ vuốt nhẹ nhàng lên sát hai bên sống mũi, thực hiện vài lần trong ngày.
3/ Thoa dầu giữ ấm vào lòng bàn chân
Khi vừa thấy trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, mẹ có thể dùng dầu giữ ấm bôi vào lòng bàn chân con, massage lòng bàn chân chừng 1 phút mỗi bên, sau đó đeo tất vào chân để giữ ấm. Sau đó mẹ có thể tiếp tục xoa dầu vào ngực, bụng và sau lưng con để giúp thân bé ấm lên và chứng sổ mũi cũng nhanh hết. Loại dầu phổ biến nhất mà các mẹ thường sử dụng là dầu tràm hoặc khuynh diệp. Một số loại dầu giữ ấm có xuất xứ từ các nước phương Tây cũng rất tốt cho trẻ sơ sinh bị sổ mũi.
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý chọn các loại dầu có thành phần hoàn toàn tự nhiên, không chứa chất menthol, methyl salicylate chiết xuất từ dầu bạc hà hay camphor. Đây là những thành phần có mặt trong dầu gió, rất thông dụng nhưng không hề thích hợp cho trẻ em. Những chất này có thể gây ngừng thở, rất nguy hiểm khi sử dụng cho trẻ sơ sinh. Các loại tinh dầu tràm hay khuynh diệp tự nhiên có mùi thơm ấm áp nhưng không hề cay, nóng như dầu gió.
[inline_article id=147087]
4/ Uống nước lá húng quế + tỏi nướng
Lấy 15 lá húng quế giã nhỏ ra, cho nước sôi vào, chắt lấy nước, cho con uống ngày 2-3 lần. Nướng 1/3 củ tỏi cho vừa chín thơm rồi nghiền nhuyễn, cho nước lá húng quế vào luôn, chắt ra cho con uống, uống thêm 1-2 thìa cà phê nước nóng rồi lọc ra, cho con uống ngày 2 lần, liên tục trong 1 tuần sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, với những bé sơ sinh chưa ăn dặm, mẹ nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi cho bé uống bất kỳ loại nước gì.
Mách mẹ cách nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh Mẹ nên dùng nước muối mua ở tiệm thuốc là tốt nhất, vì nước muối pha ở nhà không đảm bảo vệ sinh và tỉ lệ muối pha không chuẩn. Trước khi nhỏ, nên ngâm lọ nước nhỏ mũi vào nước ấm (không nóng) rồi mới nhỏ từng bên mũi cho con. Với các bé mới sinh, mẹ nên để bé nằm nghiêng, nhỏ nước muối vào từng bên mũi. Sau đó, chờ vài phút rồi hút mũi cho bé. Khi nhỏ mũi cho bé, mẹ nên hạ thấp đầu bé ngả về đằng sau, mẹ cần làm nhanh tay sau khi nhỏ xong cho giọt nước muối vừa lọt vào mũi, mẹ nâng đầu bé lên cao, tránh nước muối chảy ngược vào khoang mũi và xuống phổi gây viêm phổi. Khi hút mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, mẹ nên cho bé nằm nghiêng giữ cho bé không nằm ngửa ra, sử dụng đồ hút mũi, tuyệt đối không dùng miệng để hút cho bé. Không được dùng tay bịt hai bên mũi để hỉ, vì cách làm này sẽ làm tăng áp lực đột ngột vào mũi, khiến dịch mũi chuyển lên tai, xoang… |