Đây là nơi cung cấp các kiến thức chăm sóc cho sự phát triển của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến tuổi dậy thì, từ sức khỏe thế chất đến tinh thần, đảm bảo con lớn lên khỏe mạnh, toàn diện.
Tại sao việc chăm sóc quần áo trẻ sơ sinh thật sự quan trọng?
Sự xuất hiện của một thiên thần nhỏ mang lại nhiều niềm vui và tràn trề năng lượng cho ngôi nhà của bạn. Nhà bạn sẽ đầy ắp niềm vui và dĩ nhiên cũng sẽ có nhiều việc phải làm hơn. Mọi người trong nhà đều phải tham gia vào việc chăm sóc bé yêu. Từ cái nôi bé ngủ đến những món đồ chơi thường dùng của bé, tất cả đều phải được vệ sinh sạch sẽ, Tuy nhiên, việc chăm sóc quần áo trẻ sơ sinh lại đặc biệt quan trọng.
Giữ quần áo trẻ sơ sinh luôn sạch sẽ cần một mức độ quan tâm nhất định. Nhiệm vụ chăm sóc quần áo cho bé sẽ dễ khiến bạn nản chí. Tuy nhiên, bố mẹ lại không thể xen nhẹ việc này. Chăm sóc quần áo cho bé sơ sinh đúng cách rất quan trọng để đảm bảo bé cảm thấy thoải mái và khoẻ mạnh.
Hướng dẫn chăm sóc quần áo trẻ sơ sinh
Giặt quần áo của bé với xà phòng có tính tẩy nhẹ. Nhiều loại xà phòng có tính tẩy mạnh có thể làm cho quần áo bé trở nên thô ráp. Bên cạnh đó, lượng hóa chất còn sót lại trên quần áo sau quá trình giặt có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé.
Sử dụng nước xả vải trong lúc giặt quần áo cho bé. Nước xả vải vừa giúp làm sạch hết xà phòng còn sót lại vừa làm quần áo bé thêm mềm mại, giúp bé thoải mái khi mặc.
Tránh giặt đồ bé chung với đồ người lớn để tránh những vi khuẩn có trong quần áo của người lớn truyền qua quần áo bé.
Đảm bảo rằng bạn xả sạch hoàn toàn bọt xà phòng.
Phơi quần áo bé dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt hoàn toàn các loại vi trùng và vi khuẩn.
Ngâm quần áo bé trong nước ấm trước khi giặt. Nước ấm sẽ giúp tẩy vết bẩn trên quần áo bé dễ dàng và cũng giúp tiêu diệt vi khuẩn.
Giữ quần áo bé trong túi sạch hoặc bọc tất cả trong một miếng vải sạch sau khi đã giặt và phơi khô. Làm như thế sẽ đảm bảo quần áo bé không bị bám bụi và không có vi khuẩn cho tới khi bạn sử dụng.
Không giặt chung tã dơ với quần áo bé. Luôn sử dụng nước nóng để giặt tã dơ.
Sau khi giặt, quần áo bé cần được phơi khô hoàn toàn. Bạn nên tránh sử dụng quần áo có gắn miếng nhám vì chúng dễ bị mất độ nhám khi được giặt thường xuyên, do đó có thể cà vào làn da mỏng manh của bé. Thay vào đó, bạn nên chọn quần áo có nút. Đối với khăn của bé bạn cũng nên tuân thủ theo những hướng dẫn trên.
Một số bé mặc lại quần áo của anh chị mình, tuy nhiên, bạn nên đảm bảo rằng bé được mặc những bộ quần áo này chỉ khi chúng được giặt đúng cách và được cất giữ sạch sẽ.
Quy trình giặt tã cho bé
Để tiết kiệm thời gian giặt giũ cho bé, bạn nên tìm cách để có thể giặt một số lượng lớn tã cùng lúc, khoảng 20 cái trở lên. Để giặt tã cho bé, bạn nên để sẵn 2 giỏ nhựa: một dành cho tã đã dính phân của bé, một dành cho tã bị ướt. Những cái giỏ này nên có nắp và tay cầm chắc chắn. Tuy nhiên, không nên mua giỏ quá lớn vì sẽ khó di chuyển.
Trước tiên, xả qua bằng nước lạnh những tã đã dính nước tiểu trước khi bỏ vào máy giặt. Với những tã đã dính phân, nên xả bằng vòi sen để loại bỏ tối đa chất thải. Giặt sơ số tã này với nước xà phòng, sau đó vắt ráo nước rồi cho vào máy giặt.
Nên bỏ đi những tã đã quá bẩn hoặc ngả màu. Nếu bạn phải dùng thuốc tẩy cho tã của bé, nên xả lại lần cuối bằng nước nóng. Trong trường hợp tã hoặc quần áo bị dính phân, cần nhanh chóng lau sạch phân, sau đó dội qua bằng nước và giặt như bình thường.
Giặt quần nilon cho bé
Nếu quần nilon bị dính bẩn hoặc ướt, bạn nên giặt bằng nước ấm pha một chút bột giặt. Không dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh vì quần nilon sẽ co lại và không còn sử dụng được nữa. Để làm mềm quần nilon, bạn nên ủi khô quần bằng cách đặt nhiều khăn lông trên quần rồi ủi.
Mẹo vặt khi giặt tã vải cho bé
Cất một đôi găng tay nilon hoặc kẹp gắp ở gần giỏ đựng tã để dùng khi cần lấy tã bẩn ra.
Nên phơi khô tã dưới ánh nắng mặt trời để tã mềm mại hơn so với việc dùng máy sấy quần áo hoặc chức năng sấy khô của máy giặt.
Cố gắng giặt tã bẩn của đêm hôm trước trong buổi sáng hôm sau, như vậy việc giặt tã sẽ dễ dàng hơn.
Tìm cách móc một túi sáp thơm khử mùi vào giỏ đựng tã, vừa để khử mùi vừa để giữ vệ sinh không khí trong nhà.
Giúp đỡ mẹ trong việc chăm sóc con cái hằng ngày
Trước đây, đa số đàn ông là người gánh vác tránh nhiệm nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều chị em tham gia vào việc đi làm, kiếm tiền và chia sẻ gánh nặng tài chính, ngược lại, các đấng nam nhi cần tham gia nhiều hơn vào việc trực tiếp chăm sóc con cái. Bố có thể giúp mẹ tắm cho con, cho con ăn hoặc thay quần áo cho con.
Những việc làm này không chỉ giúp giảm bớt phần nào áp lực của mẹ mà còn thúc đẩy sự gắn kết tình cảm trong gia đình, giữa vợ chồng, giữa bố mẹ và con cái.
Bố mẹ giữ những vai trò riêng biệt nhưng tương hỗ nhau
Dễ dàng nhận ra các ông bố và các bà mẹ có sức mạnh và phong cách nuôi dạy con khác nhau. So với mẹ, bố có nhiều hoạt động tương tác trực tiếp với con hơn, đồng thời các ông bố thường khá vui nhộn khi chơi cùng con, cả trai lẫn gái. Thông qua những tương tác này, trẻ sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc và hành vi, đồng thời thấy thoải mái hơn khi khám phá thế giới xung quanh, ngoài ra trẻ còn có cơ hội thể hiện khả năng tự chủ và các tính cách thiên về mặt xã hội của mình.
Trong khi đó, mẹ lại là người hiểu rõ từng bước phát triển của con, đặc biệt là thế giới nội tâm, biết được con nghĩ gì, con cảm giác như thế nào, do đó, mẹ thường có ảnh hưởng lớn hơn đối với cách con trẻ ứng xử trong các mối quan hệ bên ngoài.
Hầu hết các ông bố cho con cái được mạo hiểm, khuyến khích con học hỏi từ trải nghiệm của chính mình trước khi can thiệp để bảo vệ con. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển tích cực của con trẻ. Bố có xu hướng dạy con từ những ví dụ trong thực tế với tính kỷ luật nghiêm ngặt, còn mẹ lại thiên về động viên, an ủi, hai thái cực này kết hợp lại sẽ tạo nên tác động cân bằng lên sự phát triển của trẻ.
Đề cao vai trò của mẹ
Là một người bố, bạn có vai trò quan trọng trong việc củng cố ở con sự kính trọng đối với mẹ của bé. Để làm được điều đó, cả hai bạn phải thống nhất ý kiến với nhau trước mặt con, không chỉ trong lời nói mà cả trong thái độ, cử chỉ. Nếu con tỏ ra thiếu tôn trọng mẹ, người bố cần can thiệp ngay để điều chỉnh hành vi này.
Đứng cùng phe với mẹ và nhắc lại những yêu cầu của mẹ trước con sẽ giúp củng cố tình cảm và sự nhất trí giữa hai vợ chồng, từ đó mang đến nhiều kết quả tích cực hơn trong việc nuôi dạy con. Khi được bố và con đánh giá cao, mẹ sẽ có tinh thần kiên định để hoàn thành trách nhiệm làm mẹ nhiều thách thức của mình.
Điều quan trọng nhất là khi thấy bố thể hiện tình yêu và sự tôn trọng với mẹ, con cũng sẽ làm theo như vậy.
Nếu bạn không đồng ý với cách hành xử của mẹ, nên trao đổi riêng khi chỉ có hai vợ chồng để dung hòa hai quan điểm trái ngược nhau và đi đến một kết luận thống nhất. Nếu bạn tỏ ra coi thường hoặc cắt ngang trong lúc mẹ dạy con, bạn có thể làm suy giảm lòng tôn trọng mẹ của trẻ cũng như khiến cho những chỉ dẫn của mẹ không còn nhiều tác dụng với con nữa. Sự tranh chấp này có thể dẫn tới một số vấn đề về hành vi trong quá trình phát triển của trẻ.
Khi bé đã sẵn sàng, bạn cần đặt một cái khăn lông sạch dưới nền nhà và một chén nhỏ dầu massage nguồn gốc thực vật. Đặt bé lên khăn bông và có thể kê thêm một lớp gối mỏng nếu cần thiết.
1. Chân
Đây là nơi tốt nhất để cho bé làm quen với việc massage vì đôi chân ít nhạy cảm hơn những phần khác trên cơ thể. Xoa dầu vào lòng bàn tay, sau đó lần lượt từng tay vuốt dọc chân bé từ đùi tới cổ chân, như thể bạn đang kéo dây màn cuốn cửa sổ. Sau đó, hai bàn tay tạo thành 1 vòng tròn xung quanh đùi bé, nhẹ nhàng xoay xoay 2 bàn tay từ đùi đến mắt cá để xoa bóp đều hết phần chân bé. Đổi chân và lặp lại thao tác trên.
2. Bàn chân
Một tay giữ cổ chân giơ lên, một tay xoay bàn chân nhiều vòng theo chiều kim đồng hồ, sau đó ngược chiều kim đồng hồ. Vuốt nhẹ từ mắt cá đến những đầu ngón chân của bé. Đổi bên và lặp lại thao tác trên.
3. Lòng bàn chân
Sử dụng ngón cái của bạn để xoa nhẹ nhàng theo hình vòng tròn phần gót chân. Lặp lại thao tác cho chân kia.
4. Ngón chân
Cầm mỗi ngón chân của bé bằng ngón trỏ và ngón cái, nhẹ nhàng kéo từ trong ra ngoài. Lặp lại thao tác cho tất cả 10 ngón chân.
5. Cánh tay
Động tác tương tự với phần chân.
6. Bàn tay
Dùng ngón tay cái của bạn xoa lòng bàn tay của bé, đặc biệt là phần mu bàn tay, theo hình vòng tròn.
7. Ngón tay
Nhẹ nhàng giữ ngón tay của bé giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ rồi kéo từ trong ra ngoài. Lặp lại thao tác cho tất cả 10 ngón tay.
8. Ngực
Đặt tay với tư thế chữ V trên ngực bé. Sau đó, vuốt các ngón tay của bạn trên ngực bé theo hướng từ trong ra ngoài.
9. Ngực – Bụng
Đặt úp một tay nằm ngang trên ngực bé, vuốt nhẹ nhàng từ ngực xuống đùi. Thực hiện với hai bàn tay xen kẽ.
10. Lưng bé
Cho bé nằm sấp. Dùng các đầu ngón tay xoa những vòng tròn nhỏ dọc hai bên xương sống từ cổ tới mông.
Tiếp đó, áp hai bàn tay lên lưng bé theo chiều ngang, miết đôi tay bạn suốt chiều dài của lưng bé. Lặp lại nhiều lần.
Lưu ý khi massage cho trẻ sơ sinh, chỉ dùng lực vừa phải, không làm quá mạnh có thể khiến bé bị đau. Bạn nên quan sát bé trong lúc massage, nếu bạn thao tác đúng, bé thường sẽ tỏ ra thư giãn, dễ chịu, cũng giống như người lớn chúng ta khi đi massage vậy.
Trước khi bé 1 tuổi, bé có thể bắt đầu sử dụng một hoặc hai từ có nghĩa. Vài tháng tiếp theo, bé sẽ cố gắng bắt chép một vài từ, và bạn có thể nghe bé bập bẹ như thể đang nói chuyện. Thậm chí, bé sẽ luyện tập cả giọng điệu, như cao giọng khi đặt câu hỏi. Bé có thể nói “Bế?” khi đòi bế, ví dụ như thế.
Bé đang học cách sử dụng sức mạnh của lời nói như là một phương tiện để thể hiện nhu cầu của bé. Cho tới khi bé học được thêm nhiều từ để diễn đạt ý kiến và mong muốn, bé sẽ có thể kết hợp ngôn ngữ nói với cử chỉ để diễn đạt điều bé muốn. Ví dụ như, bé sẽ chỉ tay về phía món đồ chơi yêu thích của bé và nói “banh”.
Một số bé phát triển toàn bộ ngôn ngữ cử chỉ để giao tiếp với bố mẹ. Ví dụ, bé có thể đặt tay lên miệng khi muốn ăn hoặc nện vào bàn khi bé bực mình.
Đừng lo lắng nếu bé nỗ lực để diễn đạt ý của mình. Điều này thật ra là một dấu hiệu tốt cho thấy bé đang cố gắng nhiều để giao tiếp và đừng làm lơ bé cho dù bạn có hiểu bé hay không.
Khi được 18 tháng tuổi, bé sẽ có thể bắt đầu nói được nhiều phụ âm. Học cách phát âm những từ này là một bước ngoặt đối với bé, nhờ thế bé học được rất nhiều từ vựng ở thời điểm này. Tuy nhiên, đừng kỳ vọng là bạn có thể nghe tất cả những âm thanh đó thành những từ thật sự.
Bé tập nói từ 19 đến 24 tháng tuổi
Bây giờ bé đã hiểu được những câu hỏi và câu điều kiện đơn giản. Mỗi tháng bé sẽ học thêm được vài từ mới. Đa số những từ này là danh từ chỉ những sự vật trong cuộc sống hằng ngày của bé, như là “xe” và “cá”.
Suốt giai đoạn này, bé có thể bắt đầu nối hai từ lại với nhau, tạo những câu đơn giản như “Bế con”. Vì kỹ năng ngữ pháp của bé vẫn chưa phát triển, bạn có thể sẽ nghe những câu kỳ quặc như “Cá bò”.
Thỉnh thoảng bé sẽ cố sức đặt tên cho những sự vật mới mà bé quan sát thấy ở thế giới xung quanh bé. Tuy nhiên, bé có thể mở rộng những từ bé đã biết theo cách của riêng mình, ví dụ như tất cả những con thú mới đều được bé gọi là “chó”. Bạn cũng có thể nghe bé nói những câu sai ngữ pháp một cách buồn cười, đặc biệt là các đại từ nhân xưng.
Khi bé được khoảng 2 tuổi, bé sẽ bắt đầu sử dụng những câu đơn giản gồm từ 2 đến 4 từ và hát những giai điệu đơn giản. Khi nhận thức về bản thân phát triển, bé sẽ sử dụng từ “con” để chỉ bé, và bé chắc chắn thích kể cho bạn nghe bé thích gì và không thích gì, bé nghĩ gì và bé cảm thấy như thế nào.
5 dưỡng chất mẹ không thể bỏ qua khi cho bé ăn dặm
Trong 4-6 tháng đầu đời, tất cả những gì trẻ cần là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bạn có thể hơi mơ hồ một chút về nhu cầu dinh dưỡng của con trong giai đoạn đầu này cũng không sao. Nhưng đến khi con chuyển dần sang ăn thực phẩm đặc thì chính bạn phải tỉ mỉ chọn cho trẻ những loại tốt nhất. Những dưỡng chất sau đây là thứ bạn cần phải biết và hết sức để ý đấy!
Chất sắt
Sữa công thức và ngũ cốc trẻ em có bổ sung chất sắt giúp sản xuất hồng cầu, tế bào máu đóng vai trò vận chuyển oxy đi khắp cơ thể phục vụ quá trình trao đổi chất. Ngoài ra chất sắt còn giúp phát triển não bộ, bao gồm các kỹ năng vận động và trí nhớ. Con bạn cần 11mg sắt mỗi ngày từ sữa công thức, ngũ cốc hoặc các thực phẩm giàu sắt khác như thịt gia súc, gà, cá, trứng, quả bơ, bông cải xanh và rau bó xôi.
Kẽm
Giống chất sắt, kẽm giúp phát triển não bộ và củng cố sức khỏe toàn diện của trẻ. Kẽm cung cấp nhiên liệu cho quá trình sản xuất bạch cầu kháng nhiễm, bảo đảm cho các tế bào cơ thể phát triển và tự điều chỉnh hợp lý. Trẻ 6 tháng tuổi cần 3mg kẽm mỗi ngày từ sữa công thức, ngũ cốc bổ sung dinh dưỡng và các loại thực phẩm giàu sắt cũng đồng thời giàu kẽm kể trên, nhất là thịt gia súc và gia cầm sẫm màu.
Canxi và vitamin D
Canxi cần thiết cho sự hình thành khung xương khoẻ mạnh, còn vitamin D giúp cơ thể trẻ hấp thu canxi. Cả sữa công thức và sữa mẹ đều cung cấp đủ lượng canxi trẻ cần trong năm đầu đời, nhưng chỉ những trẻ uống sữa công thức mới nhận đủ 400 IU vitamin D theo yêu cầu. Thường những trẻ bú sữa mẹ sẽ được kê đơn uống vitamin D bổ sung, vì có rất ít thực phẩm tự nhiên chứa hàm lượng vitamin D cao. Bạn cũng có thể cho trẻ ăn sữa chua và ngũ cốc bổ sung dinh dưỡng, lòng đỏ trứng và cá để cung cấp thêm vitamin D.
Omega 3 / DHA
Omega 3 hay còn gọi là DHA là loại axit béo tốt cho sức khoẻ tim mạch của bé. Trong gian đoạn đầu đời, DHA đóng vai trò lớn nhất trong việc phát triển trí não và đôi mắt. Nghiên cứu khoa học cho thấy những trẻ thiếu DHA có khả năng nhận biết kém hơn những trẻ khác.
Ngoài ra, những chất béo có lợi như omega giúp cơ thể hấp thu các loại vitamin hoà tan trong chất béo như A, B, C, E… Trẻ bú mẹ hay sữa công thức bổ sung DHA hoặc kết hợp cả hai đều được cung cấp đủ lượng DHA cần thiết. Nếu cần, bạn có thể cho nhóc con ăn thêm bơ hoặc cá hồi cũng là cách bổ sung DHA tốt cho bé.
Vitamin A, B, C và E
Đây là 4 loại vitamin “đa năng”, cần thiết về nhiều mặt cho cơ thể bé: giúp trí não, thần kinh và các cơ quan chức năng như mắt, da, hệ miễn dịch… phát triển một cách khoẻ mạnh. Bí quyết để cung cấp đủ các loại vitamin này là bạn hãy cho trẻ ăn thực phẩm nhiều màu sắc. Cà rốt và khoai lang giàu vitamin A. Rau xanh, chuối và đậu có nhiều vitamin B. Cà chua, dâu tây, dưa lưới phong phú vitamin C còn ngũ cốc và các loại hạt thì nhiều vitamin E.
5 loại thực phẩm cho bé ăn dặm mà bạn cần tránh
Nếu bé không ăn một nhóm thực phẩm nào đó khi còn nhỏ, điều này có thể sẽ rất khó thay đổi những năm sau này. Đó là lý do vì sao bạn nên khuyến khích con thử đa dạng các món ăn trong giai đoạn bé ăn dặm. Tuy nhiên, vẫn có những thực phẩm bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho bé thử.
1. Mật ong
Mật ong có khả năng chữa thương tự nhiên và có vị ngon ngọt nhưng bạn có biết rằng nó có nguy cơ gây ngộ độc cho con yêu? Điều này tuy không ảnh hưởng đến người lớn nhưng có thể gây hại cho đường tiêu hoá còn non nớt của bé. Mật ong nguyên chất không nên xuất hiện trong thực đơn cho bé ăn dặm trong năm đầu đời. Đừng lo lắng con yêu sẽ không thể thưởng thức món ăn bổ dưỡng này vì hầu hết trẻ mầm non có thể dễ dàng hấp thu mật ong, đặc biệt nếu nó được thêm vào bánh hoặc những thức ăn được nấu chín.
2. Các loại quả, hạt và các loại đậu là thực phẩm cho bé ăn dặm
Những thực phẩm này có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại có kích thước nhỏ, do đó chúng tiềm ẩn nguy cơ gây ngạt thở cho các nhóc tì. Một số loại hạt thường gặp như đậu phộng, hạt hướng dương, hạt điều, hạnh nhân, óc chó,… Bạn có thể thêm chúng vào thực đơn của bé bằng cách xay nhuyễn thành bột mịn, sau đó cho một lượng nhỏ cỡ nửa muỗng cà phê vào trong bột ăn dặm của bé. Khi mới cho bé làm quen với các loại hạt này, bạn nên bắt đầu với một lượng nhỏ để xem thử bé có bị dị ứng hay không.
3. Đường và muối
Đây là những thực phẩm cho bé ăn dặm bạn nên tránh xa. Những gia vị này không nên được thêm vào thực đơn cho bé ăn dặm. Nếu bạn cho bé ăn thức ăn đóng hộp, cần kiểm tra hàm lượng muối và đường trên vỏ hộp. Chọn những loại có hàm lượng gia vị thấp nhất có thể hoặc hoàn toàn không có muối và đường trong thành phần. Lý do là trẻ sẽ phải mất một khoảng thời gian làm quen với thức ăn dặm trước khi phát triển vị giác để có thể tiếp nhận muối và đường. Đừng lo, con yêu sẽ không cảm thấy món ăn lạt lẽo giống như những người lớn khác trong nhà đâu. Việc không thêm muối và đường vào thực đơn sẽ giúp cho vị giác còn non nớt của trẻ trải nghiệm được những mùi vị tinh tế của thức ăn tốt hơn.
4. Sữa bò
Bạn không nên cho bé làm quen với sữa bò trước khi bé được 1 tuổi. Một số trẻ em Việt Nam gặp phải tình trạng không dung nạp lactose, thành phần có trong sữa bò, nên trẻ sẽ có nguy cơ bị dị ứng. Khi cho bé uống sữa bò, nên thử với một lượng nhỏ để kiểm tra phản ứng của bé. Hãy cảnh giác với thực phẩm cho bé ăn dặm nhạy cảm này, bạn nhé!
5. Một số loại trái cây có hạt
Nho và táo cùng những trái cây có hạt khác là những tác nhân gây ngạt nguy hiểm cho bé. Do đó, đừng quên cắt chúng thật nhỏ và loại bỏ hạt để bé có thể hấp thu giá trị dinh dưỡng của chúng một cách an toàn. Kể cả khi bé bắt đầu tập đi và có thể nhai tốt, bạn vẫn nên cẩn thận với nho.
Một số lưu ý khi cho bé tập ăn rau
Khi con chỉ ăn một nhóm rau củ nào đó mà không ăn các nhóm rau rủ khác, trong cơ thể con chắc chắn sẽ thiếu một phần chất dinh dưỡng. Ngoài ra, các cách sơ chế và nấu nướng thực phẩm cho bé ăn dặm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị dinh dưỡng của rau củ. Mẹ hãy áp dụng một số bí quyết dưới đây nhé.
1. Dùng nồi, chảo bằng nhôm để nấu rau
Các món ăn, bao gồm rau củ quả, luôn chứa một lượng axít nhất định. Nếu dùng nồi đồng hoặc chảo đồng để nấu rau có thể khiến cho rau bị nhiễm đồng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài của con. Vì thế, các chuyên gia khuyên các mẹ nên dùng nồi nhôm hoặc sắt để chế biến thức ăn một cách an toàn.
2. Cho con ăn cả rau, củ, quả
Các loại rau có chứa nhiều vitamin tổng hợp, nhất là vitamin C giúp tăng cường đề kháng. Ngoài ra rau còn chứa các muối vô cơ tốt cho cơ thể. Khi con không thích ăn rau mà chỉ thích ăn củ, nhiều mẹ đã sai lầm khi chiều theo con, vô tình đánh mất đi nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào cho con.
3. Cho con tiếp xúc với ngũ cốc quá sớm
Trong nhiều trường hợp, bạn không nên tập cho con ăn dặm với ngũ cốc và các loại đậu, vì điều này dễ gây dị ứng với protein.
♦Một số sai lầm trong khâu sơ chế thực phẩm cho bé ăn dặm, nấu rau và cho con ăn rau
Khi mua rau về, mẹ cần sơ chế và nấu ngay. Nếu mẹ cất rau vào tủ lạnh hoặc ngâm nước quá lâu, rau sẽ không còn tươi và mất đi một phần dinh dưỡng.
Khi nấu soup, mẹ tránh dùng cải bó xôi, hành tây… vì các loại rau có chứ acid oxalic này khi nấu cùng soup sẽ khống chế sự hấp thu canxi của con.
Nhiều mẹ chỉ nấu rau và cho con ăn nước mà bỏ phần xác đi. Xác rau chứa chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hoá của con. Vì thế, khi cho con ăn dặm, các mẹ nên cho con ăn cả phần rau, có thể băm nhuyễn rau ra trước khi nấu, giúp con ăn dễ dàng hơn.
Để bữa ăn dặm là hành trình khám phá vui vẻ của hai mẹ con, bạn hãy chịu khó và kiên nhẫn với bé nhé!
Làm thế nào để bé ăn dặm ngon lành?
Bác sĩ Lê Kim Huệ – Bác sĩ Chuyên khoa 1 về Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm tư vấn và giải đáp: “Có thể trong quá trình chuẩn bị cho trẻ ăn dặm, bé có thể không ngon miệng nếu bạn mắc phải một số sai lầm dưới đây”:
Thứ nhất: Có thể mẹ đã cho bé ăn dặm quá sớm
Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã khuyến cáo, tùy vào thể trạng của trẻ, mẹ hãy bắt đầu cho bé ăn dặm với các bữa nhỏ, dung lượng ít, từ tháng thứ 6 trở đi là tốt nhất. Hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa phát triển toàn diện, nên khi ăn quá sớm, bé sẽ dễ nôn trớ, dẫn đến tình trạng chán ăn, thậm chí hoảng sợ khi mỗi lần mẹ bưng bát đến gần. Mẹ nên hiểu rằng, không phải cứ cho bé ăn sớm là sẽ tăng cân, mau lớn mà hãy cho bé tự do phát triển theo yêu cầu của cơ thế.
Thứ hai : Mẹ chưa biết cách cân bằng thực phẩm cho bé.
Mặc dù mẹ đã kỳ công nấu các món ăn nhưng lại chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn thực phẩm cho bé ăn dặm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.
Cụ thể, trong tuần thứ nhất cho bé ăn dặm, mẹ không nên vội vàng cho bé ăn thịt cá ngay, chỉ nên cho trẻ nếm chút bột ăn dặm sữa pha loãng, khẩu phần bột có thể tăng lên một khi bé đã quen dần. Sau tháng thứ 7, là lúc cơ thể trẻ cần thêm dinh dưỡng để phát triển hơn, mẹ hãy bắt đầu bổ sung dinh dường từ thịt gà, cá được luộc mềm rồi tán nhuyễn hoặc thịt thì băm nhuyễn hoặc sau đó hòa loãng ra bằng nước luộc. Thêm một ít bột gạo hòa tan vào 1 chút nước, rồi hòa cùng bát cá, thịt sau đó nấu lên cho bé. Còn với loại nước uống hằng ngày, có thể bạn cho bé uống 1/2 quả quýt ngọt pha loãng, có tác dụng làm mát và tăng sức đề kháng cho bé những ngày hè.
[inline_article id=247239]
Thứ ba: Lạm dụng gia vị khi bé chưa tròn 9 tháng
Thận của trẻ còn yếu, chưa quen với việc lọc muối, đường, bột nêm… Trước khi con 9 tháng tuổi, thực phẩm cho bé ăn dặm không cần nêm gia vị hoặc mẹ chỉ nêm nhạt bằng muối hoặc nước mắm.
Thứ tư: Mẹ chưa biết cách pha bột hấp dẫn trẻ.
Lần đầu tiên ăn dặm nếu thực phẩm cho bé ăn dặm không đủ ngon, bột quá loãng, quá đặc, quá nhạt hoặc quá mặn thì cho dù mẹ ép đến bao nhiêu thì trẻ vẫn khóc, nôn và sẽ từ chối bữa ăn. Vì vậy, trước hết mẹ hãy pha bột theo phương thức từ ít đến nhiều, bắt đầu từ 1 thìa cà phê khẩu phần ăn, khi bé đã quen thì bắt đầu tăng lên khoảng 2 đến 3 muỗng… Các tuần tiếp theo, bạn tiếp tục cho trẻ ăn bột loãng với lượng như vậy, khi bé đã quen thì bắt đầu tăng từ 1 bữa bột/ngày, lên 2 bữa bột/ngày, lên 3 bữa bột/ngày và sau đó nấu bột đặc dần cho trẻ ăn. Mẹ có thể dùng bột mặn gạo sữa, yến mạch sữa… giúp bé tập ăn dễ hơn với hương vị quen thuộc từ sữa mẹ và giúp mẹ đỡ bối rối hơn trong khâu chuẩn bị bữa ăn.
Tùy theo từng giai đoạn, qua tháng thứ 7 mẹ có thể cho trẻ chuyển từ bột ăn dặm vị ngọt đến bột ăn dặm vị mặn. Mẹ nên ưu tiên các loại bột ăn dặm nhiều dưỡng chất, giúp bé tiêu hóa tốt hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa của bé, giúp hấp thụ các dưỡng chất tốt hơn. Các vi chất Kẽm, Sắt, Vitamin D3, A, C giúp tăng cường sức đề kháng bảo vệ bé luôn khỏe mạnh.
Mình nghe nói bôi mật ong sẽ làm cho môi bé hồng,mình rất muốn thử.
Nhưng có người nói với mình là không được dùng mật ong cho be dưới 1tuổi.
Giờ mình rất phân vân không biết có nên bôi cho bé không,có mẹ nào biết chỉ mình với!
Phát triển ngôn ngữ cho bé trong năm đầu đời rất quan trọng đối với khả năng giao tiếp khi lớn lên của trẻ. Cùng tham khảo để biết về cách giúp con phát triển khả năng giao tiếp trong năm đầu đời mẹ nhé!
Phát triển ngôn ngữ của bé trong năm đầu đời như thế nào?
1. Bé từ 0 – 3 tháng tuổi
Khóc là cách thức đầu tiên và duy nhất mà bé giao tiếp với bạn trong suốt vài tuần lễ đầu đời. Bé sẽ khóc để báo hiệu đang đói, tè dầm hoặc khó chịu trong người. Càng lớn, bé sẽ bắt đầu biết phát ra những âm thanh không rõ ràng hay những nguyên âm như: a, ê, ư, ơ…
Mặc dù bé chưa biết nói hay chưa thực sự biết bập bẹ một từ nào nhưng kỹ năng ngôn ngữ của bé vẫn đang hình thành. Bé đang lắng nghe và tìm hiểu thế giới xung quanh. Bé có thể giật mình nếu nghe thấy một tiếng động lớn và ngoảnh đầu về hướng có tiếng nói của mẹ.
Bạn có thể giúp thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và khả năng nói của bé bằng cách hát hoặc kể chuyện cho bé nghe. Hãy thường xuyên trò chuyện thủ thỉ và cho bé tiếp xúc với nhiều loại âm thanh và âm nhạc khác nhau.
2. Từ 4 – 6 tháng tuổi
Trong 3 tháng tiếp theo này, ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của trẻ bắt đầu phát triển mạnh. Những âm thanh không rõ ràng giờ đây trở thành tiếng bi bô, bập bẹ. Bé có thể phát ra những phụ âm có một âm tiết như n, k, g, p, và b. Bé biết cười to và dĩ nhiên vẫn còn khóc để giao tiếp với mẹ.
Bạn có thể khuyến khích trẻ phát triển ngôn ngữ bằng cách chơi đùa cùng bé thường xuyên hơn. Hãy gọi tên con khi bạn trò chuyện với bé. Hãy lặp đi lặp lại những âm thanh mà bé dùng để trò chuyện với bạn và khuyến khích bé bắt chước nói theo. Chiếc lúc lắc là món đồ chơi rất thích hợp với lứa tuổi này.
3. Từ 7 – 9 tháng tuổi
Bé vẫn tiếp tục nói bi bô và tiến bộ hơn trước với kiểu cách như thực sự bé đang trò chuyện. Bé có thể nói được hai âm tiết như mama, dada. Mặc dù những âm thanh này nghe rất giống như từ ngữ thật nhưng thực ra bé vẫn chưa có thể liên kết chúng với người hoặc sự vật thật sự bên ngoài. Bé sẽ tiếp tục nói bi bô để học thêm được càng nhiều âm thanh mới trong suốt khoảng thời gian này. Bé cũng bắt đầu hiểu chuyện nhiều hơn như các mệnh lệnh đơn giản (không, không được). Vốn từ vựng của bé giờ đây đã phong phú, bé có thể hiểu được khá nhiều từ.
Bằng cách chơi đùa cùng bé, bạn có thể khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ của con. Việc hát bài hát mô tả các bộ phận cơ thể như: đầu và vai, đầu gối, và ngón chân hoặc chơi trò chơi như “Bụng con nằm ở đâu?”, “Mũi con ở đâu nè?” “Ngón chân của con đâu mất tiêu rồi?” là một cách tuyệt vời để tăng cường kỹ năng ngôn ngữ của trẻ.
Trong 3 tháng cuối của năm đầu tiên, bạn có thể nghe bé nói từ đầu tiên. Khi được một tuổi, hầu hết mọi đứa trẻ có thể nói được từ 3 đến 5 từ. Ngoài việc biết nói, kỹ năng hiểu biết của bé về ngôn ngữ nói cũng bắt đầu phát triển. Bé có thể lắc đầu để diễn tả “không”, vẫy tay chào tạm biệt và làm theo vài mệnh lệnh đơn giản.
Bạn có thể khuyến khích bé nói chuyện thông qua các hoạt động đọc truyện, hát ru và chơi các trò chơi như là ú oà. Việc bặt chước những âm thanh của các loài động vật cũng là một cách khuyến khích bé tập nói.
Bé không nói được khi tròn một tuổi không có nghĩa là bé gặp vấn đề về ngôn ngữ, trừ phi có thêm những dấu hiệu chậm phát triển khác. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo lắng về vấn đề phát triển ngôn ngữ của con.
Phát triển ngôn ngữ và hành vi của trẻ từ 12 -24 tháng tuổi
Tạo vốn từ cho bé bằng cách lặp đi lặp lại. Khi bé lặp đi lặp lại một âm thanh nào đó để chỉ một món đồ, đó được coi là một “từ” mà bé có thể nói được. Ví dụ như bé luôn nói “su” mỗi khi đòi uống sữa thì tức là bé đã hiểu từ “su” này tượng trưng cho thứ nước màu trắng ngon lành đó. Do đó, hãy luôn sửa các phát âm của bé. Bạn có thể dạy cho bé cách phát âm bằng cách nói ra những điều mà bạn biết là bé đang ám chỉ: Con muốn uống sữa phải không?
Hãy để ý cách bé sử dụng hành động để giao tiếp. Việc bé giao tiếp bằng cử chỉ hay nét mặt cũng rất quan trọng. Ví dụ như khi bé nắm tay và dẫn bạn đến bên một món đồ chơi, hành động này có nghĩa là bé muốn nói: Con muốn chơi món đồ chơi này. Nếu con bạn biết truyền đạt ý muốn qua những hành động như thế này thì kỹ năng ngôn ngữ nói của bé rất có thể theo đó mà phát triển. Bạn có thể giúp bé bằng cách lặp lại “thông điệp” mà bé “gửi” đến bạn: “Con muốn mẹ chơi cùng con sao? Mẹ đến đây!”.
Bạn nói chuyện với con càng nhiều thì trẻ sẽ học được càng nhiều từ. Trẻ học được ngôn ngữ là từ bạn – người thầy đầu tiên và tốt nhất của trẻ.
Trẻ được học 2 ngôn ngữ cùng một lúc cũng có lợi. Đây là một cách tuyệt vời giúp xây dựng một mối quan hệ gần gũi giữa bé và cộng đồng hay văn hoá. Khi kỹ năng ngôn ngữ của trẻ phát triển, bố mẹ có thể kết hợp dạy tiếng mẹ đẻ và một ngoại ngữ khác như tiếng Anh chẳng hạn.
1. Trẻ có các hành vi thách thức liên tục
Cứ mỗi 3 tới 9 phút, các bậc bố mẹ lại phải đối phó với hành vi thách thức của trẻ.
2. Hành vi thách thức này có ý nghĩa gì?
Bé thường thử nghiệm những hành động khác nhau để xem phản ứng của bạn ra sao. Phản ứng của bạn ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy dỗ con cũng như cách cư xử của bé.
Đưa ra các quy tắc rõ ràng cũng là bước khởi đầu giúp bé hình thành tính cách đầu đời. Bé cần được nhắc nhở thường xuyên về những quy tắc nên hoặc không nên vì lúc này trí nhớ của bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Ví dụ như bố mẹ nên nói với bé là “Hãy đặt các khối lắp ráp vào thùng” thay vì nói “Hãy dọn dẹp đồ chơi của con đi”.
Nhất quán. Ví dụ, cứ mỗi khi bé ném một món đồ chơi ra xa, bố mẹ có thể phạt bé bằng cách lấy lại và không cho bé chơi món đồ chơi đó nữa. Sau đó, hãy đưa lại cho bé để xem bé còn ném đồ chơi đi nữa không.
Kiên nhẫn và bình tĩnh. Tất cả đứa trẻ đều cần có thời gian “thử” các quy tắc. Vì thế càng kiên nhẫn và bình tĩnh trong cách phản ứng sẽ càng hiệu quả hơn trong việc dạy bé cách tự chủ.
Các bí quyết khác phát triển ngôn ngữ cho bé từ trong nôi
Đáp lại tiếng khóc: Hãy trả lời tiếng khóc, bằng cách nhìn vào mắt bé, gật đầu và nói những lời âu yếm. Bé sẽ biết rằng mình đang được lắng nghe, được sống trong một nơi an toàn, nơi mà các nhu cầu đều được đáp ứng. Người thân càng hiểu các tín hiệu của trẻ sẽ càng khích lệ trẻ giao tiếp.
Gọi tên sự vật nhiều lần: Dùng câu ngắn và luôn lặp lại ít nhất 2 lần với trẻ. Điều này giúp bé khắc sâu hơn trong trí nhớ, tạo dựng không gian ngôn ngữ cho trẻ, giúp trẻ liên kết từ tốt hơn để hiểu ý nghĩa của từ vựng.
Trực quan: Tập cho trẻ nhìn vào đồ vật thật, rồi nhìn vào miệng của mẹ khi phát âm, trẻ cần ghi nhớ khẩu hình để biết cách phát âm.
Âm nhạc: Những bài hát thiếu nhi rất có tác dụng trong giai đoạn hình thành ngôn ngữ từ 0-2 tuổi, không chỉ giúp bé dễ ngủ mà những bài hát sôi động còn giúp tăng vốn từ vựng, kích thích lòng ham thích giao tiếp ở trẻ. Mẹ tự hát càng tốt, rồi tập cho trẻ hát theo, điều ấy giúp trẻ thấy thân thuộc, gần gũi hơn với giai điệu và ca từ.
Đừng làm bé rối: Khi nghe mẹ nói chuyện, bé sẽ rất thích nói lại với mẹ, vì thế mẹ hãy nhớ chờ đợi sự phản hồi từ bé bằng cách nhìn vào mắt con trìu mến, yêu thương.
Mở rộng phạm vi giao tiếp: Đưa trẻ ra ngoài, đến những nơi mới mẻ như công viên, rạp xiếc, khu vui chơi, nhà người thân, cửa hàng… để trẻ làm quen với các tiếng nói lạ, ngôn ngữ phong phú trong cuộc sống. Tiếp xúc với càng nhiều hoàn cảnh mới, sự vật mới sẽ giúp mở rộng khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Cần tuân thủ những nguyên tắc gì?
Sử dụng ngôn ngữ chuẩn (cả trong ngữ điệu và ngôn từ), tránh dùng từ không hay, từ lóng trước mặt trẻ và không nói ngọng theo trẻ.
Độ phức tạp tăng dần: Đi từ dễ đến khó, từ cái thân thuộc đến cái ở xa, trừu tượng hơn.
Kiên nhẫn và kiên nhẫn: Cho dù bé chưa nói được hay chỉ mới ê a những từ vô nghĩa thì ba mẹ vẫn hãy luôn kiên nhẫn trò chuyện với con. Khi nói chuyện, bạn nên chọn những câu ngắn, đơn giản để dạy bé dễ tiếp thu.
Luôn khen ngợi, động viên khi trẻ nói được từ mới. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin và hào hứng hơn, thích nói, thích học từ mới hơn.
Mức độ vitamin D của mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Một nghiên cứu được thực hiện không tìm thấy mối liên quan giữa thiếu vitamin D trong thời kỳ mang thai và sự phát triển hành vi, nhưng họ đã tìm thấy sự suy giảm đáng kể trong ngôn ngữ giữa các nhóm trẻ được sinh ra.
Nhóm phụ nữ có mức độ vitamin D thấp nhất trong suốt thai kỳ sẽ có con gặp khó khăn về ngôn ngữ vào độ tuổi lên 5 và lên 10 cao gấp 2 lần trở lên so với nhóm phụ nữ có mức độ vitamin D cao hơn.
Kết luận cũng chỉ ra rằng, cung cấp đầy đủ vitamin D trong suốt thai kỳ có thể giảm nguy cơ trẻ kém phát triển hay gặp khó khăn về ngôn ngữ sau này.
Hầu hết, chúng ta bổ sung vitamin bằng sữa, sữa chua bổ dưỡng, nước trái cây, cá, phơi nắng hoặc uống viên bổ sung trực tiếp. Nếu bạn đang sống trong khu vực xa đường xích đạo, đang mang thai trong mùa đông và không được ăn hay uống các sản phẩm giàu vitamin D, bạn và em bé của bạn có thể bị thiếu.
Việc thường xuyên phơi nắng 5 – 30 phút có thể giúp cơ thể hấp thụ đủ lượng vitamin D thiết yếu. Bạn cũng có thể xin ý kiến của bác sĩ nếu muốn bổ sung vitamin D theo cách khác.
Trong thực tế, với bao tử nhỏ, mức độ hoạt động cao và cơ thể phát triển nhanh chóng, bé của bạn cần một tỷ lệ chất béo trong chế độ ăn uống cao hơn so với người lớn.
Sữa nguyên chất có bổ sung vitamin A và D là nguồn calorie và chất dinh dưỡng chủ yếu trong giai đoạn bé 1-2 tuổi. Bé yêu cần 500 mg canxi mỗi ngày để phát triển xương. Phô mai và sữa giàu chất béo cũng là những lựa chọn tốt.
Ba mẹ cần đáp ứng các nhu cầu về năng lượng của trẻ thông qua các bữa ăn chính và bữa nhẹ một cách đa dạng và lành mạnh. Ngoài các sản phẩm sữa giàu chất béo và các loại thịt, nên cung cấp nhiều ngũ cốc có tăng cường chất sắt, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, các loại trái cây và rau củ để làm đa dạng chế độ ăn uống của bé.
Khi bé bước vào tuổi tập đi, bé nên được ngồi vào bàn ăn với mọi người, cùng ăn những loại thực phẩm mà các thành viên của gia đình đang ăn, và uống nước từ ly thay vì bình.
Đừng quên khi gần tới sinh nhật đầu tiên, sẽ khó để bé chịu ăn nhiều món mới. Tuy nhiên, bé cũng có thể thích hoặc không thích một món ăn chỉ trong vài ngày. Ngày hôm trước, bé có thể ít quan tâm đến việc ăn uống, rồi ngày hôm sau lại ăn uống như thể bị bỏ đói. Đây là điều chúng ta mong đợi, nó cho bé cơ hội học cách nhận biết và đáp ứng các tín hiệu đói. Bạn cần biết nhu cầu và khẩu vị là rất khác nhau, và nên cho phép bé chọn lựa lượng thức ăn của mình.
Một khi con lên 2 tuổi, bạn có thể dần dần bắt đầu giảm lượng chất béo trong chế độ ăn uống của bé. Đây cũng là lúc nên cho bé chuyển sang uống sữa ít béo. Bạn có thể tìm các sản phẩm ít béo từ sữa như sữa chua và các chế phẩm khác.
Tuy nhiên, chất béo vẫn quan trọng đối với sự phát triển trong giai đoạn trước tuổi đi học của trẻ, vì thế chưa nên chuyển sang các sản phẩm không béo vào lúc này. Nếu bạn lo lắng con đang tăng cân quá nhiều, nên trao đổi với bác sĩ trước khi thay đổi chế độ dinh dưỡng của bé.
Hầu hết các mẹ đều cảm thấy tã dùng ban đêm không hiệu quả lắm trong việc chống tràn. Có vẻ như những loại tã đó không được thiết kế để giữ đủ lượng nước tiểu của bé trong vòng 10 tiếng đồng hồ, cho dù giá của chúng có đắt tiền thế nào. Một vài thương hiệu tã tốt hơn các thương hiệu khác, tuy nhiên cho dù bạn chọn thương hiệu nào, bạn chắc chắn phải chuẩn bị thêm vài bước để ngăn bé tè tràn ra ngoài.
Bước đầu tiên là sử dụng một miếng vải dày đặt trên hoặc dưới tã của bé. Miếng vải này sẽ giúp thấm hút tốt hơn và nếu bạn đặt dưới bỉm thì đó là một cách tốt để giúp bạn nhận biết khi nào bé bị ẩm ướt. Miếng vải này rất dễ giặt, sấy và nó sẽ thật sự thúc đẩy bé tập đi vệ sinh.
Một giải pháp khác là bạn đặt may vài bộ ra giường chống thấm. Chúng sẽ bảo vệ giường nhà bạn không bị ướt nếu bé có lỡ tè tràn ra ngoài, và những bộ ra giường này rất dễ giặt, sấy. Điểm đặc biệt là chúng không tạo cảm giác hay âm thanh như khi chúng ta nằm trên một miếng nhựa. Một lợi ích khác của loại ra giường này là nó được thiết kế giống như những miếng trải trong bệnh viện có khả năng hút thấm, vì thế bé không phải nằm trong vũng nước cả đêm.
Nếu bạn thấy hai cách trên không hiệu quả, một giải pháp khác là liên tục thay đồ cho bé suốt đêm. Đây không phải giải pháp hay nhưng nếu không còn cách nào khác thì đây là cách duy nhất còn lại.
Một phần nguyên nhân khiến bé tè tràn ra ngoài vào ban đêm là vì bé uống quá nhiều nước hoặc sữa trước khi ngủ. Theo ý kiến của các bác sỹ, nhiều bé thường bú nhiều sữa vào buôi tối. Không có cách nào để những quả thận nhỏ của bé có thể xử lý nhanh chóng, vì thế bé sẽ tè khi đang ngủ. Nếu vấn đề này xảy ra liên tục thì cách duy nhất để tránh tình trạng này là hạn chế bé uống sữa, uống nước 2 tiếng trước khi ngủ.
Nếu bé đã đủ lớn, nên khuyến khích bé tự đi vệ sinh mỗi 2 tiếng đồng hồ. Một số bé có thể nhịn tiểu vì bé quá bận rộn, và với những biện pháp bảo vệ cẩn thận bạn có thể đạt được một bước tiến lớn trong việc dạy bé tự đi vệ sinh bằng cách khuyến khích bé sử dụng nhà vệ sinh khi bé có nhu cầu. Cho dù mục đích của bạn như thế nào thì việc hạn chế bé uống nước vào buổi chiều tối vẫn là giải pháp tốt nhất.
Không có bất kì loại tã nào hoàn toàn chống tràn, đặc biệt khi lượng nước tiểu của bé quá nhiều. Vấn đề này có thể đeo bám bố mẹ nhiều năm, vì thế bố mẹ nên kết hợp nhiều giải pháp để tạo ra một cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này. Nếu bạn cảm thấy không có giải pháp nào hiệu quả hơn, có thể thử dùng tã dành cho độ tuổi lớn hơn hoặc thậm chí là dùng tã người lớn cho bé để có được hiệu quả tốt nhất vì những loại tã này có độ thấm hút tốt hơn.
Bạn có thể gặp một chút khó khăn khi mặc những loại tã này cho bé nhưng nó lại có hiệu quả trong việc ngăn bé tè tràn ra ngoài và giúp bạn thoát khỏi công việc giặt giũ ra mền vào sáng hôm sau.